Mụn là vấn đề đau khổ của rất nhiều người, trong đó đa phần là người trẻ tuổi. Tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng mụn là yếu tố làm người ta mặc cảm, mất tự tin và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để điều trị mụn hiệu quả, bạn cần phải biết mụn của mình thuộc loại nào: mụn cám, mụn còi (mụn đầu đen, mụn đầu trắng), mụn viêm (mụn bọc, mụn mủ, nang, cục…) và nguyên nhân gây mụn. Một người có thể bị nhiều loại mụn khác nhau và bất kỳ loại da nào cũng có thể bị mụn.
Để điều trị mụn, không ít người đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng nhưng kết quả vẫn không như ý. Chưa kể mụn còn để lại hậu quả lâu dài với các sẹo thâm, sẹo rỗ vĩnh viễn, tàn phá làn da ở cấp độ nặng. Bác sỹ chuyên khoa I, Dương Thị Lệ Trang, khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện An Sinh cho biết, ngoài các biện pháp thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc chích, nhiều công nghệ đã được ứng dụng để nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị mụn. Đặc biệt, các công nghệ này giúp tránh được tác dụng phụ toàn thân, so với việc dùng một số loại thuốc uống.
Quan trọng hơn, một số công nghệ giúp ngăn chặn kịp thời việc phát sinh sẹo mụn, đẩy nhanh quá trình tái tạo da. Vậy công nghệ nào phù hợp để trị loại mụn bạn đang bị? Her World đã tổng hợp 5 công nghệ điều trị mụn đang phổ biến nhất hiện nay để giúp bạn tìm ra cách điều trị hợp với tình trạng mụn của mình.
Ánh sáng LED
Công nghệ ánh sáng LED (light emitting diode) là một kỹ thuật quang học thẩm mỹ sử dụng các bóng đèn diode phát quang với nhiều loại bước sóng có cường độ thấp tạo ra các loại ánh sáng có màu sắc khác nhau như xanh dương, xanh lá cây, đỏ, vàng.
Các ánh sáng này tác động vào da giúp chống viêm, làm lành da, chống đỏ kích thích sinh ra tế bào da mới khỏe mạnh thay thế, kích thích miễn dịch, tăng sinh collagen, elastin làm da căng, láng mịn. Trong điều trị mụn trứng cá, ánh sáng xanh kết hợp ánh sáng đỏ giúp cải thiện tổn thương viêm và ngăn ngừa hình thành nhân mụn.
Phương pháp điều trị mụn được nhiều thẩm mỹ viện áp dụng là ánh sáng xanh, thường có bước sóng từ 400 – 420nm. Ngoài ra, bác sỹ da liễu cũng có thể chỉ định dùng ánh sáng vàng (bước sóng 590nm) để khử độc tố, làm giảm đỏ, giúp dịu da hoặc ánh sáng đỏ (bước sóng 630nm) giúp thúc đẩy các cơ chế tự điều chỉnh của da, giúp vết thương lành, giảm sự hình thành sẹo do mụn trứng cá.
Đây là công nghệ trị mụn an toàn nhất hiện nay, không gây đau, không có phản ứng phụ và giá thành hợp lý, dễ dàng kết hợp với các phương pháp điều trị mụn khác.
Tuy nhiên, ánh sáng LED rất nhẹ nên chỉ thích hợp để điều trị cho những người bị mụn trứng cá nhẹ và trung bình. Phải điều trị nhiều lần, theo đó mỗi tuần điều trị 2 lần. Kết quả thấy được từ sau 4 đến 8 tuần điều trị và cần phải phối hợp với các phương pháp khác.
Công nghệ IPL
Tương tự ánh sáng LED, ánh sáng IPL (intense pulsed light) cũng sử dụng tia sáng ở các bước sóng khác nhau để điều trị mụn. So với ánh sáng LED, IPL có tần suất cao hơn và tác dụng mạnh hơn.
Ánh sáng IPL khi được chiếu lên da có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn P. Acnes (vi khuẩn gây mụn), giúp giảm viêm, sưng và giúp mụn khô, lành nhanh hơn bình thường.
Ánh sáng IPL còn giúp giảm hoạt động của tuyến bã nhờn, cũng góp phần làm giảm sinh mụn mới. Ưu điểm của công nghệ này là sự kích thích tái tạo collagen, giúp sản sinh các sợi elastin làm vết thương lành nhanh và ngăn ngừa sẹo.
Sau khi điều trị mụn bằng ánh sáng IPL, da của bạn có thể hơi bị đỏ, phù nề. Nếu da quá nhạy cảm, bạn sẽ có cảm giác hơi khó chịu, tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất hoàn toàn sau khoảng 15 phút.
Người đặt máy tạo nhịp tim, có tiền sử ung thư, phụ nữ mang thai, đang hoặc vừa mới lột da sâu… không nên sử dụng công nghệ này. Để điều trị mụn bằng IPL, bạn mất từ 3 đến 6 lần điều trị, mỗi lần cách từ 2 đến 4 tuần tùy theo chỉ định của bác sỹ.
Laser
Hiện nay trong điều trị mụn thường dùng tia Nd Yag 1320 vì tia này có khả năng tác động lên tuyến bã nhờn. Các bác sỹ cũng có thể dùng tia pulsed dye laser để giúp làm giảm viêm. Khi chiếu vào da, tia laser đi sâu tác động trực tiếp lên tuyến bã, làm co tuyến bã, ngăn chặn hiệu quả việc phát sinh nhiều bã nhờn gây mụn. Để tác động mạnh vào tuyến bã nằm bên dưới mà không gây tổn thương lớp da bên trên, cụm đầu chiếu tia laser có thể trang bị thêm bộ phận xịt khí lạnh cryogen để bảo vệ bề mặt da. Phương pháp trị mụn này ít gây đau và phục hồi nhanh.
Y khoa thẩm mỹ chia laser làm hai loại, laser không xâm lấn là cách điều trị để lớp da cũ vẫn bình thường, không bị bong tróc. Phương pháp này rất an toàn, ít tác dụng phụ và người điều trị không cần phải nghỉ dưỡng dài, tuy nhiên hiệu quả điều trị không cao. Trong khi đó laser xâm lấn là cách điều trị khiến lớp da cũ bị bóc bay toàn bộ, da mặt cải thiện rõ nhưng mất nhiều thời gian nghỉ ngơi sau điều trị và dễ bị tác dụng phụ như thay đổi sắc tố da.
Chiếu tia laser giúp làm khô mụn (điều trị tức thời) và tác động trực tiếp lên nguyên nhân gây mụn (giảm tiết bã nhờn), vì thế ngăn ngừa việc sinh mụn mới. Laser xâm lấn còn giúp bong lớp da cũ, loại trừ tế bào chết và sừng hóa nang lông, cải thiện tình trạng mụn.
Khi điều trị mụn bằng công nghệ laser, bạn sẽ phải chiếu laser từ 6 đến 8 lần, mỗi lần cách nhau từ 1 đến 2 tuần. Bạn cũng cần thời gian bảo vệ da khá dài sau khi điều trị. Trong thời gian điều trị mụn, bạn nên cân nhắc với những kế hoạch đi biển hoặc làm việc trong điều kiện có ánh nắng mặt trời, vì bạn cần phải tuyệt đối tránh ánh nắng để bảo vệ lớp da non. Da bạn có thể bị đen sau quá trình điều trị bằng laser xâm lấn vì nó có thể khiến da bị thay đổi sắc tố. Nếu da quá đen, tuyệt đối không nên trị mụn bằng phương pháp này.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý tác dụng phụ của việc chiếu ánh sáng laser. Nếu gặp bác sỹ ít kinh nghiệm, người điều trị có thể bị bỏng, dễ có biến chứng. Vì vậy, bạn nên tìm thẩm mỹ viện có bác sỹ giàu kinh nghiệm để được tư vấn khi điều trị.
RF (Radio Frequency)
Công nghệ sóng RF cho phép đưa sóng điện từ đi sâu khoảng 20mm, làm nóng các mô bên dưới da, tác dụng tốt trong việc làm giảm nhờn, ngăn ngừa mụn mới hình thành. Ngoài ra, sóng RF còn được sử dụng để làm tan mỡ bụng, căng da ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, công nghệ này lại không có tác dụng giảm viêm, chống khuẩn như laser hay IPL.
Để điều trị, bạn phải chiếu sóng RF khoảng 6 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần. Công nghệ này không được dùng cho người đặt máy tạo nhịp tim, phụ nữ mang thai, người có khối u hoặc tiền sử ung thư. So với công nghệ laser và IPL, chiếu sóng RF có giá thành rẻ hơn.
Elight
Đây là công nghệ trị mụn kết hợp ánh sáng IPL và RF. Sự kết hợp này giúp hạn chế những nhược điểm của cả hai loại ánh sáng trên và có thể tận dụng triệt để ưu điểm của chúng. Ánh sáng RF giảm tác dụng phụ không mong muốn của IPL là tăng sắc tố sau khi điều trị, đặc biệt ở những người có làn da ngăm đen.
IPL giúp diệt khuẩn, giảm sưng viêm. RF tác động đến tuyến bã nhờn, ngăn ngừa nguyên nhân gây mụn mới. Đồng thời sự kết hợp elight làm giảm tình trạng tăng sắc tố sau khi điều trị, giảm sẹo thâm.
Hiện nay, đây là công nghệ trị mụn được nhiều thẩm mỹ viện lựa chọn vì độ an toàn cao cũng như mang lại hiệu quả tốt nhất. Việc điều trị thường được kéo dài khoảng 3 đến 6 lần, mỗi lần cách nhau 2 đến 4 tuần.
Khi đi điều trị mụn, các thẩm mỹ viện đều giới thiệu họ đang sở hữu công nghệ mới nhất. Tuy nhiên không phải mới nhất là tốt nhất, mà quan trọng là công nghệ nào hợp với tình trạng mụn của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến thói quen hàng ngày và công việc. Nếu phải tiếp xúc với nắng thường xuyên, bạn phải cân nhắc kỹ phương pháp điều trị.
Tại những thẩm mỹ viện lớn, nơi có nhiều loại máy trên, bác sỹ da liễu có thể kết hợp nhiều công nghệ trị mụn với nhau tùy theo tình trạng mụn và cơ địa của từng người. Bên cạnh đó, điều trị mụn cũng đòi hỏi bạn phải rất kiên trì. Tốt nhất, trong thời gian điều trị bạn không nên đi du lịch đến những vùng biển nắng nóng. Đừng ngại hỏi thật rõ những điều kiện đi kèm với từng phương pháp cụ thể để việc điều trị mang lại kết quả tốt nhất.
Kết hợp điều trị
Ngoài sử dụng các loại tia, việc điều trị mụn chỉ mang lại hiệu quả cao khi kết hợp với nhiều yếu tố như thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống, sử dụng các loại thuốc thoa để làm sạch da, giảm nhờn, diệt vi khuẩn gây mụn và thuốc uống do bác sỹ chỉ định.
Bảo vệ da sau điều trị mụn
Điều trị mụn đã khó, việc giữ cho mụn không tái phát và chăm sóc để có một làn da đẹp còn khó hơn. Đi kèm với mụn là tình trạng lỗ chân lông to, giãn mạch máu, nổi sần, sẹo thâm, sẹo trắng, sẹo rỗ, sẹo lõm, da không mịn màng. Vì vậy, khi điều trị mụn và sau điều trị, bạn cần tuyệt đối tuân thủ những yêu cầu do bác sỹ điều trị đưa ra. Ngoài ra, bác sỹ có thể chỉ định bạn sử dụng một số biện pháp sau để giúp da khỏe hơn:
TRÁNH NẮNG: Đây là yêu cầu quan trọng nhất khi điều trị mụn bởi các loại ánh sáng sẽ khiến da yếu đi. Nếu không bảo vệ kỹ da rất dễ bị tổn thương, dễ bị nám… Nếu phải ra ngoài, bạn nên bôi kem chống nắng và bảo vệ thật kỹ.
ĐIỆN DI VITAMIN C ngay sau quá trình trị liệu để làm sáng da, ngừa thâm.
TIÊM HYALUAL ngay sau khi mụn đã qua giai đoạn sưng, viêm. Tiêm Hyalual 1,1% để phục hồi mạch máu và vi tuần hoàn, làm giảm vùng thâm và khiến chúng mất hẳn. Tiêm Hyalual 4–6 đợt, cách nhau 2 tuần, để đẩy mạnh tăng sinh collagen và acid hyaluronic, giúp da lấy lại màu sắc khỏe mạnh, sáng mịn. Để điều trị sẹo do mụn, tiêm vòng quanh vết sẹo và vào chính vết sẹo giúp tái tạo da, loại bỏ sẹo.
LASER: giúp kích thích tạo collagen để làm đầy dần sẹo lõm, giảm sẹo mụn trứng cá… Khi xóa sẹo mụn, một tuần sau khi chiếu tia laser, collagen bắt đầu được sản sinh và kéo dài cho đến nhiều tuần sau. Những vết sẹo lõm sẽ cải thiện, làm đầy hơn sau từ khoảng 3 đến 6 lần chiếu, mỗi lần cách nhau 1 tháng.
PRP (HUYẾT TƯƠNG GIÀU TIỂU CẦU): góp phần quan trọng trong tăng sinh nguyên bào sợi và mao mạch, tạo hyaluronic acid, sản xuất collagen và tế bào biểu mô. Do đó, đây là lựa chọn hiệu quả nhất để chữa những sẹo mụn nặng hơn, sẹo lõm, sẹo đã lâu ngày. Phương pháp này cần phải được thực hiện trong điều kiện vô trùng như đối với một ca tiểu phẫu, trong phòng mổ đúng tiêu chuẩn do các bác sỹ thực hiện.
Mụn trứng cá tác động nhiều đến tâm lý và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, do vậy cần được điều trị đúng cách và hiệu quả. Trước khi điều trị, bạn phải hỏi bác sỹ thật kỹ về tình trạng mụn của mình. Nếu đến các trung tâm thẩm mỹ, bạn nên yêu cầu gặp bác sỹ da liễu để được tư vấn. Song song với điều trị bằng thuốc, việc chăm sóc da mụn hay da nhờn là vô cùng quan trọng vì không những hỗ trợ điều trị tốt mà còn giúp phòng ngừa tái phát mụn trứng cá.
Bài: LÊ MINH. Ảnh: GETTY IMAGES.
Cảm ơn sự tư vấn của đội ngũ bác sỹ Orient Skincare & Laser Center, 244A Cống Quỳnh, Q. 1, TP. HCM.