Ngắm mặt trời mọc trên núi lửa Bromo

Đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới luôn mang đến cảm giác mới mẻ. Lần này, chúng ta sẽ đến Đông Java, Indonesia để đón bình minh trên một ngọn núi lửa

Nhắc đến Indonesia, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thiên đường Bali. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, chuyến đi đến Surabaya để ngắm bình minh trên núi lửa Bromo mới là hành trình thu hút những người thích khám phá. Từ Kuala Lumpur, Malaysia chúng tôi đáp chuyến bay tới Surabaya, thủ phủ Đông Java, Indonesia, sau đó bắt taxi đi tiếp đến bến xe Subaraya để tới thị trấn Probolinggo, địa danh gần khu vực núi lửa Bromo nhất.

Đón chuyến xe lúc chiều muộn, mệt mỏi vì cả ngày di chuyển nhưng chúng tôi vẫn chờ vì xe buýt ở Surabaya chỉ xuất bến khi đầy khách. Đang khó chịu vì không biết lúc nào mới được đi, nhà xe cho một chàng trai đội mũ cao bồi, ôm đàn guitar lên xe hát phục vụ và bán đồ ăn vặt cho khách. Thì ra việc hát không chỉ là cách để xua tan cơn bực bội cho khách vì chờ đợi mà còn là chiêu để mời khách mua đồ ăn.

ngam-mat-troi

Chuyến đi đến Surabaya để ngắm bình minh trên núi lửa Bromo thu hút những người thích khám phá

HÀNH TRÌNH VẤT VẢ ĐỂ ĐÓN ÁNH BÌNH MINH

Thay vì ngủ ở thị trấn Probolinggo, chúng tôi tiếp tục thuê xe đi thêm 30km tới chân núi lửa để tiện việc chinh phục Bromo vào sáng sớm. Người lái xe đầy kinh nghiệm phóng xe vun vút trên quãng đường gập ghềnh, toàn ổ voi khiến cả nhóm tê dại hết cả người khi bước xuống xe. Quá nửa đêm, chúng tôi mới đặt chân đến khách sạn Cemara Indah, nơi có thể nhìn thấy một phần núi lửa. Trước khi chợp mắt, chúng tôi vẫn kịp đăng ký dịch vụ đưa khách lên núi bằng xe zeep của khách sạn.

trai-nghiem

3h sáng, xe xuất phát. Nghe những bạn đi trước kể nhiệt độ ở trên núi vào ban đêm chênh lệch với ban ngày rất lớn, ở thị trấn Probolinggo nhiệt độ dao động từ 28–30°C, còn ở Bromo có thể xuống tới 0–5°C nên chúng tôi cẩn thận chuẩn bị áo ấm. Mấy bạn khách du lịch châu Âu đi cùng xe do chủ quan không chuẩn bị áo ấm mà chỉ mặc áo khoác mỏng nên khi xe càng lên cao, cả nhóm ai cũng run cầm cập.

Dọc đường lên đỉnh Penanjakan, địa điểm ngắm Bromo, từng đoàn xe zeep bám sát nhau lầm lũi trên con đường gồ ghề dốc đứng. Khi tài xế cho dừng xe, cứ nghĩ là đã đến nơi ngắm bình minh, nào ngờ còn phải đi bộ thêm vài trăm mét. Đêm tối và lạnh, dù có rất nhiều người xung quanh nhưng không ai nói với nhau quá nhiều, chỉ đâu đó có vài tiếng thì thầm nho nhỏ, ai cũng mong đi thật nhanh để đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới. Vậy mà khi đến nơi đã có cả trăm người đứng chật kín những vị trí ngắm cảnh đẹp nhất, ai cũng lăm lăm máy ảnh sẵn sàng bắt ánh bình minh.

du-khach

Núi lửa Bromo “thở phì phò” ở phía xa

Tôi len lỏi khắp nơi để chọn được một chỗ đứng ưng ý. Ngay khi vừa yên vị cũng là lúc những tia nắng đầu tiên bắt đầu le lói ở phía Đông. Mấy trăm con người không ai bảo ai đều bất giác đồng thanh ồ lên, cảm giác như tất cả đều hòa chung nhịp đập, cảm nhận chung một cảm xúc. Rồi ánh sáng bắt đầu lấn bầu trời đêm, sắc cam rực rỡ xuất hiện.

Nắng lên, dần dần xua tan những đám mây dày đặc, ngọn núi lửa bắt đầu phì phò hơi nóng trong không gian lạnh giá. Điều đặc biệt để nhận ra Bromo chính là Bromo không có đỉnh núi mà bị khoét sâu vào bên trong sau nhiều lần hoạt động. Từ miệng núi lửa, những đợt khói lưu huỳnh màu trắng dày đặc liên tục phun lên như một con rồng đang thở.

Phía trước Bromo là núi lửa Batok đã dừng hoạt động từ lâu được bao phủ bởi màu xanh tươi tốt của thực vật. Xa xa là núi lửa Semeru, núi lửa cao nhất Java (3.676m) một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Cứ 20 phút, núi lửa Semeru lại phun lên một đám mây hơi nước khói bụi, đôi khi còn có cả tro và đá. Xa hơn nữa là biển tro cát núi lửa, nơi có khu làng nằm cheo leo trên núi của người Tengger, bộ tộc người Ấn Độ giáo nằm giữa những mảng màu xanh dịu mát.

bromo

CUỘC SỐNG BÌNH YÊN BÊN NÚI LỬA DỮ DỘI

Khi đã thỏa thích ngắm bình minh, xe zeep lại tiếp tục đưa chúng tôi tiến sát chân núi Bromo để khám phá tận nơi ngọn núi đang tỏa khói này. Lúc này, nắng đã len lỏi khắp nơi nên cả vùng núi trở nên tươi sáng. Chúng tôi thỏa sức bấm máy ảnh để ghi lại Bromo ở nhiều góc độ mà không phải chen chân với quá nhiều du khách như buổi sáng.

Cả nhóm thong thả tham quan ngôi chùa dưới chân núi Bromo và thuê một chú ngựa băng qua thung lũng phủ đầy tro bụi núi lửa để lên núi. Càng tới gần đỉnh núi càng khó thở vì mùi lưu huỳnh nồng nặc. Từ miệng núi lửa có thể nhìn vào trong lòng núi nơi khe nứt ra đang phun lên khói trắng dày đặc. Vào ngày lễ, người dân nơi đây thường mang hoa quả, tiền, gia súc… đến vứt xuống lòng núi để hiến tế với mong muốn ngọn núi lửa sẽ không phun trào.

di-ngua

Du khách thuê ngựa băng qua thung lũng phủ đầy tro bụi núi lửa để lên núi

Những người có hoàn cảnh khó khăn lại bất chấp nguy hiểm trèo xuống miệng vực để hứng lấy những đồ cúng tế, họ dùng những tấm khăn to, căng ra để hứng đồ lễ. Du lịch đã góp công giúp đỡ người dân nơi đây có thêm thu nhập nhưng không vì thế mà họ thoát nghèo. Hàng năm, chính quyền vẫn phải đóng cửa ngọn núi khi nó có dấu hiệu hoạt động trở lại, đe dọa tính mạng của du khách đến khám phá.

Rời Bromo, chúng tôi lang thang tìm hiểu khu làng của người Tengger. Tôi nghĩ sự khắc nghiệt của Bromo dường như cũng tác động đến con người khiến người Tengger có vẻ ngoài giống người Peru. Chúng tôi dạo quanh những trang trại trồng tỏi, ngắm nhìn những người dân đang làm việc trên cánh đồng, thưởng thức sự yên bình sát bên những ngọn núi lửa khắc nghiệt.

Trở về khách sạn, tôi mới ngấm được cảm giác mệt mệt. Tôi quyết định tự thưởng cho mình một ly cà-phê nóng, ngồi cạnh cửa sổ để ngắm toàn cảnh núi lửa bên thung lũng trong buổi chiều nắng nhẹ và bình yên đến lạ lùng.

ngoi-lang

Ngôi làng của người Tengger mang màu xanh tươi tốt và cảm giác bình yên

Đến và ở BROMO

ĐI LẠI:

– Bay từ Hà Nội/TP. HCM đến Jakarta hoặc Kuala Lumpur rồi nối chuyến đến Surabaya.
– Đi xe buýt hoặc thuê xe từ Surabaya đến Probolinggo. Sau đó thuê xe đến Cemoro Lawang (sát chân núi Bromo).
– Thuê xe zeep lên núi đón bình minh hoặc thuê xe ôm lên núi đón hoàng hôn.
– Từ Probolinggo bạn có thể đi xe giường nằm tới thẳng Bali.

KHÁCH SẠN:

– Cafe Lava: Giá phòng từ 950.000 đồng.
– Cemara Indah: Giá phòng từ 1.000.000 đồng.
– Lava View Lodge: Giá phòng từ 1.150.000 đồng.

BÀI: QUÁCH NHƯ NGUYỆT. ẢNH: TƯ LIỆU.

Đừng bỏ qua