Một số người may mắn được giấc ngủ ghé thăm chỉ sau vài phút đặt lưng xuống giường. Thật không may, bạn không nằm trong số đó. Bạn thường xuyên cảm thấy khó khăn trong việc vỗ về giấc ngủ. Cố nhắm mắt, bạn cũng ngủ không sâu và thường xuyên tỉnh giấc lúc nửa đêm.
Tác hại của việc thiếu ngủ thế nào, bạn biết rồi đấy! Ngay lập tức, bạn tìm mọi cách để ngủ nhanh hơn. Có cách đúng, có cách phản khoa học. Nếu bạn đang áp dụng các biện pháp sau để “gọi giấc mơ về”, hãy bỏ ngay và tìm cho mình bí quyết để có giấc ngủ ngon nhé!
UỐNG THUỐC NGỦ
Đây là giải pháp được nhiều người tìm đến nhất. Đúng là thuốc ngủ có thể khiến mí mắt bạn díp lại nhanh chóng, nhưng nó không phải giải pháp lâu dài để giải quyết chứng mất ngủ. Thêm nữa, có nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm từ nó nếu bạn sử dụng không đúng cách.
Một tác hại khác của thuốc ngủ là đánh lừa cảm giác. Sau khi trải qua một đêm không mộng mị, bạn thức dậy vào sáng hôm sau, ngỡ mình đã hoàn toàn tỉnh táo vì ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn thấy mệt mỏi suốt buổi sáng hôm đó, từ lúc lái xe đi làm cho đến khi ngồi trước đống hồ sơ giấy tờ. Đó là do tác dụng của thuốc vẫn còn chứ không hết sau 8 giờ như trong hướng dẫn sử dụng.
Do đó, bí quyết để có giấc ngủ ngon là chỉ nên nghĩ về thuốc ngủ như một công cụ bổ trợ, đưa giấc ngủ về đúng chu kỳ. Đến một thời điểm định, cần ngưng sử dụng ngay.
CHỈ LÊN GIƯỜNG KHI MỆT MỎI
Bị chứng khó ngủ “hành”, thay vì tìm cách giải quyết, bạn đương đầu với nó. Mỗi tối, bạn thức xem ti-vi, đọc sách, làm việc… đến khi thực sự mệt mỏi mới chịu tắt đèn. Nghe có vẻ hợp lý, tương tự như “chỉ ăn khi đói”, nhưng việc làm này sẽ gây ra chứng rối loạn giấc ngủ chỉ sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân là đồng hồ sinh học của bạn không được vận hành đúng nhịp, thay đổi thất thường.
Cơ thể con người luôn muốn tuân theo nhịp sinh học ổn định. Chẳng hạn, nếu bạn đều đặn lên giường vào lúc 22 giờ, cơ thể sẽ nhận ra: “À, đây là một thói quen”. Dần dần, mỗi khi đến giờ đó, nó sẽ làm tăng lượng melatonin gây ngủ, kéo bạn vào giấc nồng rất nhanh.
RỜI KHỎI GIƯỜNG SAU 15 PHÚT DỖ GIẤC KHÔNG THÀNH
Đây là lời khuyên bạn thường nhận được từ các bác sỹ tâm lý. Họ đề nghị bệnh nhân không nên cố ngủ mà tìm việc khác để làm như nghe nhạc, tập yoga, đọc sách…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về sức khỏe không đồng tình với cách giải quyết này. Họ cho rằng khoảng thời gian nghỉ ngơi – ngay cả khi bạn không ngủ – mang lại cho cơ thể rất nhiều lợi ích về sức khỏe. Hơn nữa, nếu dậy và làm việc khác, bạn sẽ quên mất việc mình cần ngủ. Như vậy, cơn buồn ngủ chẳng những không đến mà còn mất luôn.
XEM TI-VI
“Xem ti-vi dễ buồn ngủ” là câu nói được nhiều người truyền tai nhau như một “bí-kíp” để giấc ngủ mau đến. Bạn có biết tuy ti-vi giúp chúng ta dễ ngủ hơn nhưng cũng dễ thức giấc nửa đêm. Sau đó, bạn sẽ gặp những cơn mộng mị chập chờn chứ không ngủ sâu được nữa. Kéo dài tình trạng này, chứng mất ngủ sẽ trở thành “vị khách không mời” lúc nào không biết.
Để tránh khỏi sức quyến rũ của các game show, phim truyền hình… mỗi tối, cách duy nhất là mang ti-vi ra khỏi phòng ngủ. Chiếc giường chỉ nên dành để nghỉ ngơi, relax và chuyện yêu đương.
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số 9/2017)