Cũng như nhiều môn khoa học, kỹ thuật làm đồng hồ hay khoa học nghiên cứu về đếm giờ, đồng hồ cũng có kho từ chuyên ngành riêng biệt. Nắm những kiến thức sau không thể giúp bạn trở thành một chuyên gia về đồng hồ ngay, nhưng chắc chắn sẽ hữu ích cho lần chọn mua chiếc đồng hồ tiếp theo và những buổi đàm đạo về lĩnh vực này.
Thuật ngữ quen thuộc
Nếu muốn gây ấn tượng với đàn ông bằng cách nói về máy móc, hãy bắt đầu từ chiếc đồng hồ.
– Cửa sổ nhỏ trên mặt đồng hồ (aperture): một ô hở nhỏ trên mặt đồng hồ để hiển thị một chỉ số khác (thường là tháng, ngày hoặc tuần trăng).
– Niềng kính (bezel): chi tiết dạng vòng bao quanh mặt đồng hồ giúp ráp vỏ máy và mặt kính vào với nhau. Niềng kính thường cố định nhưng cũng có loại có thể xoay bằng tay.
– Vỏ máy (case): thường có dạng hình hộp và được xem là vỏ ngoài của đồng hồ chứa bộ máy chuyển động, mặt số và kim đồng hồ.
– Biến năng (complication): là thuật ngữ chỉ những chức năng khác của đồng hồ bên cạnh chức năng chỉ giờ phút thông thường. Đếm giờ với thao tác bắt đầu và kết thúc, báo ngày, tuần trăng, cơ chế điểm chuông báo là một số biến năng phổ biến của đồng hồ.
– Đếm giờ (chronograph): là khả năng dùng một bộ đếm riêng để tính khoảng thời gian ngắn như một vòng đua. Chức năng này ngày càng phổ biến trên đồng hồ nam trong thế kỷ qua.
– Núm lên dây (crown): giúp người dùng có thể vặn để lên dây cho đồng hồ và cài đặt thời gian.
– Mặt số (dial): hay mặt đồng hồ là bề mặt mà thời gian, ngày tháng và các chức năng khác hiển thị.
– Tai (lug): là một gờ nhỏ nhô ra khỏi vỏ máy dùng để gắn quai đồng hồ.
– Bộ máy chuyển động (movement): đây là cấu trúc phức tạp giúp vận hành chiếc đồng hồ, tương tự như động cơ trong xe hơi. Có ba cơ chế để bộ máy hoạt động: chuyển động bằng pin, chuyển động cơ học tự lên dây hoặc chuyển động cơ học lên dây bằng tay.
– Múi giờ phụ (second time-zone): đây là một trong số những thuật ngữ dễ hiểu nhất, chỉ tính năng hiển thị thời gian thực ở một múi giờ khác nhờ vào một kim đồng hồ phụ hoặc mặt số phụ.
Bạn biết chưa?
Giờ đây, đồng hồ không chỉ là dụng cụ xem thời gian mà còn là một món đồ trang sức.
– Đồng hồ quartz: hoạt động nhờ mạch dao động của một tinh thể thạch anh. Chuyển động của nó mang tính chính xác cao. Phát minh ra cơ chế chuyển động này là một cuộc cách mạng trong ngành vào đầu thế kỷ XX, giúp giảm giá thành đáng kể so với những đồng hồ lên dây cần khả năng thủ công tỉ mỉ.
– Chuyển động cơ học (mechanical movement): chỉ bộ máy hoạt động bằng dây cót, kết hợp với bánh răng cân bằng. Ngày nay, nhiều đồng hồ quartz được điều khiển điện tử bằng năng lượng từ pin cung cấp.Tuy nhiên, đồng hồ cơ vẫn được yêu thích và ngày càng phổ biến.
– Tự lên dây (automatic winding/ self-winding): thuật ngữ dành cho đồng hồ cơ (khác với đồng hồ chạy bằng pin hoặc điện tử). Nó hoạt động nhờ chuyển động của cổ tay chứ không phải dùng tay để vặn núm lên dây. Một rotor sẽ cảm nhận chuyển động và tự động lên dây cót cho đồng hồ vận hành. Đồng hồ tự động nếu không được đeo trong vòng vài ngày sẽ không còn năng lượng để chạy nữa và bạn phải lên dây bằng tay để nó chỉ giờ chính xác trở lại.
– Chức năng báo thay năng lượng: khả năng cho biết khi chiếc đồng hồ cần thay pin hoặc lên dây. Chức năng này trên đồng hồ quartz giúp người đeo biết khi nào cần thay pin. Lúc đó, kim giây sẽ chuyển động một nấc với khoảng cách 2 giây. Riêng đồng hồ Kinetic của Seiko là dạng quartz nhưng tự động nên không có pin. Khi kim giây của nó dịch chuyển một khoảng 2 giây, hãy lên dây lại cho nó.
– Tachymeter: một số đồng hồ chronograph kết hợp thêm với thang đo trên niềng kính có khả năng đo vận tốc chuyển động trong một khoảng cách nhất định (1km hoặc 1 dặm). Khi bắt đầu đo, chỉ cần thiết lập tính năng đếm giờ. Đến khi vật thể kết thúc quãng đường, kim chronograph chỉ thời gian đã tiêu hao đồng thời cũng chỉ đến vạch tốc độ trên niềng kính.
– Telemeter: là một chức năng đỉnh cao của đồng hồ chuyên dụng, giúp đo được khoảng cách từ vị trí đồng hồ đến một địa điểm nhờ khả năng tính toán khoảng thời gian âm thanh di chuyển hết khoảng cách đó.
– Niềng kính xoay: niềng này có những khấc đánh dấu từ 0 đến 60 và bạn có thể xoay được nó theo một hoặc hai chiều. Xoay vạch số 0 trên niềng đến vị trí hiện tại của kim phút rồi bắt đầu lặn xuống nước, người thợ lặn sẽ có căn cứ để xác định được khoảng thời gian đã trôi qua và biết thời điểm cần trở lại mặt nước trước khi dưỡng khí trong bình cạn kiệt. Tương tự, bạn cũng có thể dùng tính năng này để canh thời gian nấu một món ăn hay làm những việc cần canh giờ để hoàn thành mà không cần phải nhớ xem lúc bắt đầu, kim phút chỉ bao nhiêu.
– Chronometer: là từ nói về độ chính xác đỉnh cao của một chiếc đồng hồ (không dành cho đồng hồ quartz) do Tổ chức kiểm nghiệm chất lượng đồng hồ Thụy Sỹ (COSC) chứng nhận. Để có được đánh giá này, chiếc đồng hồ phải trải qua nhiều kiểm tra khắt khe trong vòng 15 ngày ở nhiều địa điểm, nhiệt độ khác nhau, thậm chí dưới nước.
Làm thế nào để nhận biết đồng hồ Thụy Sĩ thật và giả?
Với khả năng làm nhái tinh vi và hiện đại, việc phân biệt đồng hồ thật hay giả ngày càng khó khăn hơn. Những người làm giả chuyên nghiệp thậm chí còn bắt chước chính xác các đặc điểm bên ngoài và số seri của đồ hiệu. Tuy nhiên, bạn đừng bi quan, hãy thử áp dụng một số bí quyết của các chuyên gia dưới đây:
– Chú ý kim giây: trên hàng thật, chiếc kim này thường lướt đều. Nếu kim dây chuyển động giật và tạo tiếng tích tắc nhỏ, đó có thể là hàng nhái.
– Cũng có một số mẫu đồng hồ thật được làm với kim giây giật, vì vậy bạn hãy nghiên cứu đặc điểm của từng mẫu đồng hồ trước khi định mua để nắm được những đặc trưng khó làm giả của nó. Chẳng hạn những chiếc đồng hồ nhái thường sẽ không có van xả helium.
– Đồng hồ Thụy Sĩ còn phải cho cảm giác cầm chắc tay do làm từ chất liệu cao cấp và nặng như titanium. Trọng lượng nói lên giá trị của nó.
– Hãy quan sát kỹ các dòng chữ. Chữ bị nhòe, sai sót và vạch chia không đều là vài điểm tố cáo hàng nhái.
– Mùi từ đồng hồ đeo lâu ngày: Bạn nghe mùi tưởng như từ phô-mai đã nấu chín hay mùi bàn chân nhưng thực ra đó là từ chiếc đồng hồ bị bám cặn bã tiết ra từ cổ tay. Mất rất nhiều tiền để mua một chiếc đồng hồ nên ít nhất hãy giữ cho nó đừng “tỏa hương” như vậy. Đồng hồ dây kim loại nên được lau chùi nhẹ nhàng mỗi tháng bằng một ít xà phòng hòa với nước. Nên thay dây da hàng năm. Nếu bị đổ mồ hôi nhiều, bạn hãy chọn loại dây da có khả năng chống thấm nước.
Bài: DIỄM TRINH. Ảnh: KH, TƯ LIỆU.
Her World Việt Nam