Có thể nói “hậu tích bạc phát” (để dành thật nhiều, phát ra từ từ) là cụm từ chính xác nhất để miêu tả Phùng Thiệu Phong trong mấy năm gần đây. Ít ai biết để có được thành công như hôm nay, anh phải mất đến 12 năm phấn đấu sau khi tốt nghiệp trường diễn xuất. Những bộ phim điện ảnh ra rạp và mang về doanh thu cao đã giúp Phùng Thiệu Phong khẳng định vị trí. Không dừng lại ở đó, anh hứa hẹn sẽ tiếp tục chinh phục những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp diễn xuất.
CÓ LẼ TÔI CÒN THIẾU MAY MẮN
Một diễn viên thành công nhờ vào hai yếu tố: tài năng và may mắn, nhưng hình như Phùng Thiệu Phong chưa từng được hưởng chút tổ đãi nào. Khi được nhiều người biết đến với vai Bát A Ca trong Cung tỏa tâm ngọc, là lúc anh đã lăn lộn trong nghề mười năm rồi. Nếu so với hàng loạt nam diễn viên thành công chỉ nhờ vào ngoại hình bắt mắt, Phùng Thiệu Phong đã bỏ mất mười năm thanh xuân rực rỡ nhất. Tuy vậy, anh không hề xem khoảng thời gian vô danh tiểu tốt đó là u ám, khổ đau.
Giữ được tâm thế thoải mái như vậy, có phải vì anh xuất thân giàu có nên chỉ xem nghệ thuật là cuộc dạo chơi?
Có rất nhiều tin đồn cho rằng tôi là thiếu gia. Tôi chỉ có thể nói căn nhà hiện tại mình đang ở là do chính tay tôi mua từ cát-xê hơn mười năm đi diễn. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng bình thường, không đến mức đại gia như mọi người vẫn nghĩ. Hơn nữa, tôi xưa nay chưa từng dựa vào cha mẹ để phát triển, cha mẹ tôi không phải là người trong giới giải trí nên không thể giúp gì cho con đường tiến thân của tôi. Tôi phải dựa vào chính mình, thông qua từng vai diễn để thành danh.
Rất nhiều người lấy Phùng Thiệu Phong ra làm ví dụ khi muốn miêu tả một kẻ “mê đóng phim đến cuồng si”. Lúc quay Thời đại hoàng kim của đạo diễn Hứa An Hoa, vai Tiêu Quân do anh thủ diễn có tính cách rất phức tạp. Để diễn được phân cảnh Tiêu Quân và vợ phát sinh mâu thuẫn, anh phải nghiên cứu kỹ tâm lý của nhân vật này.
Phùng Thiệu Phong vốn quen đắm chìm trong thế giới nhân vật do mình tạo ra, không thích môi trường ồn ào, cho nên anh đã trốn trong phòng của đạo diễn. Lúc đó Hứa An Hoa đang bận chỉ đạo diễn xuất, phòng không có ai, anh có thể dễ dàng nhập tâm hơn. Không ngờ hôm ấy lại có đạo diễn Quan Cẩm Bằng đến chơi, vào ngay phòng đạo diễn. Nhìn thấy Phùng Thiệu Phong ở trong phòng, ông liền lên tiếng chào hỏi, nhưng anh lại không hề có chút phản ứng, tựa như đã trở thành một người khác.
Phùng Thiệu Phong vẫn giữ thái độ như vậy cho đến khi đóng xong các phân cảnh của ngày hôm đó, rồi mới đến trước mặt đạo diễn Quan Cẩm Bằng “để nhận tội”. Anh nói vì không muốn phá vỡ tâm trạng của nhân vật nên mới vô lễ như vậy. Đạo diễn Quan không những không giận mà ngược lại còn tỏ ra rất thấu hiểu tình cảm của anh.
KHÂM PHỤC TINH THẦN LOÀI SÓI
2015 là năm có nhiều điều đáng nhớ với Phùng Thiệu Phong. Tham gia dự án điện ảnh Lang đồ đằng của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, anh dành gần hết thời gian để hòa mình vào cuộc sống của một người dân du mục. Trong phim, Phùng Thiệu Phong hóa thân thành Trần Trận, một sinh viên Bắc Kinh tình nguyện đi lao động ở thảo nguyên Mông Cổ. Anh đã sống cùng những người dân du mục, tìm hiểu về phong tục tập quán của họ. Hơn nữa, anh còn trực tiếp nuôi nấng một chú sói nhỏ. Phùng Thiệu Phong vừa ở trên thảo nguyên cưỡi ngựa tự do tiêu sái, vừa dùng mọi cách tỉ mẩn chăm sóc “lang nhi tử”, thường xuyên dùng máy ảnh lưu giữ những cảnh sắc thiên nhiên, còn mê đắm trò vật lộn uống rượu cùng người Mông Cổ, có thể nói: “Tất cả đều rất tự do”.
Quay Lang đồ đằng, làm sao anh giao tiếp với sói con được?
Lần đầu tiên tiếp xúc với sói con, tôi đặc biệt hưng phấn, cảm thấy cuối cùng cũng có thể tiếp xúc với sói ở khoảng cách gần như vậy. Thầy huấn luyện nói sói cần không gian an tịnh, không được làm gì quá khích với chúng. Nếu ấn tượng đầu tiên của sói với bạn không tốt, sau này chúng sẽ vĩnh viễn không thích bạn, do đó tôi đặc biệt trầm tĩnh và kiềm chế. Mỗi ngày tôi đều cùng thầy huấn luyện cho sói ăn, đưa sói ra ngoài hóng gió, sau đó vệ sinh hang sói, chiều về thì chơi đùa cùng chúng.
Nhờ vậy mà lũ sói chịu tiếp nhận anh?
Muốn để sói con tiếp nhận mình thì chỉ có thể dựa vào thời gian. Không như mèo con, chó con tin tưởng loài người, lũ sói rất cảnh giác. Mỗi khi xung quanh có thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, nó sẽ biểu thị sự hoài nghi và cảnh giác. Bạn không thể tiếp cận chúng quá gần, không thể quá kích động khi chạy giỡn cùng chúng, ngược lại phải yên tĩnh ở đó, để lũ sói chủ động quyết định mối quan hệ với bạn. Dĩ nhiên, bạn không thể xem chúng là thú cưng trong nhà. Chúng cũng chẳng bao giờ xem bạn là chủ nhân, chỉ có thể là bạn bè.
Anh thấy sói là loài động vật thế nào?
Sói có rất nhiều đức tính khiến chúng ta phải tôn trọng. Loài sói thông minh, chỉ số IQ rất cao, có tính đoàn kết, hơn nữa lại có khí chất của riêng mình. Tôi phục loài sói ở chỗ chúng thà chết chứ không để loài người giam cầm. Đó là tinh thần của một dũng sĩ trên chiến trường, rất đáng khâm phục.
Sau khi phim đóng máy, chắc hẳn anh đã hiểu thêm nhiều điều về quan hệ giữa con người và thiên nhiên?
Khi đọc tiểu thuyết Lang đồ đằng, tôi đã rất xúc động. Tôi bắt đầu tìm hiểu về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Đương nhiên chúng ta cần phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại, thành thị ngày càng rộng lớn, to đẹp hơn. Nhưng tôi cảm thấy nên để lại cho địa cầu này một vùng đất hoang sơ, không phát triển gì hết, để bảo tồn những gì thuộc về nguyên thủy.
Giống như hồ thiên nga trong tiểu thuyết, đó là một nơi rất đẹp, cho đến khi người ta đến san đất xây nhà. Lúc đạo diễn Annaud đi tiền trạm, vẫn chưa có nhiều trạm phát điện. Vài năm sau trở lại để quay phim, trạm phát đã mọc lên như nấm. Lúc đó, tôi cũng có cảm giác như những gì trong sách miêu tả, thực sự rất đau lòng.
Việc hợp tác với đạo diễn Annaud thì sao thưa anh?
Đạo diễn là người lạc quan và rất tình cảm. Mỗi ngày đi quay, ông ấy đều ôm hôn chúng tôi. Annaud đối với đoàn phim hòa nhã đáng mến, mỗi lần ông xuất hiện đều nghe thấy tiếng cười. Vậy nhưng lúc làm việc, ông như biến thành người khác, rất chuyên nghiệp. Ông ấy sẽ không ngồi phía sau máy quan sát mà luôn đứng ngay mé ngoài, sát bên máy quay để xem cách diễn của diễn viên. Annaud cũng rất biết cách nói chuyện với động vật, thậm chí là dạy chúng diễn xuất.
Bình thường, tôi thích nhận vai xong sẽ tìm hiểu ưu và nhược điểm của nhân vật. Tuy nhiên, dường như Trần Trận không có khuyết điểm nào, khiến tôi khó có thể hóa thân vào vai diễn. Đạo diễn Annaud nói với tôi: “Trần Trận ngay từ đầu nhận nuôi con sói đã là một sai lầm rồi”. Chính câu nói này đã giúp tôi lĩnh ngộ tính cách nhân vật ngay.
Sống ở thảo nguyên lâu như vậy, anh có thấy tinh thần được thanh tẩy không?
Có đấy. Sống ở thành thị rất khó để trải nghiệm cuộc sống thế này. Tôi thích giao lưu với những người dân ở đây, thích nghe các ca khúc Mông Cổ. Trên thảo nguyên mênh mông, cưỡi ngựa chạy như bay, cảm giác như người và trời hợp nhất lại, thực sự rất tự do.
Có phải nhờ sống giữa thảo nguyên mà con người anh cũng trở nên khoáng đạt hơn?
Đến thảo nguyên, chúng tôi không quá câu nệ. Chẳng hạn khi đóng phim, diễn viên thường kê ghế đẩu để ngồi, còn ở thảo nguyên thì bất luận là ai cũng đều nằm trên cỏ. Mọi người nằm cùng nhau và trò chuyện, khoảng cách giữa người với người trở nên thật gần gũi, người và trời như gần hơn, có cảm giác như mình tiếp nhận được địa khí. Chúng tôi không hề cảm thấy dơ bẩn, chỉ thấy ở đâu cũng có cỏ, mang đến cảm giác sinh sôi mạnh mẽ.
Anh có gặp khó khăn gì khi làm việc với người Mông Cổ không?
Tôi rất thích người Mông Cổ bản địa, họ chân thành và trầm tĩnh. Có thể điều này liên quan tới nếp sống du mục của người Mông Cổ, bởi người săn bắn phải cực kỳ trầm tĩnh. Những lời họ nói ra rất đáng trân trọng. Tôi thường hỏi họ nhiều vấn đề như làm sao cưỡi ngựa, lũ sói như thế nào, nền văn hóa thảo nguyên ra sao… Họ kiên nhẫn giải thích cho tôi hiểu từng chút.
YÊU TỐC ĐỘ VÀ SỰ KÍCH THÍCH
Thành tích của Phùng Thiệu Phong trên màn ảnh thì ai cũng biết, nhưng đời sống riêng của anh lại là một dấu hỏi lớn với người hâm mộ. Những người thân thiết với Phùng Thiệu Phong đều biết anh rất thích xe đua. Kiến thức về xe đua của anh không hề kém các tay đua chuyên nghiệp, nhưng anh hiếm khi đưa lên mạng xã hội những bức ảnh chụp chiếc xe đua của mình.
Ngoại trừ xe đua, Phùng Thiệu Phong còn thích âm nhạc và chơi game. Anh chơi rất cừ, không thua kém các game thủ chuyên nghiệp, còn sưu tầm rất nhiều máy chơi game. Phùng Thiệu Phong cũng có hứng thú với âm nhạc, không biết chừng anh sẽ cho mắt ra đĩa đơn. Nhưng thần kỳ nhất là ở chỗ, người mê tốc độ, thích chơi game, ưa thách thức cái khó như anh khi đến phim trường lại biến thành một người làm nghệ thuật rất nghiêm túc. Thực sự không có mấy người làm được như Phùng Thiệu Phong.
Trong bộ phim chiếu Tết Tây Du Ký – Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, Phùng Thiệu Phong hóa thân thành một Đường Tăng không giống bất kỳ phiên bản nào trước đây. Theo lời anh nói, đó là một vị tiểu hòa thượng hài hước. Trong tác phẩm dành cho dịp Valentine có tên Đám cưới của bạn thân, Phùng Thiệu Phong lại biến thành một nam nhân ưu tú bị các cô gái tranh giành. Còn trong Tam thể vừa đóng máy không lâu, anh phụ trách vai diễn một giáo sư vật lý học sẽ giải cứu cả thế giới. Có thể nói mỗi vai diễn của Phùng Thiệu Phong đều mang đến cho khán giả cảm giác vừa ngạc nhiên vừa háo hức mong chờ.
Anh có nghĩ Hollywood sẽ là bước tiến tiếp theo của mình?
Tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho tương lai. Với tôi, được đóng các bộ phim mình thích, hóa thân vào những vai diễn mình yêu như hiện nay, thật sự mãn nguyện rồi.
Hiện tại, anh ước mơ gì nhất?
Tôi chỉ mong sau này có người nhắc đến phim của tôi, sẽ nói đó là một bộ phim hay.
Her World Việt Nam