Chữ Thiền của Hương Giang

Sau biết bao sóng gió cuộc đời, diễn viên kịch Hương Giang đã tìm thấy hạnh phúc của mình.

Cánh cửa sắt to và dày như một bức tường bất khả xâm phạm. Thế giới bên trong bức tường sắt ấy rộng rãi, sạch sẽ và tinh tươm quá. Ngôi nhà toát lên không khí đặc biệt ấm cúng và thanh tao. Bụi bặm đời thường không lọt được vào đây. Có lẽ chủ nhân của ngôi nhà phải kỹ tính và có gu thẩm mỹ rất cao. Thảo nào trước đó, diễn viên kịch Hương Giang đã nhắn tin cho tôi: “Chị hiếm khi ra đường lắm, chỉ lẩn quẩn trong nhà mà thôi”.

Người phụ nữ 38 tuổi sống cùng cậu con trai Bảo Duy, mới tám tuổi, trong khoảng không gian rộng lớn thế này hẳn phải cảm thấy rất cô đơn? Nhưng khi trò chuyện, Hương Giang chẳng biểu lộ điều gì cho thấy chị đang cô đơn cả. Vẫn nụ cười thường trực trên môi, vẫn chất giọng đặc trưng của một Hương Giang Idecaf, vẫn đôi mắt to tròn luyến láy liên tục…

Vẻ bình an toát ra từ ngôi nhà, từ nụ cười của chị. Vậy mà chị đã khó nhọc lắm mới đạt được hai chữ “bình an” giản đơn ấy. Có lẽ đó là món quà, sau hơn bảy năm “vất vả chèo thuyền một mình giữa biển khơi đầy sóng”, cuộc sống đã trao tặng cho chị.

Tại sao Hương Giang lại “vất vả chèo thuyền”, tại sao phải “một mình” và “biển khơi đầy sóng” của chị là gì?

 

Xây cửa lớn vì không cãi lộn được với người khác

Tất nhiên tôi thắc mắc ngay: Tại sao chị chọn một cánh cửa to như thế? Sợ trộm cướp chăng? Hương Giang từ tốn (mà có lẽ chị buồn cười cho cái sự thắc mắc buồn cười của tôi): “Chị thích cửa lớn. Vả lại chị thấy bên ngoài ồn ào lắm, mà chị thì không cãi lộn với người khác được. Lên sân khấu diễn, nói chuyện quậy, chửi bới ầm ầm, nhưng bước ra đời thật, chị là một người khác. Chị không bao giờ cãi lộn được quá hai câu nên tốt nhất là bỏ đi chỗ khác, không đôi co”.

Hương Giang chọn cửa lớn cho nhà cũng còn để tạo khoảng không gian cách biệt với thế giới ồn ào. Hai mẹ con chị được bình yên bên nhau. Ở trong nhà, chị cảm thấy rất thoải mái. Không ai nhìn trộm chị. Chị thoải mái viết lách, tập tuồng, nấu cơm, dọn nhà, học Đông y chữa bệnh…

Nghe chị nói trên lý thuyết thì có vẻ đơn giản và vô cùng hợp lý, nhưng cảm nhận riêng của tôi khi tiếp cận với chị thì không hoàn toàn như vậy.

Tôi vẫn phân vân: Phải có ngày người phụ nữ nhỏ bé này cảm thấy đơn độc trong khoảng không này chứ? Không có một người đàn ông bên cạnh, lúc đó chị nghĩ gì, làm gì?

Nhưng tôi không tìm được lời giải đáp cho hai câu hỏi đó, bởi vì Hương Giang chẳng có vẻ cô đơn chút nào. Chị bảo: “Tôi không đơn độc. Trái lại, tôi cảm thấy rất thoải mái. Tôi sống bình yên trong căn nhà này, do cha mẹ tôi cho tôi, như của hồi môn cho con gái vậy. Họ thương tôi, biết tôi không còn chung sống với chồng nữa, biết con gái của họ cực khổ khi một mình nuôi con…”.

200808_chu-thien-cua-huong-giang-lego

Tác phẩm Bảo Duy xếp tặng mẹ từ những viên gạch Lego

 

Tôi đã từng quỳ trước mặt chồng

Tại sao phải một mình nuôi con? Tại sao chị quyết định ly dị chồng để sống một mình?

Đó là những điều tôi thắc mắc sau khi tiếp nhận những thông tin kể trên. Câu trả lời của Hương Giang, đến bây giờ, tôi cũng không biết phải diễn đạt lại như thế nào cho trọn vẹn. Tốt nhất hãy để tôi kể lại những lời tâm sự của chị về một người đàn ông mà chị đã từng thương yêu:

…Trong việc đổ vỡ này, cái sai duy nhất là tôi đã chiều chồng quá. Bạn có thể tưởng tượng được mức độ chiều chuộng chồng của tôi không? Anh ấy không phải làm bất kỳ việc gì trong nhà. Tôi không có thói quen thuê người làm, vì thế tôi phải làm hết mọi việc. Không chỉ ủi đồ, giặt đồ, đi chợ, nấu cơm, tôi còn sửa đèn, sửa toilet, sửa bếp… Thậm chí tôi còn bắc thang lên nóc nhà để sửa dột nữa cơ.

Lúc mới yêu, đi quay hình ở xa, đi diễn khuya, anh ấy đều đưa đi đón về. Con mắt mới đỏ thôi mà anh ấy đã chạy đi mua thuốc về để nhỏ cho tôi.

Nhưng cưới nhau được một năm thì khác hẳn. Đi diễn hả? Tự đi! Đi quay hả? Tự đi! Nhớ về sớm nấu cơm nhé!

Tôi nhớ mãi, có một hôm tôi sốt mê man, anh ấy lại gần và nói: “Em bệnh hả? Ráng uống thuốc nha. Anh qua nhà mẹ ăn cơm vậy”.

Tôi buồn nhưng chẳng dám than trách. Tôi quay cuồng với công việc để lo kinh tế gia đình. Còn anh ấy làm gì? Nằm nhà xem phim bộ Hồng Kông, phim hành động bắn súng ầm ầm của Mỹ… Việc gì cũng có vợ lo. Dùng mười cái ly uống nước xong cũng để đó đợi vợ về dẹp. Quần áo ủi sẵn thẳng tắp, tắm rồi mặc đi chơi. Khỏi lo cơm nước. Bạn có thể tưởng tượng cảnh tôi nấu cơm cho chồng để qua một bên, nấu cháo cho con bệnh một bên. Làm xong, tôi chạy vù ra đường đi diễn, tay cầm ổ bánh mì gặm cho qua bữa…

Có hôm con bị bệnh sốt, nằm trong phòng. Trước khi ra khỏi nhà, tôi bảo với anh ấy: “Anh ơi, em phải đi diễn gấp. Con mới uống sữa xong nên còn hơi no. Khoảng một tiếng nữa, anh nhớ vào cho con uống thuốc nhé. Không thì nó sẽ sốt trở lại”. Anh nhanh nhẹn: “Ừ, em cứ đi đi! Để đó cho anh. Đừng có lo nhiều, chuyện nhỏ mà”.

Khuya đó, tôi đi diễn mà lòng cứ nao nao. Hết vở, tôi vội vàng về thật sớm. Vừa bước vào phòng đã nghe tiếng súng bắn ầm ầm phát ra từ ti-vi. Anh ấy đang xem phim hành động của Mỹ. Thấy anh ấy, tôi hỏi: “Anh cho con uống thuốc chưa?”. Anh ấy hoảng hốt: “Ôi chết. Anh quên rồi. Nãy giờ anh mải xem phim nên quên mất”.

Tôi tức tốc chạy vào phòng con. Thằng bé bị kẹt giữa góc tủ quần áo và lớp nệm, người nóng ran, tím tái, mồ hôi mồ kê đầy người. Tôi hét lên: “Trời ơi, anh có phải là con người không vậy?”.

200808_chu-thien-cua-huong-giang-phong-ngu

Nghe đến đây, tôi cầm lòng hỏi ngược lại Hương Giang: “Mới đây, chị là tác giả của vở Yêu đi thôi, đang rất được yêu mến tại Sân khấu Kịch Idecaf. Trong vở này, chị viết: Duyên vợ chồng là duyên tam sinh (tu ba kiếp mới được thành vợ chồng). Vậy tại sao chị không cố gắng nâng niu cái duyên tam sinh khó tìm đó?”.

Chị hoảng hốt nhìn tôi: “Em ơi, tôi đã làm, đã nhún nhường hết như trong kịch bản rồi đó. Em tin không? Tôi từng quỳ trước mặt ảnh để lạy ảnh rồi đó. Trong kịch bản không có cảnh đó đâu. Tôi van xin anh ấy rằng: “Anh ơi, anh không làm gì giúp em cũng không sao, nhưng anh phải hứa với em là không lăng nhăng. Còn một giới hạn của tình vợ chồng thì đừng bước qua…”. Anh ấy đã lăng nhăng đúng ba lần. Không một lời xin lỗi. Mà tôi luôn giữ đúng quy tắc bất quá tam. Tôi đã quyết định chia tay. Mà chia tay là chia tay cái bụp”.

Cái chữ “bụp” đặc chất Nam Bộ đó làm tôi liên tưởng đến tiếng một cánh cửa vừa khép lại. Có phải cánh cửa lòng mở ra khoảng trời yêu của Hương Giang bây giờ đang khóa chặt? Thay vào đó, chị đang mở ra những cánh cửa khác để cuộc sống bình yên hơn?

Tôi hỏi chị: “Đau khổ vì tình yêu nhiều như thế, chị có ân hận vì đã lấy anh không?”. Hương Giang trả lời không cần suy nghĩ. Câu trả lời dứt khoát: “Không! Tôi không ân hận vì những gì mình đã làm. Mọi chuyện đã qua cứ coi như do số phận sắp đặt!”.

 

Học luyện công bấm huyệt để cứu người

Hương Giang khoe rằng hồi đó, diễn viên Mai Hoa (phim Đời cát), bạn thân, tặng chị một bức tranh có hai câu thơ về tình yêu mà chị rất thích: “Nàng đã đi hết lòng mình không giới hạn. Một ngàn năm tình sử chỉ có một Mỵ Châu”.

Dường như Mai Hoa rất hiểu lòng bạn khi tặng chị hai câu thơ này. Với Hương Giang, mỗi lần yêu là mỗi lần tan vỡ, người cứ quắt queo như con tằm nhả hết tơ, mất hết sinh lực. Chia tay tình yêu, phải ba tháng sau chị mới hồi phục lại như cũ. Dẫu biết vậy, chị vẫn thích sống “đến lúc cạn kiệt tâm hồn, đến khi không còn gì nữa thì sẽ ra đi rất thanh thản”. Và giá trị của sự thanh thản là điều diễn viên kịch Hương Giang quan tâm hiện nay.

Thế nào là sống thanh thản? Chị mô tả: “Không quan tâm quá nhiều đến chuyện riêng tư của người khác. Chuyện ai nấy lo. Nhưng khi ai cần giúp đỡ thì mình hết lòng. Sống nới nới, trời sẽ cho, sống so đo, trời lấy lại. Đó chính là những điều cần làm để trở nên thanh thản. Chính vì vậy, bạn bè xung quanh luôn giúp đỡ và quan tâm đến tôi khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống”.

Bây giờ, Hương Giang đang sống cho chị, cho con, cho cha mẹ và đặc biệt là cho sư phụ chị, người đã cứu sống khi chị mắc bệnh cơ xương khớp thần kinh. Nhưng tại sao chị bị bệnh này?
Trước khi sinh con, mang thai đến chín tháng năm ngày mà tôi vẫn đi diễn. Lúc đó anh Hữu Châu, vì thương tôi, đã la mắng: “Trời ơi, Giang ơi, tao lạy mày, mày đừng đi diễn nữa. Bụng mày bự lắm rồi, tao sợ lắm”. Lúc đó, tôi vừa khóc vừa trả lời rằng: “Anh Châu ơi, chồng em không có việc làm, em ở nhà cũng buồn lắm. Em hứa với anh Châu là diễn xong suất tối nay, em sẽ ở nhà nghỉ. Anh cho em diễn đi. Em để dành tiền sinh con anh ơi”.

200808_chu-thien-cua-huong-giang-bao-duy

Trên tường phòng bé Bảo Duy là câu nói đầy yêu thương

Sinh con xong hai mươi ngày, tôi đã đứng lên đi đóng phim. Mang giày cao gót, không kiêng cữ gì cả. Tắm rửa, nấu ăn cho con, cho chồng, giặt giũ, lo việc nhà… Mỗi đêm thức dậy hàng chục lần là chuyện bình thường. Hai tiếng thì con khóc, hai tiếng thì con đòi bú, hai tiếng thì con thay tã… Chồng ngủ khò khò bên cạnh… Đến một lúc, tôi ngã quỵ vì kiệt sức. Tôi mắc bệnh từ đó.

Sư phụ, người mà chị kính trọng, đã truyền cho chị cách luyện công bấm huyệt để chữa bệnh cho mình, cho người. Bản thân chị là người mê y học, đã từng bỏ show diễn, theo học Tá dược một năm trời. Bây giờ được làm những gì mình thích, với một người thầy tận tụy, chị sung sướng hơn bao giờ hết.

Mỗi khi đến lịch tập, chị lại cầm hai cục đồng, một cục âm và một cục dương, luyện công theo sự chỉ dẫn của sư phụ. Hai cục đồng giúp tích điện vào người để chị có thể truyền lại cho bệnh nhân.

Học y là một trong những niềm vui giúp chị thanh thản lúc này. Cuộc sống có ích cho người khác sẽ đem lại niềm vui giúp cho con người thanh thản.

Cậu con trai nhỏ, chỉ mới tám tuổi, cũng bắt chước mẹ: Con đi học châm cứu để “nhỡ sau này mẹ bệnh thì con lại chữa bệnh cho mẹ”. Thế là hai mẹ con cùng nhau đi học với một thầy.

 

Mảnh đất thiền và một tình yêu mới

200808_chu-thien-cua-huong-giang-tuong-di-lac

Bức tượng Di Lặc của Hương Giang

Chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện thân tình bằng cuộc xem triển lãm thú vị. Chị dắt tay tôi đi vòng quanh nhà, ngắm những bức tượng mà chị thỉnh được tận Trung Quốc về. Nào là tượng Phật Quan Âm Bồ Tát, tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Công, Thần Tài Thổ Địa…

Chị vui vẻ quảng cáo những pho tượng trong bộ sưu tập của mình: “Tượng Quan Âm này đã đoạt hạng hai trong cuộc triển lãm tượng Phật tại Trung Quốc đó nhé… Em thấy tượng Di Lặc này đẹp không?… Chị thờ tượng Quan Công vì chị mong ông trả lại sự công bằng cho chị…”.

Với tất cả những bức tượng đó, cộng với quan niệm Sống vươn lên cho kịp nắng mai mà chị rất tâm đắc, và cuộc sống trên miếng đất yên bình mà theo chị là “mảnh đất mang chữ Thiền từ rất lâu về trước”, Hương Giang đang tạo cho mình một chữ “Thiền” trong tâm trí.

Tôi nghĩ cuộc sống cuối cùng đã ban cho chị một món quà quý giá. Chị đã phải vượt qua bao sóng gió mới có thể đạt được điều ấy.

Ra về, tôi cảm thấy thú vị khi nghĩ đi nghĩ lại về câu nói của chị: “Mỗi khi tôi buồn, tối đó tôi ráng khóc cho xong. Sáng mai tôi ngồi dậy và tự nhủ: Xong rồi nhé! Ngày mai là một ngày mới”.

Lại còn thêm một điều thú vị khác nữa: “Tình yêu à. Tôi cần tình yêu chứ. Nhưng đàn ông thời buổi này thực dụng quá. À, tôi đang yêu một người: Triệu Văn Trác. Mỗi khi xem anh đóng phim Hồng Kông trên ti-vi là tôi cảm thấy vui thôi. Hôm nghe tin anh ấy đám cưới, tôi khóc suốt ba ngày. Thôi vậy, bây giờ yêu qua ti-vi có vẻ an toàn hơn. Chỉ khóc có ba ngày, không phải là sáu năm nữa”.

 

Bài: Thành Nhân. Ảnh: Anh Dũng.

Đừng bỏ qua