Đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994, ngay lập tức, ái nữ của Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam lúc bấy giờ đã được chú ý. Sự hào nhoáng của danh hiệu, những lời mời mọc và tung hô đã làm cho Thu Thủy ảo tưởng và bỏ lỡ những năm cuối đại học Ngoại giao.
Tiếp đó, cô lấy chồng. Rồi cuộc hôn nhân đẹp như trong mơ cũng kết thúc. Cựu hoa hậu Nguyễn Thu Thủy cũng là hoa hậu dám khẳng định mình với công việc kinh doanh một chuỗi sáu trung tâm spa mà không có đại gia nào đứng phía sau. Người phụ nữ đẹp nhưng cô đơn, thành đạt nhưng phải nuôi con một mình, đã không ngần ngại trải lòng với chúng tôi.
Tôi không từ chối nếu những điều đó là chính đáng
Her World (HW): Người ta thường nghĩ cứ hoa hậu, hoặc đơn giản là người đẹp, sẽ có cuộc sống sung sướng và hạnh phúc?
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy (NTT): Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người mỗi khác. Có người quan niệm hạnh phúc gắn liền với các điều kiện vật chất như biệt thự, xe hơi đẹp, cuộc sống nhàn nhã. Lại có người gắn hạnh phúc với các giá trị tinh thần… Tôi nghĩ, một người phụ nữ đẹp đã là điều may mắn, hạnh phúc rồi.
HW: Sau những biến cố, với chị hạnh phúc như thế nào là đủ?
NTT: Giống bao phụ nữ khác, chưa bao giờ tôi thấy mình trọn vẹn và viên mãn như khi được làm mẹ, chăm sóc con cái. Nhìn các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Tôi cũng rất hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người khác. Tôi bây giờ khác với mười, mười lăm năm trước. Lúc đó, mình nhận nhiều hơn cho, cái “tôi” rất lớn, dễ tự ái, hiếu thắng. Bây giờ làm gì, tôi cũng luôn nghĩ xem nó có ảnh hưởng đến người khác không? Làm sao để cân bằng quyền lợi của mình và người ta? Tôi cũng vị tha hơn xưa rất nhiều.
Nhưng trên tất cả, đối với tôi, hạnh phúc thực sự khi được là chính mình. Hạnh phúc không to tát, ồn ào, đôi khi chỉ là mỗi buổi tối ngồi học bài với con, đọc quyển sách hay hoặc cái siết tay khích lệ của đồng nghiệp khi vượt qua những khó khăn trong công việc. Tôi rất tâm đắc với câu nói: “Hạnh phúc là ở trên đường đi chứ không phải ở đích đến”.
HW: Chứ không phải dùng hàng hiệu, đi xe đẹp, ở biệt thự và nhiều thứ cần thiết xa xỉ khác?
NTT: Tôi vẫn thích mặc hàng hiệu, cố gắng kiếm tiền để mua xe đẹp hơn, xây nhà tiện nghi cho các con, vẫn thích ăn ngon, mặc đẹp… Theo tôi, điều đó không có gì sai.
HW: Chị có từ chối những điều hào nhoáng như vậy không?
NTT: Không, nếu đó là điều chính đáng, nhưng tôi cũng không chạy theo và sống vì những thứ đó. Cách đây không lâu, tôi có chia sẻ với một người bạn rất thành đạt: “Năm nay em cố gắng cày để mua nhà to hơn”. Anh bạn nói ngay: “Em đừng ham hố quá làm gì, phải biết hài lòng với những gì mình đang có. Vật chất biết thế nào là đủ? Hôm nay kiếm được nhiều tiền, ngày mai muốn kiếm nhiều hơn nữa. Em đừng sốt ruột với sự giàu có của người khác, có mấy cô gái đẹp đọc được nhiều sách như em?!”.
Xấu hổ với bản thân vì mình quá kém cỏi
HW: Trải qua rất nhiều thăng trầm trong con đường làm hoa hậu, chị nghiệm thấy điều gì sau những thất bại?
NTT: Khi thất bại, suy nghĩ tiêu cực thường đến. Với tôi, vượt qua được những cảm giác yếm thế, sợ hãi… để đứng lên đi tiếp là điều hết sức khó khăn. Kẻ thù lớn nhất là chính mình. Cần phải hiểu mình và hiểu đâu là giá trị thật của mình đằng sau những hào nhoáng thành công cũng như thất bại. Những thứ đó không bao giờ thay đổi và sẽ là nền tảng cho mình đứng dậy sau khi ngã. Biết trân trọng hiện tại và tận hưởng niềm vui chiến thắng, dù nhỏ nhất, thì thất bại hay vấp ngã chỉ là thử thách mà thôi.
HW: Bỏ học để theo nghệ thuật, kinh doanh và gặp khó khăn, đổ vỡ hôn nhân… chị thấy thất bại nào làm cho mình đau đớn, dằn vặt nhất?
NTT: Đó là bỏ học giữa chừng. Tôi rất xấu hổ, nhất là với bố mẹ vì ông bà luôn hy vọng tôi sẽ tiếp nối con đường học vấn. Xấu hổ với bạn bè, người thân vì tôi luôn được coi là người thông minh và học giỏi. Xấu hổ với bản thân vì mình kém cỏi quá. Đến bây giờ tôi mới hiểu học hành là việc cả đời, không phải cứ học đến bằng nọ, cấp kia thì chẳng cần học nữa. Vì vậy, giờ đây, tôi tự học mỗi ngày. Biết đâu vài năm nữa, khi con cái lớn, tôi sẽ lại đi học. Tôi mong được trở lại Mỹ để theo học ngành tâm lý học.
Trong kinh doanh, thất bại là chuyện thường. Mỗi lần thất bại, tôi lại có được bài học kinh nghiệm lớn. Với tôi, dằn vặt nhất là sự đổ vỡ trong các mối quan hệ chứ không chỉ có hôn nhân. Tôi là người giàu tình cảm, hay suy nghĩ. Có khi chỉ một câu nói, cử chỉ của người khác cũng làm tôi suy nghĩ, buồn đến mất ăn mất ngủ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự dằn vặt mình vì không giữ được gia đình cho các con. Nuôi con một mình là một thử thách ghê gớm đối với phụ nữ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi luôn cố gắng để các con không có cảm giác mất mát và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng trong thâm tâm, tôi hiểu làm được điều đó rất khó.
Từng chán nản, buông xuôi, lao vào các cuộc rong chơi, tiệc tùng thâu đêm
HW: Tinh thần của người phụ nữ trong thời điểm đổ vỡ hôn nhân bao giờ cũng tệ hơn người đàn ông. Chị đã vượt qua nó như thế nào?
NTT: Tôi từng có cuộc tình đẹp, được mọi người coi là cặp đôi lý tưởng. Chính vì vậy khi hôn nhân đổ vỡ, áp lực từ bên ngoài rất lớn. Tôi không cố gắng giấu diếm, nhưng cũng tránh để mọi người biết nhiều. Có thời gian tôi ở lì trong nhà, không gặp gỡ, tiếp xúc với ai. Có lúc tôi định bỏ lại tất cả, đến một nơi thật xa, không ai biết mình để làm lại từ đầu. Rồi có lúc chán nản, buông xuôi, tôi lao vào tiệc tùng thâu đêm…
Đến khi tỉnh dậy, nhìn lại, tôi thấy mình sống thế nào cũng được, nhưng không thể vô trách nhiệm với con cái. Thế là tôi tập thiền, yoga, đọc sách để nhìn lại mình và lấy lại cân bằng.
HW: Chị có bao giờ đặt cho mình câu hỏi: giá như thế này, giá như thế kia?
NTT: Tôi ít khi nuối tiếc hay ân hận. Tôi quan niệm cuộc sống của mình hôm nay do mình tự lựa chọn, là kết quả của những gì mình đã làm ngày hôm qua. Vì vậy, thay vì tự chất vấn giá như thế này, thế nọ, tại sao mình không cố gắng để có một ngày mai tốt hơn.
HW: Theo chị, thành công trong kinh doanh của hôm nay có bao nhiêu phần trăm do danh hiệu hoa hậu mang lại?
NTT: 99% do may mắn. May mắn được sinh ra trong gia đình có nền tảng tốt, may mắn có được nhan sắc, may mắn đoạt giải hoa hậu…
HW: Chị có nghĩ người đẹp thì phải nhiều bạn bè, được yêu quý, được giúp đỡ, huống chi là một hoa hậu?
NTT: Tôi chỉ có vài người bạn thân. Vì công việc kinh doanh và là hoa hậu nên tôi quen biết rất nhiều. Đúng là người đẹp được mọi người thích, thích làm quen, thích ở gần, tôi không phủ nhận điều đó. Mình đẹp đẽ, xinh tươi, ăn nói có duyên, hiểu biết, hóm hỉnh, thành đạt, ai chẳng thích gần.
Tuy nhiên, đó cũng là một áp lực, phải làm sao giữ cho mình luôn tươi vui, xinh đẹp, không được cáu bẳn, luộm thuộm. Nhiều lúc tôi muốn xuề xòa, nhắng nhít một tí cũng không được. Mình làm một trăm điều đúng đắn, mọi người coi đó là hiển nhiên, chỉ cần sơ sẩy làm một điều sai, coi như một trăm điều đúng đắn kia bỏ đi hết.
Bi kịch của những cô gái đẹp là không biết sử dụng sắc đẹp đúng chỗ, đúng lúc
HW: Ai cũng thấy mặt phải mà sắc đẹp mang tới cho một cô gái. Vậy còn bi kịch?
NTT: Cái gì chẳng có mặt trái của nó. Bản thân sắc đẹp đã là một gánh nặng và bi kịch của nhiều cô gái là không biết sử dụng sắc đẹp đúng chỗ, đúng lúc.
HW: Thực tế cho thấy, rất hiếm phụ nữ đẹp lại không hạnh phúc?
NTT: Thế hóa ra câu Hồng nhan bạc phận lại không ứng nghiệm trong thời đại này? Như tôi nói ở trên, quan niệm hạnh phúc tùy thuộc vào từng người. Có người cho rằng ở nhà lầu, đi xe hơi đẹp, sáng tối lượn cà-phê là hạnh phúc…
HW: Có thể miêu tả cuộc sống hiện giờ của chị như thế nào?
NTT: Cuộc sống của tôi bây giờ xoay quanh hai đứa con và việc kinh doanh. Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian để đi du lịch, đọc sách, viết lách… Vất vả lắm vì việc gì cũng đến tay. Phụ nữ bươn chải quá không tốt, nhưng tôi chấp nhận và coi đó như cơ hội để rèn luyện mình, tìm niềm vui trong công việc hàng ngày.
Ngày xưa tôi sống gấp gáp, lúc nào cũng như chạy đua với thời gian, luôn hấp tấp, vội vàng. Bây giờ tôi cố gắng sống chậm hơn, dành nhiều thời gian để suy nghĩ, trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống hơn.
Tôi không mang công việc về nhà nữa, tối nào cũng học bài cùng con, tự tay chăm sóc chúng chứ không ỷ vào người giúp việc. Thậm chí, gần đây tôi còn vào bếp nấu nướng. Trước đây, cuối tuần là thời điểm làm việc lý tưởng nhất của tôi. Còn bây giờ tôi ở nhà chứ không cắm đầu bên máy tính hoặc lao đến công ty như trước nữa.
Cần người đàn ông biết nhường nhịn
HW: Với người phụ nữ đẹp, tìm kiếm một niềm vui mới không khó, nhưng điều khó nhất là làm cho họ cảm thấy được hạnh phúc trọn vẹn. Chị có nghĩ như thế không?
NTT: Tìm kiếm một niềm vui trọn vẹn rất khó, ai cũng vậy chứ không riêng gì phụ nữ đẹp. Nếu có tìm thấy, việc gìn giữ nó còn khó gấp vạn lần. Tôi theo quan điểm hiện sinh, hãy cứ tận hưởng và nâng niu những gì mình đang có. Quá khứ đã qua, không thể làm lại, tương lai chẳng thể tốt đẹp nếu mình không biết xây dựng từ hôm nay.
HW: Người đàn ông cần phải có quan điểm và tính cách thế nào mới mang lại hạnh phúc cho chị?
NTT: Tiêu chí đầu tiên là phải biết nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa hèn kém mà bắt nguồn từ sự hiểu biết, thông cảm và yêu thương. Suốt thời gian dài sống một mình, nuôi con một mình, làm việc một mình nên để chấp nhận có thêm một mình nữa, với tôi lại là một thử thách lớn. Thế nên tôi mới nói phụ nữ độc lập, mạnh mẽ quá nhiều khi lại là một khiếm khuyết. Quả thực, tôi cảm thấy rất khó khăn để cùng một ai đó chia sẻ trách nhiệm trong thời điểm này.
Khóc nhiều quá lại thành vô duyên
HW: Nếu được trẻ lại như thời điểm đăng quang, chị có chọn con đường thi hoa hậu để bước vào đời nữa không?
NTT: Chắc tôi vẫn thi hoa hậu, danh hiệu hoa hậu rất đáng tự hào.
HW: Nếu không là hoa hậu, chị có hình dung được cuộc sống của mình tại thời điểm này?
NTT: Tôi cũng hay thử nghĩ về điều đó lắm. Nhiều khả năng tôi sẽ theo con đường học vấn, nghiên cứu như bố mẹ. Nhưng biết đâu tôi lại thành người mẫu, diễn viên nổi tiếng cũng chưa biết chừng. Cuộc đời có rất nhiều ngã rẽ mà mình chẳng thể ngờ được.
HW: Chị có hay khóc khi cô đơn, buồn và thất bại?
NTT: Tôi mau nước mắt, dễ xúc động, nhưng không ủy mị. Tôi khóc khi xúc động, gặp hoàn cảnh thương tâm, kể cả lúc quá vui hay hạnh phúc. Lúc buồn, cô đơn và thất bại lại khác, giá khóc được chắc tôi sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều.
HW: Theo chị, nước mắt phụ nữ giải quyết được vấn đề gì? Làm cho người đàn ông quay lại hay khiến họ trở nên nữ tính và quyến rũ hơn?
NTT: Đàn ông rất sợ phụ nữ khóc, cho nên đôi khi nước mắt là một thứ vũ khí. Nhiều khi nó làm cho phụ nữ trở nên đáng yêu hơn, nhưng không nên lạm dụng. Phải biết khóc đúng lúc, đúng hoàn cảnh, nếu không sẽ trở thành vô duyên.
HW: Chị có dự định gì tiếp theo cho công việc cũng như bản thân?
NTT: Tôi muốn xây dựng một chuỗi các trung tâm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Tôi muốn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân viên, tiếp tục các kế hoạch từ thiện và đóng góp cho xã hội. Sắp tới, tôi sẽ triển khai chương trình đào tạo nghề cho trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, dự định đi du lịch, tự học ngoại ngữ… để hoàn thiện mình.
HW: Xin cảm ơn chị. Chúc chị luôn thành công với các dự định.
BÀI: LƯƠNG TRỌNG NGHĨA. ẢNH: DÂN HÙNG