Kinh doanh không dễ

Vài năm trở lại đây, những người đang đi làm ra mở kinh doanh riêng trở thành chuyện bình thường. Với nhiều lợi thế về sức sáng tạo, năng động và các mối quan hệ, họ kinh doanh đa dạng các lĩnh vực nhưng có vẻ như việc này đang chững lại

Mình vừa mở quán cà-phê, cửa hàng bán quần áo hay bán đồ cho em bé… Mọi người ủng hộ mình với nhé”. Chắc hẳn lời nhắn nhủ trên Facebook này không hề xa lạ trong thời gian gần đây khi rất nhiều người trẻ đang đi làm mở kinh doanh riêng. Nghĩa là một mặt họ vẫn đi làm thuê cho các công ty, bên cạnh đó họ mở một cửa hàng kinh doanh cho mình.

VỪA LÀM THUÊ VỪA LÀM CHỦ

Không khó nhận ra, phần lớn những người mở cửa hàng kinh doanh riêng đều đang hoạt động trong ngành truyền thông, quảng cáo. Với lợi thế làm việc trong môi trường sáng tạo, cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng lớn đã giúp họ đúc kết được nhiều bài học cho bản thân và thấy cơ hội để phát triển một công việc riêng.

Thu Phương, 27 tuổi hiện đang làm việc cho một công ty quảng cáo tại Thái Lan, là một trường hợp như thế. Cách đây 3 năm, Phương làm việc cho một công ty quảng cáo tại Việt Nam. Nhận thấy nhu cầu uống nước trái cây nguyên chất của những người làm việc văn phòng, Phương cùng bạn trai, cũng làm việc trong ngành quảng cáo, mở một cửa hàng bán đồ uống từ trái cây tươi dạng takeaway. Với lợi thế của những người làm quảng cáo chuyên nghiệp, Phương đầu tư ban đầu rất tốt như logo thương hiệu, bao bì sản phẩm, giá cả hợp lý. Sản phẩm được trau chuốt kỹ lưỡng và cửa hàng được trang trí bắt mắt nằm tại một con phố sầm uất ở Q. 1, TP. HCM.

kinh-doanh-ko-de-resize

Còn với Trần Lê Xuân Khánh, chàng kỹ sư công nghệ thông tin 30 tuổi tuy không làm việc trong ngành quảng cáo nhưng tư duy của Khánh về kinh doanh lại rất sáng tạo. Khánh có ưu thế là quen biết nhiều bạn bè nên khi quyết định mở quán cà-phê, anh không ngần ngại chi tiền để thuê người thiết kế một mô hình quán cà-phê đậm chất vintage. Hơn nữa, việc mở quán cà-phê là đam mê của Khánh từ lúc còn đi học nên suốt thời gian đi làm, anh vẫn dành thời gian sưu tầm đủ thứ linh tinh. Từ những cuốn sách, bộ bàn ghế, vật dụng nhỏ trong quán, tất cả đều được Khánh mua về cất để dành. Vậy nên khi mở quán cà-phê Cliché nằm trên một con hẻm nhỏ ở đường Trần Cao Vân, Q. 3, bạn bè đã ngạc nhiên với không gian cũng như đồ vật của quán, chưa kể những món đồ uống, thức ăn cũng được Khánh nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ngoài yếu tố đặc biệt khi xuất hiện, những người làm kinh doanh tay ngang này còn có một lợi thế đặc biệt nữa là những mối quan hệ. Cả Phương và Khánh đều có rất nhiều bạn bè, ngoài sự giúp đỡ về tinh thần thì họ còn là khách hàng tiềm năng. Sự hiểu biết về marketing cũng giúp họ đưa ra những sản phẩm chất lượng, thiết kế bắt mắt. Không thể phủ nhận, những người trẻ làm kinh doanh đã tạo nên một thị trường cạnh tranh khốc liệt. Các thương hiệu lớn cũng phải dè chừng bởi sự linh động và cá tính của những người làm kinh doanh theo ước mơ, đam mê. Họ đầy ý tưởng mới, chấp nhận thử thách, chiều khách hàng để lôi kéo khách về phía mình nhưng cũng đầy bản lĩnh để vượt qua những khó khăn.

cua-hang-ban-do-uong-va-quan-ao

Cửa hàng bán đồ uống và quần áo thời trang vẫn là hai lĩnh vực kinh doanh được các bạn trẻ lựa chọn nhiều nhất

THỬ THÁCH CỦA THỊ TRƯỜNG

Hơn một năm trước, tại một tòa nhà lớn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 1, TP. HCM, một cửa hàng ăn rất lớn được mở ra với tiêu chí bán đồ ăn dựa trên sức khỏe của khách hàng. Người đứng đầu dự án là một cô gái vừa tốt nghiệp đại học nhưng có bề dày thành tích đáng nể khi tham dự các cuộc thi. Trong buổi mở cửa đón khách đầu tiên, rất nhiều vị khách am hiểu về kinh doanh lẫn rất ít am hiểu đều đặt ra nhiều câu hỏi nghi ngờ về khả năng thành công của mô hình kinh doanh này. Những câu hỏi đơn giản như  tại sao khách lại phải đến ăn chỗ này… được cô chủ trẻ trả lời rất ấp úng. Cô chỉ nói đi nói lại là mô hình này rất phát triển ở nước ngoài nên đã tìm hiểu kỹ khi mang về Việt Nam. Ba tháng sau, quán ăn đóng cửa và không ai ngạc nhiên về điều này.

Không hiếm có những người trẻ kinh doanh theo kiểu mình thích nên sẽ được người khác thích, tuy nhiên sở thích đó không thuộc về số đông. Cũng như có người bán quần áo và chỉ chọn phong cách thời trang độc đáo đến mức hiếm ai dám mặc, nhưng vì muốn có phong cách riêng nên nhất định không thay đổi.

Một trong những điểm thú vị nhất của người làm kinh doanh nhỏ đó là sự độc đáo và duy nhất. Người mua có thể tìm thấy ở họ những quán cà-phê xinh xắn, quán ăn lạ, những món hàng handmade độc đáo nhưng cũng chính điểm này làm hạn chế đối tượng khách hàng.
Dù đa số những người làm kinh doanh kiểu vẫn đi làm thuê này chủ yếu là kinh doanh nhỏ nhưng đây là hình thức kinh doanh được đánh giá hợp lý trong thời điểm này. Khi kinh tế còn chưa vực dậy được, kinh doanh nhỏ với vốn nhỏ, lãi ít sẽ cầm cự được lúc này. Thế nhưng dù nhỏ không có nghĩa là họ không chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường khi mà người người mở quán cà-phê, bán đồ ăn, quần áo, đồ dùng ngày càng nhiều. Bản thân người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn nên họ dễ so sánh giá, cân nhắc thiệt hơn khi bỏ tiền ra mua hàng.

THÁCH THỨC CỦA BẢN THÂN

Tiền vốn có lẽ là yếu tố lớn nhất đối với những người làm kinh doanh. Thông thường, họ sẽ gom một số tiền nhất định để đầu tư cho cửa hàng và chờ đợi việc bán hàng sẽ giúp họ xoay vòng vốn. Một số người liều lĩnh hơn thì chọn giải pháp lấy tiền lương hàng tháng để tiếp tục đầu tư.
Một yếu tố nữa cũng khiến nhiều người từ bỏ kinh doanh đó là việc phân chia thời gian. Dù là kinh doanh nhỏ nhưng đó vẫn là một công việc nghiêm túc và họ cũng không thể xem nhẹ công việc họ đang đi làm thuê. Xuân Khánh cho biết, thời gian chân trong, chân ngoài, vừa đi làm vừa quản lý Cliché khiến công việc cả hai bên đều không tốt. Chỉ đến khi dứt hẳn với Cliché, tập trung cho công việc làm thuê thì mọi thứ tốt hơn hẳn.

kinh-doanh-ko-de-2

Vốn vẫn là những yếu tố khiến những người kin doanh trẻ đau đầu nhất

Một số bạn đi làm ở các công ty nhưng không gò bó về mặt thời gian nhưng cũng thừa nhận việc phân phối thời gian vô cùng khó khăn. Với công việc kinh doanh nhỏ, có ít hoặc gần như không có nhân viên, mọi việc đều chờ mình trong khi đó khách hàng thì không đợi, còn việc công ty dù không gò bó về thời gian nhưng cũng chẳng đủ sức để làm tốt cả hai công việc cùng một lúc.

Anh Thư, cô gái mở Xôi To Go hiện đang làm việc cho Công ty Le & Associates lại khá may mắn khi được công ty khuyến khích việc thực hiện các giấc mơ khởi nghiệp nhưng Thư cho biết: “Để làm được cả hai việc, tôi luôn ở trong trạng thái làm việc cho đến tận khi tôi rơi vào giấc ngủ lúc nửa đêm và dĩ nhiên nghỉ ngơi vào ngày cuối tuần cũng là điều xa xỉ”. Với những người kinh doanh chung cùng bạn bè, hai người trở lên luôn có ưu thế về nhân sự nhưng vấn đề lớn nhất lại là phân chia công việc, tiền bạc. Bên cạnh đó không thể tránh khỏi những xích mích trong việc điều hành, phát triển công việc.

Lê Nguyễn, cô gái đang sở hữu thương hiệu Chả ngũ sắc trên Facebook rất thành công thì không mở cửa hàng mà chỉ bán trên mạng xã hội. Đây cũng là hình thức kinh doanh được rất nhiều người lựa chọn. Tuy không chịu áp lực về việc phải thuê mặt bằng, quản lý nhân sự hay chi phí đầu tư ban đầu nhưng Lê cho biết, việc kinh doanh trên mạng cần thiết nhất khi bán hàng qua mạng là sự trung thực và uy tín.
Người mua thì trăm vạn người, có thể có người mua không trung thực, đặt hàng rồi hủy nhưng người bán thì phải tuyệt đối uy tín, không được treo đầu dê, bán thịt chó, quảng cáo sản phẩm với chất lượng cao nhưng sản phẩm kém sẽ là con dao hai lưỡi.
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho những người mở cửa hàng trên mạng xã hội khi quá đơn giản để mở cửa hàng trực tuyến nhưng người mua cũng không ít lần khốn khổ với người bán hàng.

THÀNH CÔNG CHỈ LÀ BÀI HỌC

Nếu có cả nghìn bạn bè trên Facebook, chắc hẳn bạn sẽ thấy ít nhất mỗi tháng có một người bạn đang đi làm cho một công ty mở một cái gì đó để kinh doanh riêng, nhiều thì có khi mỗi tuần lại có một người nhờ bạn like trang nào đó họ vừa mở. Tuy nhiên, con số thành công vẫn còn hiếm hoi hoặc tồn tại vật vờ.

Thu Phương, sau hơn 9 tháng mở cửa hàng đã quyết định đóng cửa. Xuân Khánh sau gần hai năm giữ Cliché cũng phải sang nhượng lại. Còn vô số trường hợp khác chấp nhận bỏ hết tất cả. Thu Phương thừa nhận, trong 10 tháng làm kinh doanh nhỏ của mình, cô đã mất hơn 100 triệu đồng. Phương chia sẻ: “Lý do lớn nhất để đưa đến quyết định đóng cửa là cả hai đứa đều đang đi làm và không có thời gian dành cho cửa hàng. Ngoài ra cả hai cũng không có vốn cũng như kiến thức và chuyên môn để đưa cửa hàng tiến xa thêm hoặc đi theo đường dài”. Tuy nhiên, khi được hỏi có tiếc số tiền và công sức bỏ ra không? Phương thẳng thắn trả lời: “Không những không tiếc mà còn thấy vui vì có được một bài học rất lớn về kinh doanh mà không sách vở nào dạy được”. Hiện giờ, Phương đang làm việc cho một công ty quảng cáo tại Thái Lan nhưng cô vẫn ấp ủ một dự định kinh doanh khác với tiêu chí có thể chủ động được về vốn hơn.

Còn Khánh, may mắn hơn là có người để nhượng lại Cliché nên không mất quá nhiều tiền nhưng việc phải để Cliché cho người khác cũng là bài học kinh doanh đắt giá của Khánh. Dù đối với Khánh, 20 tháng với Cliché đủ cho anh lấy kinh nghiệm để mở một Cliché khác và có những cái lời vô hình khác như bản thân Khánh được nhiều người biết đến hơn, thậm chí công việc hiện tại của Khánh cũng nhờ Cliché mang về. Khánh tuyên bố sẽ mở một Cliché khác trong tương lai với sự chuẩn bị kỹ càng và tốt hơn nhưng quan trọng nhất là vẫn phải tập trung vào một công việc chính.

Còn Lê Nguyễn, sau hơn hai năm kinh doanh thành công và hiện giờ đã có lượng khách hàng khá lớn cô vẫn chưa dám nghĩ đến việc tiến xa hơn vì theo Lê, muốn phát triển lớn hơn nữa thì cần phải dành thời gian để tìm hiểu và học hỏi cách thức công nghiệp hóa sản phẩm, tìm thêm kênh phân phối lớn thì mới cân bằng được doanh thu.
Kinh doanh không phải là chuyện đùa nhưng với một số người, chỉ cần nhìn thấy vài điểm có lợi là ngay lập tức lao vào mở cửa hàng. Dù bắt đầu bằng đam mê hay bằng lợi nhuận, việc kinh doanh nào cũng nên được bắt đầu bằng một kế hoạch cụ thể, dài hơi và xác định đó không phải là một cuộc chơi. Her World vẫn hy vọng sẽ có những cửa hàng mới ra đời để họ có thêm những bài học dấn thân.

KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NHÀ KINH DOANH TRẺ

THU PHƯƠNG: “Nếu bạn đang muốn mở kinh doanh riêng có 3 điều tôi muốn nhắn gửi: Một là định vị sản phẩm thật tốt, hai là lên kế hoạch tài chính thật kỹ và thứ ba là phải trang bị kiến thức liên quan để phát triển kinh doanh đường dài. Bạn cũng nên xác định rõ mục đích kinh doanh của mình là chỉ làm chơi thì không cần quá đầu tư, còn nếu muốn kinh doanh nghiêm túc, phát triển nó thì phải có một kế hoạch kinh doanh chi tiết”.

thu-phuong

The Tươi bar là kỷ niệm đẹp của Thu Phương

PHAN THỊ ANH THƯ: “Việc kinh doanh của tôi chỉ mới bắt đầu. Tôi gọi nó là sự dấn thân và trải nghiệm. Kinh doanh là cả một hành trình, tôi không mơ mộng chỉ có hoa hồng ở phía trước nhưng tôi biết hướng đến của tôi là đâu và quyết tâm của tôi là ở mức nào. Bạn ra kinh doanh, bạn không thể đơn độc mà phải xây dựng được cho mình 1 ê-kíp từ nhân viên đến nhà cung cấp. Bạn cũng phải tạo được sự đồng lòng, cùng bạn cam kết mang đến kết quả tốt nhất. Một mình bạn có thể xây được, nhưng bạn cần một ê-kíp để có thể phát triển”.

phan-thi-anh-nhu

LÊ NGUYỄN: “Điều quan trọng nhất khi kinh doanh trên mạng là uy tín và trung thực. Người mua có thể không trung thực, đặt hàng rồi hủy nhưng người bán thì phải tuyệt đối uy tín, không được treo đầu dê, bán thịt chó. Quảng cáo sản phẩm với chất lượng cao nhưng cung cấp sản phẩm kém sẽ là con dao hai lưỡi”.

Chả ngũ sắc của Lê Nguyễn được rất nhiều khách hàng yêu thích

Chả ngũ sắc của Lê Nguyễn được rất nhiều khách hàng yêu thích

XUÂN KHÁNH: “Nếu bạn vừa đi làm, vừa mở kinh doanh riêng, việc đầu tiên nên nhớ đến đó là cân nhắc thật nhiều vào khả năng quản lý thời gian của bản thân”.

Bài: Như Ngọc
Ảnh: Getty images

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua