Gout ăn mặc giản dị
Ông Lý Quang Diệu là khách hàng thân thiết của hiệu may CYC The Custom Shop do bà Fong Loo Fern quản lý theo truyền thống của gia đình. Trong ký ức của người phụ nữ 61 tuổi, cựu thủ tướng Singapore là một vị khách hàng vô cùng đặc biệt. Bà Fong hồi tưởng:
“Ông Lý hay đặt may áo sơ mi và pyjamas ở cửa hiệu của chúng tôi. Tên của ông thường được thêu đầy đủ trên áo. Thời trước, lúc bố tôi quản lý hiệu may vào những năm 1960 thì ông đảm trách phần may mặc cho ngài thủ tướng. Bố tôi rất kính phục ông Lý Quang Diệu, ông ấy là vị anh hùng trong lòng bố tô.
Bố tôi chỉ có dịp gặp ông Lý vài lần trong những năm 1960, sau đó thì mọi chuyện đều do bà Lý sắp xếp cho đến khi bà ấy qua đời. Bà Lý đến hiệu may của chúng tôi một hoặc 2 lần trong năm để đặt áo sơ mi cho chồng.
Tôi gặp ông Lý lần đầu vào năm 2010. Đó là một cuộc gặp gỡ thông thường trong văn phòng của ngài cựu thủ tướng tại cung điện Istana, một căn phòng rộng với lối bài trí đơn giản. Cuộc gặp diễn ra trong khoảng 20 phút và trưởng phòng kinh doanh của chúng tôi, Roland Tan, lấy số đo cho ông Lý. Lần đó, ông ấy đặt may một chiếc áo sơ mi batik (vải in hoa văn bằng kỹ thuật nhuộm sáp thủ công) từ xấp vải được tặng.
Chúng tôi cũng có trao đổi vài câu với ông Lý. Ông ấy hỏi thăm gia đình và việc kinh doanh của chúng tôi. Ông Lý là người thân thiện và gần gũi nên chúng tôi thấy rất thoải mái. Tôi để ý thấy chiếc áo mà ông ấy mặc đã khá cũ, chắc hẳn ông ấy giữ gìn nó từ rất lâu.
Ông Lý có gout ăn mặc rất giản dị. Ông ấy thích áo màu hồng và hầu như không có họa tiết. Ông thường đặt may áo sơ mi lao động và không chọn loại vải đắt tiền. Ông cũng chẳng bận tâm đến chuyện ăn mặc, mọi thứ đều do một tay bà Lý lo liệu.”
Gửi thiệp mừng cho thợ giày mỗi năm
Ông Lee Kean Siong, 62 tuổi, cùng người chị Christine Lee tại hiệu giày Lee Hoi Wah Shoes trở thành thợ đóng giày riêng cho ông Lý Quang Diệu từ năm 1991, sau khi bố họ qua đời. Ông Lý là khách hàng quen thuộc của hiệu giày từ năm 1987. Ông Lee Kean Siong nhớ như in khoảng thời gian được phục vụ cho ngài cựu thủ tướng:
“Ông Lý là khách hàng của chúng tôi hơn 20 năm, kể từ năm 1990. Ban đầu, chúng tôi đóng giày cho bà Lý và khi ông Lý cần giày, bà đã giới thiệu chúng tôi với ông ấy. Lúc còn sống thì bố tôi đóng giày cho ông Lý. Khuôn giày đầu tiên làm cho ông ấy vẫn còn lưu trong cửa hiệu. Sau khi bố mất năm 1991, chị em tôi tiếp tục đóng giày cho ông Lý.
Ông Lý thường làm một đôi giày sau mỗi hai năm và lúc nào cũng là giày tây màu đen đơn giản may bằng da mềm vì ông chú trọng sự thoải mái. Khi cần đóng giày mới hay sửa giày, ông Lý sẽ gọi tôi đến nhà riêng trên đường Oxley. Thỉnh thoảng, ông còn cho xe đến đón tôi tại cửa hiệu ở Jalan Kukoh.
Ông Lý đến thăm cửa hiệu của chúng tôi hai lần vào năm 2011 lúc ít bận rộn. Tôi xin ông Lý thứ lỗi vì cửa hiệu khá bẩn và ông ấy bảo chẳng có vấn đề gì, ông chỉ muốn đến tham quan cửa hiệu. Chúng tôi đã chụp ảnh kỷ niệm trong chuyến thăm lần hai của ông.
Chúng tôi đều là người Hẹ (tộc người hán có gốc gác ở miền Bắc Trung Quốc cách đây 2700 năm) và nói chuyện với nhau bằng tiếng quan thoại. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh giày dép. Mỗi khi tôi làm được đôi giày ưng ý cho ông Lý, ông đều rất vui và cười tươi khiến tôi cũng vui lây. Vệ sĩ của ông Lý kể với tôi rằng ông khen những đôi giày tôi làm với quan khách nước ngoài.
Giá của những đôi giày ở cửa hiệu chúng tôi khoảng 300 đô-la Mỹ, phí chỉnh sửa khoảng 30 đô-la Mỹ nhưng chúng tôi thường giảm giá 5% cho ông Lý. Tôi đóng giày theo chiếc khuôn đo chân ông Lý đã có sẵn và mấy chiếc khuôn này cũng không thay đổi nhiều. Song, ông Lý luôn cần thêm miếng lót vì xương bàn chân của ông nhô ra khi về già.
Ông Lý cũng gửi tặng chúng tôi nhiều món quà trong những năm qua. Kể từ năm 1990, năm nào chúng tôi cũng nhận được thiệp mừng năm mới có hình chụp gia đình ông kèm lời chúc. Thỉnh thoảng, ông còn gửi tặng những giỏ trái cây. Càng lớn tuổi, ông càng ít viết. Lúc trước, ông thường viết tên tôi lên thiệp nhưng mấy năm gần đây thì không thấy nữa. Chữ ký của ông cũng ngắn hơn và đường nét có vẻ yếu hơn.
Năm 2004, ông gửi tặng tôi quyển sách về cuộc đời ông, Lý Quang Diệu: Tiểu sử qua ảnh. Có lần, ông Lý còn tặng chúng tôi một vật trang trí bằng pha lê tuyệt đẹp có giá ước chừng 200-300 đô-la Mỹ. Kèm theo món quà là thư tay với lời chúc: Bằng tất cả lòng cảm kích và quý mến, tôi chúc cho sự nghiệp và cửa hàng của ông luôn thành công và phát đạt”.