Vừa trải qua bốn bài thi của chương trình EMBA (executive MBA) Chicago Booth GSB, “tân sinh viên” Hana hào hứng khoe: “kết quả tốt cả”. Nữ giám đốc của Công ty quảng cáo Golden Communication Group hy vọng khóa học sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này. Quỹ thời gian của một doanh nhân vốn eo hẹp, vì sao Hana quyết định khiến thời gian biểu vốn đã kín của mình nay lại càng thêm dày đặc với những buổi học thêm?
Đi học để thêm kiến thức và mở rộng quan hệ
Khi tôi ngỏ lời về một cuộc hẹn phỏng vấn, Hana Đặng đáp ngay: “Để tôi xem lại lịch đã nhé”. Mãi đến hôm sau, chị mới thu xếp được công việc, dành một tiếng đồng hồ để gặp tôi. Thấy chị bận rộn vậy, tôi băn khoăn: “Vừa học vừa làm có cực không?”. Hana giải thích đương nhiên cực nhưng hoàn toàn xứng đáng để chị nỗ lực.
Theo chị: “Kiến thức là lĩnh vực nên đầu tư nhất. Tiền bạc, của cải đến rồi có thể đi, nhưng tri thức thì sẽ còn mãi”. Bởi vậy, chị quyết định nộp hồ sơ, thi tuyển và cuối cùng đậu vào trường.
Đi học xa tốn kém là một chuyện, “làm sao để vào đó học mới là cái khó”. Quá trình thi tuyển diễn ra rất gắt gao, thêm vào đó, yêu cầu cơ bản đòi hỏi kinh nghiệm quản lý lâu năm. Khoản này chị hoàn toàn đủ tiêu chuẩn bởi từng bỏ công sức gầy dựng Công ty quảng cáo Golden Communication cách đây hơn chục năm. Gần đây, chị lại có thêm danh thiếp mới với chức trưởng đại diện Quỹ đầu tư BankInvest của Đan Mạch.
Chị chốt lại một câu: “Nếu chỉ để đánh bóng thì tôi đã rớt từ vòng loại rồi”.
Quá trình học cũng là một thử thách với Hana và 89 doanh nhân quốc tế khác. Trước hết, nội dung học không hề đơn giản, thời gian biểu lại kín mít. Hana kể hàng ngày chị bắt đầu học từ sáng tới đêm, chừng sáu tiếng nghỉ một lần. Chưa kể, chị phải vừa học vừa tiếp tục điều hành công việc kinh doanh.
Chương trình đào tạo của trường kéo dài trong gần hai năm. Trường có ba cơ sở ở Mỹ, Anh và Singapore. Cứ cách năm tuần, chị lại dành một tuần đến 10 ngày đi học.
Hana Đặng đánh giá đó là một trong những ưu điểm của khóa học. Những khi kẹt công việc, chị có thể theo tiếp chương trình ở London. Nội dung đào tạo ở ba cơ sở đều giống nhau và giáo viên đều từ Mỹ sang.
Để tìm ra khóa học phù hợp, Hana mất khá nhiều thời gian nghiên cứu thông tin. Cuối cùng, chị chọn The University of Chicago Booth School of Business. Đây là trường đào tạo về kinh doanh hàng đầu thế giới và lâu đời thứ hai ở Mỹ.
Chương trình đào tạo của trường tập trung vào lĩnh vực tài chính và đầu tư, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của Hana. Chị đặc biệt muốn trau dồi kiến thức sau khi bắt đầu gia nhập BankInvest.
“Tôi học cách đánh giá công ty dưới con mắt của nhà đầu tư, nhìn ra những điểm mạnh, yếu để có các chiến lược kinh doanh phù hợp”
Chị chia sẻ: “Làm cho BankInvest, tôi có dịp nhìn lại Golden Communication Group theo một hướng nhìn hoàn toàn mới mẻ. Tôi học cách tự đánh giá công ty của chính mình dưới con mắt của một nhà đầu tư. Nhờ thế, tôi nhìn ra được những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có các chiến lược kinh doanh phù hợp”.
Hana cũng xác định việc học của mình không chỉ phục vụ cho công việc trước mắt. Chị mơ sau này có dịp đứng trên bục giảng truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho lớp trẻ.
Điều quan trọng là cân bằng cuộc sống với tham vọng thành đạt
Phụ nữ làm kinh doanh đã hiếm, thành đạt lại ham học hỏi như chị càng ít hơn. Hana cho biết chỉ 20% học viên là nữ giới. “Tôi là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia chương trình này sau 65 năm đấy”, chị tự hào khoe.
Không chỉ để nâng cao hiểu biết, Hana còn xem khóa học là dịp để mở rộng quan hệ. Chị được gặp gỡ với nhiều người giỏi giang ở các lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới. Trong quá trình học, ngoài việc trao đổi kinh nghiệm kinh doanh, các nữ doanh nhân còn truyền tai nhau những bí quyết cân bằng cuộc sống. Họ là minh chứng rõ rệt cho việc phụ nữ làm lãnh đạo trước hết vẫn là một người phụ nữ.
Dù làm kinh doanh đòi hỏi những phẩm chất đầy nam tính như kiên quyết, liều lĩnh, tỉnh táo… nhưng Hana vẫn quả quyết: “Tôi tin mình không hề mất đi vẻ nữ tính”. Người phụ nữ thành đạt có vẻ đẹp riêng của họ, quyến rũ và đầy thách thức.
Hỏi Hana bao giờ mới nghĩ tới việc lập gia đình, chị cười: “Chắc là sau khi học xong”.
Chị muốn hoàn thành các mục tiêu khác trước khi ổn định cuộc sống. Trong khi công việc còn bộn bề, nếu lấy chồng và sinh con, chị sợ mình không thể có thời gian để chăm lo đầy đủ cho gia đình.
Học cao quá có khó lấy chồng?
“Không, tôi hoàn toàn không nghĩ vậy”, Hana trả lời một cách tự tin.
Chị cho rằng ai rồi cũng sẽ tìm được một nửa của mình. Chị chưa yên bề gia thất, đơn giản vì chưa tìm được một nửa tâm hồn của mình. Nữ doanh nhân này tin ở đâu đó vẫn có người phù hợp với chị và hiểu được khó khăn của một phụ nữ thành đạt. Nếu có duyên, chị sẽ gặp được người ấy.
Hana kể hồi trước mẹ chị cũng hay giục con gái sớm lấy chồng. Thấy con ham việc, bà cũng sốt ruột. Nhưng tính Hana vốn kiên định, đã quyết làm gì thì người khác khó bề thay đổi. Để trấn an mẹ, chị thường bảo đến khi nào gặp đúng ý trung nhân, chị sẽ làm đám cưới ngay.
Đến bây giờ, mẹ Hana vẫn chưa thôi nhắc con gái về chuyện chồng con. Nhưng mặt khác, bà cũng không hề phản đối khi chị muốn tiếp tục học cao hơn nữa. Hana rất hạnh phúc khi mẹ và người thân đều ủng hộ quyết định này của chị. Bởi hậu phương vững chắc là một trong những nền tảng để xây đắp thành công. Chị bảo, sau này nếu có con gái, nhất định chị luôn sẵn lòng ủng hộ con mình.
Hiện tại, Hana rất hài lòng với cuộc sống của mình: “Được làm những gì mình muốn, hết mình vì đam mê, thế là hạnh phúc rồi”. Nhìn nét mặt rạng ngời và tự tin của Hana, tôi tin chắc người phụ nữ xinh đẹp này sẽ luôn biết cách để đạt được những gì mình muốn.
BÀI: THU PHƯƠNG