Quyết định phẫu thuật cắt tuyết vú là điều không dễ dàng với Angelina Jolie nhưng việc làm này giúp cô giảm nguy cơ ung thư từ 87% xuống còn 5%. Nữ diễn viên chia sẻ, cô rất hạnh phúc với quyết định này. Câu chuyện của Angelina Jolie đã lan rộng trên toàn thế giới, tác động đến suy nghĩ của phụ nữ toàn cầu, nhất là những người đang trong độ tuổi dễ mắc ung thư. Trên thực tế, ngoài hai bầu ngực, một số bộ phận khác cũng có thể được bỏ đi để phòng ngừa những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, việc này có ảnh hưởng cho cơ thể chúng ta?
CẮT BỎ RUỘT THỪA, PHÒNG NGỪA BIẾN CỐ
Hầu hết các trường hợp cắt bỏ ruột thừa đều xuất phát từ cơn đau của bệnh nhân. Một số người cho rằng đó chỉ là phần ruột thừa nên đã đến các trung tâm, phòng khám nhờ phẫu thuật bỏ đi. Họ ngại những cơn đau “lên bờ, xuống ruộng”, những biến chứng bất ngờ nếu đau ruột thừa không được chẩn đoán chính xác.
Nhiều khúc ruột thừa đã bị cắt oan uổng khi còn nguyên lành chỉ vì chúng bị cho là không có ích trong cơ thể con người.
Phó giáo sư, bác sỹ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết: “Cấu tạo, tổ chức của ruột thừa giống như các hạch bạch huyết, chúng xung kích bảo vệ cơ thể chống lại tế bào lạ. Nếu cắt bỏ ruột thừa, nguy cơ mắc ung thư ruột già, ung thư buồng trứng sẽ cao hơn”.
Việc cắt bỏ ruột thừa lúc chưa viêm không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chỉ có thể được chỉ định cho những đối tượng sống xa trung tâm y tế.
CẮT BỎ TỬ CUNG NGĂN NGỪA UNG THƯ
Để loại bỏ chứng u xơ, phòng ngừa ung thư, có người nghĩ đến chuyện cắt bỏ tử cung, cơ quan rất quan trọng việc sinh sản. Tuy nhiên, trước khi cắt bỏ bộ phận làm nên thiên chức của người phụ nữ này, chúng ta cần cân nhắc kỹ càng cần có sự thống nhất với những người thân trong gia đình, đặc biệt là người cùng chăn gối.
Ở một số nước phát triển, việc cắt bỏ tử cung được xem là bình thường. Tuy nhiên ở nước ta, phẫu thuật này chỉ được tiến hành khi thực sự cần thiết. Thủ thuật này chỉ dùng cho đối tượng đã hết độ tuổi sinh nở và đang gặp các biến chứng vô cùng nguy hiểm như xuất huyết nghiêm trọng bên trong, mắc một số bệnh liên quan tới ruột đe dọa đến mạng sống, vùng phụ khoa phát triển quá nhiều các u xơ.
Chẳng có bộ phận nào trong cơ thể bị bỏ đi lại khiến chúng ta có cảm giác thoải mái. Bạn nên nhớ, chỉ bỏ tử cung khi nó đe dọa đến mạng sống của mình. Việc cắt bỏ khiến người bị cắt bỏ dễ mắc các nguy cơ đau tim, đột quỵ về sau. Hơn nữa, việc cắt bỏ cũng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Người bị cắt bỏ bộ phận nào đó rất dễ mắc chứng trầm cảm, suy nhược, rối loạn nội tiết tố khi họ suy nghĩ về cơ thể bị khuyết bên trong.
CÓ NÊN CẮT BỎ BUỒNG TRỨNG?
Hơn một nửa bệnh nhân cắt bỏ tử cung cũng sẽ cắt bỏ kèm theo hai buồng trứng vì khả năng ung thư buồng trứng khá cao. Cắt bỏ buồng trứng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mất đi các dấu hiệu sinh lý. Ví dụ: ngực ngừng phát triển, lông không mọc, ngưng kinh nguyệt, ảnh hưởng đến việc tiết dịch nhờn vùng kín khiến đời sống chăn gối không như mong muốn. Những phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng thường dễ lên cân do quá trình chuyển hóa mỡ tăng cao.
Dù ở giai đoạn nào, việc cắt bỏ buồng trứng cũng không thể mang lại bất cứ lợi ích gì. Chỉ khi có chỉ định bắt buộc của bác sỹ như bị xuất huyết cấp tính, vỡ buồng trứng hay bị ung thư buồng trứng đe dọa đến tính mạng thì việc cắt bỏ mới được thực hiện.
Her World Việt Nam
BÀI: NGUYÊN CAO.