Những chất liệu tự nhiên của thời trang

Với công dụng giúp da dễ thở, thấm mồ hôi, chống khuẩn, một số loại vải có nguồn gốc từ thiên nhiên là lựa chọn của nhiều nhà thiết kế danh tiếng thế giới

LỤA

to-tam

Vạn Phúc và Lãnh Mỹ A là hai làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng ở Việt Nam

Là chất liệu thường đi cùng với sự sang trọng, cao cấp, lụa được sử dụng để may trang phục dạ tiệc lẫn thường ngày. Quá trình sản xuất lụa rất công phu nên giá thành chất liệu này khá đắt. Với khả năng điều hòa nhiệt độ đặc biệt, lụa giúp người mặc thấy ấm hơn khi trời lạnh và mát hơn trong thời tiết oi bức. Trong lụa còn chứa nhiều amino acid tương tự như ở cơ thể người nên không gây kích ứng da mà còn giúp chữa lành các bệnh về da.

lua

DOLCE & GABBANA (trái) và RALPH LAUREN (phải)

Tùy theo cách xử lý chất liệu để giặt trang phục may từ lụa. Thông thường, lụa nên được giặt khô hoặc giặt tay với nước lạnh và chỉ dùng các chất giặt tẩy nhẹ. Trang phục may từ lụa nên phơi khô tự nhiên ngoài không khí, tránh phơi dưới ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp bộ trang phục cần phải là ủi, bạn có thể để đồ lụa bên dưới một lớp vải khác rồi là lên lớp vải đó hoặc dùng bàn là hơi nước. Không nên để nước hoa và sản phẩm xịt tóc dính vào lụa vì chất cồn sẽ làm vải bị hỏng.

Lụa có độ bóng sẽ dễ tố cáo khuyết điểm của người gầy hoặc người quá khổ. Khi mặc trang phục may bằng lụa, bạn phải cẩn thận vì dễ bị xước. Lụa gắn với sự sang trọng nên chỉ cần mặc một chiếc đầm suôn, trơn màu hay áo sơ-mi lụa với quần ôm, bạn đã có thể tham dự một sự kiện mà không cần phải tìm các trang phục cầu kỳ khác. Chỉ cần thêm vài món trang sức ngọc trai, đá và giày cao gót là đủ.

COTTON

vai-cotton

Hầu hết quần jeans hiện nay được may từ vải cotton

Đây là loại vải tự nhiên thông dụng nhất. Cotton thích hợp để may hầu hết các loại trang phục từ áo sơ-mi, T-shirt, đồ lót, quần jeans, tất, v.v… Loại vải này có độ mềm mại và thông thoáng nên rất được ưa chuộng trong ngành may mặc. Vải cotton hữu cơ, được dệt từ loại bông không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học nguy hiểm, còn tốt hơn nữa vì nó không gây dị ứng cho da.

Trang phục may từ cotton rất dễ mặc, phù hợp với mọi dáng người. Nó cũng dễ dàng kết hợp với các chất liệu khác như ren, len, thun spandex, lụa…

Lưu ý:
Chỉ nên dùng chất tẩy khi bạn muốn làm những trang phục màu trắng trông sáng hơn. Chất tẩy sẽ làm quần áo màu may từ chất liệu cotton bị ngả vàng hoặc hỏng màu.

Không nên sấy khô toàn bộ đồ cotton vì loại vải này dễ bị co rút, chỉ nên sấy nhẹ, sau đó để khô tự nhiên.

ao

Đầm thiết kế đơn giản NAF NAF và Áo sơ-mi cổ thuyền NAF NAF

VẢI GAI

vai-gai

CHLOÉ

Loại vải này còn có tên gọi khác là vải bố. Vải gai có sợi mịn trông khá giống vải linen. Chất liệu này được dệt từ sợi cây gai dầu, có khả năng thấm hút mồ hôi rất tốt. Ngoài ra, vải gai có độ bền lớn, chắc hơn vải cotton gấp ba lần. Bạn thường thấy vải gai xuất hiện trên các phụ kiện như giày dép, túi xách, vật dụng nội thất và quần áo mùa hè. Nhược điểm của vải gai là dễ bị nhăn, khó xếp nếp, ít co giãn, cứng hơn các chất liệu khác nhưng lại có khả năng chống được nấm mốc, mục, tia UV.

Vải gai sẽ mềm hơn sau mỗi lần giặt mà không làm giảm chất lượng sợi. Loại vải này chỉ nên giặt trong nước lạnh. Trước khi may, vải gai thường được ngâm nước để xử lý. Nếu không có bước đó trước khi may, lúc sấy khô hoặc giặt bằng nước nóng, đồ gai sẽ bị rút lại.

vai-gai-1

DOLCE & GABBANA

LEN

Đây là chất liệu có khả năng hút nước tốt nhất. Len được làm từ lông một số loài động vật nên chúng ta thường biết đến nhiều loại len như len alpanca, len lông dê angora, cashmere, nỉ angora, len lông lạc đà. Đồ len có thể “ngậm” một lượng nước bằng 30% khối lượng của nó mà người mặc vẫn không thấy nặng hay ẩm. Trong khi đó cotton chỉ có thể hút được 15%, nếu nhiều hơn thế sẽ khiến người mặc có cảm giác ẩm ướt khó chịu.

len

Nhờ đặc tính này, đồ len giúp bạn thấy thoải mái khi mặc vào mùa mưa lạnh. Len cũng rất dễ giặt vì chất bẩn chỉ bám ở bề mặt vải. Bạn sẽ dễ dàng lấy đi những vết dơ bám trên loại chất liệu có cấu trúc tương tự như chiếc chổi lông chim này. Ngoài ra, len ít tạo ra tĩnh điện nên cũng ít hút bụi hơn. Ưu điểm nữa của len là không dễ nhàu dù bị nhiệt độ cao tác động trực tiếp.

trang-phuc-len

Mùa lạnh, bạn có thể mặc đầm len với nhiều kiểu dáng. Nếu có dáng người tròn trịa, chiều cao hạn chế, bạn không nên chọn loại len dày, sợi lớn và để ý độ dài để áo không phủ quá mông và váy không dài quá gối. Bạn gái văn phòng có thể kết hợp váy bút chì và áo len không cổ phom rộng. Nếu mặc suit, bạn nên kết hợp với áo trong chất liệu mềm nhẹ như lụa hay cotton.

Lưu ý:

Không dùng chất tẩy khi giặt đồ len để tránh bị cứng và ngả vàng. Tốt nhất nên giặt khô để tránh bị co.

Len không dễ bị bám bẩn nên bạn không nhất thiết phải giặt sau mỗi lần mặc.

Phụ kiện:

tui-xach-coi

TORY BURCH

Chất liệu tự nhiên phổ biến trên phụ kiện là da, vải gai, gỗ, ngọc trai, đá quý, xương thú…

Phổ biến nhất trong xu thế chuộng đồ có nguồn gốc tự nhiên là các mẫu túi xách da thô may thủ công chưa qua xử lý, vòng cổ, vòng tay bằng gỗ, giày đế xuồng bọc vải gai hay sandal có quai sợi gai, mũ cói…

sandal

Sandal da viền cói, Christian Louboutin

Phụ kiện chất liệu tự nhiên rất dễ kết hợp với trang phục mùa hè. Màu sắc tự nhiên như beige, cam đất, nâu của chúng có thể đi cùng bất cứ bộ trang phục nào có chất liệu tương tự.

tui-xach-da

RALPH LAUREN

LINEN

chat-lieu-linen

Loại vải dệt từ sợi cây lanh, có độ bền gấp đôi cotton. Là chất liệu thấm hút mồ hôi rất tốt nên linen có vị trí đặc biệt trong tủ quần áo mùa hè. Tuy nhiên, loại vải này rất dễ bị nhàu và khả năng co giãn kém. Về cơ bản, linen và vải gai nhìn giống nhau nên rất khó nhận biết. Mẹo nhỏ để phân biệt hai loại vải này là linen có độ bóng hơn vải gai, mềm hơn và bề mặt ít sần sùi hơn. Với linen, bạn nên giặt tay hoặc hấp khô.

Bạn nên chọn hai chất liệu linen và vải gai cho những trang phục đi chơi thoải mái, phom dáng rộng, hạn chế những món đồ dễ bị nhàu này ở chốn văn phòng và tiệc yêu cầu ngồi nhiều. Những nếp nhăn ở gối, khuỷu tay, lưng và đùi trên trang phục sẽ khiến bạn lúng túng ở chốn đông người.

RALPH-LAUREN

RALPH LAUREN

Mẹo nhỏ

Để nhận biết các loại chất liệu, bạn có thể dùng lửa để đốt sợi vải. Cắt một mẩu vải nhỏ, đốt lên rồi quan sát chất lượng, màu sắc ngọn lửa, mùi tạo ra và màu sắc, chất lượng than hay tro. Để đảm bảo, hãy kẹp mẩu vải bằng nhíp và đốt trên một bề mặt không bắt lửa như đĩa sứ, khay kim loại có nước hay soda.

Khi đốt, cotton bắt cháy nhanh, lửa có màu từ vàng đến cam cháy thành than màu xám hoặc đen có thể bóp vụn được và có mùi giấy cháy. Linen về cơ bản cũng giống như cotton nhưng bắt cháy chậm hơn một chút. Len bắt lửa chậm, lửa màu vàng, cháy chập chờn, nổi bọt phồng, tro đen sậm và có độ bóng, tan ra khi bóp, mùi khét như tóc cháy. Lụa cũng cháy chậm nhưng nhanh hơn len, có mùi tóc cháy, tro vón cục nhỏ và tan ra khi bóp. Cả lụa và len đều không cháy nữa khi đưa ra khỏi nguồn lửa. Dễ dàng so sánh với các loại sợi nhân tạo như acetate, nylon, polyester, thun spandex… vì những chất liệu này khi cháy có ít nhất một trong các đặc tính như khói màu đen, than vón cục cứng, có mùi hóa chất hoặc cháy chảy thành giọt.

BÀI: DIỄM TRINH.

Đừng bỏ qua