Khi nào không nên “like” trên Facebook?

Chắc hẳn những nhà sáng lập Facebook, kiệt tác của thế hệ trực tuyến, chẳng bao giờ có thể nghĩ rằng một ngày nào đó sản phẩm của mình lại trở thành nơi chứa đầy những nỗi buồn

Theo bạn, những lời than thở nào bạn thường bắt gặp trên Facebook? Her World đã tiến hành một cuộc khảo sát và đây là những câu trả lời được lặp lại nhiều nhất:
– Không có ai rủ đi chơi
– Hết tiền
– Đói bụng, chưa kịp ăn trưa, mệt
– Bận quá (theo nghĩa có nhiều việc đang chờ phía trước)
– Trời mưa, buồn quá…
Lương giảm, cãi nhau với người yêu, đồng nghiệp khó ưa, món ăn ở nhà hàng không vừa ý, cúp điện, nắng nóng kéo dài, thời tiết thay đổi… Tất cả đều có thể trở thành lý do cho những status ca cẩm trên Facebook. Song “mỏ than” Facebook giúp được gì hay chỉ khiến ai đó nhận ra bạn là người có cái nhìn tiêu cực về mọi thứ? Liệu có cường điệu lắm không khi ví những lời ca thán là thuốc độc giết chết niềm vui trong cuộc sống?

 

TÁC DỤNG NGƯỢC CỦA NHỮNG LỜI THAN VÃN

Người viết bài từng nghe một câu nói nửa đùa nửa thật: “Thời đại này không cần đọc báo làm gì, cứ lên Facebook là biết hết mọi thông tin, kể cả việc muốn biết trời đang mưa hay tạnh, cả nước đang có sự kiện gì và thiên hạ đang có tâm trạng thế nào”. Thế mới biết sức mạnh của mạng xã hội là vô cùng lớn. Bạn hãy lướt Facebook của mình để kiểm chứng lại điều này. Đã đến lúc chính những người tích cực cũng phải than vãn vì phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực trên Facebook. Điều gì khiến việc post những lời than vãn đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội hiện nay?

Tôi có một người bạn khi gặp bên ngoài cô ấy luôn vui vẻ, trẻ trung nhưng hơn 90% status trên Facebook của cô ấy đều thuộc dạng than thở. Cô giải thích cho sự khác biệt giữa người trên mạng và bên ngoài của mình là do ở trên mạng xã hội cô có thể sống theo bất cứ kiểu gì mà bản thân mình muốn. Hơn nữa, phương châm của cô là việc chia sẻ cảm giác buồn với nhiều người sẽ giúp giảm bớt nỗi buồn và cân bằng với cuộc sống thực tại. Tâm lý xem mạng xã hội như thùng rác này không hiếm. Được chia sẻ là một trong những nhu cầu cơ bản của con người nhưng thay vì tìm một người để trút bầu tâm sự thì không ít người lại dốc lên Facebook, nơi hàng trăm người có thể đọc, với hy vọng có thêm một người đọc sẽ giúp họ vơi bớt một chút sầu.

Trên thực tế, chẳng ai trách cứ khi bạn buồn hay chán nản bởi cuộc sống không phải luôn tràn ngập những niềm vui nhưng một khi bạn xây dựng cho mình hình ảnh là người yếu đuối, than thở nhiều đến mức thừa thãi thì giá trị của bạn cũng giảm đi trong mắt mọi người.

Tôi từng đọc một thông tin đại khái nói rằng khi bản thân than vãn, hay nói những câu nói với thái độ hằn học cuộc sống, não bộ sẽ tiết ra một chất có tác động đến thần kinh nhận thức. Theo thời gian, bạn cũng trở nên hằn học và làm việc kém hiệu quả. Cho dù thông tin này có đủ độ tin cậy hay không, quan điểm của tôi là dù chuyện tệ đến đâu cũng có thể giải quyết và tìm ra giải pháp nếu mình muốn. Những lời than vãn đôi khi giúp chúng ta giảm bớt những áp lực và mong tìm sự đồng cảm từ người khác. Song nếu than vãn quá nhiều, chúng ta đang làm mất dần giá trị của bản thân trong mắt mọi người.

Những status, comment tiêu cực, bi quan về cuộc sống xã hội xuất hiện quá nhiều trên tường có thể khiến những người kết nối với bạn trên Facebook không thích bạn. Thậm chí, họ có thể đánh giá bạn là người thiếu lòng tự trọng.

 

NHỮNG DẠNG STATUS TRÊN FACEBOOK KHÔNG NÊN BẤM LIKE

like

– Than thở về công việc
– Chửi đổng để làm mồi rồi đợi người khác hỏi mới kể ra
– Cập nhật đời sống giường chiếu, yêu đương
– Phàn nàn về những khó khăn trong việc tìm bạn đời
– Cập nhật cảm xúc liên quan đến thời tiết
– Tưởng nhớ một ai đó đã khuất với sự đau buồn
– Mỉa mai về tình trạng nhàm chán xung quanh
– Than vãn có liên quan đến tôn giáo
– Một đoạn ca từ trong bài hát rất buồn

TÁC ĐỘNG NGƯỢC

Mới đây, Alex Jordan, một nhà nghiên cứu tâm lý, thuộc khoa Tâm lý học, Đại học Stanford, Mỹ, đã tiến hành một cuộc nghiên cứu cho thấy, Facebook có thể khiến một số người cảm thấy mình bất hạnh vì thấy cuộc sống của người khác có vẻ hoàn hảo và hạnh phúc hơn mình. Trong một cuộc nghiên cứu về hành vi trên Facebook khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi tiếp nhận cảm xúc tiêu cực của người khác, họ có xu hướng cảm thấy nỗi cô đơn, khổ đau của mình như tăng thêm. Facebook có thể góp phần làm tình trạng này trầm trọng hơn. Có ý kiến cho rằng ngoài nút Like (thích), mạng xã hội có người dùng lớn nhất thế giới này nên có nút Hate (ghét) tương ứng để người dùng có thể phản ứng với những thông tin bi quan.

Như vậy, không chỉ có tác dụng ngược với chính bản thân người post, ngay cả người đọc cũng bị tác động. Tâm lý lây lan cảm giác buồn là một trong những tâm lý khó chịu và bực dọc nhất. Vậy nên trước khi viết một lời than vãn, bạn phải nghĩ xem liệu bạn bè của mình có thực sự muốn đọc nó không hay khiến họ bực mình.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH VAI BI TRÊN MẠNG XÃ HỘI?

Chuyen-chua-ke-ve-nhung-bieu-tuong-cam-xuc-quen-thuoc-4

Khi than thở đã trở thành thói quen, việc cai nó cũng không hề dễ. Người chán nản thì cũng giống như đeo kính đen, mọi thứ đều trở nên âm u, xám xịt. Sẽ có người khuyên, bạn hãy nhìn nhiều mảnh đời bất hạnh ngoài kia để thấy mình vẫn hạnh phúc hơn nhưng tôi chỉ hỏi bạn: Khi gõ những lời than phiền về sự đời éo le, buồn vì trời mưa, việc hành xử kém chuyên nghiệp của đối tác trên Facebook, liệu mọi sự có thay đổi theo ý bạn không? Bạn hãy nhớ rằng lời nói sử dụng không đúng cách và đúng chỗ sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi. Vậy nên, thay vì ca cẩm và làm bạn bè cảm thấy ức chế hãy tìm cách thay đổi nó trong phạm vi của mình và dưới đây là một vài cách:
– Đặt ra tiêu chuẩn cho nội dung viết lên Facebook. Ví dụ: chỉ post những nội dung liên quan đến bạn bè, không liên quan đến công việc hay chính trị.
– Không bao giờ viết hoặc nhận xét gì lên mạng xã hội khi đang tức giận.
– Nếu không thể xóa những người khiến bạn cảm thấy phiền phức ra khỏi danh sách bạn bè, hãy sử dụng chức năng Hide (ẩn) những người này. Bạn sẽ thấy mình vừa được giải phóng khỏi họ.
– Nếu ai đó viết gì lên mạng xã hội, hãy để nó ở yên trên mạng xã hội, đừng lôi nó ra cuộc sống thường ngày.
– Đọc status của bạn bè với phương châm: Không ghen tỵ. Thành công của bạn bè trên Facebook không làm bạn thất bại và thất bại của họ cũng không giúp bạn thành công.
– Sử dụng tài khoản của mình như là công cụ để khuyến khích bạn bè vui vẻ.

GIÚP BẠN

Nếu đang ngán những than thở, bạn có thể sử dụng một số mẹo sau:

1. Dùng chức năng Hide để ẩn ngay status đó.
2. Tuyên bố thẳng thắn sẽ hide hoặc thẳng tay remove bất cứ ai than thở quá nhiều
3. Tìm bài viết Bảy cách tự tử dễ thương nhất trên Google và gửi link cho người đó. Đây là bài viết rất hài hước dành cho những người bi quan, đảm bảo đọc xong họ sẽ hết buồn chán.

BÀI: BÙI TẤN LỘC.

Đừng bỏ qua