Show diễn của Marc Jacobs thay vì chỉ có 100 chỗ ngồi như hiện tại thì sẽ có 1.000 vé được phát ra. Show diễn của Chanel sẽ không còn tổ chức ở cung điện Grand Palais như truyền thống mà chuyển đến một nơi có không gian rộng lớn hơn cùng con số khách mời lên đến hàng nghìn… Điều này có vẻ như không còn quá xa vời trong thời gian sắp tới.
Chỉ cần chú ý theo dõi vài mùa thời trang, ai cũng nhận thấy rằng các show diễn đang bắt đầu rơi vào tình trạng lối mòn, dễ dự đoán. Thời thế đã thay đổi, đã đến lúc các nhà mốt, các chuyên gia trong ngành thời trang phải ngồi lại, cùng đánh giá hiệu quả của các show thời trang. Họ sẽ phải tìm cách để các fashionista vẫn bị mê hoặc với mọi sản phẩm của thương hiệu làm ra mỗi mùa, làm thế nào để sử dụng công nghệ một cách tốt nhất mà vẫn giữ được sự quan tâm của khách hàng sau khi show diễn kết thúc. WWD, website chuyên về thời trang, đã tiến hành một khảo sát với các nhà bán lẻ, các nhà thiết kế, những người tổ chức các show diễn và những người dự báo xu hướng thời trang với câu hỏi: “Bạn nghĩ các show diễn thời trang sẽ như thế nào vào những năm 2020 và xa hơn nữa?”. Dưới đây là những dự báo của họ.
AI CŨNG CÓ VÉ VÀO XEM SHOW THỜI TRANG
Tại show diễn của Givenchy vào hồi tháng Chín năm 2015, nhà mốt này đã phân phát 1.200 vé cho khách hàng thực sự. Hầu hết trong số đó không phải là các ngôi sao nổi tiếng, người không làm trong ngành thời trang, thậm chí có cả sinh viên. Theo thống kê sau đó, có tới 820 người trong số 1.200 khách mời đã đăng tải thông tin về show diễn ngay tại chỗ, thông qua các mạng xã hội. Con số này đã chứng minh rằng, việc tổ chức các show diễn chỉ gói gọn lượng khách mời giới hạn như hiện nay có vẻ đã lỗi mốt.
Giới hạn lượng khách mời chỉ khiến cho các nhà mốt “lỗ vốn” bởi chúng ta đang sống trong thời đại mọi thứ đều phải được tiếp cận chóng vánh, càng nhiều người biết càng tốt. Một số nhà mốt đang tìm cách đến gần khách hàng nhiều hơn dựa vào công nghệ. Điển hình là Burberry đã cho phát sóng trực tiếp hoặc tải hình ảnh bộ sưu tập lên mạng xã hội Snapchat trước khi người mẫu bước ra sàn diễn vài mùa gần đây. Tom Ford gửi giấy mời đến khách hàng trực tiếp đồng thời vẫn tiếp tục những trải nghiệm mới trong các show diễn. Bên cạnh đó, vẫn có những chương trình riêng cho báo chí và các nhà bán lẻ hay quay clip ca nhạc với Lady Gaga để quảng bá như đã làm trong mùa trước.
Trong tương lai, có vẻ các thương hiệu thời trang không chỉ nhằm mục tiêu vào vài trăm người ít ỏi trong một khán phòng nữa mà hướng đến đại chúng hơn, giúp nhiều người tiếp cận với thời trang cao cấp. Tuy nhiên, có những thương hiệu vẫn giữ nguyên quan điểm một show diễn thời trang chỉ nên tổ chức trong một khán phòng sang trọng và ấm cúng với số lượng người được giới hạn. Điều các giám đốc điều hành thời trang lo lắng là khi vé xem show thời trang được bán ra ngoài cho công chúng, các phe vé sẽ tìm cách mua và bán chúng cho những nơi buôn vé lớn hơn. Dẫu sao, ai cũng tin rằng trong tương lai, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng bình thường được xem các show diễn thời trang trực tiếp hơn, quan trọng là các nhà mốt cần tìm ra phương thức phù hợp mà thôi.
KHI SHOW THỜI TRANG THÀNH SHOW GIẢI TRÍ
Li Edelkoort, nhà dự báo xu hướng thời trang nhận xét: “Các show diễn thời trang đang tiến đến hai thái cực. Một bên là tạo nên những show diễn thu hút sự chú ý của công chúng. Họ kết hợp trình diễn thời trang với âm nhạc, điện ảnh, múa, kịch nghệ và các nghệ sĩ biểu diễn cũng như nhiều trò khác. Bên còn lại là những show diễn tổ chức trong không gian khiêm tốn, nhỏ nhắn, để người xem được thực sự trải nghiệm với những bộ trang phục.
Li Edelkoort cũng cho biết, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, những show diễn thời trang truyền thống mà chúng ta vẫn biết sẽ không còn tồn tại. Nó kết thúc bởi thiếu những gia vị cần thiết cho sự ấm cúng, thân mật hoặc không thật sự đủ quy mô hoành tráng mang đến sự thán phục trong lòng giới mộ điệu.
Li Edelkoort dự đoán, thời gian sắp tới giới hâm mộ thời trang sẽ có dịp được thưởng lãm thêm những thử nghiệm mới với nhiều phiên bản mới mẻ của các nhà thiết kế. Chẳng ai đặt câu hỏi rằng liệu các show diễn thời trang rồi sẽ trở thành show giải trí tạp kỹ. Thực ra, kể cả chúng ta, những người không làm trong nghề cũng có thể trả lời luôn: Điều đó là sự thật. Với tốc độ phát triển như bây giờ, sẽ chỉ mất năm năm nữa để đạt đến mức độ đó.
Fabien Baron, nhà sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc sáng tạo của Baron & Baron, cùng với Giám đốc biên tập của tờ Interview đưa ra dự đoán: “Tôi có thể tưởng tượng được các show diễn sẽ lớn hơn và lớn hơn nữa. Tôi nghĩ giờ chúng ta đã có thể gọi nó là chương trình giải trí chứ không còn là show diễn thời trang nữa”.
David Lauren, Phó chủ tịch điều hành quảng cáo tiếp thị và truyền thông toàn cầu của Ralph Lauren Corp,. cho biết: “Chúng tôi từng tổ chức show thời trang trên mặt nước hay đã giới thiệu bộ sưu tập trên bề mặt của một tòa nhà. Chúng tôi luôn háo hức trong việc áp dụng những công nghệ mới mẻ vào các show diễn mỗi mùa”.
Để minh chứng cho điều này ta có thể thấy những thương hiệu lớn của châu Âu như Chanel, Dior, Louis Vuitton… đều bỏ ra hàng triệu euro để đầu tư phần nghe lẫn phần nhìn cho show diễn. Cuộc tranh tài không có hồi kết của các thương hiệu lớn tốn kém đến mức số tiền tổ chức mỗi show có thể làm ra một bộ phim điện ảnh.
THỜI TRANG BẮT TAY VỚI CÔNG NGHỆ
Thử tưởng tượng vào năm 2020, bạn sẽ được nhìn thấy một căn phòng với hiệu ứng 3D có thể làm nên một show diễn thời trang 3D. Ở đó, khách mời sẽ được đeo những chiếc kính đặc biệt, chọn mẫu trang phục của show diễn và đặt hàng trước ngay tại thời điểm đó. Thay vì phải mua hàng thông qua những nhà bán lẻ, các thương hiệu sẽ bán thẳng cho khách hàng.
Trong một vài mùa thời trang gần đây, một số nhà thiết kế lớn đã có trải nghiệm với khái niệm kỹ thuật số mang tính đột phá để làm mới sàn catwalk truyền thống và khuấy động trí tưởng tượng của người xem. Ralph Lauren, nhà thiết kế nổi tiếng đi đầu trong việc kỹ thuật số hóa sân khấu thời trang cho vài show diễn của ông và cũng là thương hiệu đầu tiên cho phép bán hàng thông qua điện thoại, thậm chí trước khi iPhone ra đời, chia sẻ: “Những show diễn với các ứng dụng công nghệ sẽ không chỉ giúp tiếp cận người xem mà còn là cách để sàng lọc khán giả”. Ralph Lauren là người tiên phong mang đến công chúng sàn diễn sử dụng phép chụp ảnh giao thoa 4D được tổ chức tại công viên Central Park, New York, Mỹ.
David Lauren lại lấy ý tưởng từ việc một số sân vận động thể thao lắp đặt những màn hình nhỏ sau lưng ghế để khán giả có thể xem chiếu lại những pha bóng quan trọng. Ý tưởng này có thể sẽ được áp dụng cho các chương trình thời trang.
Fern Malli, người đã tạo nên thương hiệu 7th on Sixth, hiện đang hành nghề tư vấn trong ngành công nghiệp thời trang tin rằng các show diễn thời trang vẫn là cách tốt nhất để các nhà mốt giới thiệu sản phẩm đến công chúng. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng kỹ thuật, sẽ có nhiều người xem trực tuyến, thậm chí chúng ta còn có thể xem show diễn trên đồng hồ thông minh.
Erica Orange, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của The Future Hunters, dự đoán có cả một “biển” thay đổi trên sàn catwalk trong vòng năm đến mười năm tới: “Sự kết hợp của thực tế ảo, các show diễn thời trang và tuần lễ thời trang sẽ thay đổi mọi thứ. Thực tế ảo không phải là điều mới mẻ nhưng chúng ta chỉ đang ở bên ngoài rìa của những thay đổi lớn. Với đà phát triển này, mọi thứ đang ở trong tay người tiêu dùng. Trong tương lai, các show diễn sẽ xảy ra đồng thời trong thế giới thực lẫn thế giới ảo, giúp nhiều người tiếp cận hơn”.
Erica cũng tin rằng các show thời trang trong tương lai sẽ có thêm những điều thực tế hơn. Khi một người mẫu bước ra sàn diễn, thay vì chỉ được ngắm nhìn bộ quần áo, thông qua kính Google hoặc điện thoại di động, người xem có thể thấy bộ trang phục với nhiều màu sắc khác nhau. Thậm chí họ còn có thể thấy mình trông như thế nào khi diện bộ trang phục đó.
Simon Doonan, Đại sứ sáng tạo của Barneys New York thậm chí còn đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra vào năm 2020. Một là người mẫu sẽ tương tác nhiều hơn với khán giả như trước đó chúng ta đã từng xem show thấy người mẫu xuất hiện trên hàng ghế đầu. Thứ hai là vừa xem thời trang vừa ăn uống. Khán giả vừa xem thời trang vừa được thưởng thức những món ăn hữu cơ, tốt cho sức khỏe.
Khi nghĩ về show diễn thời trang của tương lai, vấn đề làm thế nào để thuận tiện hơn cho người mua hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Ron Robinson, Chủ tịch của Ron Robinson Inc., tập đoàn bán lẻ Los Angeles, tưởng tượng: “Một người ngồi tại show diễn thời trang, họ cầm điện thoại chụp ảnh bộ trang phục, ngay lập tức họ sẽ có thông tin về chất liệu vải, các thông số về số đo…, rồi người đó đặt nó vào một danh mục riêng. Sau show diễn, họ có thể đặt mua ngay những món đồ mình thích”.
Rebecca Minkoff, một trong những nhà thiết kế đương đại hiện nay cũng tin rằng, trong tương lai cách trình diễn thời trang sẽ có những thay đổi. Bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của thương hiệu này đã thử nghiệm việc bán sản phẩm trực tiếp từ sàn diễn và đã mang lại những thành công nhất định. Khách hàng giờ đây không muốn phụ thuộc vào một công ty trung gian, nhà bán lẻ để mua hàng hay phải chờ đợi quá lâu. Họ muốn tự tay mua sản phẩm và sở hữu món đồ ngay sau khi kết thúc show diễn.
Alexandre de Betak, người sáng lập Bureau Betak, công ty sản xuất 20 show diễn thời trang mỗi mùa như Rodarte, Mary Katrantzou, Dior và The Row, cho biết: “Trong ba năm qua, chúng tôi đã thử nghiệm hình thức ảnh động, truyền hình online, video 15 giây trên Instagram và Snapchat. Ở mùa tiếp theo, có thể bạn sẽ thấy video tương tác 360 độ trên webcast, cho phép khán giả xem show diễn ở nhiều góc độ, góc máy khác nhau.
Dẫu có phát triển như thế nào thì thời trang luôn được xem là nơi kết nối những kẻ mơ mộng, những người tinh tế, đẳng cấp. Giờ đây, show thời trang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để mang vẻ đẹp của nó đến nhiều người một cách khéo léo hơn. Nhà thiết kế Diane von Furstenberg cho biết: “Tôi nghĩ rằng giờ đây chúng ta đang đặt câu hỏi cho mọi thứ. Các nhà mốt đang làm mọi việc theo cách tốt nhất họ có thể. Không một ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác về việc các show diễn thời trang có nên cho nhiều người vào xem, tạo nên các show diễn hoành tráng, đẳng cấp hay tồn tại cả hai. Chúng ta phải thử nghiệm mọi thứ để tìm ra câu trả lời”.
Bài: THOA ĐẬU
Facebook: Thoa Đậu
Ảnh: AFP
Her World Việt Nam