Ngô Mỹ Uyên: Trình độ quan trọng hơn tuổi tác

Ngô Mỹ Uyên là một trong số ít nghệ sĩ nữ thoải mái công khai tuổi tác. Theo chị, thành tựu mới đáng lưu tâm, chị không ngại chuyện “hết thời”

Tình cờ gặp Ngô Mỹ Uyên trong một con hẻm nhỏ trên đường Đoàn Văn Bơ (Q. 4, TP. HCM), tôi không hiểu cô đang đóng phim hay làm gì với cả một ê-kíp quay phim toàn người nước ngoài. Uyên đứng trước ống kính máy quay, trò chuyện với một em nhỏ trong căn nhà nhỏ ọp ẹp bằng gỗ.

Phải chăng cô vừa bí mật nhận một vai diễn mới nhưng chưa ai hay?

 

Vẻ đẹp còn mãi với thời gian

Ngại cắt ngang công việc của Uyên, tôi lân la hỏi thăm những người sống quanh ngôi nhà kia. Thì ra Uyên đang quay một phim phóng sự về những trường hợp khuyết tật cần giúp đỡ. Tôi quyết định chờ đến khi ê-kíp xong việc mới tiến đến hỏi chuyện Uyên.

Ngắm gương mặt rạng rỡ và vóc dáng trẻ trung của Uyên, thật khó tin cô đã đi nửa quãng đường từ U30 đến gần U40. Phụ nữ thường ít khi dũng cảm khai thật tuổi tác, nghệ sĩ lại càng hiếm. Thế nhưng, Uyên lại rất tự tin về chuyện này.

Tôi đùa: “Lẽ ra ba mẹ Uyên phải đặt tên Uyên là Ngô Mỹ Nguyên mới đúng, sau bao nhiêu năm gặp lại vẫn thấy nguyên một vẻ đẹp tự nhiên”.

Uyên cười giòn tan cho rằng tuổi trẻ hay nhan sắc cũng cần cho sự nghiệp, nhưng không phải yếu tố quyết định thành, bại hoặc khẳng định tài năng của một nghệ sĩ. Trong tiếng cười vô tư ấy, cô nói: “Nhiều mỹ nhân như Củng Lợi hay Chương Tử Di bắt đầu nổi lên ở Hollywood khi tuổi gần 40 đấy thôi”.

Thực ra, đâu phải đợi đến 40 tuổi, Mỹ Uyên mới nổi danh. Từ năm 1994, 20 tuổi, cô đã được mời đóng vai chính trong phim Áo trắng sân trường bên cạnh Lê Công Tuấn Anh. Hai năm sau, cũng trong tà áo dài trắng tinh khôi, Uyên xuất hiện trên tạp chí Vogue bên cạnh siêu mẫu Kate Moss. Vẻ đẹp thuần Việt có dịp “chu du” ra nước ngoài nhờ thái độ làm việc chuyên nghiệp của Uyên. Giờ đây, khán giả khắp thế giới biết đến một cô gái Việt Nam duyên dáng trên sân khấu ảo thuật, qua các chương trình phát trên truyền hình và live show ở Mỹ.

Thật lạ, lớn lên trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, Uyên lại có đam mê và năng khiếu dành cho lĩnh vực này. Từ nhỏ, cô đã nằng nặc đòi ba mẹ cho đi học đàn, học hát, tập thể dục dụng cụ… Bằng nỗ lực bản thân và sự giúp đỡ của những người thầy, người bạn trong nghề, Uyên vươn lên và tỏa sáng trong nhiều vai trò như người mẫu, diễn viên, MC và ảo thuật gia.

 

Ngô Mỹ Uyên tự chọn trang phục cho loạt ảnh phỏng vấn

Ngô Mỹ Uyên tự chọn trang phục cho loạt ảnh phỏng vấn

Ảo thuật là sự tổng hợp của nhiều nghề

Khi Uyên quyết định chuyển hướng sang ảo thuật, ai nấy đều bất ngờ. Chỉ Uyên hiểu ý muốn của mình và biết phải làm gì để đạt được ước mơ. Uyên nói chính định mệnh đã đưa cô đến với bà Gay Black Stone, vợ của một ảo thuật gia nổi tiếng thế giới. Khi chồng bà qua đời, bà muốn Uyên là người tiếp quản kho đạo cụ nghệ thuật đồ sộ.

Tôi phải thú thực với Uyên, phần lớn người Việt Nam chỉ biết đến David Copperfield khi nhắc đến ảo thuật. Uyên cười lớn: “Bạn diễn của Uyên đấy!”. Cô từng xuất hiện trên sân khấu cùng David nhiều lần. Theo cô, thành công của anh chủ yếu nhờ mức độ đầu tư vào đạo cụ.

Uyên giải thích: “Ở Việt Nam, biểu diễn ảo thuật không tốn kém bằng ở nước ngoài. Ví dụ như tại Mỹ, ảo thuật gia không chỉ cạnh tranh bằng tài năng mà còn “đọ” khả năng đầu tư tài chính. Đạo cụ hỗ trợ rất nhiều cho nghề này nên càng đầu tư càng có lợi. Có nhiều thứ trị giá vài nghìn đến vài chục nghìn đô-la Mỹ ấy chứ. Ngày xưa, trò chui vào hộp rồi cắt đôi người rất ăn khách. Bây giờ, trò đó được cải thiện, không chỉ cắt mà còn nhìn thấy máu nên càng hấp dẫn hơn. Bí quyết vẫn là ở đạo cụ”.

Nhắc đến ảo thuật, Uyên tỏ ra hào hứng đặc biệt. Cô say sưa kể về quãng thời gian gần mười năm trong nghề. Ở Hollywood, thời gian còn quý hơn vàng, bất kỳ ai cũng phải học song song với làm. Dù là luyện võ hay tập ngón nghề ảo thuật, người học cũng phải nắm bắt thật nhanh để sớm thực hành trên sân khấu.

Uyên tự hào về khả năng tiếp thu cộng với năng khiếu của mình. Cô đang là “con gà đẻ trứng vàng” của Công ty ATI, chuyên sản xuất chương trình truyền hình. Bởi vì, nữ ảo thuật gia vốn dĩ đã hiếm, nữ nghệ sĩ gốc châu Á còn hiếm hơn.

“Ảo thuật gia đứng trên sân khấu phải tự dẫn dắt chương trình như MC, hóa trang và biểu diễn như diễn viên, đi lại và tạo dáng như người mẫu…”

Uyên chia sẻ: “Nữ diễn viên hay người mẫu đến tìm cơ hội ở Hollywood rất nhiều, cạnh tranh với họ chẳng dễ. Vì thế, tôi chọn ảo thuật, mảnh đất ít nữ, đặc biệt là nữ Á Đông. Tôi nói vậy không có ý rằng biểu diễn ảo thuật đơn giản. Đứng trên sân khấu một lần mới hiểu làm ảo thuật khó thế nào. Tôi vừa làm MC giới thiệu về tiết mục, vừa đi lại biểu diễn gương mặt lẫn hình thể như diễn viên. Mỗi lần xuất hiện, tôi đều tự lo trang phục và make-up, chẳng khác gì người mẫu hay stylist. Thỉnh thoảng, tôi còn phải cài áo giúp những người diễn phụ nữa chứ. Họ đâu có quen với trang phục Á Đông”.

Từng đoạt giải Người mẫu thời trang và Hoa hậu thời trang quốc tế Ai Cập, Uyên luôn tự tin vào gu thẩm mỹ của mình. Toàn bộ trang phục đều do Uyên chọn và được chuyển từ Việt Nam qua Mỹ. Đó cũng là cách để Uyên tạo sự khác biệt cho màn trình diễn.

Uyên rất yêu thích các tiết mục xiếc thú. Cô có dịp tập với voi, trăn, cọp trắng… Mỗi lần tập đều để lại cảm xúc khó quên, nhưng điều kỳ lạ là Uyên tuyệt nhiên không thấy sợ.

Cô không run khi bị một con trăn quấn quanh người. Điều cô khó chịu là làn da nhớp nháp của nó và thái độ “bất hợp tác” của con trăn đực. Thông thường, Uyên hay diễn với một con trăn cái rất “dễ tính”. Cô và nó cùng “trốn” trong một cái hộp chật hẹp và bất ngờ xuất hiện trước mặt khán giả. Có hôm nó bệnh, đoàn phải thay bằng trăn đực “xấu tính”, nó siết chặt hơn và hay cắn. Đó là lúc Uyên khổ vì “bạn diễn không chân”.

Uyên đặc biệt thích biểu diễn với hai chú cọp trắng tuyệt đẹp. Cô từng trực tiếp cho ăn và tập luyện với chúng. Trong tiết mục đó, cọp bị nhốt trong một chiếc lồng, Uyên “bị” nhốt trong chiếc lồng bên cạnh. Thế nhưng, do mức độ nguy hiểm quá cao nên tiết mục không còn được dùng nữa. Mỗi lần ngắm poster chuẩn bị cho chương trình ngày xưa, có ảnh Uyên chụp với cọp, một cảm giác nuối tiếc trào dâng trong lòng người phụ nữ gan dạ này. Nghề ảo thuật cũng lắm rủi ro, vì thế, công ty phải mua bảo hiểm cho Uyên.

Làm live show vốn rất tốn kém, Công ty ATI chủ yếu bán băng ghi hình cho các đài truyền hình. Uyên giải thích: “Ảo thuật thì xem đi xem lại được nên bán băng ghi hình sẽ lợi hơn làm chương trình trực tiếp”. Cô là một trong số ít ảo thuật gia tại Mỹ có chương trình chiếu trên kênh truyền hình đặc biệt “pay-per-view”, khán giả phải trả tiền mới được xem.

Hỏi Uyên có mơ ước về Việt Nam trình diễn, cô đáp ngay: “Có chứ!”. Thế nhưng để dàn dựng một show, cô phải “bê” về nguyên một ê-kíp lớn và rất nhiều máy móc, đạo cụ. Chi phí tốn kém cộng thêm khó khăn về thủ tục nên Uyên đành ấp ủ ước mơ đó, chờ có nhà tài trợ sẽ làm.

Ngô Mỹ Uyên trong một tiết mục biểu diễn

Ngô Mỹ Uyên trong một tiết mục biểu diễn

 

Về nước để làm từ thiện

Mải trò chuyện về ảo thuật, tôi quên mất ý định ban đầu khi tiếp cận Uyên. Trước khi cô lên xe cùng đoàn trở về khách sạn vì đã hoàn thành cảnh quay, tôi kịp hỏi thăm về dự án cô đang thực hiện trong chuyến về nước này.

Uyên muốn hoàn thành ý định ấp ủ từ hai năm trước. Tổ chức từ thiện mang tên cô và Starkey Hearing Foundation đang phối hợp trong chương trình trao tặng 1.500 máy trợ thính cho trẻ em khiếm thính từ 6-16 tuổi ở một số tỉnh, thành. Tổng chi phí cho chương trình lên đến bốn triệu đô-la Mỹ, bao gồm kinh phí mua máy trợ thính, mời chuyên gia sang lắp máy cho các em, tổ chức biểu diễn ca nhạc…

Đặc biệt, Uyên mời bốn ngôi sao của Mỹ tham gia biểu diễn. Đó là Dean Cain, diễn viên phim Smallville, thí sinh nổi bật của cuộc thi American Idol 2006, Ace Young, cùng hai ngôi sao của kênh Disney, anh em Christopher và Kyle Massey (đóng phim Cory in the HouseThat’s So Raven). Cô xúc động nói: “Tôi muốn âm thanh đầu tiên các em khiếm thính nghe thấy trong đời là tiếng hát vui tươi của các bạn cùng trang lứa”.

Để có được món quà đầy ý nghĩa cho các em, Uyên phải bỏ tiền tham gia cuộc đấu giá do Starkey Hearing Foundation tổ chức trong gala thường niên của họ. Uyên dự tính sẽ kêu gọi tài trợ trong những chương trình lần sau, nếu muốn duy trì hoạt động từ thiện lâu dài.

Ngô Mỹ Uyên

Trong chuyến về Việt Nam lần này, Uyên dành trọn thời gian cho chương trình. Suốt ba ngày, từ 22 đến 24 tháng Mười, cô có mặt tại Nhà Văn hóa Thanh Niên (TP. HCM) để trao tặng máy trợ thính. Hai ngày tiếp theo, cô cùng cả đoàn bay ra Hà Nội tặng máy cho trẻ em khiếm thính miền Bắc.

Song song với chương trình trên, Uyên tổ chức sản xuất một bộ phim tài liệu về hai em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô cùng ê-kíp quay phim tới thăm gia đình hai em và mô tả hoàn cảnh của họ. Bộ phim sẽ tranh giải Emmy năm sau. Đây là giải thưởng uy tín nhất thế giới dành cho nghệ sĩ và các tác phẩm truyền hình, thường được ví như “giải Oscar truyền hình”.

Với từng ấy công việc và nhiều kế hoạch đang ấp ủ, Uyên khiến những người xung quanh phải ngạc nhiên và nể phục sức làm việc của mình. Sau những chuyến bay đi bay về, theo đuổi các dự án vì cộng đồng, niềm vui riêng của Uyên là gặp gỡ, trò chuyện cùng bạn bè. Những lúc ấy, Uyên vẫn là Uyên của ngày nào, dí dỏm, thân tình và rất biết quan tâm đến những người xung quanh.

Như trong buổi tiệc thân mật Uyên tổ chức ngay tại nhà mình, số 9 Hàn Thuyên, TP. HCM, cô chủ nhà xinh đẹp cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc thì cô kiểm tra thức ăn hay công tác phục vụ có chu đáo không, lúc thì tay bắt mặt mừng đón một người bạn đến trễ, khi lại quyến luyến ra tận cửa tiễn một vị khách về sớm.

Thỉnh thoảng, Uyên lại hồn nhiên và trông gần gũi hơn khi dừng lại góp thêm vài lời trong câu chuyện của Hồng Nhung, Hà Kiều Anh.

Uyên là thế đấy, ở cô luôn toát lên một cá tính mạnh mẽ, đầy hoài bão ẩn chứa bên trong dáng người mảnh khảnh.

 

BÀI: THU PHƯƠNG, THANH DÂN. ẢNH: STEPHANE B., QUỐC DŨNG

THEO HER WORLD

Đừng bỏ qua