Với sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số, giới mộ điệu đang sống giữa thời vàng son của những show diễn có nhiều cải tiến độc đáo và những trải nghiệm thời trang, mua sắm chưa từng có. Thời trang và công nghệ đang ngày càng gần nhau hơn.
Cách đây không lâu, khi công nghệ mới vừa rón rén đặt chân vào vùng đất của thời trang, khi một số nhà mốt bắt đầu thể nghiệm với hai từ “trực tuyến” và nhận được những thành công đầu tiên, nhiều người vẫn không tin rằng giới mộ điệu thích chọn, mua đồ qua mạng hơn là được đến cửa hàng trang trí sang trọng, chạm vào từng thớ vải, ướm thử vào người, nhìn ngắm kỹ càng từng trang phục rồi mới quyết định mua. Thế nhưng ngày càng nhiều hãng đã đầu tư thêm các sản phẩm công nghệ cao đặt ở cửa hàng để tăng tính tương tác với khách. Và giờ đây công nghệ digital đã được sử dụng triệt để trong từng ngõ ngách trên hành trình thời trang của các fashionista.
TRẢI NGHIỆM MỚI VỚI TUẦN LỄ THỜI TRANG
Trên từng hàng ghế được trải thảm màu hồng cánh sen, Marc Jacobs dành cho khách mời xem bộ sưu tập Xuân Hè 2015 của mình những chiếc tai nghe đến từ thương hiệu Beats. Khách xem sẽ được cảm nhận đầy đủ sự tinh tế trong từng giai điệu của nhạc nền cho show diễn qua thiết bị này. Mong muốn của thương hiệu chính là kết nối tất cả mọi người cho cùng một trải nghiệm thời trang.
Một thương hiệu khác cũng trình diễn tại Tuần lễ Thời trang New York Xuân Hè 2015, Reed Krakoff, đã thuê nhiếp ảnh gia Steven Sebring sử dụng kỹ thuật chụp ảnh bullet time (cảnh xung quanh bất động tạo hiệu ứng như thời gian ngừng trôi) để chụp từng góc khác nhau của trang phục trên mình người mẫu. Những hình ảnh được xâu chuỗi thành video rồi phát trên màn hình lớn trông như người mẫu bị đóng băng, xoay nhiều hướng trên bục, mang lại cảm giác như đang xem modern-art.
Công nghệ digital từ lâu đã đóng một vai trò to lớn ở hậu trường mỗi tuần lễ thời trang nhưng chỉ đến khi blog, phương tiện xuất bản kỹ thuật số, trở thành kênh truyền thông chính thống, chúng ta mới thực sự chứng kiến sức mạnh ngoài tưởng tượng của công nghệ với thời trang. Khi những follower đầy nhạy bén của mạng xã hội trở thành tiếng nói mới của tuần lễ thời trang, các nhà mốt cũng bắt đầu thể nghiệm với văn hóa số (digital culture). Rất nhanh, cả thế giới thời trang đã đón lấy cơ hội chưa từng có mà kỹ thuật số mang lại.
Burberry và Topshop là hai thương hiệu nổi tiếng nước Anh đi đầu trong guồng quay mới này. Burberry là hãng thời trang đầu tiên phát sóng trực tiếp show diễn catwalk của mình cho công chúng mộ điệu trên toàn thế giới và dẫn đầu về khả năng vận dụng nhạy bén công nghệ và các cải tiến kỹ thuật. Trong khi đó, gần đây Topshop sử dụng Twitter và quảng cáo ngoài trời real-time để đưa xu hướng từ sàn catwalk ra cửa hàng ảo này nhanh hơn cả bạn kịp gõ 140 ký tự.
Trong số các tiến bộ công nghệ, nổi bật nhất tại các tuần lễ thời trang là live stream. Sau sự tiên phong được đón nhận nhiệt liệt của Burberry, hàng loạt nhà mốt không ngừng thêm tên mình vào danh sách dài những thương hiệu phát trực tiếp diễn biến từ sàn diễn cho những ai không thể xem show.
Ngay đến cả Tom Ford, nổi tiếng với những show diễn bí mật có lượng khách mời hạn chế và không chụp ảnh, cuối cùng cũng đã chịu hé lộ show catwalk cho công chúng với lần live stream đầu tiên vào tuần lễ thời trang xuân hè 2015. Đây quả là một thay đổi chưa từng thấy về chiến lược của nhà mốt đề cao tính độc quyền này.
SỨC MẠNH CỦA THIẾT BỊ DI ĐỘNG
Các thương hiệu bỏ tiền của, công sức và chất xám dàn dựng nên những màn trình diễn khác biệt hay live stream không đơn thuần để tạo ấn tượng chơi cho vui. Mục đích cuối cùng vẫn là để kết nối với giới mộ điệu, những người luôn háo hức được tương tác với các nhà thời trang mình yêu thích và nhân tiện phát triển e-commerce.
Đầu năm 2015, ông hoàng đầu bạc của Chanel chính thức tuyên bố sẽ gia nhập thị trường thương mại điện tử. Tháng Tư năm 2015, thương hiệu thời trang lâu đời của Pháp đã tiến hành dự án hợp tác với trang web bán hàng thời trang Net-a-Porter để bán bộ sưu tập trang sức Coco Rush. Tuy dự án chỉ được thực hiện trong ba tuần nhưng đã đánh dấu một sự thay đổi lớn trong tư duy kinh doanh của hãng. Dự kiến, Chanel sẽ bắt đầu bán hàng online từ năm 2016.
Chỉ trong vài năm, các công cụ truyền thông xã hội phát triển như vũ bão, công chúng vẫn tiếp tục chứng tỏ mình luôn sẵn sàng gắn kết với thương hiệu. Họ luôn có bên mình một phương tiện đã trở nên vô cùng thần kỳ mà bất cứ hãng thời trang nào cũng chưa từng nghĩ tới trước những năm 2010: thiết bị di động. Mọi thứ liên quan đến các tuần lễ thời trang, người sử dụng di động đều có thể nắm bắt thông qua thiết bị thông minh. Theo thống kê từ Tuần lễ Thời trang Milan, ít nhất 81% các cuộc trao đổi liên quan đến thời trang diễn ra trên thiết bị di động. Chỉ một con số ấy đã nói lên sức mạnh ghê gớm từ vật bất ly thân của các tín đồ thời trang.
Không có gì ngạc nhiên khi thông qua chúng, thời trang trở thành chủ đề áp đảo trên các công cụ truyền thông xã hội. Trong số những kênh truyền tải các đối thoại liên quan đến thời trang, Instagram thống lĩnh về cập nhật trực tiếp các sự kiện thời trang, bởi thế mạnh của nó là hình ảnh. Chỉ riêng trong tháng Một năm 2015, các thương hiệu thời trang đã có khoảng 6,3 triệu lượt đề cập trên Instagram. Trong khi đó Twitter có 204.000 lần đề cập đến các thương hiệu.
Vùng đất hứa với sự phát triển như vũ bão của các thiết bị di động đã khiến các nhà thời trang khó mà đứng ngoài cuộc. Tạo website thân thiện với nhiều loại thiết bị truy cập, tạo ứng dụng, lên chiến lược thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội…, đã đến lúc những người kinh doanh thời trang quên đi cách quảng bá truyền thống không còn hiệu quả. Fan của họ và người tiêu dùng muốn được nhìn thấy sự tinh tế của từng sản phẩm ngay trước mặt mình, trên chính chiếc smartphone thân yêu. Đó mới là nơi để các nhà thiết kế cần đến để gặp được người mua.
Chiến dịch Instagram của Marc Jacobs thưởng điểm cho những nguời dùng yêu thích post của hãng hay những video trên Instagram của Tiffany & Co đều có nội dung trực quan sinh động, khuyến mãi hoặc phần thưởng, cách tiếp cận sáng tạo để đưa thương hiệu đến gần hơn với fan hâm mộ, khiến họ bàn luận và quay lại lần sau.
Với thông tin trong thời gian tới, rất có thể Twitter, Facebook và Pinterest đều có chức năng “Mua”, người vui nhất không những là giới mộ điệu bởi việc mua sắm đã trở nên ngày càng dễ dàng, nhanh chóng mà các nhà thiết kế, nhà bán lẻ cũng đang mỉm cười đắc ý. E-commerce đang rầm rộ hơn bao giờ hết.
NHỮNG KẺ CHỌN ĐỨNG NGOÀI CUỘC CHƠI
Tuy thế, hai phần ba trong số 100 tên tuổi thời trang hàng đầu vẫn chưa ngó ngàng đến việc đầu tư một trang web có khả năng tương tác nhanh, công cụ thúc đẩy doanh thu đầy tiềm năng. 17% trong số đó thậm chí còn chưa có một website tương thích với thiết bị di động hay máy tính bảng. Trong khi đa phần tín đồ mua sắm giờ đây chuyển sang mua hàng trực tuyến, chỉ chưa đến một nửa các thương hiệu thời trang có ứng dụng cho iPhone và Android.
Prada, Giorgio Armani, Ralph Lauren, Dolce & Gabbana và Michael Kors đều có những ứng dụng cập nhật những post mới nhất từ các mạng xã hội, cách phối đồ, các lựa chọn cho mua sắm … Đối lập hoàn toàn, Céline thuộc LVMH lại không hề có e-commerce hay một công cụ truyền thông xã hội nào.
Nữ giám đốc sáng tạo khả kính Phoebe Philo từng nổi tiếng với phát ngôn: “Tôi thà không mặc quần áo ra đường chứ không gia nhập Facebook”. Luận điệu chúng tôi không cần đến Internet vì khách hàng thích đến cửa hàng để mua sắm nghe giống luận điệu thịnh hành trong những năm 1970 rằng chúng tôi không cần mở cửa hàng ở nước ngoài vì khách hàng có thể đến Paris để mua. Cả hai quan điểm ngoan cố ấy có lẽ chỉ đúng trong một thế giới lý tưởng, còn khách hàng ngày nay lại sống trong thế giới thực dụng.
Thế nên không lâu nữa, sẽ thật hiếm hoi mới tìm ra một nhà mốt thề trung thành với lối trình diễn, cách tương tác với giới mộ điệu theo cách lâu nay họ vẫn làm như Céline. Bởi một điều đơn giản, một khi thời trang (thứ thay đổi nhanh chóng từng ngày) đã chọn đi cùng hi-tech, không hòa nhịp sẽ lỗi mốt.
Trinh Park
Her World Việt Nam