ĐỒ TẬP THỂ THAO
Sau buổi tập, mồ hôi ướt đẫm giày, phơi khô chỉ giải quyết được vấn đề ẩm mốc nhưng mùi mồ hôi vẫn đọng lại. Hãy rắc một ít bột baking soda vào giày, chúng sẽ giúp bạn khử mùi mồ hôi ngay lập tức.
Bạn nên thay giày thể thao sau 3 đến 6 tháng luyện tập. Dĩ nhiên đây là lời khuyên dành cho người tập luyện thường xuyên. Nếu mỗi tháng bạn chỉ tập được vài ngày thì bỏ qua nhé.
Chắc chắn sau khi tập, trang phục của bạn ướt sũng mồ hôi, hãy cho vào máy giặt ngay sau khi về nhà. Các dụng cụ hỗ trợ luyện tập khác như băng đeo tay, chân, dây đeo nghe nhạc, đeo máy đếm bước chân cũng cần được vệ sinh sạch sẽ nếu có thể.
Nếu không thể giặt bộ đồ tập ngay sau buổi tập, hãy treo chúng lên thay vì ném chúng vào giỏ giặt đồ. Việc này giúp trang phục không bị nấm mốc.
Với các loại áo lót thể thao và quần áo có mùi mồ hôi, bạn hãy ngâm chúng với nước pha giấm với tỷ lệ 4/1 trong khoảng 1 tiếng trước khi mang đi giặt.
Các loại đồ tập hiện nay đa phần đều có thể giặt bằng máy, tuy nhiên bạn chỉ được giặt bằng nước lạnh và thêm một ít xà phòng so với thường lệ nhé.
Với đồ tập bằng chất liệu spandex và lycra, bạn phải cẩn thận khi sấy khô. Nếu sấy với nhiệt độ quá cao, món đồ sẽ mất đi độ đàn hồi.
VẢI NHUNG
Bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi giặt vì một số loại vải nhung cần giặt khô. Tuy nhiên cũng có một số nhung có thể giặt bằng nước.
Đừng bao giờ nghĩ đến việc là (ủi) đồ nhung. Ngay lập tức vết bàn là sẽ hằn trên bề mặt vải.
Bạn có thể sử dụng bàn là hơi nước với đầu ủi dành riêng cho nhung hoặc lật trái trước khi là.
Treo đồ nhung trong phòng tắm. Hơi nước tỏa ra sau khi tắm nước nóng có thể giúp bề mặt nhung trở lại óng ả, mềm mại.
Đừng gấp đồ nhung sau khi giặt. Thay vào đó hãy nhét khăn giấy vào bên trong.
Nếu vô tình làm đổ thức uống vào trang phục nhung, hãy dùng khăn giấy chấm nhẹ, ngăn không để nước lan rộng hơn. Với những vết bẩn, sử dụng khăn ẩm, chà nhẹ theo cả hai chiều lên và xuống. Cũng có thể sử dụng nước tẩy dành cho quần áo màu.
GIÀY CÔNG SỞ VÀ DẠO PHỐ
Nếu là một tín đồ của những đôi giày, hãy sắm cho chúng một không gian riêng. Đặt giày vào tủ, kệ hoặc xếp ngay ngắn trong góc nhà. Tuyệt đối đừng ném, nhồi chúng vào hộp. Khi lấy ra dùng, bạn sẽ chẳng nhận ra chúng nữa đâu.
Để giữ hình dáng của những đôi giày da mềm hoặc da lộn, hãy nhét giấy vào bên trong đôi giày.
Đừng mang những đôi giày cao gót khi không cần thiết. Có nghĩa là trừ lúc đi làm, cần lịch sự, thời gian còn lại bạn có thể sử dụng giày sneaker, sandal hay dép đế thấp. Điều này không chỉ giúp đôi giày được bền mà còn tốt cho đôi chân.
Tránh để giày da và da lộn ở những nơi nóng, bị chiếu ánh nắng trực tiếp. Nhiệt độ cao sẽ làm da bị cứng hoặc làm bong lớp keo dán.
Nên cho giày da nghỉ ngơi ít nhất một ngày sau khi sử dụng để mùi mồ hôi bay hết và giày lấy lại form dáng ban đầu.
Nếu đôi giày da quá bẩn, hãy dùng khăn mềm nhúng vào nước xà phòng nhẹ rồi lau nhẹ nhàng. Với giày trắng, sử dụng khăn thấm ít giấm để làm sạch vết bẩn. Lau khô rồi mới đánh xi.
Với một đôi giày xịn, hãy mang nó ra cửa hàng để được bảo hành hoặc lau chùi. Giày da cũng cần được cung cấp độ ẩm để không bị khô nứt.
Thay vì dùng bàn chải, bạn có thể sử dụng tất cũ thấm vào xi để đánh bóng giày. Việc này giúp lớp da giày, đặc biệt là da bóng không bị trầy xước.
Đối thủ không đội trời chung với giày da chính là nước. Ngoài việc tránh để giày tiếp xúc với nước, bạn hãy mua dung dịch xịt bảo vệ giày có chứa thành phần silicon.
LEN
Nếu sở hữu một chiếc áo khoác len, đừng vội vã mang đi giặt sau mỗi lần sử dụng. Các chuyên gia khuyên bạn có thể xử lý các vết bẩn đơn giản trên áo bằng cách dùng một một miếng xơ vải hoặc bàn chải da lộn chà nhẹ nhàng lên chỗ bẩn.
Sử dụng móc áo bằng gỗ chắc chắn để treo áo khoác len giúp trọng lượng của áo không tác động đến vùng vai làm biến dạng form.
Không nên treo áo len trong suốt mùa hè hay cất giữ trong bao ni-lông. Chỉ cần gấp chúng lại và để trong góc tủ. Áo len cũng cần phải thở.
Nếu chẳng may chiếc áo len sáng màu của bạn bị dính vết bẩn ướt, hãy lấy một miếng vải khô hoặc khăn giấy nhúng vào nước lạnh hay nước soda rồi thấm nhẹ lên vết bẩn cho tới khi sạch hẳn.
Nên giặt khô áo khoác len vào đầu và cuối mùa lạnh. Tránh giặt chúng quá thường xuyên.
Sau mỗi lần mặc đồ len, khi cởi ra bạn hãy kiểm tra toàn bộ các túi. Những món đồ còn sót lại dễ khiến trang phục len bị mất form dáng.
Nên giặt bằng tay thay vì giặt máy. Nếu sử dụng máy giặt, hãy chọn chế độ dành cho đồ len và giặt với nước lạnh.
Sử dụng nước giặt có độ tẩy nhẹ pha với một chút nước ấm rồi cho đồ vào ngâm khoảng 3 đến 5 phút, sau đó giặt lại bằng nước lạnh.
Nhẹ nhàng bóp cho nước chảy ra hết rồi để áo lên mặt phẳng. Đừng treo áo len lên móc khi áo vẫn còn ướt. Có thể đặt lên một chiếc khăn tắm khô để nước tự thấm qua.
Tuyệt đối không bao giờ giặt áo len với nước nóng hoặc dùng chất tẩy quần áo.
Với áo len lông cừu và quần bó, hãy cho chúng nghỉ ngơi 1 ngày rồi mới sử dụng lại. Đây là khoảng thời gian để len phục hồi trở lại hình dáng ban đầu.
ÁO DA
Nếu sở hữu một chiếc áo da xịn, đừng tiếc tiền đầu tư một chai Scotchgard nổi tiếng. Đây là sản phẩm xịt có tác dụng chống vết bẩn, chống thấm nước dùng cho các loại vải và đồ da. Bạn có thể mua chai Scotchgard tại website bán hàng amazon.com
Để giữ cho bề mặt áo da sạch sẽ, hãy lấy một chiếc khăn mềm nhúng vào nước, vắt thật khô để lau vết bẩn.
Luôn sử dụng móc áo để treo áo da, giúp giữ được form dáng. Áo da rất dễ bị mất dáng nếu treo không cẩn thận.
Chất liệu da rất kỵ nước. Tốt nhất bạn không nên mặc áo da khi trời mưa. Treo áo khoác da ở nơi khô ráo, trong tủ quần áo thông thoáng. Có thể lót và bọc báo bên ngoài trước khi treo vào tủ để trách cho da không ẩm mốc.
Tuyệt đối không để áo da ở nơi quá khô nóng. Muối có thể khiến đồ da bị tổn hại nên nếu lỡ dính đồ mặn, hãy lập tức lau sạch.
Hãy tìm một tiệm chuyên làm sạch đồ da chuyên nghiệp, mỗi năm làm sạch áo một lần.
Nếu áo da bị ướt, hãy để chúng khô tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng máy sấy tóc để sấy áo da.
ÁO KHOÁC DÀI, VEST
Nếu muốn giặt những món đồ này ở nhà, hãy đầu tư một chiếc máy giặt cửa trước. Máy giặt lồng đứng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng rất hại quần áo. Với áo khoác, vest… tuyệt đối đừng ném vào máy giặt cửa trên nếu bạn không muốn phải nhanh chóng vứt chúng đi.
Trên máy giặt thường có chế độ giặt tự động mà nhà sản xuất đã thiết lập sẵn, hãy sử dụng chúng khi giặt các loại đồ này.
Dùng đúng lượng nước giặt được chỉ dẫn bên ngoài bao bì để tránh xà phòng vẫn còn lại trên đồ sau khi giặt xong.
Nếu đồ của bạn quá bẩn, đừng vội cho thêm nhiều xà phòng hay chất tẩy rửa vào để giặt với suy nghĩ sẽ sạch hơn. Thay vào đó hãy chọn chế độ giặt ngâm để các vết bẩn có thời gian tan và bong ra.
Tuyệt đối không ngâm áo vest với nước nóng quá 70 độ C. Hơi nóng sẽ làm co rút các phụ kiện bên trong áo như lớp lụa lót, độn cầu vai… khiến áo bị nhăn nhúm, biến dạng.
Phơi áo vest dước ánh nắng trực tiếp sẽ khiến màu áo nhanh phai màu.
Sử dụng móc treo có chiều dài vừa vai áo để giữ form. Treo áo vào chỗ thoáng mát cho hết mùi cơ thể trước khi cất vào tủ, tránh cho áo không bị ẩm mốc.
Khi muốn đem áo vest đi công tác, bạn cần lưu ý tới cách gấp, để không làm gãy cổ và ve áo. Lộn mặt trái một bên áo từ trong ra ngoài, không kéo theo ống tay áo. Đặt bên áo vest không lộn trái vào trong phần đã được lộn, kéo thẳng hai vai bằng nhau. Xếp áo vest làm đôi và cho vào va-li. Với áo khoác dài, bạn có thể cuộn tròn để không làm gãy vạt áo.
NHỮNG TIPS BỎ TÚI CÁC CÔ GÁI NÊN BIẾT
Nếu đồ lỡ dính rượu vang đỏ, hãy dùng vang trắng để loại bỏ vết bẩn.
Để vải len mohair không bị xù lông, bạn hãy gấp lại, cho vào túi zip và ướp lạnh trong ba tiếng.
Để khử mùi hôi từ quần áo cũ, hãy xịt chúng với hỗn hợp nước pha với vodka theo tỷ lệ 2 nước, 1 vodka.
Cuối cùng, đơn giản nhưng các nàng rất hay bỏ qua. Đó chính là hãy đọc kỹ nhãn mác hướng dẫn đính kèm theo quần áo, để có cách chăm sóc chúng cho phù hợp nhé.
Bài: THOA ĐẬU
Ảnh: AFP, TƯ LIỆU
Her World Việt Nam