Từ năm 2011, các thương hiệu bắt đầu hòa vào xu hướng làm video thời trang, một hình thức quảng cáo sinh động, vui nhộn và dễ đi vào lòng người. Dạng quảng cáo truyền thống với những hình ảnh trau chuốt kỹ lưỡng trên tạp chí nay dần phải chia sẻ vị trí ưu tiên số một của mình. Internet, đứa con của công nghệ hiện đại, bằng sức mạnh không biên giới đã mang lại cơ hội quảng cáo tuyệt vời chưa từng có cho các nhà thời trang.
Điều thú vị là họ không phải trả hàng núi tiền để người xem tiếp cận với các thước phim mà còn đảm bảo độ lan truyền rộng khắp của chúng. Tất cả những gì cần có là một sản phẩm hình ảnh thú vị, những việc còn lại cứ để sự nhiệm màu của Internet đảm nhiệm. Nhanh chóng đến kinh ngạc và hoàn toàn miễn phí.
MỘT BỨC ẢNH ĐÁNG GIÁ NGHÌN TỪ, MỘT VIDEO LÀ CẢ CUỐN SÁCH
Phim thời trang có thể là bất cứ thứ gì, từ những video sáng tạo làm bật lên triết lý của hãng hay chỉ đơn thuần là những cảnh quay hậu trường show diễn. Chúng được trình chiếu trước một buổi diễn thời trang, trên website của thương hiệu hay mạng xã hội như Facebook và Youtube.
Với chất lượng không phải bàn cãi và được biên tập công phu, những thước phim ngắn này có thể thay mặt nhà thời trang nói lên những giá trị của mình hay tinh thần của một bộ sưu tập. Một trong những ví dụ nổi bật là đoạn phim quảng bá bộ sưu tập xuân hè 2014 của Prada. Người xem thấy những cô gái tuổi teen mặc những bộ trang phục mới nhất của nhà mốt và thể hiện khả năng diễn tả các cung bậc cảm xúc trước chuỗi các sự kiện tưởng tượng, như một trận đấu tennis, bộ phim kinh dị hay buổi diễn ca nhạc.
Trước đây, vào những dịp kỷ niệm đặc biệt, các nhà mốt thường tung ra bộ sưu tập, tổ chức sự kiện, triển lãm để đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử. Giờ đây họ có thêm một cách thức mới là phim thời trang. Cứ thế, những giá trị lịch sử, di sản thương hiệu dễ dàng đi vào trái tim người hâm mộ thông qua ngôn ngữ của phim ảnh.
Hẳn bạn còn nhớ phim ngắn L’Odyssée de Cartier của Cartier tung ra năm 2012, nhân kỷ niệm 165 năm ra đời của hãng. Năm ngoái, Donna Karan kỷ niệm 30 năm thành lập bằng phim Woman in Motion với sự tham gia của siêu mẫu Karlie Kloss lấy ý tưởng về sự chuyển động đầy năng lượng của cơ thể trong bối cảnh đô thị năng động. Để quay phim này, nhà sản xuất dùng phương pháp công nghệ cao với 100 máy ảnh rồi xử lý để tạo nên cảnh giống như trong một video.
Đương nhiên, những người mẫu, đặc biệt là những siêu mẫu danh tiếng thường sẽ là sự lựa chọn của những bộ phim quảng cáo thời trang. Chiến dịch mùa trước của Stella McCartney có sự tham gia diễn xuất của Kate Moss trong video Kate Dreams.
Cũng có khi nhân vật trong phim do những diễn viên nổi tiếng hay huyền thoại âm nhạc thủ vai. Đó là trường hợp của phim Once Upon a Time của Chanel do Keira Knightley đóng vai Coco Chanel thời mới lập nghiệp và phim L’Invitation au Voyage với sự xuất hiện của David Bowie.
Cũng có khi phim thời trang chẳng cần gương mặt ngôi sao hay người mẫu nào cả, chỉ những giá trị di sản của thương hiệu được hình tượng hóa, sống động như phim hoạt hình. L’Odyssée de Cartier dài 3 phút 31 giây với hành trình của chú báo, biểu tượng Cartier, xuyên không gian và thời gian. Bản thân chú báo và những món trang sức, đá quý xuất hiện trong phim đã nổi tiếng không thua bất kỳ cá nhân kiệt xuất nào trong thế giới loài người.
Bạn sẽ thấy không thể đồng tình hơn với nhận xét của blogger fashion & lifestyle Akanksha Redhu: “Như người ta nói, một bức ảnh đáng giá cả nghìn từ, một video gần như một cuốn sách kể với chúng ta về bộ sưu tập. Những thước phim ngắn là sự nối dài tầm nhìn của nhà thiết kế và cách họ gợi mở người khác nhìn nhận thương hiệu. Chúng giống như một bữa tiệc thị giác với trang phục, make-up, cảnh quay và hiệu ứng hoàn hảo”.
TIẾNG VANG TỪ MỘT Ý TƯỞNG ĐƠN GIẢN
Để hình dung về sức lan tỏa khó tin của thể loại phim ngắn này, bạn chỉ cần nhìn vào trường hợp phim First Kiss của Wren. Từ một nhãn hiệu thời trang không mấy tên tuổi tại Los Angeles, Wren bỗng chốc trở thành một hiện tượng trên Internet cách đây một năm khi First Kiss được đưa lên YouTube và đạt 24 triệu lượt xem chỉ sau vài ngày (đến nay, con số đó đã là hơn 98 triệu).
Video độc đáo này quay lại 20 người bạn, đồng nghiệp của Melissa Coker, nhà thiết kế sáng lập hãng được bắt cặp và hôn nhau. Chính sự lúng túng, ngượng ngùng của nụ hôn đầu tiên giữa hai người xa lạ đã khiến phim gây ấn tượng mạnh với người xem và lan tỏa nhanh chóng, thành công vượt xa bất cứ phim thời trang có đầu tư công phu nào.
Khắp các mạng xã hội, những tờ báo lớn nhỏ, người ta đều nói về First Kiss như là thành tựu chưa từng có tiền lệ đối với một phim thời trang. Điều lạ thường là First Kiss không hề được dàn dựng nhờ vào nguồn kinh phí khủng hay tên tuổi gạo cội nào (đạo diễn là tân binh Tatia Pilieva), trường quay cũng chỉ là một studio giản dị.
Những người tham gia phim thực ra là những nhạc sỹ, người mẫu, diễn viên, trong đó có ca sỹ–diễn viên người Pháp Soko và người mẫu Langley Fox, em gái của Dree Hemingway. Họ đều có ngoại hình dễ nhìn và chưa từng gặp nhau trước buổi quay. Quá trình quay cũng không có sự nhắc nhở ra hiệu diễn xuất nào. Vì vậy họ hoàn toàn không biết mình có đang được ghi hình hay không.
Tất cả những gì diễn ra trong bộ phim đều là phản ứng tự nhiên, cảm xúc rất thực của hai con người lần đầu đối diện nhau. Đó chính là điểm thu hút hàng triệu lượt xem, nhãn hiệu không còn quan trọng.
Trang phục của Wren mà những phụ nữ trong phim mặc hay dòng chữ “Wren presents” mở màn, hai thứ duy nhất liên quan đến nhãn hiệu, hoàn toàn không phải là điểm nhấn chính của bộ phim. Hầu hết người xem đều không nhận ra ngay được bộ phim ngắn ý nghĩa đó lại mang mục đích quảng cáo. Thậm chí cả những người chia sẻ nó lên Facebook cũng không nhận ra mình đang tình cờ quảng cáo cho một nhãn hiệu bởi ý đồ thương mại được lồng vào mờ nhạt, khéo léo.
Chỉ trong 3 phút rưỡi, bộ phim đã khơi gợi nên nhiều cảm xúc hơn bất cứ sản phẩm được đầu tư tỉ mỉ với diễn xuất của người nổi tiếng hay cảnh quay tráng lệ nào. Đôi khi những ý tưởng đơn giản nhưng thú vị lại mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng.
KHI BÁN HÀNG KHÔNG PHẢI MỤC TIÊU HÀNG ĐẦU
Các trung tâm thương mại cũng không để mình đứng ngoài trào lưu quảng bá mới mẻ này. Nếu nghĩ rằng phim của họ chỉ lộ rõ ý đồ quảng cáo thô thiển để bán được sản phẩm, bạn đã nhầm, ít nhất là trong trường hợp của Barneys New York với phim Brothers, Sisters, Sons & Daughters. Phim do nhiếp ảnh gia và nhà làm phim nổi tiếng Bruce Webber quay được tung ra hồi tháng 2-2014.
Dù trang phục các nhân vật mặc là những thiết kế xuân hè của Balenciaga, Céline, Chloé, Derek Lam, Dries Van Noten, Givenchy, Lanvin, Saint Laurent, The Row… nhưng cũng giống như video của Wren, quần áo không phải là thứ quan trọng và cần tập trung mà là bản thân nhân vật và câu chuyện đời rất thật họ chia sẻ.
Chiến dịch này kể về câu chuyện của 17 người chuyển giới với mục tiêu truyền đạt sức mạnh, vẻ đẹp và dũng khí của những cá nhân đặc biệt ấy. Họ, từ những sinh viên, ký giả thời trang, nhạc sỹ đến nhà thiết kế, đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem bằng trải nghiệm riêng. Trong số 17 nhân vật ấy có Jack Doroshow, nghệ sỹ, nhà hoạt động xã hội không ngừng nghỉ đã từng bị bắt 77 lần vì đấu tranh cho quyền lợi của người chuyển giới và gay trong thập niên 1950 và 1960.
Dennis Freedman, Giám đốc sáng tạo của Barneys New York chia sẻ về ý nghĩa nhân văn đằng sau video: “Việc nhìn nhận cộng đồng lesbian, gay và song giới đã có những bước tiến tuyệt vời. Thế nhưng không may là những thách thức với người chuyển giới vẫn còn nhiều. Hi vọng của chúng tôi là có thể làm nên một cái gì đó khác biệt thông qua chiến dịch này”. Nhà bán lẻ này cũng mong qua các hình ảnh trau chuốt cùng những câu chuyện sẽ giúp cộng đồng hiểu và chia sẻ hơn với người chuyển giới.
Các nhà thời trang, những nhà làm phim luôn có nhiều cách để làm nên những tác phẩm phim ảnh. Dù là chỉ nói về trang phục, triết lý thương hiệu, về một việc hơi kỳ quặc trong cuộc sống hay một hành trình tìm sự thừa nhận, những phim ngắn này cũng là cách đưa thời trang gần hơn đến đời thực, chuyển tải được nhiều hơn những gì muốn thể hiện bằng ngôn từ của thị giác.
Đây sẽ không phải là một trào lưu tức thời, mà mới chỉ là sự bắt đầu của một kỷ nguyên quảng cáo mới. Điều đó là chắc chắn, bởi sự thật tại trường thời trang London, số sinh viên đăng ký ngành học này nhiều hơn cả ngành thiết kế và song song là sự lớn mạnh của các liên hoan phim thời trang tại Miami, London, Milan, New York, Berlin…
Bài: TRINH PAK. Ảnh: GETTY IMAGES, TƯ LIỆU.