Thống kê cho thấy 40–50% cuộc hôn nhân đầu và 60% hôn nhân lần thứ hai có kết thúc buồn là ly dị. Ở thời đại mà phụ nữ có vị trí xã hội ngang bằng với phái mạnh, tự chủ về tài chính và luôn bản lĩnh, vững vàng trước mọi tình huống, con số này không khiến nhiều người ngạc nhiên. Chẳng ai muốn trói buộc đời mình vào một cuộc hôn nhân mà tình yêu không còn, niềm tin dành cho người bạn đời cũng mất.
Tuy vậy, trước khi đặt bút ký vào đơn ly hôn, bạn cần xác định những khó khăn sẽ phải đối mặt ở quãng thời gian sau đó. Chỉ khi đã lường hết mọi thứ và đảm bảo bản thân sẽ bình thản đón nhận tất cả, bạn hãy chấm dứt hôn nhân.
HỤT HẪNG, TRỐNG TRẢI
Khó ai tránh được sự cô đơn, trống vắng ở giai đoạn đầu hậu ly hôn. Nếu bạn là người chủ động chia tay, cảm giác này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng qua đi. Ngược lại, hôn nhân chấm dứt một cách đột ngột vì bạn không chấp nhận được tính gia trưởng, nhu nhược hay thói trăng hoa của chồng, bạn rất dễ bị sốc.
Thế nên, bạn cần chuẩn bị tinh thần để đối diện với nỗi cô đơn, trống trải ở giai đoạn đầu. Hãy tìm niềm vui bên người thân, con cái (nếu có) và suy nghĩ theo hướng tích cực: “Mình đã dám kết thúc mối quan hệ không hạnh phúc, vậy thì chẳng có lý do gì để không mạnh mẽ đứng lên”.
THAY ĐỔI THÓI QUEN
Trước đây, vì có chồng đảm đương việc đón con, chăm con nên bạn có thể thoải mái làm thêm giờ hoặc la cà cùng bạn bè sau khi tan sở. Cuối tuần, anh ấy hay đưa hai mẹ con đi siêu thị, đến các khu vui chơi, có khi đi dã ngoại cả ngày. Từ bây giờ, bạn phải bỏ bớt các thói quen ấy để dành thời gian chăm lo con cái. Không còn những buổi tối tụ tập với đám bạn thân, chẳng có sáng thứ Bảy thư thái đi massage, làm móng. Những buổi đưa con đi chơi cuối tuần cũng ít hơn. Nếu có, cũng dễ làm bạn chạnh lòng khi đám trẻ liên tục hỏi: “Sao ba không đi cùng mẹ con mình?”.
Để giải quyết tình trạng này, bạn nên đề nghị chồng cũ chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái. Anh ấy sẽ đón con về trong hai ngày cuối tuần. Nhờ đó, bạn có thời gian cho mình nhiều hơn. Hai người vẫn có thể cùng nhau đưa lũ trẻ đi chơi. Việc làm đó không chỉ thể hiện thái độ văn minh sau ly hôn mà còn giúp con cái tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, tổn thương khi thiếu vắng một trong hai người.
MẤT NIỀM TIN VÀO CÁC MỐI QUAN HỆ
Đây là tâm lý chung của chị em phụ nữ khi bước qua cánh cửa ly hôn. Với suy nghĩ: “Chắc gì người mới đã tốt hơn người cũ, chắc gì mối quan hệ mới đã bền lâu”, họ thường thu mình lại và nói “không” với bất kỳ ai có ý định tiến xa hơn bạn bè. Thêm nữa,
con cái cũng là rào cản, khiến ý định đi bước nữa của những bà mẹ đơn thân bị cản trở.
Bạn ạ, bù đắp về tinh thần cho những đứa trẻ là tốt. Thế nhưng, đừng để suy nghĩ đó trở thành lớp rào chắn, khiến mình bỏ lỡ những mối quan hệ tốt đẹp. Thời gian sẽ dần trôi, quá khứ không hay rồi sẽ ở lại. Cởi bỏ thái độ bi quan và có thái độ sống tích cực, biết đâu bạn sẽ gặp được người đàn ông yêu mình và những đứa trẻ thật lòng. Lúc ấy, đừng chối từ nhé!
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số tháng 12/2017)