Bài học “vượt tường” dành cho phụ nữ trong thế giới của đàn ông

Câu chuyện của Linda Coleman chắc chắn tạo cảm hứng cho những bạn gái đang tìm một hình ảnh để hướng đến, tìm một động lực để vực dậy. Linda Coleman đã đấu tranh thế nào để bước vào thế giới hầu như chỉ dành cho nam giới và phải làm sao để đứng vững trong môi trường đó?

Cuối thập niên 1970, nếu họ không hạ chuẩn về chiều cao thì có lẽ tôi đã không đến đó. Họ hạ chuẩn để tuyển mộ thêm phụ nữ và người tộc thiểu số, mà tôi thì lại vừa là phụ nữ, vừa thuộc thiểu số. Mặc dù mục đích của họ là tuyển mộ dân Latin và châu Á, nhưng cơ hội đó cũng hé mở cánh cửa cho một phụ nữ “bé xíu” như tôi qua lọt. Đó là cơ hội của tôi, Linda Coleman, để trở thành một phó cảnh sát trưởng. Tôi tới học viện cảnh sát từ sáng tinh mơ và trời mù mây. Nhưng với tôi, thì mặt trời đang sáng chói, bởi vì bước được chân vào đây, là xem như tôi đã thành công.

Tuy nhiên trước khi phán được câu ấy, thì tôi đã phải trải qua một năm dài cơ cực. Thoạt tiên tôi phải qua kỳ thi viết, sau đó là một kỳ vấn đáp, rồi phải trắc nghiệm tâm lý. Và tôi vượt được cả ba cái ải ấy. Kế tiếp là họ thẩm tra đủ mọi thứ, hỏi thăm bà nội tôi ở Texas như thế nào, láng giềng của tôi ra sao, thậm chí cả hai đứa con nhỏ của tôi, và cả cô giữ trẻ nữa. Họ biết tất tần tật về tôi, kể từ ngày tôi ra đời.

vuot tuong 3

Làm thề nào để phụ nữ bước vào thế giới hầu như chỉ dành cho nam giới và làm sao để đứng vững trong môi trường đó?

Trong quá trình thẩm định, tôi phải đối diện với viên chỉ huy, trọn một ngày tại đồn cảnh sát. Tôi bị soi mói, phê phán và chèn ép công khai để bị loại trừ. Viên chỉ huy không che đậy quan điểm của mình, và tận dụng mọi cơ hội để nói cho tôi biết điều đó: “Cơ quan này không có phụ nữ. Tất cả những ai đồng tính đều bị mang ra xử bắn. Bây giờ thật chẳng hiểu mấy người lại đào ở đâu ra cái ý tưởng rằng hễ mình muốn gì thì được nấy, hả?”.

Hôm đó, nếu phải nghe thêm một biếm nhẽ nữa về vụ “hồi xưa của tụi tao”, khi mà “đàn ông là đàn ông, đàn bà là đàn bà”, và “mấy người phải biết phận”, thì có lẽ tôi đã nôn ói mất.

Nhưng tất cả những việc đó đã qua rồi. Hiện nay tôi đang ở học viện, và tôi sắp trở thành phó cảnh sát trưởng. Sự phấn khích của tôi không kéo dài được bao lâu.

Cuộc đụng độ đầu tiên là với một sĩ quan chuyên nghiệp, có 20 năm tuổi nghề, một tay chỉ huy phó được mệnh danh là “Goliath”. Hắn cao khoảng hai mét, được tạo dựng bằng 150kg cơ bắp, so với người phụ nữ nhỏ bé như tôi, chỉ có 1,6m và 59kg. “Goliath” thẳng thừng cho tôi biết là hắn không thích sự có mặt của tôi ở học viện. Cũng như mọi người ở những phòng ban khác, hắn cho rằng nghề này là dành riêng cho đàn ông. Và nhiều người trong bọn họ nghĩ là sẽ tốt hơn nữa, nếu chỉ dành riêng cho “đàn ông da trắng”.

Goliath không bao giờ gọi tôi bằng tên họ, mà chỉ gọi là “gái nhỏ” hoặc “tiểu cô nương”. Mỗi khi quay sang tôi, hắn ngó không chớp mắt, như thể nhìn xuyên qua tôi, dạng như tôi không hề hiện diện. Rõ ràng là hắn sẽ không để tôi yên thân. Thực tế, việc của hắn là làm sao để tôi bị càng nhiều trở ngại, càng nhiều khó khăn càng tốt, nhất là ở kỳ thi thể lực dẻo dai. Và hắn làm việc này cực kỳ giỏi.

Hắn giục tôi phải chạy hết 1,6km, rồi leo vào một cửa sổ để chui ra cửa sổ khác, đi thăng bằng trên một đòn tay cách mặt đất 1,5m, kéo một hình nộm nặng 75kg suốt cự ly gần 30 mét, đẩy một xe cảnh sát dịch chuyển sáu mét, tất cả những việc ấy phải đúng với thời lượng chuẩn. Đã thế, trước khi tôi bắt đầu, hắn còn động viên tôi rằng “Nghe này, tiểu cô nương, nếu cô không thể thực hiện tất cả những chuyện đó, kể cả việc đẩy chiếc xe cảnh sát ở đằng kia đến tận đây, đến khi nào nó chạm vào miếng đệm bảo vệ đầu gối tôi đây, thì tôi sẽ rất sung sướng gửi trả cô về nhà đấy”.

vuot tuong 4

Để được công nhận, bạn phải nỗ lực gấp đôi

Sau khi tôi thực hiện được tất cả những yêu cầu ấy, mỗi lóng xương, từng sợi cơ và sớ thịt của tôi đều kêu gào đau đớn. Hầu như tôi không còn hít thở gì được nữa. Một vài học viên ngất xỉu và được đưa đi cấp cứu. Mắt tôi mờ, không nhìn rõ được vật gì cả, trong khi nhịp tim thì dồn dập như trống trận, hai tai ong ong, nhưng may quá tôi không ngất. Đã vậy, tôi còn đủ sức tự đi bộ ra khỏi thao trường, vừa đi vừa nghe niềm tự hào dâng tràn. “Mình đã hoàn thành kỳ kiểm tra vượt chướng ngại vật rồi, mình sắp trở thành phó cảnh sát trưởng rồi!”.

Tuy nhiên cái cười nhếch mép của Goliath báo tôi biết là mình đã lầm. Lúc ấy tôi mới khám phá rằng hãy còn một thử thách nữa. Lần này, thật sự tôi không chắc người da đen. “Tôi sẽ không, sẽ không, sẽ không bị xao lòng”. Thần kinh tôi lắng dịu đôi chút. Tôi nghe được giọng nói cha mình: “Muốn thi đua, con phải giỏi giang gấp đôi người khác.” Tôi lại nghĩ “mình đã nỗ lực gấp đôi, giỏi giang gấp đôi, đã gắng hết sức mình rồi, mà bây giờ lại còn…”

Tuy nhiên lúc ấy tôi nghe rõ mồn một lời nhận định của huấn luyện viên điền kinh, khi tôi còn học cấp ba. “Sức mạnh của phụ nữ nằm ở đôi chân, chứ không phải đôi tay”. Tôi thấy các nữ học viên cố sức vượt bức tường bê tông bằng cách nhảy lên như bọn đàn ông, rồi cố dùng sức mạnh đôi tay đu thân mình lên bờ tường, hòng choàng chân qua để nhảy xuống bên kia. Những động tác ấy không giúp cô nào thành công cả, và tôi biết mình cũng sẽ như vậy.

vuot tuong 2

Câu chuyện của Linda Coleman tạo cảm hứng cho những bạn gái đang tìm một hình ảnh để hướng đến

Ta không được xao lòng. Ta phải giỏi giang gấp đôi. Sức mạnh phụ nữ nằm ở đôi chân. Đến lượt tôi rồi. Bức tường hai mét sừng sững và có vẻ cao hơn thực tế, nó là trở ngại duy nhất giữa tôi và giấc mộng đời tôi. Tôi nhắm mắt và hình dung nó là đường đua điền kinh.

Tôi bắt đầu chạy với tốc độ cao nhất mà mình có thể, và khi chân vừa chạm vào tường, tôi nhìn lên trời cao. Việc lấy đà tốt giúp tôi tiếp tục chạy lên tường! Không xao lòng. Giỏi gấp đôi. Sức mạnh phụ nữ. Tôi choàng chân qua bờ tường và nhảy xuống phía bên kia.

Toàn thể học viên đều reo hò ủng hộ, tất cả mọi người, à quên, ý tôi là trừ Goliath. Hắn không nói lời nào. Hắn quay lưng bỏ đi. Hôm đó có vài người đàn ông qua được bức tường, tuy nhiên tôi là phụ nữ duy nhất.

Từ ấy đến nay, tôi đã vượt qua nhiều bức tường khác, nhưng bức tường ở học viện đã dạy tôi một số điều quý giá mà tôi áp dụng trong đời. Những gì bọn khổng lồ Goliath nghĩ sẽ không quan trọng bằng những gì tôi nghĩ về chính mình. Bọn Goliath bảo thủ sợ hãi sự đổi mới, ghen ghét sự tiến bộ, nhưng vẫn còn đó nhiều điều mà chúng không thể nào kiểm soát được.

Bức tường ở học viện dạy tôi nhiều điều quý giá. Những gì bọn khổng lồ nghĩ sẽ không quan trọng bằng những gì tôi nghĩ về chính mình

TÁC GIẢ: LINDA COLEMAN–WILLIS. NGƯỜI DỊCH: ĐỘ NHẬT.

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua