BẰNG MẶT NHƯNG KHÔNG BẰNG LÒNG
Vài năm trở lại đây, các blogger thời trang đã chẳng còn xa lạ gì với công chúng khi xuất hiện dày đặc tại những mùa fashion week hay sự kiện của nhiều nhãn hàng. Họ diện trang phục của những nhà thiết kế danh tiếng, ngồi trên hàng ghế đầu xem show diễn và thu hút ống kính của cánh săn ảnh như những ngôi sao thực thụ. Phải công nhận là từ khi có các blogger này, làng thời trang trở nên sống động hơn bao giờ hết. Không ngoa khi nói rằng các blogger chính là cầu nối giữa thương hiệu và công chúng khi từng chiếc áo họ mặc, đôi giày họ mang… đều khiến giới yêu thời trang săm soi và lùng sục “tậu” cho bằng được.
Các nhà thiết kế kết thân với blogger, các thương hiệu cũng dần “chọn mặt” blogger để “gửi vàng” và đương nhiên những mối quan hệ này đều có lợi cho đôi bên. Thậm chí, blogger còn có cơ hội xuất hiện trên các tạp chí. Điển hình là năm 2015, blogger thời trang người Ý Chiara Ferragni đã lên trang bìa của một tạp chí nổi tiếng. Đây là một vinh dự lớn lao mà bất cứ người mẫu hay diễn viên nào cũng ao ước. Mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn xuôi chèo mát mái như thế nếu như không có ngày tạp chí ấy bỗng dưng công khai chỉ trích các fashion blogger, xem họ như tội đồ hủy hoại ngành công nghiệp thời trang.
Với lượng follower khổng lồ, lên đến hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người, phủ sóng rộng khắp trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và cả YouTube, chẳng có gì lạ khi các fashion blogger thu hút sự chú ý của nhiều nhãn hàng. Không chỉ chễm chệ ngồi trên dãy ghế đầu tại các show thời trang, ngang hàng với dàn ngôi sao và biên tập viên quyền lực, nhiều blogger còn ký được hợp đồng với những thương hiệu lừng lẫy mà bình thường chỉ có tạp chí lớn mới giành được. Thế nên không chỉ riêng tạp chí mà Chiara lên bìa, còn nhiều tạp chí thời trang khác từ lâu đã xem các blogger như cái gai trong mắt vì là nhân tố đe dọa đến quyền độc tôn của họ.
Căng thẳng bùng phát khi gần đây, trong bài viết về Tuần lễ thời trang Milan, dàn biên tập viên của tạp chí V đã dè bỉu sự xuất hiện của các blogger bằng những từ ngữ khó lọt tai như “đám bát nháo đường phố”, “thảm hại” và “gớm ghiếc”. Nặng nề hơn, một giám đốc sáng tạo kỹ thuật số của tạp chí nọ còn dùng từ “tâm thần phân liệt” và không chút giấu diếm sự khinh miệt của mình khi nói về các fashion blogger: “Nhắn gửi tới các blogger, những người thay xoành xoạch trang phục được trả tiền để mặc: ngừng lại dùm đi. Kiếm việc khác mà làm. Các người đang dần giết chết phong cách”. Chưa dừng lại ở đó, trưởng ban phê bình của một tạp chí thời trang lớn, còn thêm dầu vào lửa với nhận xét: “Cái nghề làm blogger chuyên nghiệp thật… kinh khủng, nhưng kể ra thì cũng đáng thương cho mấy cô gái vô vọng đó khi thấy họ mải miết lượn tới lượn lui trong show hay ngoài phố, bất chấp nguy hiểm để mong lọt vào ống kính”. Còn Alessandra Codinha, biên tập viên mảng tin thời trang của tạp chí này cũng buông lời chế giễu: “Chẳng phải để tôn vinh phong cách gì, có vẻ như việc của họ chỉ là xuất hiện trong bộ dạng buồn cười, ưỡn ẹo tạo dáng, ngồi rúm ró trên ghế để cập nhật nội dung trên mạng xã hội, lủi đi mất, thay đồ rồi lặp lại vòng tuần hoàn đó… Như thế thật xấu hổ, nhất là khi bạn thấy trên đời này còn bao nhiêu thứ đáng quan tâm hơn”.
Nhận xét không chút kiêng dè từ phía các biên tập viên và nhiều nhà chuyên môn đã khiến làng thời trang choáng váng, song, đây không phải là lần đầu tiên cuộc chiến giữa biên tập viên với fashion blogger xảy ra. Trước đó, vào năm 2013, phóng viên thời trang nổi tiếng Suzie Menkes của tờ New York Times lăng mạ “đám nhố nhăng tạo dáng”, “những con rối mong chờ được nổi tiếng”, ám chỉ những người chầu chực quanh các show diễn chờ được photographer chụp hình. Đó là một trong những cái tát đầu tiên vào mặt giới blogger, những người vốn bị gán cho cái danh “khao khát được chú ý”.
CÚ ĐÁP TRẢ CỦA GIỚI BLOGGER
Những nhận xét thẳng thừng có thể chỉ nhằm mục đích thể hiện quan điểm cá nhân với danh nghĩa là người quan tâm đến khía cạnh nghệ thuật của thời trang. Tuy nhiên, lời lẽ khó nghe của họ không thể không làm cho giới blogger sôi sùng sục. Bất ngờ bị chỉ trích, các fashion blogger cũng đã nhanh chóng có những động thái đáp trả không kém phần quyết liệt. Bryanboy, một trong những fashion blogger đời đầu, với khoảng 580,000 follower, phản pháo ngắn gọn và súc tích: “Đúng là kiểu ỷ mạnh hiếp yếu. Chắc là nghĩ bắt nạt blogger dễ hơn là bắt nạt các biên tập viên khác”.
Susie Bubble, blogger nổi tiếng với phong cách thời trang sặc sỡ cũng lên tiếng: “Đừng làm bộ như biên tập viên và stylist không chịu ơn các nhãn hàng. Tiền lương họ lãnh cũng từ các ấn phẩm nhét đầy quảng cáo đấy thôi, chỉ là không thấy ai nói trắng ra như thế”. Cô cũng khẳng định:”Các biểu tượng thời trang chẳng cần mở rộng đế chế của họ. Tháp ngà vẫn mãi vững mạnh. Cao chót vót và bất khả xâm phạm”. Giữ thái độ ôn hòa hơn, blogger người Úc Zanita Whittington chỉ ra rằng các biên tập viên không biết muốn trở thành blogger nổi tiếng thì phải cực khổ như thế nào: “Blogger đóng vai trò khác với biên tập viên và tôi hy vọng họ có thể nhìn đúng tính chất của nghề này. Đó là những doanh nhân cần mẫn, hợp tác làm ăn với các nhãn hàng thời trang. Đâu phải dễ dàng ngày một ngày hai mà trở thành blogger nỗi tiếng được. Tôi ngưỡng mộ nhiều đồng nghiệp vì thành quả mà họ đạt được. Mỗi người đều tự xây dựng nên tên tuổi riêng và những gì họ làm tại tuần lễ thời trang là một phần của việc sáng tạo nội dung và tạo quan hệ với các thương hiệu đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước”.
Cuộc chiến giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ nhưng bất luận thế nào cũng không thể phủ nhận tài năng của các fashion blogger. Nhiều người trong số họ đã rất thành công, chẳng hạn như Olivia Palermo với hàng loạt hợp đồng giá trị từ các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm danh tiếng như MAX&Co., Piaget, Coast, La Mer… hay Jenny Walton với thương vụ đáng mơ ước từ nhà mốt Mansur Gavriel. Bên cạnh đó, những gương mặt khác như Leandra Medine và Susie Bubble cũng đã có thương hiệu riêng.
Trong khi đó, một vài tạp chí lên tiếng phản đối fashion blogger đã và đang tiếp tục dẫn đầu về thời trang, là nơi nắm bắt và phủ sóng thông tin tốt nhất về ngành công nghiệp chuyển mình liên tục này. Có thể xem mâu thuẫn lần này là động thái hiển nhiên khi một vài cá nhân cảm thấy quyền lực của mình bị suy yếu bởi một lực lượng không chỉ hùng mạnh mà còn có khả năng đẩy nhanh sự suy yếu đó. Song, thế giới thời trang rất bao la, thể nào cũng đủ đất dụng võ cho cả hai phe. Các tạp chí về thời trang vẫn là hình mẫu để các tín đồ đeo đuổi và cập nhật xu hướng mới, còn các blogger vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
LÀM BLOGGER THỜI TRANG QUÁ DỄ DÀNG?
Nói đến fashion blogger, người ta nghĩ ngay đến những cô nàng hoặc anh chàng ăn mặc chỉn chu xuất hiện trong những khung hình đẹp lung linh. Trong mắt nhiều người, có vẻ như blogger thời trang chẳng phải làm gì ngoài việc… mặc đẹp. Song, không phải ai sinh ra cũng sở hữu gout thẩm mỹ tinh tế khiến hàng triệu người thán phục và bắt chước theo. Muốn trở nên nổi tiếng, muốn giành được những hợp đồng quảng bá triệu đô, mỗi blogger phải tạo được dấu ấn riêng nhờ vào con mắt tinh tường hiếm có. Vì lẽ đó và giữa vô vàn các blog thời trang, chỉ có một số gương mặt thực sự nổi bật.
Sở hữu tài năng thiên bẩm thôi chưa đủ, con đường trở thành blogger nổi tiếng là cả hành trình lao động không ngừng nghỉ. Blogger phải tạo phong cách cho mình, chụp hình, tìm cách tham dự các tuần lễ thời trang, viết bài, thiết kế blog cũng như cập nhật nội dung trên các kênh để kết nối với độc giả. Và khi mới khởi nghiệp, họ đều phải tự tay làm tất cả những công việc này. Đối với blogger, đứng hàng giờ trên đôi giày cao gót cao lênh khênh để cho ra shoot hình đẹp hay lăn lê bò toài dưới sàn nhà đầy bụi là chuyện thường như cơm bữa. Ngay cả khi tìm được vé vào xem show, họ cũng phải hết sức cố gắng mới có thể nhìn thấy sàn diễn khi trước mặt là nhiều dãy người ngồi kín mít. Đó là những thử thách mà hầu nhưng blogger nào cũng từng trải qua, không phải chỉ có một lần. So với biên tập viên thì rõ ràng blogger vất vả hơn nhiều. Biên tập viên có xe công ty đưa đón, không phải xếp hàng, không phải mang vác camera vì đã có photographer phụ trách. Hơn nữa, mỗi sự kiện đều có cả nhóm đi lấy tin chứ chẳng phải việc của một người.
Ngoài ra, vận hành blog thời trang là việc chẳng có ai trả công nên kiếm tiền bằng cách nào, nhiều hay ít đều tùy thuộc vào khả năng và sự nỗ lực của từng blogger. Cách kiếm tiền thường thấy nhất của blogger là cộng tác với nhãn hàng. Nhãn hàng sẽ tặng hoặc cho blogger mượn đồ. Blogger sẽ diện trang phục đó rồi chụp hình, viết bài… và thương hiệu đó sẽ được nhiều người biết đến hơn. Thông thường, các nhà mốt sẽ sản xuất những phiên bản giá mềm hơn với số lượng hạn chế phỏng theo các thiết kế đắt tiền và blogger sẽ là người giới thiệu những phiên bản này. Cho dù bằng cách nào đi nữa, blogger có được những trang phục kiểu này thì họ cũng đã góp công không nhỏ trong việc kết nối thương hiệu và người dùng.
6 BLOGGER GỐC Á PHẢI THEO DÕI NẾU BẠN MUỐN MẶC ĐẸP
Những cô nàng này sẽ giúp bạn sở hữu phong cách thời trang cực chất.
WENDY NGUYEN, blogger người Mỹ gốc Việt, blog Wendy’s Lookbook.
SHINI PARK, người Anh gốc hàn, chủ quản của Park & Cube.
CHRISELLE LIM, người Mỹ gốc Hàn, chủ blog The Chriselle Factor.
NICOLE WARNE, blogger người Úc, blog Gary Pepper Girl.
AIMEE SONG, cô blogger người Mỹ gốc Hàn của Song of Style.
SUSANNA LAU, người Anh gốc Hong Kong, blog Style Bubble.
Bài: HẢI ĐƯỜNG
Her World Việt Nam