Chăm sóc da, dưỡng ẩm cho da có thể là một trong những điều khó hiểu nhất trong cuộc sống, với không ít các cô gái. Trong khi bạn đang Google các phương thức dưỡng da hợp thời, hiệu quả thì bạn bè lại rót vào tai bạn những kinh nghiệm chăm sóc da hoàn toàn trái ngược. Tất cả tạo thành một mê hồn trận, khiến bạn loay hoay không thể tìm ra cách dưỡng ẩm thích hợp. Tìm ra cách dưỡng ẩm thích hợp cho làn da cũng đích thực là một “trận chiến”.
Chắc hẳn đã đôi ba lần bạn tự hỏi, vì sao ngay cả khi đã dưỡng da bằng những thương hiệu mỹ phẩm uy tín, đắt tiền, làn da vẫn không cải thiện như lời hứa của các nhà sản xuất? Đừng vội đổ lỗi cho quảng cáo, vấn đề đôi khi lại nằm ở chính chúng ta, chính cách ta dưỡng da. Her World đã ngồi lại cùng các bác sĩ da liễu để tìm ra những lỗi dưỡng ẩm mà mọi người thường hay mắc phải.
NHỮNG LỖI THƯỜNG GẶP KHI DƯỠNG ẨM CHO DA
1. Bỏ qua serum
Thử tưởng tượng dưỡng da là một cuộc đua đường dài, để tiếp sức cho làn da trên đường chạy, bạn cần một điểm tựa để bật lên: serum. Serum là mỹ phẩm có nguồn gốc từ nước, thành phần gồm các chất dinh dưỡng như vitamin C, E, K hàm lượng cao, giúp phát huy tối đa hiệu quả dưỡng da. Các phân tử trong serum nhỏ hơn so với kem dưỡng ẩm, khiến chúng dễ dàng thẩm thấu qua lỗ chân lông, tiến vào trong lớp trung bì và hạ bì của da, vốn là những nơi cần được dưỡng ẩm nhiều nhất.
Serum tựa như những kẻ “khai hoang mở đất”, tạo dựng nền móng và dọn đường cho kem dưỡng ẩm phát huy tối da công dụng. Chưa kể, một vài loại serum còn có khả năng khơi dậy sức đề kháng vốn đang ẩn giấu bên trong làn da, bảo vệ làn da chống lại tổn thương với một lớp màng chắn kiên cố. Khi sử dụng liên tục, năng lượng tiềm ẩn của làn da sẽ duy trì nét đẹp thanh xuân.
Vẻ đẹp bền vững tỏa sáng từ bên trong giúp làn da ẩm mịn, mượt mà. Serum và kem dưỡng tựa như cặp đôi hoàn hảo: một thẩm thấu sâu vào da để dưỡng ẩm, một “làm việc” trên bề mặt da, mang đến vẻ đẹp từ trong ra ngoài cho da.
2. Không dùng kem dưỡng ban ngày
Tương tự như nước hoa hồng, kem dưỡng da ban ngày đôi khi không được xem trọng trong quy trình dưỡng da. Phần vì vào buổi sáng, phái đẹp có quá ít thời gian để chăm sóc bản thân, làn da trước khi hối hả bước ra đường chuẩn bị cho ngày mới, phần vì thói quen tiêu dùng của phái đẹp. Nhưng mỗi ngày, chỉ cần rời nhà là làn da bạn đã hứng chịu đủ mọi tra tấn: khói, bụi, ánh nắng, vi khuẩn, khí hậu…
Thêm vào đó, khi càng có tuổi, da càng mất đi độ ẩm tự nhiên nên dưỡng ẩm ban ngày trở thành chiếc khiên bảo vệ da. Kem dưỡng ẩm ban ngày sẽ “sửa chữa” làn da, đánh bật các tác hại của môi trường, khói bụi, ô nhiễm, kích thích sản sinh collagen để mang đến làn da ẩm mượt, mịn màng và căng tràn sức sống.
3. Dùng kem khi da chưa sạch
Thế nào là làn da sạch? Theo các chuyên gia, da đủ sạch là khi sau bước dùng nước hoa hồng, bông cotton không còn chút bẩn hay dấu vết mỹ phẩm nào. Không phải chỉ khi trang điểm, da bạn mới cần làm sạch bằng sản phẩm tẩy trang. Khí hậu nhiệt đới, khói bụi khiến các vết bẩn dễ đi vào sâu trong lỗ chân lông, khiến da bí bức và sinh mụn.
Hàng ngày, bạn nên dùng dầu tẩy trang, rửa lại với sửa rữa mặt rồi mới bắt đầu các bước dưỡng ẩm cho da. Chỉ những sản phẩm gốc dầu mới tẩy sạch được lớp dầu có trong mỹ phẩm trang điểm. Khi da đã sạch, kem dưỡng mới có thể phát huy tác dụng. Nếu không, mọi nỗ lực dưỡng ẩm xem như “đổ sông đổ bể” khi những sản phẩm chuyên dưỡng ẩm không thể thâm nhập vào da.
4. Bỏ qua nước hoa hồng
Nhiều cô gái cho rằng nước hoa hồng (clear lotion, toner) là một trong những bước chăm sóc da “vô thưởng vô phạt”, có cũng được không có cũng không sao! Đây có lẽ là một trong những quan niệm sai lầm nhất trong lịch sử chăm sóc da kéo dài hàng thiên niên kỷ. Nước hoa hồng kỳ thực lại là bước chăm sóc da quan trọng bậc nhất trong quy trình dưỡng ẩm, chăm sóc da mỗi đêm. Nước hoa hồng không đơn giản chỉ làm se khít lỗ chân lông mà đồng thời vừa cân bằng lại độ pH trên da sau khi rửa mặt, vừa có tính sát khuẩn.
Nước hoa hồng làm sạch sâu lỗ chân lông, loại bỏ cặn trang điểm và dầu nhờn để giúp serum và kem dưỡng thực hiện “thiên chức” dưỡng ẩm nhanh chóng, hiệu quả hơn. Chính vì thế, bạn đừng nên xem nhẹ hoặc bỏ qua nước hoa hồng, bước dưỡng đơn giản nhưng là nguồn cội của quy trình dưỡng ẩm da.
5. Vệ sinh
Bạn thường lấy kem dưỡng bằng cách nào? Dùng ngón tay? Đó là một trong những cách thoa kem dưỡng thông dụng nhất. Vấn đề là, tay bạn luôn là một ổ vi khuẩn, khi tiếp xúc với kem sẽ khiến các tinh chất trong kem ô-xy hóa hoặc tệ hơn là mất đi tác dụng ban đầu. Hãy chắc chắn rằng tay bạn luôn sạch khi lấy kem.
6. Quá hạn sử dụng
Thông thường, sản phẩm dưỡng ẩm cho da có hạn sử dụng 24 tháng kể từ ngày mở nắp. Nếu để kem quá lâu trong ngưỡng an toàn này, kem dưỡng hầu như không còn tác dụng gì. Ngược lại, chúng còn có thể tổn hại đến làn da. Hãy quản lý thật kỹ thời gian sử dụng, hạn mở nắp của kem dưỡng. Đừng vì tiếc tiền mà cố gắng sử dụng những sản phẩm không còn an toàn cho da. Tốt nhất, bạn nên lập một thời gian biểu chăm sóc da và quản lý thời hạn mỹ phẩm để có được kết quả khả quan nhất có thể.
7. Bảo quản không đúng nơi
Nhiều người có thói quen bảo quản mỹ phẩm trong phòng tắm, nơi gắn liền với việc làm đẹp hàng ngày. Nhưng phòng tắm thường có độ ẩm vượt mức cho phép, khiến vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở. Những vi khuẩn này sẽ có lúc tấn công mỹ phẩm dưỡng ẩm, khiến chúng ô-xy hóa và mất đi khả năng làm đẹp vốn có.
Các chuyên gia thường khuyên bạn nên trang điểm dưới ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên hãy chỉ trang điểm, đừng bao giờ để mỹ phẩm (kể cả kem dưỡng ẩm) dưới ánh nắng. Đa phần kem dưỡng ẩm thường bảo quản trong hộp đen hoặc kín, để hạn chế tác động của ánh nắng mặt trời.
8. Liều lượng không đúng
Dưỡng ẩm là nghệ thuật của “sự vừa đủ”. Quá nhiều hoặc quá ít đều khiến các sản phẩm dưỡng không phát huy đúng tác dụng. Câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu là vừa đủ?
Sau thời gian dài đo đếm, các chuyên gia cho biết mỗi khi dưỡng ẩm, bạn lấy một lượng kem tương đương với viên ngọc trai hoặc hạt đậu phộng. Chấm đều lên trán, hai má, chóp mũi và cằm rồi bắt đầu massage theo chiều vòng tròn từ trong ra ngoài. Cách này giúp kem dàn trải đều và thẩm thấu vào da sâu hơn.
Her World Việt Nam