Mảng tối phía sau chuyện làm đẹp

Mỗi năm có hơn một trăm triệu con vật được dùng làm vật thí nghiệm trong các cuộc nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm làm đẹp. Phương pháp này liệu có cần thiết?

Phương pháp thử nghiệm mỹ phẩm, thuốc hay thực phẩm trên động vật đã tồn tại từ rất lâu. Thế nhưng, chỉ trong vòng khoảng mười năm trở lại đây, khi các nhóm hoạt động xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tìm hiểu và đưa ra ánh sáng hàng loạt hoạt động thử nghiệm trên động vật của các tập đoàn mỹ phẩm, người tiêu dùng mới hiểu rõ hơn những gì xảy ra đằng sau cánh cửa phòng thí nghiệm và câu chuyện dài của những sản phẩm làm đẹp mà nhiều phụ nữ dùng hàng ngày. Vậy những nhà nghiên cứu đã làm gì với những con vật? Hành động đó có cần thiết và có biện pháp thay thế không?

my pham trang diem

Cuộc chạy đua để phát minh ra những hợp chất mới phục vụ cho làm đẹp là lý do để việc thử nghiệm trên động vật vẫn tồn tại

Sự thật sau cánh cửa phòng thí nghiệm

Các hãng mỹ phẩm thường dùng động vật để thử phản ứng của sản phẩm trên da, độ an toàn với nhãn cầu cũng như độ độc hại trong việc sử dụng sản phẩm lâu dài. Những người nghiên cứu sẽ bôi hóa chất với nồng độ cao lên da, nhỏ vào mắt hoặc truyền vào ruột bằng ống cao su cho các chú thỏ hoặc chuột bạch trong một thời gian dài. Tất cả những thí nghiệm trên đều được thực hiện trên những con vật sống. Những con thỏ phải chịu sự đau đớn trong một thời gian dài thường gào rú khi bị bôi hóa chất lên da, rất nhiều trường hợp bị gãy xương cổ hoặc xương sống khi vùng vẫy, né tránh.

dv-thi-nghiem3-re

Hình ảnh chú thỏ trong phòng thí nghiệm bị bong tróc da do việc thử nghiệm mỹ phẩm. Hình ảnh do PETA (Hội bảo vệ động vật) cung cấp

Kinh khủng hơn là việc thử nghiệm liều lượng gây chết (lethal dosage). Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền hóa chất thẳng vào ruột, xịt hơi vào chuồng hoặc tiêm lên những con vật. Quá trình này sẽ được tiếp tục cho đến khi một nửa số con vật thí nghiệm chết. Những phản ứng thường thấy ở con vật thí nghiệm trong quá trình này là co giật, nôn mửa, tê liệt và chảy máu từ mắt, mũi hoặc hậu môn.

Với thí nghiệm chất có khả năng gây ung thư, những con vật sẽ được cho tiếp xúc trực tiếp mỗi ngày với hóa chất cần kiểm nghiệm trong vòng hai năm. Trong quá trình thí nghiệm, các con vật được cho mang thai rồi sau đó bị mổ để kiểm tra sự ảnh hưởng của hóa chất lên bào thai.

 

Có thực sự cần thiết thử nghiệm trên động vật?

Không gì có thể so sánh được với sức khỏe và mạng sống của con người, đó là điều không ai có thể bàn cãi. Việc thắt chặt độ an toàn cho mỹ phẩm được thúc đẩy mạnh bắt đầu từ việc một loại mascara có tên Lash Lure được bán trên thị trường vào những năm 1930 khi người ta phát hiện ra sản phẩm này chứa một loại hóa chất gây bỏng da khiến một số phụ nữ bị mù, thậm chí có trường hợp tử vong. Lúc bấy giờ, với nền khoa học chưa thực sự phát triển và sự non trẻ của ngành mỹ phẩm, việc thử nghiệm sản phẩm trên động vật được xem là phương pháp đơn giản và ít tốn kém nhất để đảm bảo độ an toàn của mỹ phẩm.

dv-thi-nghiem1-re

Thỏ bị mắt đỏ do việc thử nghiệm mỹ phẩm. Hình ảnh do PETA (Hội bảo vệ động vật) cung cấp

Tuy nhiên đến nay, hầu hết những loại hóa chất sử dụng trong việc sản xuất mỹ phẩm đều đã được thử nghiệm và có tên trong bảng xếp hạng về độ an toàn cho người sử dụng. Chính cuộc chạy đua về việc phát minh ra những hợp chất mới của các hãng mỹ phẩm là lý do cho việc thử nghiệm trên động vật vẫn tiếp tục được diễn ra trong những phòng thí nghiệm. Kết quả của việc thử nghiệm trên động vật cũng là tấm bùa hộ mệnh cho những hãng mỹ phẩm khi có người tiêu dùng kiện tụng về độ an toàn của sản phẩm.

Lý do lớn nhất để nhiều hãng mỹ phẩm vẫn tiếp tục thử nghiệm sản phẩm trên động vật bởi đó là tấm vé bắt buộc để gia nhập một trong những thị trường mỹ phẩm béo bở nhất thế giới, Trung Quốc. Rất nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng lệnh cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật, riêng khối châu Âu đã hoàn toàn cấm lưu hành mỹ phẩm có thử nghiệm trên động vật thì tại Trung Quốc, nơi thị phần mỹ phẩm ước tính sẽ lên đến khoảng 32 tỷ đô-la Mỹ trong năm nay, chỉ cho phép bán những sản phẩm đã qua thử nghiệm trên động vật. Chính lợi nhuận khổng lồ từ quốc gia đông dân nhất thế giới này đã khiến các công ty mỹ phẩm nhắm mắt làm ngơ để tiếp tục thử nghiệm trên các con vật.

 

Biện pháp thay thế nhân đạo, chính xác và hiệu quả

Việc thử nghiệm trên động vật không chỉ vô nhân đạo mà còn không thực sự mang lại kết quả chính xác. Ví dụ như xét nghiệm về liều lượng gây tử vong (lethal dosage) không đủ chính xác để đo lường độ nguy hiểm của sản phẩm trên sức khỏe con người. Kết quả xét nghiệm cho ra giữa hai con chuột thường không tương đồng, vì thế việc suy diễn kết quả từ một con chuột với con người là không chính xác.

dv-thi-nghiem2-re

Các loài động vật cũng có cảm giác đau đớn như con người, thậm chí chúng cũng bị chấn thương tâm lý khi quá sợ hãi

Với hệ thống máy tính tinh vi, rô-bốt mô phỏng có những tế bào phát triển ở các mô, da và giác mạc từ ngân hàng mắt, các phương pháp kiểm tra không dùng đến động vật ngày càng trở nên đáng tin cậy và ít tốn kém hơn.

Rất nhiều công ty đã hoàn toàn bỏ qua bước thử nghiệm trên động vật bằng cách sử dụng các thành phần tự nhiên, không độc hại hoặc những thành phần đã được kiểm chứng độ an toàn bằng những phương pháp mới. Khoa học hiện đại đã có thể mô phỏng gien và tế bào của con người, việc tiếp tục thử nghiệm sản phẩm trên động vật và dựa vào đó để khẳng định độ an toàn cho sản phẩm đã trở nên quá lạc hậu.

 

10 lầm tưởng về thử nghiệm trên động vật

Việc thử nghiệm sản phẩm trên động vật thường độc ác hơn rất nhiều so với những gì bạn vẫn tưởng tượng. Hãy thức tỉnh bởi có thể những gì bạn nghĩ về quá trình thử nghiệm là một lời nói dối ngọt ngào từ những nhà sản xuất.

 

1. Thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật chỉ thực hiện trên chuột và thỏ

SỰ THẬT: Các phòng thí nghiệm thường cho biết họ chỉ sử dụng chuột và thỏ để thực hiện nghiên cứu. Trên thực tế, các phòng thí nghiệm sử dụng nhiều loài vật khác nữa để thử nghiệm hóa chất mỹ phẩm. Thông thường nhất là những chú chuột, thỏ và lợn sẽ là nạn nhân tiếp theo. Chó cũng là một trong những động vật thường xuyên được sử dụng cho những thí nghiệm dạng này.

2. Các phòng thí nghiệm mỹ phẩm thử dầu gội bằng cách chà xát trên lông của con vật để kiểm tra độ nhạy cảm

SỰ THẬT: Những con vật dùng trong thí nghiệm sẽ bị cạo lông rồi bôi hóa chất trực tiếp lên lớp da trần hoặc nhỏ vào mắt của chúng. Một trong những bài kiểm tra thường thấy nhất là nhỏ hóa chất liên tục vào mắt con vật trong 21 ngày, sau đó họ sẽ ghi nhận mức độ thương tổn của mắt.

3. Động vật thí nghiệm không có cảm giác đau đớn

SỰ THẬT: Một thí nghiệm đã cho thấy, khi một con chuột được tiếp xúc với các kích thích đau đớn, nó cũng thể hiện nét mặt rất giống con người khi bị đau. Nhiều động vật sống trong các phòng thí nghiệm còn mắc chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm lý nặng nề.

4. Trong thời gian thử nghiệm, con vật thí nghiệm sẽ được chăm sóc cẩn thận, gây mê hoặc sử dụng thuốc giảm đau

SỰ THẬT: Hầu hết những con vật đều không được dùng thuốc giảm đau hay gây mê ngay cả trong những thí nghiệm cực kỳ đau đớn.

5. Có những trường hợp động vật vẫn tiếp tục sống sau khi vượt qua được cuộc thử nghiệm an toàn dù chúng không còn cần thiết cho nghiên cứu nữa

SỰ THẬT: Mỗi năm có hàng triệu con vật bị giết trong quá trình thử nghiệm. Kể cả vượt qua được cái chết trong quá trình thử nghiệm, đa số chúng sẽ chết sau một thời gian ngắn khi thí nghiệm hoàn tất.

behind-beauty2-re

Mỗi năm có khoảng 115 triệu con vật bị giết hại để phục vụ cho các phòng thí nghiệm mỹ phẩm

6. Thử nghiệm trên động vật trước khi bán cho người tiêu dùng là quy định bắt buộc của luật pháp

SỰ THẬT: Điều này chỉ đúng ở một số quốc gia, chẳng hạn Trung Quốc. Hầu hết mỹ phẩm có mặt trên thị trường đông dân nhất thế giới này đều không nằm trong danh sách thân thiện với động vật. Rất nhiều quốc gia đã có luật để đảm bảo độ an toàn của thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm và phương pháp thử nghiệm trên động vật không nằm trong danh sách bắt buộc.

Tháng 3 vừa qua, sau nhiều nỗ lực, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm hoàn toàn việc buôn bán tất cả các loại mỹ phẩm được phát triển thông qua thử nghiệm trên động vật. Lệnh cấm này được áp dụng đối với tất cả các loại mỹ phẩm được sản xuất tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. EU cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các phương pháp thử nghiệm thay thế, đồng thời khuyến khích các quốc gia khác cũng có hành động tương tự nhằm bảo vệ các loài động vật. Xu hướng này đang được nhiều quốc gia ủng hộ và thực hiện.

7. Thử nghiệm với động vật đảm bảo độ an toàn của sản phẩm

SỰ THẬT: Mỗi loài vật thường có những phản ứng khác nhau khi được thử cùng một loại hóa chất. Bởi vậy việc liên hệ những kết quả kiểm tra trên động vật với con người không phải là một lời giải chính xác cho bài toán “an toàn”.

8. Không có bất cứ biện pháp nào để thay thế cho việc thử nghiệm trên động vật

SỰ THẬT: Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật ngày nay, có nhiều phương pháp nhanh và tiết kiệm hơn với độ chính xác cao hơn như việc sử dụng da người nhân tạo hoặc sử dụng công nghệ rô-bốt để kiểm tra hàng nghìn hóa chất cùng một lúc bằng cách sử dụng tế bào phát triển trong phòng thí nghiệm.

9. Các công ty mỹ phẩm luôn sử dụng các phương pháp thử nghiệm mới nhất

SỰ THẬT: Đằng sau cánh cửa khép kín của phòng thí nghiệm, có rất nhiều công ty vẫn tiếp tục kiểm tra hóa chất và các sản phẩm bằng phương pháp thử nghiệm trên động vật dựa trên những gì phát triển từ những năm 1940.

10. Cá nhân bạn chẳng thể làm gì để giúp những con vật thôi bị hành hạ trong phòng thí nghiệm

SỰ THẬT: Mỗi cá nhân đều có thể chung tay góp sức trong việc giúp đỡ phong trào chống thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Việc bạn ưu tiên mua những sản phẩm làm đẹp có dòng: “No animal testing” hay “Not tested on animals” sẽ là động lực để các tập đoàn mỹ phẩm từ bỏ những phương pháp thí nghiệm vô nhân đạo kia.

 

Hãy là một người tiêu dùng thông minh

– Chọn cho mình những sản phẩm làm đẹp nhân đạo bằng cách ủng hộ những hãng mỹ phẩm và những sản phẩm không thử nghiệm trên động vật.

– Logo “Cruelty free” hình đầu thỏ với dòng chữ “not tested on animals” đánh dấu những sản phẩm không dùng phương pháp thử nghiệm trên động vật.

– Website www.gocrueltyfree.org là nơi bạn tìm thấy danh sách đầy đủ những hãng mỹ phẩm có cam kết không thử nghiệm trên động vật.

 

Her World Việt Nam

Bài: SPICY LYNN A.H NGUYỄN. Ảnh: PETA.

Đừng bỏ qua