Animal cruelty trong thời trang vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối. Nhờ sự giúp sức của truyền thông, các tổ chức vì động vật đang có những bước nhảy vọt trong quá trình đấu tranh vì một ngành công nghiệp thời trang nhân đạo hơn.
Tại London Fashion Week Thu Đông 2017, một nhóm phụ nữ mặc độc một bộ nội y đen và chiếc mặt nạ cá sấu thu hút sự chú ý của đông đảo người đến dự. Họ là những nhà hoạt động tích cực của tổ chức bảo vệ động vật PETA. Mùa thu đông là thời điểm nguồn cầu lông thú và các sản phẩm có nguồn gốc da động vật tăng mạnh. Đồng thời, đây cũng là lúc các tổ chức hoạt động vì động vật phát động những chiến dịch phản pháo nhắm đến mặt tối của ngành công nghiệp thời trang thế giới.
CUỘC GIẰNG CO KHÔNG HỒI KẾT
Năm 2017, PETA nhắm vào những món thời trang sử dụng da của các loài động vật như cá sấu, rắn và kỳ nhông. “Các chiến dịch này được tổ chức dựa theo trend từng mùa”, Ingrid Newkirk – người sáng lập PETA phát biểu, “Điều bạn nên quan tâm là những lớp lông đó đã đến từ đâu, trong điều kiện nào và bằng cách nào”.
Chiến dịch chống da cá sấu lần này của PETA bắt đầu từ một video được phát tán rộng rãi trên Internet về một nông trại cá sấu ở Việt Nam. Đoạn video quay vào tháng 3–2016 trong cuộc điều tra nạn mua bán da động vật. Sau khi bị lột, da cá sấu được đưa đến xưởng thuộc da nhằm sản xuất túi xách, giày và quai đồng hồ. Lợi nhuận khổng lồ của ngành hàng này khiến cuộc chiến chống sử dụng da và lông thú trở nên khó khăn hơn. Những sản phẩm da và lông thú là một phần quan trọng của thời trang thế giới. “Và các nhà mốt không muốn khách hàng nhìn thấy cảnh tượng thật sự làm nên những đôi giày và thắt lưng họ đang mặc”, Newkirk nói.
Người chủ trang trại Việt Nam trong vụ việc da cá sấu tiết lộ với PETA rằng họ cung cấp da cho vài hãng thời trang đình đám. Tuy nhiên, công ty mẹ của các thương hiệu trên đã phủ nhận chuyện này. Một video khác lột trần quá trình sản xuất da động vật tại trang trại cá sấu Texas, Hoa Kỳ. Nhiều người
cho rằng đây là nơi cung cấp da cho một nhà mốt nổi tiếng về túi. Nhưng
một lần nữa, thương hiệu này khẳng định họ không có mối liên hệ nào với
trại cá sấu nói trên. Hậu quả của các cuộc giằng co này chính là sự trồi sụt
của ngành công nghiệp thời trang.
SỰ GÓP SỨC CỦA NGÀNH TRUYỀN THÔNG ĐỐI VỚI ANIMAL CRUELTY
Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, những tổ chức như PETA đã đạt được thành công mang tầm vóc lớn hơn. Hiện tại, PETA đã mua cổ phần ở nhiều thương hiệu thời trang lớn để tiếng nói của họ có trọng lượng hơn, buộc các hãng phải nhìn nhận đúng đắn về vấn đề tội ác với động vật. Stella McCartney là một trong những cái tên nổi tiếng nhất ở lĩnh vực hoạt động vì một thế giới thời trang nhân đạo hơn. Hãng khẳng định các sản phẩm chỉ sử dụng vật liệu tái chế có lợi cho môi trường.
Vivienne Westwood cũng không ngoại lệ. Thay vì dùng lông thú và da
thật, nhà mốt này sử dụng chất liệu giả da và giả lông. Nhà mốt Ý Armani,
Ralph Lauren cùng Calvin Klein cũng lần lượt nối gót và chính thức
tuyên bố “fur free”. Từ những năm 1990, phong trào vì quyền động vật
đã đánh thức sự chú ý của rất nhiều người tiêu dùng. Điều này buộc các
hãng thời trang phải tham gia vào vòng xoáy dù họ có muốn hay không.
Dr. Martens, H&M, Forever 21, Free People, Nine West, Old Navy… đều
là những thương hiệu lớn được dán mác “cruelty free”. Những sản phẩm
của các hãng này được gọi với cái tên “vegan” – đồ chay.
Sau nhiều chiến dịch mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ động vật,
khoảng 80% trại sản xuất lông thỏ angora tại Trung Quốc phải đóng
cửa. Tất cả đều nhờ ông lớn Zara. Thương hiệu thời trang này đã quyết
định ngừng bán các sản phẩm dùng lông thỏ angora. Thay vào đó, họ
dùng số tiền lợi nhuận trị giá cả triệu bảng Anh cho mục đích kêu gọi
ngừng tội ác với động vật. Các nhà thiết kế cho rằng có nhiều cách để
thành công trong thời trang và gây tội ác với động vật không nằm trong
số đó. Cựu phu nhân tổng thống Mỹ Michelle Obama cùng hàng loạt sao hạng A như Kate Winslet và Miley Cyrus hoàn toàn đồng ý với quan điểm chống lại animal cruelty. Thời trang là một trong những ngành công nghiệp có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Trên hết, bộ mặt của thời trang được định nghĩa bởi người tiêu dùng tỉnh táo. Đã đến lúc tội ác với động vật phải chấm dứt, để những món đồ ta mặc lên người không chỉ đẹp mà còn nhân đạo.
BÀI: VÂN ANH
ẢNH: TƯ LIỆU
Bài trích đăng từ tạp chí Her World số tháng 9/2017