Giấc mơ nhỏ
“Ngày xưa khi bắt đầu đặt chân lên sàn diễn, tôi chỉ có một ước mơ là làm sao để bám trụ càng lâu càng tốt”.
Những năm 1990, khi nền công nghiệp thời trang Việt Nam còn chưa phát triển, khái niệm về người mẫu và hoa hậu còn rất nhập nhằng. Thậm chí, khán giả không tách bạch được đâu là người mẫu, đâu là hoa hậu mà tựu chung thành “các cô gái chân dài ưa nhìn, mặc quần áo đẹp đi ra sân khấu vài vòng… làm nền cho các chương trình ca nhạc rồi đi vào. Lúc bấy giờ, một tiết mục thời trang thường mở màn cho ca sỹ bước ra, rồi đến cuối cùng dàn thành hàng ngang thật đông, thật hoành tráng để chào kết thúc. Thời trang vào thời điểm ấy chỉ là lớp nền minh họa có nhiều son phấn trên các gương mặt khả ái – dành cho một tiết mục ca nhạc nào đó, mà không có sàn diễn dành cho chính mình.
Đó là chuyện của những cô gái “đẹp” theo chuẩn mắt hai mí, môi gợi cảm căng mọng, vòng một đẫy đà, vòng ba quyến rũ. Còn Xuân Lan: mặt lạnh lùng, người gầy sộp, bước ra trong lời bàn tán của đám đông: “Đâu ra cô này, mặt nghênh nghênh, không cười không cảm xúc vậy?”. Vậy mà cô ấy lại là siêu mẫu quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Tôi hỏi Xuân Lan: “Làm cách nào chị tồn tại giữa thời kỳ buổi diễn thì ít, cát-sê cũng chẳng nhiều nhặn gì, suốt hàng chục năm dài như vậy?”. Chị đáp: “Thì mình phải tập thích nghi nhưng trên hết phải chuyên nghiệp, và làm nhiều thứ khác nữa”.
Rất nhiều khán giả biết tới Xuân Lan với vai trò một người thầy, một huấn luyện viên, một người đào tạo người mẫu kể từ khi cuộc thi Vietnam’s Next Top Model lên sóng. Thế nhưng, đoạn đường từ năm 1996 đến 2011, Xuân Lan đã ở đâu? Để rồi khi bước ra một cách đầy kiêu hãnh, cô đã mang đến cho làng thời trang Việt Nam những gương mặt đầy triển vọng, những cái tên thành công trên thị trường trong nước lẫn quốc tế: Hoàng Thùy, Lê Thúy, Thùy Trang, Thùy Dương… Câu hỏi này không chỉ khiến tôi mà rất nhiều khán giả cũng có chung thắc mắc.
“Năm 2006, khi bắt đầu dừng chân trên sàn diễn để lui về hậu trường ở vai trò tổ chức, đạo diễn, tôi đã tạo ra hàng loạt chương trình thời trang của riêng mình. Một trong số đó là chuỗi chương trình Đẳng cấp thời trang với sự góp mặt của các tên tuổi đình đám thời ấy: Hồ Ngọc Hà, Dương Yến Ngọc… Rồi tôi làm đạo diễn cho chương trình của các tập đoàn, thuê nhà văn hóa ở các quận để làm lớp dạy trình diễn…”.
“Vậy thì sau 10 năm, chính xác là 10 năm, Xuân Lan từ một người mẫu đơn thuần giờ đã là người sáng lập. Chị thấy thời trang có thay đổi không so với 10 năm trước, thời làm nền cho ca nhạc?”. “Ngược lại, nó đã trở thành điểm chính trên sân khấu.
Âm nhạc lui về làm nền cho từng bước chân điêu luyện sải dài trên những đôi giày cao gót”.
Xuân Lan trả lời tôi bằng âm điệu của sự tự hào, và tôi biết trong ánh mắt chị là khoảnh khắc đầu tiên khi bước vào thế giới của gương lược, son phấn cùng ánh đèn màu. Lúc đó, chị khởi đầu ước mơ một cách giản dị như bao người: làm sao để bám trụ càng lâu càng tốt. Thế rồi dần dần, chị tự nối dài mơ ước ấy: “Khi tuổi nghề ngắn ngủi, mình phải tự tạo cơ hội cho bản thân, phải tạo nhiều ngã rẽ nhưng vẫn xoay quanh một con đường, đó là thời trang chuyên nghiệp”.
Xuân Lan duy trì niềm đam mê nghề nghiệp bằng việc bước vào hậu trường, đằng sau ánh hào quang và những tiếng vỗ tay giòn giã để thắp lên ngọn lửa khác mang tên “kế thừa”. Tôi từng đọc một bài phỏng vấn của một nghệ sỹ gạo cội, trong đó có nói về chữ “kế thừa”. Ngày hôm nay tại buổi phỏng vấn Xuân Lan, tôi nhận ra những người nghệ sỹ lớn, lý do giúp họ “lớn” hơn trong cuộc đời và sự nghiệp là tìm cách truyền dạy, thổi bùng các ngọn lửa khác. Một ánh đuốc được thắp sáng, chính họ cũng đứng dưới luồng sáng ấy mà tiếp tục đam mê, say đắm, lao mình vào cuộc đời bằng niềm yêu nghề chân thật.
Xuân Lan là vậy, âm thầm làm chứ không phô trương. Có thể bạn chỉ biết đến chị ở vị trí người thầy trong những năm gần đây, nhưng với nhiều người trong nghề, Xuân Lan đã từ “người mẫu” trở thành thương hiệu. Làm được điều đó, cần quá trình hàng chục năm trời nhưng lúc bắt đầu chỉ là một giấc mơ nhỏ mà thôi!
Tình yêu càng lớn, buồn càng đậm sâu
Có một nhận định cho rằng: Khi đang hăng say lao động và làm việc hiệu quả thì tốt nhất hãy tránh xa tình yêu, nhưng tôi lại không nghĩ vậy, nhất là khi nhìn vào Xuân Lan.
“Nếu dùng một từ để miêu tả mối liên kết giữa tình yêu và công việc, chị sẽ dùng…”
“Tỷ lệ thuận. Chính xác là mình yêu càng da diết, càng thiết tha thì cảm xúc mang vào công việc càng thăng hoa. Có lẽ Xuân Lan may mắn, được trời phú cho sự nhạy cảm. Mỗi khi làm nghề, dù là trình diễn hay làm đạo diễn, tôi đều nắm bắt được sự rung động trong lòng khán giả, từ đó tìm cách hoàn thiện những gì mình trình diễn sao cho chạm thật sâu vào lòng người. Nói một cách dễ hiểu: người xem nổi da gà, rưng rưng hay bàng hoàng… đó là thành công của Xuân Lan, là điều Xuân Lan hướng đến”.
“Nhưng với suy nghĩ như thế, tôi cảm nhận rằng khi mang trọn vẹn sự nhạy cảm đó, nhiệt huyết đó vào tình yêu, chẳng phải rất dễ dàng tổn thương nếu lỡ yêu ai đó quá nhiều mà không được như ý muốn?”.
“Thật ra ở tuổi này rồi, khó mà buồn lắm”.
“Yêu nhiều mà lại khó buồn?”.
“Khó buồn chứ, vì mình đã va vấp và ngã đau nhiều lần. Qua từng giai đoạn, con người sẽ tha thứ, buông bỏ, mở lòng để mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Ở thời điểm này, yêu là để thông cảm, tôn trọng và chia sẻ. Vì thế, Xuân Lan rất khó buồn nhưng nếu có thì nỗi buồn rất sâu, rất lâu và rất thấm”.
Đối với một người phụ nữ tuổi 40, có một cô con gái đang vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3”, với Xuân Lan chẳng có gì là trở ngại để mà ngỡ ngàng đương đầu nữa. Người ta thường bồng bột nông nổi thời thanh xuân, rạng rỡ và say đắm khi bước vào tuổi 30, lúc sự nghiệp đã ổn định và chỉ còn thiếu một tình yêu trọn vẹn là đủ. Vậy nhưng ở ngưỡng 40, mọi thứ phải quay về sự bình yên dung dị. Có thể đâu đó ngoài xã hội kia, người người bắt gặp một Xuân Lan quyền lực trên sân khấu hay sau hậu trường, một Xuân Lan với ánh mắt kiên định khi nói về những dự định của tương lai hoặc cảm thán mềm lòng trước một cảnh đời. Song khi trở về căn nhà nhỏ, chỉ tồn tại một “mẹ bé Thỏ” luôn lặp đi lặp lại trong tâm trí bốn chữ: “Hết lòng vì con”.
“Tôi từng quan niệm mình cứ hết lòng vì con, mang mọi điều tốt đẹp nhất đến cho Thỏ thì sẽ bù đắp được những mảnh ghép còn khuyết. Bé Thỏ không có cha? Tôi sẽ làm thay vai trò đó. Chẳng có gì đáng hãnh diện bởi khi đã làm mẹ, dành tất cả cho con là điều hiển nhiên”.
“Nhưng có bao giờ chị nghĩ dù mình cố gắng đến đâu thì cũng sẽ thiếu một chút chỗ này, thừa một tý chỗ kia? Không phải ngẫu nhiên mà thế giới này có cặp từ “Cha và Mẹ”.
“Tôi hiểu chứ. Gần đây khi tham gia chương trình Con đến từ hành tinh nào, tôi nhận ra mình rất cô độc. Mình đã yêu thương và chăm sóc Thỏ bằng cả tấm lòng thì Thỏ vẫn cần một người để gọi là cha, để dựa vào khi bé lung lạc hoặc để cho mẹ nó nương tựa trên đoạn đường về sau. Chính vì vậy, tôi tiếp tục đi tìm một người dành cho mình”.
“Chị có từng sợ mình sẽ đau khi bản năng lúc yêu thì say đắm, yêu “đập đầu vô tường”, ở độ tuổi đáng lý ra phải an vị thì chị vẫn miệt mài?”.
“Trong tình yêu, tôi chỉ sợ hai điều: thời điểm và con người. Đúng thời điểm, đúng người thì hạnh phúc. Tôi tin mình sẽ gặp được người đó, để mình dốc lòng còn người ấy thì dành cho Thỏ thứ tình cảm như người cha ruột thịt. Có gì mà phải sợ, mình không bước đi, không mở lòng ra thì làm sao biết được thế giới ngoài kia có gì. Đâu đó có người đợi mình đến, mình cũng đang tìm kiếm và chờ đợi đấy thôi!”.
Chuyện yêu của Xuân Lan, trong suy nghĩ của tôi, nay đã không còn là chuyện một nửa cần một nửa còn lại. Có lẽ vì những đổ vỡ đã từng mà giờ đây, Xuân Lan như một mảnh ghép. Những người từng rạn tan thành nhiều mảnh sau những oằn mình vì tình yêu, hẳn cũng chỉ cần một mảnh ghép có thể gắn khít với mình. Thôi nghĩ về một nửa nguyên vẹn, thật khó để ai đó còn nguyên vẹn đến với mình khi đã ở độ tuổi giữa đời người. Tuy nhiên, chúng ta có thể không lành lặn trong tâm hồn, nhưng khi tìm đến nhau thì xin hãy là tình yêu trọn vẹn nhất:
“Nếu gặp được đúng người đúng thời điểm, Xuân Lan tin mình vẫn sẽ yêu bằng những gì có thể. Cuộc tình sau sẽ đẹp hơn cuộc tình trước, Lan tin vậy”.
Thỏ
Dù trong sự nghiệp hay gia đình, một người phụ nữ có giỏi giang đến mấy thì cuối cùng vẫn là phụ nữ. Trong câu chuyện của Xuân Lan, tôi cảm nhận một điều: chị đã sống những tháng ngày tựa hồ một ngọn đuốc sáng, chẳng tiếc gì với đời, cả đam mê lẫn yêu thương cùng kiệt. Nhưng nếu là người trong cuộc, để tự thừa nhận rằng: “Xuân Lan cô độc” trên hành trình làm mẹ, chắc hẳn sự thừa nhận ấy phải đến từ những lần bước ra khỏi khoảng trời của chính mình, tự ngắm nhìn và thấu hiểu. Chúng ta hay râm ran nói với nhau: “Người ngoài thường khách quan hơn”, tôi xin bổ sung thêm: “Người trong cuộc khi bước ra ngoài để tự nhìn vào sẽ còn khách quan hơn nữa”. Làm được điều ấy, chắc hẳn là người rất bản lĩnh.
Từ giấc mơ nhỏ nhoi đến những cống hiến lớn lao cho ngành thời trang Việt Nam sau hơn 20 năm làm nghề, từ việc luôn tin mình làm được cả hai vai trò cha và mẹ cho đến mở lòng tìm kiếm một ai đó để con mình được đủ đầy hơn, từ những ngã đau cho đến ý niệm vẫn sẽ yêu hết lòng… nếu có ai đó cho ra đời quyển sách về những “Người mẫu huyền thoại làng thời trang Việt Nam”, tôi nghĩ Xuân Lan sẽ là cái tên được xướng lên đầu tiên. Tất nhiên, đây chỉ là điều tôi chợt nghĩ đến, còn với Xuân Lan, khi kết thúc buổi phỏng vấn, câu hỏi cuối cùng bật ra rất ngẫu hứng: “Với chị, món quà lớn nhất mình nhận được là gì?”.
Chị đáp ngay: “Là bé Thỏ, một món quà tôi được ban tặng”.
Phụ nữ, là vậy đấy!
Bài và ảnh: Kim BTN
Trang điểm: Cao Tuấn Đạt
Her World Vietnam