1. Móng giòn, dễ gãy
Có thể do các vấn đề bệnh lý như thiếu máu, bệnh ở tuyến giáp, rối loạn tiêu hóa hoặc làm hóa trị cũng có thể khiến móng bị thiếu hụt protein nghiêm trọng. Đôi khi vấn đề về móng của bạn có thể là do di truyền.
Ngoài ra, khi gặp nước, móng hấp thụ gấp 10 lần so với da khiến các tế bào tăng kích thước rồi nhanh chóng giảm do bị khô. Sự thay đổi đột ngột này cũng khiến móng dễ bị giòn và gãy. Không chỉ vậy, thủ phạm khiến móng bị khô còn là các loại hóa chất tẩy sơn nhất là những sản phẩm có chứa acetone. Tuy nhiên, không phải loại nước tẩy không chứa acetone sẽ tốt hơn, bởi muốn loại bỏ hoàn toàn lớp sơn, bạn cần dùng nhiều dung dịch này và việc chà xát mạnh cũng sẽ gây hại cho móng.
Bạn cũng có thể dễ dàng bảo vệ móng và tăng cường độ chắc khỏe cho chúng, chỉ cần làm theo vài lời khuyên hữu ích sau đây:
– Luôn mang găng tay khi làm những việc có liên quan đến hóa chất, rửa chén, giặt quần áo để tránh cho móng phải tiếp xúc với nước.
– Tránh những sản phẩm rửa tay có thành phần alcohol vì chúng rất khô và hãy thay bằng những loại xà phòng dưỡng ẩm.
– Cắt ngắn móng tay để giảm thiểu diện tích hút nước và hóa chất.
– Viên uống bổ sung duy nhất có khả năng cải thiện móng là biotin (vitamin B7). Móng sẽ tự thay trong vòng sáu tháng, vì vậy bạn cần uống viên chứa biotin ít nhất bốn tháng để có kết quả tốt.
– Sử dụng dầu hoặc kem dưỡng biểu bì quanh móng để da không bị khô và chống tình trạng xước mang rô. Lớp biểu bì này như lớp rào chắn không cho nước ngấm vào móng tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, thay vì cắt phần biểu bì này đi, hãy dưỡng ẩm và để nó làm nhiệm vụ của mình.
– Nếu đã thử những cách trên mà móng vẫn giòn dễ gãy, hãy tạm ngừng sơn móng một thời gian để chúng được nghỉ ngơi và phục hồi. Vậy bao lâu là thích hợp? Móng mọc rất chậm nên tốt nhất, bạn nên cho móng một “kỳ nghỉ” kéo dài ba tháng.
2. Móng mọc quặp
Thường gặp ở móng chân, hai mép bên của móng quặp cong vào da gây đau, tấy đỏ đôi khi sưng và có mủ vùng này.
Nguyên nhân có thể do giày hoặc tất của bạn quá chật gây áp lực lớn cho ngón chân, chân đổ mồ hôi nhiều hoặc không rửa thường xuyên. Thứ hai nữa là do bạn cắt móng quá ngắn hoặc cắt tròn ở hai góc lẹm vào da. Các thương tích khiến móng bị bật hoặc những hoạt động gây áp lực cho ngón chân. Ngoài ra, hiện tượng móng quặp còn do móng quá dày, cong tự nhiên hoặc bị da mọc trùm lên.
Nếu bạn bị sốt thì nên đến bác sỹ chuyên khoa da liễu để được kê toa và làm các trị liệu cần thiết.
– Nếu không nghiêm trọng lắm, bạn có thể thử ngâm móng trong nước tầm 20 phút. Sau khi móng đã mềm thì nhấc nhẹ mép móng lên rồi lót một mẩu cotton hay gạc nhỏ vào đó. Bạn nên thực hiện mỗi ngày 2 lần.
– Mang giày hở ngón như sandal thay vì giày mũi nhọn hoặc cao 5cm trở lên. Nếu đi tất thì bạn cũng nên chọn loại vừa chân và có độ thoáng, hút tốt.
– Bạn cũng nên cắt móng thẳng, không bo tròn lẹm vào hai góc, dùng giũa giũa nhẹ nếu góc bị nhọn, không cắt móng quá sát vào da. Khi cắt móng, hãy dùng kềm bấm thay vì kéo hoặc lưỡi lam.
– Rửa tay và chân với xà phòng rồi lau khô bằng khăn, nhất là ở các kẽ chân. Bạn cũng đừng quên kiểm tra móng hàng ngày để phát hiện, khắc phục sớm sẽ tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Bài: DIỄM TRINH.