Bạn đã hiểu đúng về tia UVA và UVB?
UVA (Ultraviolet A: Tia cực tím bước sóng A) tác động vào lớp hạ bì của da, khiến hình thành các nếp nhăn. Da mất đi độ căng và độ đàn hồi, lâu dần sẽ gây nên ung thư da. 90% tia nắng mặt trời là tia UVA.
UVB (Ultraviolet B: Tia cực tím bước sóng B) là loại tia có bước sóng trung bình, tác dụng lên lớp biểu bì của da, gây cháy nắng, da bỏng rát và kích thích các tế bào hắc tố, tác nhân khiến da bị sạm đen. Do đó, chọn kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao, khả năng ngăn chặn tia UVB càng lớn.
Ngoài ra, tia UV còn chứa UVC nhưng đã bị cản bởi tầng ozone nên ít được nhắc đến.
Thời gian và lượng kem?
Hãy luôn thoa kem chống nắng trước khi ra đường tối thiểu là 20 phút để kem có thời gian hoạt động tốt nhất. Lặp lại việc này sau 1-2 tiếng ra nắng. Khi thoa kem, bạn chỉ nên lấy lượng vừa đủ, tránh tình trạng da bị nhờn rít, bít lỗ chân lông. Lượng kem dùng toàn thân gấp khoảng 4-5 lần cho da mặt.
Kem chống nắng cho ngày nắng cực điểm phải hội tụ ít nhất 3 trong 4 yếu tố dưới đây
Chỉ số bảo vệ da khỏi nắng SPF 50
Chỉ số này là định mức đo lường khoảng thời gian chống nắng tối đa của một sản phẩm, không phải là khả năng chống nắng nhiều hay ít. Theo định mức quốc tế, 1 SPF có khả năng bảo vệ bạn trong 10-20 phút, tùy thuộc vào thời điểm bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và đặc điểm làn da. Tuy sự khác biệt giữa những chỉ số này không cao, ví dụ như SPF 15 ngăn chặn được khoảng 92% tia UVB trong khi SPF 50 ngăn chặn được khoảng 98% tia UVB nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên chọn SPF 50 cho này cực nắng. Còn với ngày nắng hè, chỉ cần SPF 30 cho kem chống nắng và SPF 15 cho sản phẩm trang điểm.
Cường độ chống tia UVA PA +++ trở lên
Nếu chỉ số SPF giúp chống UVB thì PA chứng tỏ khả năng lọc tia cực tím UVA. Dấu cộng (+) thể hiện mức độ bảo vệ da của sản phẩm đó.
Broad Spectrum
Gần đây, các hãng mỹ phẩm đều tung ra những loại kem/sữa chống nắng in dòng chữ Broad Spectrum như một xu hướng chống nắng mùa hè. Broad Spectrum chính là quang phổ, được FBA công nhận có khả năng bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB.
Sunblock (chống nắng vật lý) hay Sunscreen (hóa học) đều được
Với những ai sở hữu da nhạy cảm, sunblock sẽ phát huy tác dụng hiệu quả. Trong khi đó, sunscreen có ưu điểm tiệp với màu da. Nhìn chung, nếu đảm bảo chỉ số SPF và PA kể trên, khả năng bảo vệ da của hai loại này vẫn tương đương nhau. Thậm chí, nhiều sản phẩm không hề phân biệt Sunblock hay sunscreen mà chỉ đơn thuần là sun cream. Do đó, bạn không cần bận tâm về yếu tố này trên bao bì sản phẩm.
Chống nắng từ bên trong
Nếu bạn chuẩn bị tới những vùng biển có ánh nắng gay gắt, thoa kem chống nắng thôi không đủ. Trên thị trường có nhiều thực phẩm chức năng dạng viên có tác dụng chống nắng từ bên trong. Bạn có thể đến các nhà thuốc hoặc bác sỹ da liễu để được tư vấn. Ngoài ra, nhiều thực phẩm có khả năng chống nắng tự nhiên vô cùng tuyệt vời như cà-rốt, dưa hấu, cà chua, họ cam quýt, quả mọng, trà xanh… Nếu bạn không tin, những loại quả này cũng vẫn xứng đáng để bạn thưởng thức trong ngày hè nóng nực bởi chúng cung cấp lượng nước, vitamin đáng kể, giúp bổ sung năng lượng đấy!
Bạn đừng quên những điều tuy nhỏ này nhé!
Dù đã dùng kem chống nắng, khi trang điểm vào ngày nắng nóng, bạn cũng nên chọn mỹ phẩm chứa thành phần chống nắng.
Hạn chế ra nắng trong khoảng thời gian từ 10–15 giờ. Luôn che chắn cẩn thận với nón, kính râm, áo khoác chống nắng…
Tẩy trang cuối ngày nếu trước đó bạn có sử dụng kem chống nắng.
Cho dù bạn thoa kem chống nắng đều đặn nhưng nếu lượng kem không đủ, da bạn vẫn chịu thương tổn từ tia tử ngoại.
Dùng kem chống nắng khi đi bơi, hiệu quả chống nắng sẽ giảm đi rất nhiều. Vì vậy, sau khi tắm, bạn cần thoa lại một lớp mỏng kem chống nắng thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, khi hoạt động vào ngày nắng, mồ hôi cũng sẽ như nước, dễ làm trôi lớp kem chống nắng bảo vệ làn da. Nếu có điều kiện, bạn có thể chọn loại kem chống nắng có công nghệ thấm nước.
Bài: NGỌC ANH
Her World Việt Nam