Đau cơ xương tay do sử dụng smartphone – Căn bệnh không thể coi thường

Trong cuộc sống hiện đại, hầu như không ai có thể thiếu smartphone. Thậm chí ăn ngủ cùng smartphone, cứ như người bạn thân vậy. Tuy nhiên, “người bạn thân” này cũng có thể gây phiền phức cho bạn, đặc biệt là những cơn đau mỏi các khớp tay

Bạn hãy thử rà soát lại thời gian mình “kề vai sát cánh” cùng smartphone (điện thoại thông minh) mỗi ngày, đếm xem số giờ bạn tiếp xúc với nó là bao nhiêu? Bốn giờ, tám giờ, hay thậm chí là 12 giờ? Bạn có từng bị những cơn ê ẩm từ nhẹ nhàng đến nhức nhối ở ngón tay, cổ tay, thậm chí ở vai gáy, thắt lưng ghé thăm? Đừng bao giờ coi thường những triệu chứng này nhé! ThS. Bác sĩ Nguyễn Đức Thành, khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, cho biết hiện nay ngày càng đông người đến khám tại bệnh viện với các triệu chứng đau mỏi ở vùng cổ bàn tay, các ngón tay có thể kèm theo đau mỏi vùng vai, cột sống cổ, thắt lưng … Nguyên nhân chính thường là do người bệnh sử dụng smartphone quá thường xuyên. Dưới đây là những thông tin bác sĩ Đức Thành chia sẻ về các bệnh ở bàn tay liên quan đến việc sử dụng smartphone quá nhiều và cách phòng ngừa.

KHI NGƯỜI BẠN SMARTPHONE GÂY ÁP LỰC

Smartphone có 2 loại bàn phím: một là dùng bàn phím cứng vật lý, hai là loại có bàn phím ảo. Đối với cả hai loại, lực bấm lớn đều gây tác động trực tiếp nhiều lên đầu ngón tay. Trên thực tế lâm sàng, các bác sĩ gặp những người bệnh do du ng smartphone quá thươ ng xuyên ở phòng khám cơ xương khớp ngày một nhiều. Chủ yếu là những người làm việc văn phòng, bởi ngoài máy vi tính họ còn thường xuyên dùng điện thoại cho công việc và giải trí. Biểu hiện bệnh đa số là đau ở bàn tay, các loại bệnh ở trên bàn tay, ngoài ra còn ảnh hưởng trên cột sống như cột sống cổ, cột sống thắt lưng hoặc vai. Sử dụng smartphone lâu dài với một tư thế cố định, không thay đổi gây ra những tác động quá lớn lên dây chằng, gân cơ vùng xương cổ, vai và vùng thắt lưng, cũng như các dây chằng, gân cơ ở vùng cổ tay, bàn tay. Trên thế giới đã có thuật ngữ bệnh dành riêng cho các trường hợp này như Blackberry thumb: ngón tay cái bấm điện thoại Blackberry. (Blackberry là loại điện thoại có bàn phím cứng để bấm với thiết kế gần giống như bàn phím máy vi tính).

Beautiful girl using her mobile phone in cafe.

ĐỪNG COI THƯỜNG CẢM GIÁC ĐAU NHỨC SAU KHI DÙNG SMARTPHONE

Một cô bạn của Her World kể rằng khi mới dùng smartphone, cô cũng bị đau mỏi. Thế nhưng cô ấy nghĩ cứ dùng một thời gian thì sẽ quen. Đúng là cơ thể chúng ta có cơ chế thích nghi. Tuy nhiên, nếu cứ bắt cơ thể chịu đựng, bệnh sẽ nặng dần và sẽ đến lúc bạn phải gặp bác sĩ. Các bệnh lý gân, cơ thường ít để lại di chứng nhưng lại làm cho người bệnh đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Đối với những bệnh liên quan đến thần kinh cùng các biểu hiện đau, tê, chèn ép thần kinh, nếu điều trị không kịp thời sẽ để lại di chứng lâu dài hoặc vĩnh viễn. Lý do vì dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, gây thoái hóa nặng. Việc phát hiện kịp thời và điều trị phù hợp rất quan trọng đối với các bệnh lý ở vùng bàn tay liên quan đến thần kinh. Bạn đừng nên chủ quan khi cho rằng chuyện này không quan trọng và “vài bữa sẽ hết”. Hãy lưu ý những biểu hiện mà mình gặp phải, giảm bớt thời gian đắm chìm trong thế giới kỹ thuật số và tham gia nhiều hoạt động khác. Điều này không chỉ giúp bạn ngăn ngừa những bệnh lý về tay mà còn giúp cuộc sống của bạn có thêm nhiều trải nghiệm hơn.

CÁC BỆNH LÝ Ở TAY THƯỜNG GẶP

Cảm giác đau nhức ở phần gốc ngón tay

Khi bạn cử động nhiều sẽ cảm thấy ngón tay như bị mắc kẹt, không duỗi ra được (ngón tay cò súng). Các ngón tay đều có thể bị tình trạng này nhưng thường gặp nhất là ở ngón tay cái. Trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng thuốc, trong trường hợp nặng phải phẫu thuật để giải phóng, làm rộng bao gân.

Đau ở vùng cổ tay

Do tư thế khi sử dụng smartphone, cổ tay thường gấp và xoay vào trong quá mức gây kích thích viêm bao gân vùng gân cổ tay. Lâu dần bao gân bị hẹp lại gây ra đau và hạn chế vận động. Đây cũng là bệnh làm cho người bệnh đi khám rất nhiều, trường hợp nặng cũng phải phẫu thuật để chữa trị.

Hội chứng ống cổ tay

Do sử dụng smartphone ở tư thế cổ tay gấp quá nhiều, gây ra chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay. Những người dùng smartphone nhiều sẽ kích thích gân bị viêm, bao gân dày lên và chèn ép vào dây thần kinh giữa tạo ra hội chứng ống cổ tay. Biểu hiện là cảm giác châm chích, tê tay như kiến bò, làm việc rất khó khăn, nhiều khi phải ngưng lại không thể làm nữa. Bệnh này có thể gây hậu quả như yếu các ngón tay và di chứng nguy hiểm như teo cơ của các ngón tay. Những trường hợp nặng cần phải phẫu thuật mới hết các biểu hiện khó chịu. Ngoài ra, nhiều người bệnh có những biểu hiện đau ở các khớp nhỏ của bàn tay do sử dụng smartphone quá nhiều, gây viêm các dây chằng của các khớp nhỏ bàn tay. Từ đó gây đau nhức kéo dài.

CÁCH PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

Để phòng bệnh và điều trị, người dùng phải giảm tổng thời gian sử dụng smartphone trong một ngày, và tăng khoảng cách thời gian giữa mỗi lần dùng (khoảng 15 – 30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động để giảm sức căng). Nghiên cứu cho thấy nếu dùng smartphone một tay sẽ gây áp lực, sức ép của dây chằng nhiều hơn dùng hai tay. Người dùng có thể phân phối lực cầm, bấm điện thoại lên cả hai tay hoặc đặt điện thoại lên mặt phẳng như bàn hoặc đùi, giúp làm giảm áp lực lên gân cơ, dây chằng của bàn tay. Bên cạnh đó, người dùng nên tập những bài thể dục chuyên biệt cho bàn tay dưới sự tư vấn và hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc vật lý trị liệu. Những bài tập này giúp làm khỏe các gân cơ, dây chằng và cũng có tác dụng phòng bệnh. Khi có biểu hiện tê nhức bàn tay, có cảm giác kiến bò, người dùng cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện kịp thời những bệnh hay gặp ở người sử dụng smartphone thường xuyên như ngón tay cò súng, viêm bao gân vùng cổ tay và hội chứng ống cổ tay để can thiệp ngay, tránh những di chứng có thể xảy ra.

dau xuong co tay do su dung smartphone1

BÀI TẬP CHO BÀN TAY VÀ CÁC NGÓN TAY

Tập thể dục cho bàn tay và ngón tay có thể giúp chúng khỏe hơn, tăng phạm vi chuyển động và giúp bạn giảm đau.

Nắm tay

Nắm nhẹ bàn tay lại thành nắm đấm, với ngón cái choàng ra các ngón tay khác. Giữ trong 30 – 60 giây. Sau đó thả và căng rộng các ngón tay hết sức. Lặp lại cho mỗi bàn tay ít nhất bốn lần.

bai tap cho tay3

Duỗi ngón tay

Động tác này giúp giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động của tay bạn. Đặt úp bàn tay lên một mặt phẳng như mặt bàn. Nhẹ nhàng duỗi thẳng các ngón tay áp thẳng lên mặt bàn. Giữ trong vòng 30 – 60 giây rồi thả lỏng tay. Lặp lại cho mỗi bàn tay ít nhất bốn lần.

 

Căng, co tay

Động tác này giúp cải thiện phạm vi cử động các ngón tay của bạn. Đầu tiên, hướng lòng bàn tay đối diện với bạn. Sau đó gập đầu các ngón tay xuống sau cho đầu ngón tay chạm vào cuối ngón tay. Giữ trong 30 – 60 giây rồi thả lỏng. Lặp lại cho mỗi bàn tay ít nhất bốn lần.

bai tap cho tay2

Chạm ngón cái

Bài tập này giúp ngón cái của bạn linh hoạt hơn trong các hoạt động thường ngày như cầm bàn chải đánh răng, nĩa thìa và bút. Giơ bàn tay trước mặt, cổ tay thẳng. Nhẹ nhàng chạm ngón cái vào từng ngón tay, tạo thành hình chữ “O”. Mỗi lần giữ từ 30 – 60 giây. Lặp lại cho mỗi bàn tay ít nhất bốn lần.

bai tap cho tay1

Nhấc ngón tay

Động tác này giúp các ngón tay cử động linh hoạt hơn. Đầu tiên đặt úp bàn tay của bạn lên một mặt phẳng như mặt bàn. Nhẹ nhàng nhấc từng ngón tay khỏi mặt bàn một lúc, sau đó thả xuống. Lặp lại từ 8 đến 12 lần trên mỗi bàn tay.

bai tap cho tay

Bài: LÊ MINH

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua