Balenciaga từng là một trong những nhà mốt quyền lực nhất của những năm 1950, rồi trải qua giai đoạn thăng trầm không thể duy trì danh tiếng như những nhà mốt xuất phát cùng thời điểm, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Sau tất cả, Balenciaga vẫn vượt qua thời điểm khó khăn và quay trở lại đường đua.
CUỘC CÁCH MẠNG THỜI TRANG CỦA BALENCIAGA
Nhắc đến Cristóbal Balenciaga, người ta luôn nói về những thiết kế phá vỡ mọi nguyên tắc với đường cắt ráp phá cách đi trước thời đại. Ông tạo ra một cuộc định hình về phom dáng trong thời trang dành cho phái đẹp thập niên 1950, xóa bỏ các phom dáng nhàm chán bằng những cải tiến sáng tạo mang tính lịch sử.
Đường cắt của Cristóbal mang tính huyền thoại, cộng với sự ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc đã mang đến lối tư duy khác biệt. Điều đó thể hiện rõ nét ở đường cắt tinh xảo, sự linh hoạt và tính toán tỉ lệ tuyệt vời trong thiết kế của ông. Người ta truyền tai nhau rằng, bất kỳ một phụ nữ nào khoác lên mình bộ suit may đo từ nhà Cristóbal thì khó lòng vừa ý một nhà may khác.
Tài năng của ông lan khắp châu Âu và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của giới thượng lưu cũng như những ‘fashion icon’ đ ình đám như Marlene Dietrich và Greta Garbo. Ngay cả giai đoạn trong thế chiến, các khách hàng thượng lưu sẵn sàng gạt bỏ sự an toàn của mình chỉ để bay đến Paris xem bộ sưu tập mới của ông. Ông cũng là người hiểu rõ điều gì phù hợp nhất với khách hàng của mình. Có người sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua cả bộ sưu tập của Cristóbal nhưng bị ông từ chối. Nổi tiếng nhất có lẽ là câu chuyện của người thừa kế Woolworth –Barbara Hutton – cô nàng quý tộc mong muốn được sở hữu mười chín mẫu đầm, sáu bộ suit, ba áo khoác trong bộ sưu tập của Cristóbal nhưng nhà thiết kế đã lạnh lùng thẳng thừng khước từ.
Đây cũng là thời kỳ đỉnh cao và rực rỡ nhất của đế chế Balenciaga. Đáng tiếc thay, ông lại không có một thiết kế biểu tượng cụ thể và điển hình như ‘Little Black Dress’ của Coco Chanel, hay Christian Dior với ‘New Look’ năm 1947. Nhắc về ông, người ta chỉ nói về những thiết kế được định nghĩa cho thời kỳ đó, điển hình như: đầm trống ‘barrel line’ (1947), bộ suit ‘semi-fitted’ (1951), đầm phồng ‘balloon’ (1953), đầm suông tunic (1955), đầm hình kén ‘sack dress’ (1957) và đầm ‘baby-doll’ (1958). Cho đến tận ngày nay, những sáng tạo đi trước thời đại của Cristóbal vẫn để lại dấu ấn rõ nét trên sàn diễn calwalk, trong làng thời trang đương đại, và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà thiết kế trẻ.
PHONG CÁCH THIẾT KẾ CHỦ ĐẠO
Từ một thương hiệu gần như hết thời, đứng ở bờ vực phá sản và thu nhập chủ yếu đến từ việc buôn bán nước hoa, Balenciaga đã có cú chuyển mình mạnh mẽ nhờ Nicolas Ghesquière. Người ta gọi Ghesquière là “truyền nhân” kế nghiệp phù hợp nhất của Cristóbal, không chỉ bởi anh có công vực dậy cả một đế chế đang rơi dần vào quên lãng, mà tinh thần và tôn chỉ trong thiết kế của nhà sáng lập luôn được Ghesquière giữ vững và duy trì. Nói không ngoa, Balenciaga chính là ví dụ hoàn hảo cho những đổi thay kỳ diệu nhất, sự lội dòng từ vị trí người “tụt lại phía sau”, dần tăng tốc mạnh mẽ “trở lại đường đua” bằng những cú nổ lớn trong thời trang đương đại.
Trong suốt 15 năm gắn bó, Nicolas Ghesquière đã tạo ra “hiệu ứng Ghesquière” của riêng mình, nhưng mọi sáng tạo của anh luôn giữ được những giá trị cốt lõi của Balenciaga. Mẫu túi Lariat được thiết kế bởi Ghesquière trở thành “IT bag”, được săn lùng ở cả thị trường quốc tế, và trở thành vật bất ly thân của hầu hết mọi cô gái. Sự cống hiến sáng tạo, tận tâm và đam mê của Ghesquière dành cho Balenciaga không hề nhỏ, vậy nên sự chia tay của anh đã để lại nhiều sự tiếc nuối trong giới mộ điệu.
Từ tháng 12–2012, nhà thiết kế người Mỹ gốc Á nổi tiếng Alexander Wang trở thành người kế nhiệm Ghesquière ở vị trí giám đốc sáng tạo của Balenciaga. Thẳng thắn mà nói, sự tiếp nối của Wang trong 3 năm gắn bó với Balenciaga không thật sự ấn tượng. Một phần đến từ việc thế mạnh của Wang là về ‘Ready To Wear’, anh không có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế đồ mang cấu trúc của ‘Haute Couture’. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng Wang là một marketer xuất sắc. Các mẫu thiết kế túi phong cách ‘sporty-chic’ của anh đều bán chạy và giúp Balenciaga đạt mức tăng trưởng gấp đôi tính đến tháng 3–2015.
Đến 2016, thương hiệu lại thêm một lần “thay da đổi thịt” với sự bổ nhiệm Demna Gvasalia vào vị trí thay thế Alexander Wang. Điều này mang lại nhiều tò mò và hoài nghi, bởi lẽ không nhiều người biết đến Gvasalia, dù anh đang rất thành công với vai trò thiết kế chính cho thương hiệu Vetements. Cũng giống người tiền nhiệm, Gvasalia chưa có kinh nghiệm trong thiết kế ‘Haute Couture’, thậm chí phong cách chủ đạo của anh lại thiên hẳn về ‘avant-garde’ và ‘street style’. Tuy nhiên, trong thiết kế của Gvasalia, người ta lại thấp thoáng thấy sắc thái và sự linh hoạt trong xử lý phom dáng của nhà sáng lập Cristóbal. Sự giao thoa rất riêng đó được trình làng qua bộ sưu tập Thu Đông 2016, giúp Gvasalia gây được tiếng vang nhất định từ công chúng.
Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định nào và bản thân Gvasalia vẫn còn một chặng đường dài để đi cùng thương hiệu Balenciaga. Tuy nhiên,
phải thừa nhận rằng, Balenciaga đang tạo ra những món đồ gây nghiện cho mọi tín đồ thời trang nói riêng và giới trẻ thế giới nói chung, như: áo phông in logo, giày gót cao mũi nhọn ôm sát cổ chân, giày thể thao ‘Speed trainers’ và ‘Balenciaga Stripe S’…
Theo báo cáo công bố từ Business of Fashion và Lyst – trang tìm kiếm thời trang trên toàn cầu, từ vị trí thứ 2 trong top những thương hiệu nổi bật nhất, Balenciaga đã vượt qua Gucci để chiếm vị trí dẫn đầu trong giai đoạn quý III năm 2017. Với tiếng vang tạo được chỉ trong một thời gian ngắn, giám đốc sáng tạo Gvasalia được kỳ vọng sẽ thổi luồng gió mới và thể hiện tinh thần Balenciaga một cách hoàn hảo nhất. Thời trang luôn xoay chuyển, luôn có những cuộc chia tay và khởi đầu mới. Với sự xuất hiện các nhân tố mới, biết đâu Balenciaga sẽ ngày càng thành công và giữ vững triết lý thiết kế mà huyền thoại Cristóbal Balenciaga luôn theo đuổi.
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số tháng 1/2018)