Đã từ lâu, giới tạo mốt truy tìm mọi ngóc ngách trên thế giới, từ thiên nhiên, con người, động vật, thực vật… nhằm tìm nguồn cảm hứng cho công việc sáng tạo. Trong đó, việc tái hiện hình ảnh từ những vùng đất và trang phục truyền thống của các dân tộc là điều phổ biến và rất đỗi hiển nhiên. Chuyện vay mượn từ các nền văn hóa khác đã có từ cả thế kỷ nay khi Paul Poiret giới thiệu bộ sưu tập với quần harem và áo tunic vào những năm 1910. Vậy chúng để lại dấu ấn tích cực hay làn sóng tranh cãi?
VAY MƯỢN HAY CHIẾM DỤNG VĂN HÓA?
Nói theo cách bình dân, một số người cho rằng thời trang giờ đây gần giống một món “lẩu thập cẩm”. Ngành công nghiệp toàn cầu này là nơi các nhà thiết kế từ khắp mọi nền văn hóa và chủng tộc nhào nặn nguồn cảm hứng đa dạng của mình để cho ra sản phẩm cuối cùng – thứ ngày càng mang tính thương mại và tiêu dùng. Và như vậy, việc biến những giá trị văn hóa tưởng chừng vô hình thành hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Nghiêm trọng hơn, ứng dụng các cảm hứng từ nền văn hóa khác vào thời trang một cách lệch lạc đã gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Đây là một phần của cái gọi là “chiếm dụng văn hóa” (cultural appropriation, cụm từ thường được dùng tương đương với “misappropriation” – tạm dịch sử dụng sai lệch các yếu tố văn hóa). Đương nhiên hành động này hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực bởi những nét văn hóa ngàn đời của một cộng đồng đã bị người bên ngoài sao chép mà không tôn trọng, thậm chí sử dụng một cách méo mó so với ý nghĩa ban đầu của chúng. Trong hành trình đi tìm vẻ đẹp từ những vùng đất khác, các nhà thiết kế dường như luôn hân hoan với cảm hứng từ các bộ lạc, văn hóa của các tộc người thiểu số. Những trang phục, phụ kiện truyền thống, biểu tượng của một dân tộc thường được áp dụng vào quá trình sáng tạo miệt mài của các nhà tạo mốt. Các thiết kế tham khảo từ di sản lâu đời này thường cuốn hút thị giác của người xem. Thế nhưng song song với hiệu ứng tích cực về thẩm mỹ, chúng lại dấy lên những cảm xúc tiêu cực cho một nhóm người. Những thiết kế được gọi là “tribal” ra đời càng nhiều, những lần xúc phạm đến di sản, truyền thống, tôn giáo của chủ nhân các nền văn hóa ấy càng không thể kể hết.
CƠN THỊNH NỘ CỦA NGƯỜI DA ĐỎ
Những ai quan tâm đến cuộc đấu tranh bảo vệ truyền thống văn hóa của người Mỹ bản địa đều nhớ sự chạm trán giữa họ và thương hiệu nội y danh tiếng nhất hành tinh, Victoria’s Secret. Chiếc mũ đính lông vũ lấy cảm hứng từ mũ của người da đỏ mà siêu mẫu Karlie Kloss mang trong buổi trình diễn nội y Victoria’s Secret 2012 đã khiến họ nổi giận. Hai tổ chức Native Appropriations (tạm dịch Chiếm dụng văn hóa bản địa) và For Accurate Indigenous Representation Media (tạm dịch Vì nền truyền thông phản ánh chính xác hình ảnh người bản địa) đã có những phản ứng ngay gắt nhất. Sau đó, Tammy Robert Meyers, một phát ngôn viên của Limited Brands, công ty sở hữu hãng nội y, đã phát đi lời xin lỗi chính thức như sau: “Chúng tôi rất tiếc rằng chiếc mũ kiểu Mỹ bản địa đã khiến một số cá nhân giận dữ. Bộ trang phục này sẽ được xóa khỏi các hình ảnh trình chiếu”.
Cá nhân người mẫu Karlie Kloss cũng không tránh khỏi bị quở trách và cô đã đứng ra xin lỗi vì sự việc mang tính xúc phạm đến cộng đồng người da đỏ này. Đây không phải là sự cố duy nhất liên quan đến chiếc mũ của người da đỏ. Nam ca sĩ Pharrell Williams, một phần của cộng đồng này, cũng từng phải xin lỗi vì đội phụ kiện ấy trên bìa một tạp chí vào tháng Tư 2014. Chanel cũng phải làm việc đó sau khi trình diễn kiểu mũ từ lông vũ này trong bộ sưu tập Métiers d’Art chủ đề Cowboys and Indians năm 2012. Gwen Stefani, Christina Fallin và rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng phạm phải sai lầm tương tự khi đội chiếc mũ này trong các lễ hội âm nhạc. Hành động vốn tưởng chừng đơn giản này được xem là báng bổ đối với người Mỹ bản địa bởi chiếc mũ không chỉ mang ý nghĩa về văn hóa mà còn mang giá trị thiêng liêng về tinh thần. Nó không phải là món đồ thêm vào để làm nổi bật bộ trang phục. Chỉ những bậc cao nhân đáng kính đã cống hiến xây dựng và lãnh đạo dân tộc mới được vinh dự đội chiếc mũ trên đầu. Hồn nhiên đội một vật mà người khác mất cả đời mới có được cũng đáng bị lên án như đeo chiếc huy chương không thuộc về mình.
DẤU BINDI KHÔNG PHẢI PHỤ KIỆN LÀM ĐẸP
Còn nhớ tại lễ trao giải MTV Movie năm 2013, Selena Gomez đã trình diễn bài hát mới Come and Get It theo hơi hướng Bollywood trong một chiếc đầm đỏ với những dải tua rua vô cùng sexy mà cô mô tả là “glam tribal”. Mọi chuyện sẽ không ồn ào nếu trên trán cô không có thêm dấu bindi truyền thống của người Hindu. Những người quan tâm đến vấn đề chiếm dụng văn hóa và cả cộng đồng Ấn Độ giáo khi ấy đều cảm thấy bị xúc phạm. Với họ, phong cách tribal và đạo Hindu không thể bị đồng nhất và một biểu tượng tôn giáo càng không thể đem ra làm điểm nhấn thời trang. Những giáo sĩ đứng đầu Hiệp hội Ấn Độ giáo toàn cầu (Universal Society of Hinduism) lên tiếng chỉ trích: “Đóng dấu bindi trên trán là một truyền thống cổ xưa của đạo Hindu và là một ký hiệu tôn giáo. Đôi khi nó cũng được coi như một con mắt thứ ba hay ngọn lửa và là một biểu tượng của tín ngưỡng. Dấu bindi không thể sử dụng bừa bãi để tạo hiệu ứng khêu gợi. Nó cũng không phải là một phụ kiện thời trang để chưng diện ở những nơi hào nhoáng. Selena Gomez nên xin lỗi và nên tìm hiểu về những tôn giáo trên thế giới”.
Thế nhưng thay vì xin lỗi, nữ ca sĩ trẻ lại tiếp tục làm đẹp với dấu bindi này ngay ngày sau đó trong chương trình The Ellen DeGeneres Show, Dancing with the Stars và thêm một lần nữa trên sân khấu Late Show with David Letterman.
ĐỪNG ĐỂ MÌNH TRỞ NÊN DỄ DÃI
Chiếm dụng văn hóa là hành động chúng ta phạm phải mà đôi khi không hề hay biết. Chúng ta cho rằng điều đó ổn, không có gì to tát, ai cũng làm vậy nên đó là chuyện bình thường. Trong khi đó, chủ nhân của các nét văn hóa, tín ngưỡng bị vay mượn lại thấy đó là hành động thô bạo, đáng lên án. Có thể một bộ phận lớn người Việt sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó mặc áo dài với underwear như một trang phục gợi tình trong phòng ngủ. Đó cũng là cảm xúc của người Mỹ bản địa khi các nét văn hóa truyền thống hay linh vật của họ bị dùng đặt tên bừa bãi cho các đội thể thao hay món đồ nào đó. Việc các tín đồ thời trang đeo trang sức trang trí thập tự giá mà không biết ý nghĩa tôn giáo hay xăm các ký tự Trung Hoa mà không am tường ý nghĩa thực sự của chúng là một trong những việc đáng chê trách. Vì vậy, nếu thật sự yêu thích một nền văn hóa nào đó, hay đơn giản chỉ là một ký tự, hãy thể hiện sự hiểu biết và văn minh của mình bằng cách tôn trọng và tìm hiểu rõ chúng trước khi sử dụng.
Chúng ta, những người yêu thời trang cũng thường vô tư gọi bất cứ một họa tiết của nền văn hóa khác là ethnic, tribal, bộ lạc, thổ dân, dân tộc. Ta thường mắc lỗi gọi tên này với cả họa tiết Ikat, một dạng hoa văn phức tạp trông như bị nhuộm loang sử dụng rộng rãi từ Mexico, Uzbekistan cho tới Cam-pu-chia và Nhật Bản. Hay các họa tiết được tạo ra từ phương pháp nhuộm loang Shibori có từ thế kỷ XIII của người Nhật Bản và họa tiết Ganado của cộng đồng người da đỏ bán tự trị Navajo Nation… Thật khó có thể nắm bắt và hiểu rõ hết mọi loại họa tiết, mọi biểu tượng văn hóa của các dân tộc trên thế giới để không mắc phải những sai lầm tương tự. Nhưng việc tìm hiểu ý nghĩa thực sự của những chi tiết trên trang phục mình định mua hay mặc là điều đơn giản hơn, có thể thực hiện được. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện mình là một tín đồ thời trang thực thụ, có hiểu biết và không dễ dãi khi khoác lên người bất cứ món đồ không rõ nguồn gốc nào.
Bài: THOA ĐẬU
Ảnh: TƯ LIỆU, AFP, REUTERS
Her World Việt Nam