Bí kíp để được tăng lương

Lấy hết dũng khí gõ cửa phòng sếp để đề nghị tăng lương, vậy mà bạn chỉ nhận được "lời từ chối ngọt ngào". Có thể bạn chưa trang bị "chiêu" để đối phó với lập luận của sếp

Cùng là món tráng miệng nhưng lượng calorie mà miếng bánh tiramisu cung cấp cho bạn nhiều hơn hẳn so với bánh bí ngô. Hai chiếc đầm có kiểu dáng tương tự, nhưng nếu mang nhãn hiệu Louis Vuitton, giá của nó gấp cả chục lần so với chiếc hiệu Mango. Cùng là ngôi sao hành động và luôn nằm trong top diễn viên được trả cát-sê cao nhất, song Tom Cruise và Vin Diesel lại có lượng fan không giống nhau.

So sánh như vậy để thấy, chẳng có gì trong cuộc sống là giống nhau tuyệt đối, cũng như thật khó tìm được sự bình đẳng ở môi trường công sở. Một lần, bạn vô tình biết được mức lương của người đồng nghiệp. Cô ấy được trả công cao hơn bạn, trong khi lượng việc hai người là như nhau. Nguyên nhân thì rất nhiều: bạn sợ bị sa thải nếu liên tục đòi tăng lương, bằng cấp của đồng nghiệp cao hơn bạn…

Thế nhưng, không thể chịu đựng mãi khi mức lương bạn nhận được không tương xứng với công sức bỏ ra. Vậy, làm thế nào để lời đề nghị tăng lương được sếp chấp nhận? Trước hết, bạn cần đối phó với những lý do cấp trên đưa ra để từ chối yêu cầu chính đáng này:

“Công ty không đủ ngân sách cho việc tăng lương trong năm nay”

Đây là lý do muôn thuở mà bạn được nghe, kèm theo đó là lời hứa hẹn “ngọt ngào”: “Chờ thêm một thời gian nữa, tôi sẽ xem xét việc tăng lương cho anh/chị”.

>> Đối phó thế nào? Tuy không nắm rõ tình hình tài chính của công ty bằng cấp trên nhưng chắc chắn, bạn cũng ước lượng được trong thời gian gần đây, công ty thu nguồn lợi nhuận thế nào, khả quan hay phải bù lỗ. Bạn nên chuẩn bị tài liệu với các con số cụ thể về thu – chi để trình bày với sếp.

Bạn lưu ý là chỉ khi công ty ăn nên làm ra mới đưa ra yêu cầu tăng lương. Trong trường hợp nơi làm việc của mình đang gặp căng thẳng về tài chính, khoan vội nghĩ đến điều này. Thay vào đó, nên yêu cầu các ưu đãi khác như linh động về thời gian làm việc, có thêm ngày phép…

“Thời điểm này chưa thích hợp để tăng lương”

Đây là lý do phổ biến thứ hai mà các sếp rất ưa chuộng vì dễ khiến đối phương “mủi lòng”. Thử nghĩ xem, một nhân viên đang tràn đầy dũng khí, bước vào phòng và đưa ra đề nghị tăng lương. Lúc này, sếp chỉ cần nhỏ nhẹ vài câu: “Dạo này công ty đang mở rộng quy mô, tuyển thêm rất nhiều nhân sự nên ngân quỹ phải dồn vào đó. Chờ guồng máy hoạt động ổn định, tôi sẽ cân nhắc đề nghị của anh/chị”, thế là bao nhiêu dũng khí tan biến và bạn chấp nhận thất bại.

>> Đối phó thế nào? Dù sếp đưa ra bất kỳ lý do gì, bạn cũng chớ lấy mức lương cao của đồng nghiệp để gây áp lực. Làm vậy, chẳng những bạn không được đánh giá cao mà còn bị liệt vào “danh sách đen”, có thể “ra đi” bất cứ lúc nào.

Hãy nhẹ nhàng hỏi sếp liệu bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao chưa, đồng thời nêu rõ: “Tôi đã nỗ lực hết mình và trong suốt nhiều năm qua, mức lương vẫn giậm chân tại chỗ. Vậy tôi
phải chờ thêm bao lâu nữa?”. Dù chưa đồng ý ngay nhưng sếp sẽ cho bạn cái hẹn và đó là động lực để bạn tiếp tục phấn đấu.

20170703 tang luong hinh 01

Khéo léo thỏa thuận với sếp, đề nghị tăng lương của bạn sẽ được chấp thuận

“Bằng cấp của bạn chưa đủ để đạt đến mức lương mong muốn”

Nghe có lý nhưng nếu ngẫm lại, bạn sẽ thấy nó rất vô lý. Nguồn tri thức rộng lớn, bằng cấp là bao la, biết đâu là giới hạn để đưa ra số lượng bằng cấp bạn cần có.

> Đối phó thế nào? “Tôi nghĩ bằng cấp tuy quan trọng nhưng năng lực mới là yếu tố quyết định thành bại của một cá nhân. Dù một nhân viên có bằng cấp nước ngoài cùng vô số tín chỉ ngoại ngữ nhưng nếu không siêng năng, nhanh nhạy và am hiểu công việc mình làm thì sớm muộn cũng bị sa thải”. Nếu sếp vẫn khăng khăng bảo lưu ý kiến, bạn hỏi thẳng: “Vậy theo ý sếp, tôi cần trang bị thêm các loại bằng cấp gì? Đạt được những thứ sếp mong muốn, mức lương tôi nhận được sẽ là bao nhiêu?”.

“Bạn sắp được chuyển sang một bộ phận khác. Khi đó, bạn sẽ nhận được mức lương mong muốn”

Lý do này có vẻ hợp lý nhưng biết đâu chỉ để “hoãn binh”. Đến khi bạn chờ mãi mà công việc vẫn như cũ, sếp mới nói: “Cấp trên đã có sự điều chỉnh, bạn vẫn đảm đương công việc cũ”.
>> Đối phó thế nào? Đừng ngần ngại hỏi sếp về thời gian và bộ phận cụ thể bạn sẽ chuyển sang. Nếu sếp trả lời ngay, có khả năng ông/bà ấy nói đúng. Bạn có thể hỏi khéo: “Liệu mức lương cho vị trí mới của tôi có khả quan hơn hiện tại không?” để biết lời đề nghị của mình liệu có được chấp nhận.

Trong trường hợp sếp không nói thẳng mà đáp vòng vo, 90% ông/bà ấy đang từ chối khéo bạn. Khi ấy, bạn chớ nóng vội mà cần nhìn nhận lại bản thân. Chắc bạn chưa xứng đáng với mức lương cao hơn. Hãy kiên trì phấn đấu thêm một thời gian nữa trước khi gõ cửa phòng sếp lần thứ hai.

Her World Vietnam (trích đăng trên số tháng 7/2017)

Đừng bỏ qua