Vào một ngày đẹp trời, tôi thức dậy và đến văn phòng với tinh thần tràn đầy năng lượng. Nhưng sau một vài tiếng tập trung làm việc, đột nhiên tâm trạng lại trở nên chùng xuống, chán nản mà không biết lý do vì sao. Tôi tin bạn cũng đã từng trải qua nhiều hơn một lần tâm trạng bị “tuột cảm xúc” như thế. Điều khó chịu nhất đối với một số người không phải là cảm giác buồn chán mà vì nỗi buồn này chẳng thể gọi thành tên. Lỡ có ai biết được và hỏi han, câu trả lời khó chịu cho cả người trả lời lẫn người nghe là: “Cũng không biết vì sao”. Thế nhưng, chúng ta đang ở một thế kỷ phát triển, mọi thứ đều có câu trả lời, kể cả những lý giải về mặt tâm lý, thể chất. Dĩ nhiên, Her World không giúp để bạn có câu trả lời hay hơn khi được ai đó hỏi mà để hiểu hơn về những cơ chế hoạt động và cách phản ứng của cơ thể với môi trường sống khiến tâm trạng bị thay đổi. Dưới đây là một vài nguyên nhân dẫn tới hiện tượng buồn mà không biết lý do mà có thể bạn không để ý tới.
SỰ MẤT CÂN BẰNG CỦA CÁC HÓA CHẤT TRONG NÃO
Trong não của chúng ta có các chất hóa học được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Chúng giúp gửi tín hiệu giữa các tế bào thần kinh trong não, một số chất dẫn truyền thần kinh còn đóng vai trò điều chỉnh tâm trạng. Khi các chất dẫn truyền không được cung cấp đều đặn hoặc không cân bằng, chúng sẽ khiến tâm trạng của chúng ta trở nên xấu đi. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với ánh nắng, sử dụng các chất kích thích hoặc có gien di truyền về chứng trầm cảm cũng là những lý do gây ra những thay đổi hóa học trong não, làm mất sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh.
THỜI TIẾT THAY ĐỔI
Cơ thể thường có một khoảng thời gian để tự điều chỉnh việc thích nghi khi thời tiết thay đổi. Đặc biệt là vào các giai đoạn chuyển mùa trong năm. Giáo sư tâm thần học Alfred Lewy, Đại học Y tế và Khoa học Oregon, Mỹ cho biết: “Tâm trạng chán nản khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi không khí ấm áp hơn là do cơ thể đang trong giai đoạn trì hoãn việc thích nghi với mùa mới”. Tình trạng khó khăn khi điều chỉnh sự thích nghi vào lúc giao mùa có thể là do sự mất cân bằng hormone melatonin.
VÔ TÌNH BẮT GẶP NHỮNG KÝ ỨC CŨ
Đồ vật, mùi hương, chốn quen, giai điệu… gắn liền với một ký ức buồn vẫn có thể khiến tâm trạng chùng xuống. Bạn cho rằng ký ức đó đã qua đi và những thứ ấy không còn tác động đến cuộc sống của bạn nữa. Tuy nhiên, những kỷ niệm buồn vẫn có thể trở lại bất ngờ ngay cả khi bạn không nhớ đã từng trải qua trước đó. Bộ não của chúng ta đã tự cài đặt cơ chế tiếp tục ghi nhớ những ký ức dù sự việc đã xảy ra rất lâu trong quá khứ.
HỘI CHỨNG “CỎ BÊN KIA ĐỒI BAO GIỜ CŨNG XANH HƠN”
Chúng ta thường có khuynh hướng nhìn vào cái người khác có để làm thước đo cho sự hoàn hảo. Bạn làm việc rất chăm chỉ nhưng kết quả lại không được tốt như đồng nghiệp, cô gái kia bằng tuổi nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn hoặc cô gái kia chẳng xinh đẹp khéo léo vừa cưới được người chồng giỏi giang, lịch lãm trong khi bạn vẫn mãi quanh quẩn tìm kiếm đối tượng trong vô vọng… Cuộc sống của mỗi người sẽ khác nhau. Nếu cứ nhìn vào những cái người khác có được và thất vọng về bản thân, bạn chỉ buồn phiền thêm thôi.
CÓ QUÁ NHIỀU VẤN ĐỀ CÙNG MỘT LÚC
Quá nhiều vấn đề sẽ dẫn đến việc không biết giải quyết việc nào trước cũng khiến tâm trạng trở nên chán nản. Có rất nhiều phương pháp để tạm thời quên đi những vấn đề đó nhưng trong tiềm thức, bộ não sẽ liên tục gửi lại các tín hiệu để gợi nhắc khiến cho mọi nỗ lực của bạn đều thất bại.
THƯỜNG XUYÊN NGỦ TRỄ
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2007 chỉ ra rằng, khi cho một người khoẻ mạnh bị mất ngủ xem những hình ảnh về sự buồn chán, hoạt động của sóng não sẽ tăng lên mạnh mẽ. Đây cũng là triệu chứng thấy được ở những người mắc bệnh trầm cảm. Giám đốc Trung tâm y tế Circadian, (Mỹ), Matthew Edlund, tác giả của cuốn sách The Power of Rest cho biết: “Nếu bạn không ngủ đủ giấc, não sẽ không có đủ thời gian phục hồi để có thể hoạt động tốt. Đây chính là một trong những lý do gây ra cảm giác buồn phiền”.
SỰ CÔ ĐƠN
Được xem như một hội chứng căng thẳng kinh niên của nhiều người trẻ hiện đại. Gia đình không ủng hộ, không có bạn bè thân thiết, khó khăn khi giao tiếp với đồng nghiệp… là một trong những trạng thái cô đơn mà chúng ta thường gặp phải. Trong một nghiên cứu quét não sử dụng công nghệ fMRI cho thấy chỉ cần gặp những rắc rối như bị bỏ rơi, bị từ chối…, một khu vực nhỏ ở não sáng lên, vùng não đó cũng sẽ sáng khi cơ thể cảm nhận được nỗi đau thể xác.
Để không còn tình trạng tự nhiên buồn
Hãy hành động ngay khi gặp vấn đề: Đừng để rơi vào tình trạng chồng chất các nỗi buồn đến bất chợt. Bạn cần đối mặt và giải quyết từng nỗi buồn. Tuy không thoải mái nhưng cơn buồn không hiểu lý do sẽ được giải quyết.
Gặp gỡ những người có lối sống tích cực: Đặc biệt là những người đã thành công sau nhiều lần thất bại nhưng không bỏ cuộc. Họ sẽ truyền cho bạn rất nhiều nguồn cảm hứng và kinh nghiệm sống bổ ích.
Hãy tập trung vào điểm mạnh của mình và phát huy chúng. Nếu đang gặp khó khăn, tập cách tự nhắc nhở bản thân điều đó sẽ nhanh chóng qua đi.
Tạo ra những ký ức mới: Rủ bạn bè đến quán cà-phê mà bạn rất thích nhưng cũng là nơi bạn chia tay mối tình đầu tiên. Tâm sự với họ câu chuyện của bạn (phải là người bạn tin tưởng) và quên chúng đi. Sau đó, hãy chỉ lưu lại khoảnh khắc bạn đã cười rất sảng khoải khi nghe những câu chuyện cười mà họ chia sẻ.
Tập thói quen sinh hoạt lành mạnh: Ăn uống khoa học, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, tập đi ngủ sớm và đảm bảo đủ 7 tiếng một ngày, dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích, cập nhật tin tức hằng ngày,…
Her World Việt Nam