Theo một cuộc thăm dò nho nhỏ của Her World, cứ 100 phụ nữ Việt Nam có ba người sửa ngực (hoặc có ý định sửa ngực) và khoảng 20 người chọn các dịch vụ “thêm lông, thêm tóc” cho cơ thể.
Nhiều chủ nhân của các thẩm mỹ viện cho biết: Thị trường xăm chân mày, nối mi, cấy tóc chiếm hơn 40% nhu cầu làm đẹp nói chung. Điều này chứng tỏ nhu cầu về làm đẹp những phần “góc” con người không hề nhỏ. Chính vì vậy, nhiều công nghệ làm đẹp phục vụ cho phần “lông, tóc” lần lượt ra đời. Nào là xăm chân mày, nối lông mi, thêu chân mày, cấy tóc… Quý bà, quý cô tha hồ lựa chọn.
Thế nhưng sự đa dạng cũng có cái bất lợi của nó. Chúng ta dễ bị hiệu ứng quảng cáo hoặc tâm lý “chỉ cần đẹp là được” tác động, dẫn đến những chọn lựa sai lầm.
Sốt vì nhu cầu dài mi, thêm tóc
Để nhận định một cách rõ ràng về nhu cầu cấy lông, thêm tóc, bạn hãy nhớ lại cơn sốt nối lông mi cách đây hơn hai năm. Lần đầu tiên kỹ thuật nối lông mi từ Hàn Quốc, Nhật Bản… được áp dụng tại Việt Nam. Bao nhiêu cô gái lên cơn sốt, ăn không ngon ngủ không yên cho đến khi đạt được ước nguyện.
Các quý bà, quý cô rồng rắn đến beauty salon có dịch vụ này. Cứ mười người đến tiệm thì có hết bảy người nối lông mi. Nhân viên làm không xuể, đành để cho thợ phù làm giúp, dù thợ đó chỉ là dân tay ngang mới chập chững học nghề.
Sau bao ngày chịu nỗi khổ rèm thưa, nhiều cô cương quyết: “Chị gắn cho em loại nào dài nhất đó”. Để rồi sau đó, ai gặp họ cũng nói: “Này, buồn ngủ hả? Về nhà nghỉ ngơi đi”.
Từ thành thị, phong trào nối mi lan đến nông thôn. Bao người vứt bỏ những cặp lông mi giả nặng trĩu với lớp Leo dày để đi nối mi. Chỉ đến khi lông mi bị rụng nhiều quá, trở nên vướng víu vì không thoải mái khi rửa mặt, lại gặp thêm phong trào thêm lông, dặm tóc mới ra đời, người ta mới thôi dần chuyện nối mi.
Nối tóc vẫn là cơn sốt
Chị Hòa Lan, chủ một thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3, TP. HCM, còn tổ chức hẳn một cuộc khảo sát nhu cầu khách hàng về công nghệ thẩm mỹ này.
Chị cho biết: “Kết quả cuộc trưng cầu ý kiến khách hàng lần đó cho thấy khách hàng có nhu cầu làm đẹp tóc, mi, lông mày rất lớn. So với những kỹ thuật như bơm ngực, hút mỡ… thì kỹ thuật này rẻ và dễ làm hơn nên ai cũng muốn thử một lần. Mấy chị bạn tôi ở thẩm mỹ viện khác cũng tìm hiểu khách hàng. Kết quả đều như vậy. Thế nên, tôi mới cho bác sĩ thẩm mỹ của mình đi học thêm về cấy tóc”. Theo các chuyên gia tâm lý, giấc mơ có một hàng mi cong vút, cặp chân mày đậm cũng ám ảnh phụ nữ không khác gì mong ước có bộ ngực như ý hay một vòng eo thon gọn.
Ngoài phong trào nối lông mi kể trên, chúng ta có thể thấy nhu cầu nối tóc vẫn tiếp tục thịnh hành cho đến tận bây giờ.
Mỗi beauty salon đưa ra giá tiền dịch vụ khác nhau, cách thức nối tóc cũng khác. Nào là nối bằng keo, bằng sáp rồi bằng cách thắt bím chân tóc. Giá cả không rẻ chút nào. Vào thời điểm cực thịnh, nối một mái tóc ngắn thành dài, dày và mượt ở một tiệm làm tóc tiếng tăm có giá khoảng 7.000.000 đến 8.000.000 đồng.
Dù giá cao nhưng các cô gái vẫn cố dành dụm để tìm đến dịch vụ này. Thậm chí ngay cả khi họ nghe, biết khá nhiều về sự bất tiện của mái tóc nối, họ vẫn “makeno”.
Nguyễn Vân Quỳnh, 27 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Công Trứ, Q. 1, TP. HCM, luôn mơ về hình ảnh mình trong ngày cưới là một cô dâu với bộ soirée trắng và mái tóc dài, uốn thành từng lọn. Nhưng khổ nỗi, trước ngày cưới khoảng một năm, Quỳnh bị nấm tóc và phải cắt ngắn mái tóc của mình. Cô nuôi nấng, chăm sóc mãi nó cũng chỉ dài đến qua vai một tí.
Chính vì vậy, Quỳnh quyết định nối tóc. Tốn hết 5.000.000 đồng. Ngày cưới, trông cô thật xinh tươi, rạng rỡ. Thế nhưng đêm tân hôn, Quỳnh nhất định không cho chồng đụng vào mình. Nguyên nhân vì mái tóc nối khiến cô không sao nằm xuống được. Đó là chưa kể keo xịt tóc, bông giấy vướng vào chân tóc khiến cô ngứa ngáy. Cô lại không thể gội đầu vì tóc nối chỉ có thể gội ở tiệm. Chồng vừa chạm vào tóc là cô la oai oái và đẩy anh xuống đất. Tối đó, cô phải ngủ ngồi, còn chồng thì than vắn thở dài. Tiếc tiền, Quỳnh cố giữ mái tóc thêm vài ngày, nhưng cuối cùng cô phải tháo ra khi chồng tuyên bố “tóc hay anh?”.
Cấy từ nam đến nữ, từ ngoài vào trong
Độc đáo nhất phải kể đến kỹ thuật cấy lông vùng tam giác.
Nhiều phụ nữ bẩm sinh đã thưa thớt hoặc thậm chí không có “cỏ cây” ở vùng này. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như họ không nghe đàn ông bảo nhau: “Ai lấy phải đàn bà không mao chỗ đó thì coi như nghèo ba họ”. Thế là các bà tìm cách cải thiện “cỏ vùng tam giác”.
Theo tiến sĩ – bác sĩ Trần Thị Anh Tú, Thẩm mỹ viện bác sĩ Tú, đường Nguyễn Cư Trinh, Q. 1, TP. HCM, cấy lông vùng kín cũng giống như cấy tóc, các bác sĩ có thể lấy phần tóc này cấy cho phần tóc khác. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tay nghề cao. Sẽ không có gì nguy hiểm nếu bạn đến đúng nơi, đúng chỗ.
Trong khi phụ nữ trăn trở với cấy mi, trồng cỏ thì đàn ông cũng tìm đến thẩm mỹ viện để trồng râu và cấy tóc. Có ông còn đi cấy lông ngực, để mặc áo sơ-mi cho ra dáng… đàn ông gợi tình. Để có một hàm râu hay bộ lông ngực như ý, các ông phải trồng, cấy và nuôi dưỡng thật kỹ càng.
Anh Trần Minh Trọng, 30 tuổi, phó phòng kinh doanh của một công ty chuyên kinh doanh máy văn phòng, bật mí: “Đàn ông không râu bất nghì. Lúc trước, khi chưa có râu, mặt tôi cứ nhẵn như bánh bao. Có người bảo tôi là gã mặt trắng như Mã Giám Sinh, thuyết phục khách hàng ít ai tin. Tôi đã lấy tiền để dành cưới vợ đi cấy râu. Hay thật, hàm râu quai nón nhẹ bây giờ giúp tôi dễ bán hàng hơn. Đặc biệt khi khách hàng là nữ…”.
Làm đẹp đúng nơi, đúng cách và hợp lý
Theo các chuyên gia tâm lý, một cá nhân tìm đến các kỹ thuật thẩm mỹ khi họ cảm thấy mất tự tin trước phần nào đó của cơ thể. Nhược điểm này cứ như cái gai trước mắt, ám ảnh họ dù nó không được phô ra.
Sẽ không có gì sai khi người ta nhờ công nghệ thẩm mỹ trả cho mình sự tự tin, thậm chí là niềm vui cuộc sống. Thế nhưng, trước khi làm đẹp, chúng ta cũng cần giữ một sự tỉnh táo để quyết định nên hay không nên.
Ở điểm này không phải ai cũng làm được vì khi đã nghĩ đến chuyện giải phẫu thẩm mỹ, làm đẹp, người ta sẽ bị hút vào như một thỏi nam châm. Khi đó họ chỉ chăm chú đến việc mình sẽ đẹp ra sao, có đủ tiền để làm hoặc đó có phải là công nghệ mới hay không. Kết quả, sai lệch hoặc hư hỏng là tất yếu.
Chị Lê Nguyễn Thùy Trang, 28 tuổi, từng thử kỹ thuật nuôi lông mi ngay sau khi vừa nghe quảng bá, kể: “Họ bán cho tôi một phần kem bôi cùng với túi vải có chứa chất gel để bịt mắt. Họ bảo tôi bôi thuốc vào mỗi tối, rồi dùng túi gel bịt mắt lại, 30 phút sau mở ra, chùi sơ. Buổi sáng thì bôi loại thuốc khác, nhẹ hơn. Thế nhưng, tôi kiên trì dùng mãi hơn hai tháng cũng không thấy lông mi dài ra là bao. Khó chịu nhất là khi ra đường, bụi bám vào lông mi khiến mắt nặng và nhức”. Đó là chưa kể đến việc chị bị đau mắt suốt thời gian dài vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc.
Khi được hỏi vì sao vẫn mua dù thấy lọ kem không có nhãn và vẫn bôi dù thấy mắt ngứa ngáy, chị ấp úng bảo: “Tại ham đẹp”.
Cũng vì ham đẹp mà không ít phụ nữ đã tìm đến những thẩm mỹ viện rẻ tiền với nhũng lời quảng cáo có cánh nhưng chưa được cơ quan y tế nào công nhận.
Chị Nguyễn Mai Vân, người chúng tôi gặp ở Bệnh viện Da liễu TP. HCM, cho biết: “Ban đầu thấy họ quảng cáo, nối tóc chỉ 1.000.000 đồng, tôi ham quá nên làm ngay. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, tôi thấy tóc mình rụng dần. Những mối tóc nối cứng ngắc cứ đâm vào da đầu. Không thể gội đầu thường xuyên ở tiệm, tôi đành gội ở nhà. Chỉ vài tuần sau là chân tóc tôi rối thành nùi và rất ngứa ngáy”.
Chị phải đi tháo mối nối ra, nhưng beauty salon đó phán: “Do chị tự gội ở nhà nhiều quá khiến tóc rối, keo dính tùm lum, không thể gỡ. Trừ khi xén bớt tóc”.
Không còn cách nào, chị Vân đành nhắm mắt gật đầu. Thế nhưng, sau khi tháo tóc, da đầu chị vẫn thường ngứa ngáy và đau nhức. Một lần, qua cô thợ phụ vừa nghỉ việc, chị mới biết họ dùng keo… dán sắt để nối tóc.
“Tôi đành đi bác sĩ da liễu và biết mình đã bị nấm tóc lẫn tổn thương da đầu. Bây giờ tôi phải cắt ngắn tóc và bôi thuốc. Dại một lần, tởn tới già”, chị than.
Không chỉ thế, rất nhiều phụ nữ phải đến bệnh viện vì các chứng viêm nang lông, nhiễm trùng da sau khi cấy lông, tóc ở những thẩm mỹ viện rẻ tiền.
Chúng tôi từng tiếp xúc với một trường hợp nhiễm trùng da vùng kín vì cấy lông ở một thẩm mỹ viện tư. Chị cho biết, sau khi thầy bói bảo là mình không thể lấy được chồng với “phần tam giác” như thế, chị liền nhờ đến một thẩm mỹ viện do người quen giới thiệu. Kết quả, một tuần sau khi cấy lông, da chị nổi hạt sần, tấy đỏ, đến nỗi ngồi cũng đau.
Theo bác sĩ Tú, chỉ nên sử dụng các công nghệ cải thiện lông, tóc đều chỉ nên khi mình thật sự thích và trong trường hợp thật cần thiết. Đồng thời, trước khi quyết định làm ở thẩm mỹ viện nào, bạn nên tìm hiểu kỹ về lịch sử, tay nghề bác sĩ của thẩm mỹ viện đó.
Có ba con đường dẫn đến quyết định làm đẹp sai lầm này.
• Thứ nhất là suy nghĩ chủ quan “Nối lông mi, cấy tóc không quá phức tạp như bơm ngực, sửa mũi. Không chảy máu nên không cần phải quá cẩn thận, cân nhắc”. Điều này hoàn toàn sai lầm vì kỹ thuật thẩm mỹ nào cũng có khuyến cáo dành cho khách hàng. Nếu làm bừa, làm ẩu, bạn sẽ phải gánh hậu quả.
• Thứ hai là ham rẻ. Bạn nên nhớ câu “Tiền nào của đó”.
• Thứ ba là làm mà không cân nhắc kỹ vì cho rằng tóc, lông mi nối có thể tháo ra, làm lại. Thực tế là việc tháo ra, làm lại, không những tốn kém mà còn làm tóc và da của bạn bị tổn thương.
Do đó, bạn nên suy nghĩ kỹ, tìm đúng chỗ và hỏi ý kiến của bác sĩ có uy tín về chuyên môn trước khi quyết định.
Theo Her World