Gặp được Ngô Mỹ Uyên thời điểm này rất khó, bởi chị quá bận rộn với công việc. Cuối cùng sau nhiều cuộc hẹn, tôi mới ngồi cùng Uyên trong ngôi biệt thự của chị vào một chiều nắng đẹp. Tôi hỏi Uyên muốn bắt đầu câu chuyện từ đâu, chị thành thật đáp: “Từ nơi tôi biết ơn”.
Mỹ là nơi tôi biết ơn
HW: Cuộc đời chị là những chuyến đi. Giờ đây, bình tâm ngồi lại trong căn biệt thự này và nhìn về những chuyến đi ấy, chị thấy mình được gì?
Ngô Mỹ Uyên: Tôi thấy mình may mắn vì được đi nhiều, được khám phá, tìm tòi và có nhiều cơ hội phát triển. Sống ở Mỹ là một cơ hội tốt để tôi phát triển công việc và sự nghiệp. Lúc mới sang, tôi xác định nhiệm vụ lớn nhất là đưa hai em gái đi học đại học sau khi cả hai tốt nghiệp trung học ở Việt Nam. Sau đó, tôi tìm được công việc phù hợp ở Mỹ. Nhờ đó, tôi hiểu văn hóa và cách làm việc của người dân nơi đây một cách thấu đáo và kỹ lưỡng hơn.
Tiếp sau Mỹ là cơ hội bên Ý. Hai nơi này hoàn toàn khác nhau vì Ý là cái nôi của văn hóa nghệ thuật. Chuyến đi Ý đã giúp tôi phát triển toàn diện. Thêm nữa, chính mảnh đất đó khiến tôi không ngừng tìm tòi và phát triển.
HW: Trở lại những ngày đầu sang Mỹ, chị có bị sốc về sự khác biệt văn hóa không?
Ngô Mỹ Uyên: Chắc chắn rồi. Khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và cách làm việc đều làm tôi rất sốc. Phải mất hai năm tôi mới quen được. Tôi sống ở Beverly Hills, một bước thâm nhập vào tầng lớp thượng lưu nên khó hơn những người Việt ở Mỹ rất nhiều. Giống như thay vì đi thang bộ từ từ thì tôi quyết định đi thang máy nên hơi… choáng váng. Tuy nhiên, tôi là người can đảm và không sợ gì hết, giống như “điếc không sợ súng” vậy.
HW: Sau những vất vả, bây giờ là thời gian để chị yêu và sống giấc mơ đời mình, đúng không?
Ngô Mỹ Uyên: Tôi đang bắt đầu sống giấc mơ đời mình đây. Sau khi sang châu Âu, tôi có mối quan hệ thân thiết với một anh bạn trai người Ý. Chúng tôi đã bàn tính chuyện tương lai, chỉ là không biết có làm hay không thôi (cười lớn).
HW: Chị có vẻ yêu châu Âu nhỉ! Tôi thấy các món đồ nội thất của chị ảnh hưởng bởi nền văn hóa này khá nhiều.
Ngô Mỹ Uyên: Toàn bộ đồ nội thất trong nhà tôi đều là của châu Âu, tôi mua trong các cuộc bán đấu giá. Có món tôi mua vì am hiểu, có món là do tình cờ.
Tôi xây dựng căn biệt thự này để thỏa mãn sở thích và ước mơ của bản thân. Từ nhỏ, tôi đã đọc và mê truyện Nghìn lẻ một đêm. Tôi rất thích thế giới lung linh, huyền ảo của câu chuyện này, cho nên bạn mới thấy không gian nhà tôi… lung linh vậy đó.
Không thể tính tiền những món trang sức tôi có
HW: Những món đồ trang sức chị đeo rất đẹp và sang. Chị mua chúng ở đâu vậy?
Ngô Mỹ Uyên: Nữ trang là tài sản đắt nhất tôi có. Tôi mua chúng trong các buổi đấu giá. Tôi có cả một bộ sưu tập vì có nhu cầu dùng đến chúng nhiều. Bạn thấy đó, khi tham dự event lớn như Grammy, Oscar, các sao Hollywood phải mặc những bộ trang phục dạ hội và đeo trang sức hoành tráng, sang trọng. Tôi có nhu cầu sử dụng chúng thường xuyên nên cũng mua để phục vụ công việc.
Lúc trước ở Mỹ, tôi hay mua trang sức của Fred Leighton, một nghệ nhân 80 tuổi. Ông làm những mẫu nữ trang cổ của Cartier. Đầu tiên, ông cho tôi mượn, cái nào thích thì tôi mua luôn. Bên cạnh đó, tôi hay mua của Christie’s, một năm đấu giá hai lần.
HW: Hỏi tế nhị một chút, tổng số trang sức chị có trị giá bao nhiêu?
Ngô Mỹ Uyên: Chắc chắn tôi không thể biết vì có những năm tôi mua ở đây một chút, ở kia một chút. Tôi không tổng kết bởi mỗi món tôi mua tùy theo tiền lương mình kiếm được. Có năm, tôi mua nữ trang nhiều đến mức hết tiền, đành chờ năm sau mới mua món khác. Tôi là người nghiện mua sắm nặng, rất nặng (cười lớn).
HW: Trong số các thành phố đã đi qua, với tư cách một khách du lịch, chị thích nơi nào nhất?
Ngô Mỹ Uyên: Bạn hỏi vậy thật khó trả lời, vì mỗi thành phố tôi đến đều gắn với một mục đích nhất định. Khi muốn thỏa mãn đam mê ăn uống và shopping, tôi đi từ New York, San Francisco sang Pháp, Anh, Monaco (Monte Carlo), Ý (Milan). Năm nào tôi cũng tham dự Tuần lễ thời trang của Milan và Paris. Tôi là khách hàng của họ nên thường được họ dẫn đến các fashion show và shopping ngay tại runway.
HW: Vậy thành phố nào chị đặc biệt yêu thích?
Ngô Mỹ Uyên: Có lẽ nơi tôi thích nhất là New York. Đến mùa shopping, các cửa hàng giảm giá 50%, rồi vào những ngày cuối cùng lại giảm thêm 25%, có nơi giảm đến 90%. Thế là tôi chất hàng lên tàu mang về (cười). Khi đi shopping, tôi không bao giờ mang theo giỏ, bị “bệnh” nặng đến như vậy đấy!
HW: Đến bây giờ, chị vẫn thích New York chứ?
Ngô Mỹ Uyên: Sau này, tôi đi Ý nhiều nên thích ở Ý hơn. Sở thích của tôi thay đổi theo từng giai đoạn. Trước đây, khi chưa học văn hóa Ý, chưa ăn thức ăn Ý, tôi chưa hiểu nhiều về đất nước này nên chưa thích mà mê đồ ăn Pháp hơn. Sau nhiều năm sinh sống ở Ý, hiểu hơn về văn hóa và thời trang của Ý, bây giờ về Việt Nam tôi vẫn nhớ món ăn nước họ.
Những ngày ở Rome, không ngày nào tôi không đi xem biểu diễn nhạc thính phòng hoặc đêm nhạc của các ca sỹ hàng đầu thế giới ghé qua Rome. Nơi đây là cái nôi của văn hóa mà. Thế nên đầu óc tôi luôn luôn phát triển, không lúc nào trống hết.
Không muốn mình là loser
HW: Còn phong cách thời trang của chị, hình như cũng thay đổi liên tục đúng không?
Ngô Mỹ Uyên: Đúng rồi. Khi còn ở Mỹ, phong cách ăn mặc của tôi phải thích ứng với văn hóa và công việc ở đây. Sống trong thế giới thượng lưu, lúc nào tôi cũng chỉn chu từ đầu đến chân, xe hơi bóng loáng, đi đến đâu cũng phải phô trương (văn hóa Mỹ là phải phô trương để người ta biết mình là ai). Nếu mình đi lặng lẽ mà không nói gì sẽ bị người ta gọi là “loser” (kẻ thua cuộc).
Đa số người dân Mỹ nhìn người châu Á không mấy thiện cảm. Vì vậy, khó khăn nhất của tôi khi làm việc bên ấy là chứng tỏ mình làm được. Tôi phải cố gắng mất mấy năm mới cho sếp và đồng nghiệp thấy mình có thể hoàn thành tốt công việc. Lúc đầu, họ không tin nhưng sau đó nhìn vào hiệu quả công việc, họ mới bị thuyết phục.
Giai đoạn qua châu Âu, tôi mềm mỏng và giản dị hơn. Bên Ý không có giai cấp, nhưng nếu bạn không có bằng cấp là đồng nghĩa với việc không có văn hóa.
HW: Đất nước Ý nổi tiếng với những sân vận động, nơi các tín đồ bóng đá đến đó mỗi tuần. Chị có hòa theo phong trào này không? Có khi nào chị đến sân vận động không phải vì niềm đam mê với môn thể thao vua mà chỉ để… ngắm trai đẹp?
Ngô Mỹ Uyên: Có chứ. Tôi thường xuyên đi xem đá bóng, rugby (bóng bầu dục), ca nhạc, đến nỗi sắp thành người Ý mất rồi (cười). Người Ý bảo tôi là cô nàng có cốt cách của dân Mỹ, tức là người thực dụng. Tôi làm việc đâu ra đó nhưng mặt khác lại có nếp sống của Ý, rất văn hóa.
Người châu Âu nói dân Mỹ không có văn chương nghệ thuật mà chỉ yêu thể thao nên tôi kết hợp hai thứ đó lại. Cái gì hay là tôi học hỏi liền.
HW: Vậy còn giới quý tộc nổi tiếng châu Âu thì sao? Có khó để chị tiếp cận họ không?
Ngô Mỹ Uyên: Ở một số nước châu Âu, tước hiệu quý tộc có thể mua được. Chẳng hạn như ở Anh, bạn dễ dàng mua tên của một công tước nếu có nhiều tiền, nhưng ở Ý và Pháp thì không thể. Riêng Đức lại trọng vị trí trong xã hội. Phải giới thiệu “Tôi là bác sỹ/giáo sư/tiến sỹ…” mới được nể trọng, còn một người làm kinh doanh, mở nhà hàng thì người ta xem thường.
Bên châu Âu rất phân biệt giai cấp và văn hóa. Chẳng may bạn chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, mọi người sẽ cho rằng bạn là cô gái bỏ đi. Đó thực sự là một thế giới khác và tôi mừng vì mình đã có điều kiện trải qua nhiều môi trường sống khác nhau. Nhờ đó, tôi có cái nhìn sinh động hơn về cuộc sống.
HW: Cảm ơn chị về những chia sẻ thú vị. Chúc chị luôn vui và hạnh phúc!
Khác biệt văn hóa Đông – Tây
1. Ngô Mỹ Uyên nhận thấy người dân châu Âu làm việc rất nhàn nhã chứ không tất bật như người Mỹ. Chị cho rằng họ lười là có lý do, bởi châu Âu có luật làm việc vừa phải. Nếu làm quá giờ là bóc lột lao động. Vì vậy, nhân viên có muốn làm nhiều cũng không được.
2. Khoảng thời gian đầu sang châu Âu, Ngô Mỹ Uyên chủ yếu tập trung học tiếng. Trong nhiều thứ tiếng chị thông thạo, với chị, tiếng Ý học khó nhất. Nếu tiếng Anh chỉ mất một năm học để sử dụng thành thạo thì tiếng Ý mất tới ba năm. Công việc của Ngô Mỹ Uyên tại Ý liên quan đến môi trường, năng lượng xanh – sạch.
3. Ngô Mỹ Uyên cho biết chị không có thời gian đi lựa từng món đồ nội thất mà thường chọn các nhà đấu giá để mua cho tiện. Chị tiết lộ: “Tôi mua hoàn toàn bên Mỹ vì họ tổ chức rất nhiều cuộc bán đấu giá. Nơi đó tập trung các món đồ từ châu Âu, Hồng Kông và nhiều nước khác. Một năm vài lần, các nhà bán đấu giá gửi catalogue cho tôi thông báo về ngày tổ chức. Đến ngày đó, tôi sẽ qua xem và mua. Có lúc, tôi tậu được cái tủ của Nga, lúc lại mua được cái bàn của Ý hay chiếc tủ cũ bên New York”.
Ngô Mỹ Uyên rất tiết kiệm thời gian. Chị thường vào trung tâm bán đồ trang trí nội thất để mua đồ chứ không gặp gì mua nấy như dân du lịch hay các tiếp viên hàng không.
Phỏng vấn: NHỊ HÀ – Concept: HỒNG HẠNH – Stylist: QUỲNH ANH – Trang điểm: PHƯỚC LỢI – Ảnh: MILOR TRẦN