Tháng 10–2017, những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra của tờ New York Times đã bắt đầu nổi lên để chống lại ông trùm điện ảnh Harvey Weinstein. Người được xem là nhà sản xuất quyền lực và có sức ảnh hưởng nhất thế giới điện ảnh Hollywood. Kể từ đó, hàng trăm nạn nhân khác bắt đầu lên tiếng. Họ từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục bởi chính các nhân vật cấp cao trong ngành công nghiệp này. Trong số đó có cả loạt diễn viên nổi tiếng hàng đầu Hollywood như: Rose McGowan, Salma Hayek, Ashley Judd, Gwyneth Paltrow và Kate Beckinsale.
Cơn địa chấn đã thực sự nổ ra khi các phóng viên của New York Times – Megan Twohey và Jodi Kantor, cũng như Ronan Farrow của tờ New Yorker, đưa ra các cáo buộc chi tiết rằng Weinstein chính là một kẻ săn mồi liên tục. Hắn sử dụng vị thế tài chính và sức ảnh hưởng của mình lên các diễn viên trẻ, cũng như nhiều nhân viên nữ. Những lời cáo buộc thẳng thừng này đã châm ngòi cho việc đưa ra các tố cáo tương tự về phía những người đàn ông quyền lực khắp thế giới. Một danh sách gồm có diễn viên Kevin Spacey, đạo diễn James Toback, đạo diễn Bryan Singer, ông chủ của Pixar – John Lasseter, nhà sản xuất phim tài liệu Morgan Spurlock, phát thanh viên Matt Lauer, Charlie Rose và đầu bếp nổi tiếng Mario Batali. Phần nào đó, chính sự ủng hộ khách quan từ công chúng đã khuyến khích hàng triệu phụ nữ khác chia sẻ những câu chuyện của họ về các hành vi lạm dụng tình dục với hashtag #MeToo.
BẠN BỊ ÂM HẠI TÌNH DỤC: TÔI CŨNG THẾ!
Hợp tác với The Creative Coalition, Women in Film and Telivision và The National Sexual Violence Resource Center, tờ USA TODAY đã khảo sát 843 phụ nữ làm việc trong ngành giải trí ở nhiều vai trò khác nhau (nhà sản xuất, diễn viên, biên kịch, đạo diễn, biên tập viên…). Kết quả thật sự đáng báo động: gần như tất cả phụ nữ tham gia vào khảo sát (94%) đều nói rằng họ đã trải qua một số hình thức quấy rối hoặc tấn công tình dục bởi một cá nhân lớn tuổi ở vị trí quyền lực hơn. Chưa hết, hơn một phần năm trong số người được hỏi (21%) cho biết họ bị buộc phải thực hiện hành vi liên quan đến tình dục ít nhất là một lần.
Cuộc khảo sát này cho thấy, việc xâm hại và lạm dụng tình dục gần như đã trở thành vấn nạn trong nền công nghiệp điện ảnh. Điều đó càng được chứng thực rõ với #MeToo. Phong trào trở thành một hiện tượng toàn cầu và xuất hiện trên 196 quốc gia. Sự thay đổi này là vô cùng rõ rệt. Lần đầu tiên, thế giới đã chuyển mình chú ý và đưa ra cảnh báo rằng những phong trào phụ nữ không nên bị phớt lờ lần nữa. Và mọi người đã bắt đầu lắng nghe!
“Giờ đây Hollywood đã chia ra thành hai quãng thời gian khác nhau trong thế giới phim và điện ảnh, đó là là BW và AW: ‘Trước Weinstein’ và ‘Sau Weinstein’.” – Esla Ramo, thành viên sáng lập của hãng luật Hollywood Ramo Law PC
Hạng mục danh giá “Nhân vật của năm” trên tạp chí TIME cũng vì thế đã thuộc về những người lên tiếng – không chỉ một mà nhiều người phụ nữ. Bằng việc tôn vinh những phụ nữ đủ can đảm để nói lên sự thật, TIME đã góp phần mang đến sự thay đổi vượt bậc cho cả một đế chế công nghiệp khổng lồ. Theo tờ New York Times, #MeToo được bắt đầu bởi nhà hoạt động xã hội Tarana Burke sau một cuộc trò chuyện với bé gái 13 tuổi – người bị lạm dụng tình dục bởi bạn trai của mẹ.
Ngày 15–10–2017, từ một đoạn tweet của mình, nữ diễn viên Alyssa Milano nhắn gửi đến các follower: “Nếu bạn bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, hãy viết ‘me too’ để trả lời tweet này.” Hơn 66.000 người dùng đã trả lời và đoạn tweet trở thành một làn sóng mạnh mẽ chỉ sau một đêm ngắn ngủi. Những người phụ nữ cùng câu chuyện bị lạm dụng và quấy rối tình dục được đính kèm chiếc hashtag #MeToo. Bản thân Milano ban đầu không biết Burke đã đặt ra thuật ngữ “Me too”. Chỉ vài ngày sau khi biết về hoạt động của Burke, nữ diễn viên đã xuất hiện trên chương trình Good Morning America để công khai ủng hộ và hỗ trợ tài chính. Các nhà báo như Ronan Farrow ở New Yorker và Jodi Kantor tại tờ New York Times cũng giúp thúc đẩy các câu chuyện #MeToo. Họ không ngần ngại công khai các cuộc điều tra để đưa những hành vi lạm dụng tình dục này ra ánh sáng. Quả thật, những nhà báo là một phần không thể thiếu trong việc lật tẩy những kẻ như Weinstein. Một hành động có thể biến cả ngành công nghiệp Hollywood trở nên xấu xí, trần trụi nhưng vô cùng quan trọng.
THỜI KHẮC MỚI CHO HOLLYWOOD
Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi Harvey Weinstein bị cáo buộc quấy rối tình dục lần đầu tiên. Thế nhưng hậu quả và các cáo buộc tiếp theo chống lại những người đàn ông lạm dụng quyền lực khác vẫn đang tiếp diễn. Điều này đã biến hashtag #MeToo thành hiện tượng toàn cầu chú ý nhất trong năm. Ngày 1–1–2018, những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất định trong Hollywood như: Shonda Rhimes, Natalie Portman, Emma Stone và Selena Gomez… đã khởi xướng chiến dịch Time’s Up (Đã đến lúc). Hoạt động quy tụ sự tham gia của hơn 300 nữ diễn viên, biên kịch cùng đạo diễn. Họ đứng lên chống lại sự phân biệt đối xử và lạm dụng quyền lực tại nơi làm việc cho phụ nữ ở mọi nơi. Tháng 5–2018, lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes 2018 khép lại bằng bài diễn văn #MeToo gây rúng động của nữ đạo diễn, diễn viên người Ý Asia Argent. Cô là một trong những nạn nhân của Harvey Weinstein.
Theo trang CNN, lời tố cáo gây bàng hoàng ngay trên sân khấu Cannes của Asia Argento đã tạo tiền đề cho sự vùng lên của các nữ nhân viên trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nhân vật tiếp theo không ai khác chính là siêu sao Hollywood đoạt giải Oscar – Morgan Freeman. Ông bị cáo buộc từng quấy rối tình dục và có những lời bình phẩm khiếm nhã về cơ thể của nữ giới. Nhà biên kịch của series Madam Secretary cho rằng: “Morgan Freeman sẽ là người tiếp theo bị vạch trần nếu ông ta không hối cải”. Rõ ràng, những phụ nữ trẻ tham gia vào lực lượng giải trí đã bắt đầu thay đổi. Họ đã biết cách dùng tầm ảnh hưởng của chính họ để nỗ lực giải quyết các hành vi sai trái, quấy rối và tấn công tình dục bên trong ngành công nghiệp Hollywood. Suy cho cùng, một thế giới điện ảnh ‘Sau Weinstein’ sẽ khác đi rất nhiều – không chỉ cho Hollywood mà còn vươn đến các ngành công nghiệp phim ảnh toàn cầu.
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số tháng 9/2018)