Cả khu rừng xanh mướt dưới chân thác Đỗ Quyên. Đây là mùa cả khu rừng sống dậy
Sau ba năm đóng cửa để làm lại đường đi, vườn quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên – Huế đã mở cửa đón khách trở lại từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ khoảng ba tháng lại đây, những khu biệt thự do Pháp xây dựng từ hàng chục năm trước mới hoàn thành việc tu sửa để đón du khách. Giờ đây, bạn có thể lên Bạch Mã và ở qua đêm trên đỉnh núi cao hơn 1.400m, cảm nhận không khí mát lạnh của một trong những khu rừng đẹp nhất Việt Nam.
Lên cao đón gió và ngắm cảnh đẹp miền Trung
Chuyến đi đến Bạch Mã của chúng tôi được quyết định khá nhanh chóng khi một người trong nhóm bỗng nhiên nhắc đến địa danh này. Từ Đà Nẵng, chúng tôi thuê một chiếc xe tự lái và hướng ra Huế. Vượt qua hầm đường bộ Hải Vân, qua vịnh Lăng Cô và cái nắng gay gắt của Huế. Những ngày này đang ở thời điểm nắng nóng nhất trong năm ở miền Trung. Cái nắng khiến tất cả chúng tôi đều không muốn bước ra khỏi xe. Một giờ sau khi rời khỏi Đà Nẵng, chúng tôi đã có mặt dưới chân núi Bạch Mã. Khu vực cổng vườn hôm đó chỉ có duy nhất một nhân viên trực. Sau khi nhận vé, chúng tôi bắt đầu lên Bạch Mã.
Chiếc xe chậm rãi lăn bánh lên dốc. Sau khoảng 10 phút, chúng tôi quyết định hạ cửa kính, tắt máy điều hòa để cảm nhận được những cơn gió từ khu rừng mang đến. Càng di chuyển lên cao, cái nóng càng giảm và tầm nhìn cũng rộng hơn. Xứ Huế từ trên cao nhìn xuống phủ một màu xanh đẹp mắt, xen lẫn những đầm phá rộng lớn. Có lúc còn bắt gặp những đám mây nhỏ đang lững thững ngang tầm mắt hoặc những đám mây khổng lồ bị hổng ở giữa khiến nắng xuyên qua bên dưới, tạo nên một góc sáng lung linh.
Khu vực đón khách ở độ cao khoảng 800m cũng chính là trạm dừng chân đầu tiên của Bạch Mã. Cái nắng nóng gay gắt ở dưới chân núi hoàn toàn biến mất, nhiệt độ ở khu vực này đã thấp hơn bên dưới khoảng 30C. Khu biệt thự được xây bằng đá nằm thấp thoáng dưới những tán cây rộng lớn trông có vẻ gì đó bí ẩn. Từ gần trăm năm trước nơi đây đã được người Pháp chọn làm chốn nghỉ dưỡng cho những sĩ quan cấp cao. Bạch Mã không lạnh như Đà Lạt mà chỉ mát vừa phải, quả là nơi lý tưởng để tránh cái nắng khắc nghiệt của miền Trung.
Chinh phục Ngũ Hồ và Thác Đỗ Quyên
Sau bữa trưa, chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị để tiến sâu vào rừng, chinh phục những địa danh nổi tiếng như Ngũ Hồ, vườn thuốc, thác Đỗ Quyên… Chúng tôi lấy bản đồ và bắt đầu men theo đường mòn để đi xuống Ngũ Hồ. Sở dĩ có tên gọi này vì trong khu vực bán kính khoảng 2km2 có năm hồ nước nằm dưới các thác nước nhỏ.
Việc tìm đến các địa điểm trong bản đồ không quá khó và đường mòn rất dễ đi. Cả mùa đông, khu rừng chịu những cơn mưa và sự ẩm thấp nên mùa hè là dịp để cây cối vươn lên đón nắng. Dẫu vậy, những tán cây rộng lớn gần như che hết phía dưới nên lối đi chỉ lấp lánh ánh nắng xuyên qua kẽ lá. Khu rừng lảnh lót tiếng của các loài chim. Khi bắt đầu nghe tiếng nước chảy, chúng tôi cũng bước nhanh chân hơn. Một trong năm cái hồ đã xuất hiện ở phía dưới, mùa này nước không lớn nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm thấy hoan hỉ. Đến hồ thứ hai chúng tôi mới quyết định dừng chân vì có những tảng đá lớn, thích hợp để ngồi. Dù có mang theo đồ bơi để tắm nhưng nước trong hồ lạnh buốt khiến chúng tôi phải từ bỏ ý định. Nước trên núi dù vào mùa hè nóng nực nhất cũng chỉ khoảng 150C. Nhiệt độ trên đỉnh Bạch Mã luôn thấp hơn ở dưới chân núi từ 30C đến 50C
Chặng đường tiếp theo là thác Đỗ Quyên, ngọn thác lớn và đẹp nhất của Bạch Mã. Thác có tên Đỗ Quyên là do đường đi đến thác vào tháng Ba nở rất nhiều hoa đỗ quyên. Ngoài hệ động thực vật đa dạng, Bạch Mã còn là nơi có nhiều loại cây thuốc quý hiếm. Trên đường đi cả nhóm gặp nhiều bảng chỉ dẫn về các loại cây thuốc mà tất cả đều chưa bao giờ nghe tên. Thêm hai lần vượt suối dưới ánh nắng lung linh, chúng tôi đã đến đỉnh thác Đỗ Quyên. Trước mắt chúng tôi hiện ra một khung cảnh đẹp tuyệt vời. Phía dưới thác, cả khu rừng trải dài trước mắt, ánh nắng của buổi chiều khiến khu rừng như được phủ thêm một lớp kim tuyến óng ánh. Quãng đường lội bộ 5 km trong rừng quả là không uổng công sức. Tiếc là chúng tôi không có thời gian chinh phục hơn 5km bậc thang nữa để đi xuống chân thác vì mặt trời đã bắt đầu lặn. Cả nhóm đành tự an ủi rằng thiếu sót ấy sẽ là cơ hội để chúng tôi quay trở lại Bạch Mã.
Chúng tôi quyết định ăn bữa tối sớm hơn dự kiến vì chuyến đi rừng khiến cơn đói đến rất nhanh. Bữa tiệc nướng ngoài trời khá lạnh do ban đêm nhiệt độ xuống thấp. Người quản lý khu biệt thự đã chuẩn bị sẵn một ít củi khô để đốt lửa trại cho khách. Đêm ấm hơn nhờ ánh lửa, nhờ việc tranh giành khoai lang nướng. Khi đã thấm mệt, chúng tôi chọn một nơi yên tĩnh để ngắm bầu trời đầy sao. Đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp nhìn thấy nhiều sao như vậy. Giấc ngủ ấm áp trong không gian thiên nhiên trên Bạch Mã khiến tôi không hề muốn trở dậy vào sáng hôm sau.
Lên Vọng Hải Đài – nơi cao nhất của Bạch Mã
Bữa ăn sáng được lướt qua nhanh chóng vì chúng tôi muốn chinh phục Vọng Hải Đài, điểm cao nhất của núi Bạch Mã. Chúng tôi tiếp tục lên xe đi thêm 4km nữa. Trên đường đi rải rác có những biệt thự cũ do người Pháp xây dựng, đa số chưa được tu sửa lại. Lúc này chúng tôi lại có cảm giác tiếc nuối là không đi lên cao để ngủ đêm trên cao thay vì ngủ ở điểm dừng chân đầu tiên.
Từ cột mốc số 0, người hướng dẫn cho biết phải đi thêm 1km nữa để đến Vọng Hải Đài, nơi có thể nhìn xuống bốn bề Bạch Mã. Đường đi khá đẹp nhưng rất dốc. Từ đây mọi người bắt buộc phải xuống xe đi bộ. Với những người ít tập thể thao, chặng đường này quả là hơi khó khăn. Đó là một buổi sáng đẹp, bầu trời quang đãng. Trên núi cao, những cơn gió mang hơi nước mát lạnh liên tục thổi tới. Chúng tôi im lặng ngắm nhìn bên dưới, miền Trung chưa bao giờ đẹp hơn thế. Hướng Bắc là thành phố Huế, nhìn về hướng Đông Nam là hệ thống đầm phá vùng Cầu Hai, Cảnh Dương.
Chúng tôi trở xuống phía dưới với mong muốn có thể trekking thêm nhưng đi được hơn 1km thì nhận ra có nhiều vắt. Phía bên này rừng rậm hơn, ánh nắng không thể xuyên qua nên mặt đất vẫn ẩm ướt, vắt vẫn có thể sống trong mùa hè. Do không chuẩn bị trước nên chúng tôi quyết định quay trở lại.
Chúng tôi rời Bạch Mã khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu. Trên đường về, chúng tôi gặp một nhóm bạn trẻ đang quyết tâm lội bộ để chinh phục Bạch Mã từ chân núi. Họ mang theo rất nhiều máy chụp ảnh chuyên nghiệp để chụp các loài thú. Dẫu dịch vụ ở Bạch Mã chưa bằng các vườn quốc gia khác nhưng cảnh đẹp của Bạch Mã cũng giảm đi phần nào sự khó chịu. Chúng tôi tự hứa sẽ trở lại Bạch Mã vào mùa hoa đỗ quyên nở, hoặc có thể là mùa chim trĩ sao xuất hiện với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Dịch vụ du lịch ở Bạch Mã
Vườn quốc gia Bạch Mã nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vườn có diện tích khoảng 220km2. Khi đến Bạch Mã, nếu không có xe ô-tô riêng bạn phải thuê xe đưa lên, mỗi chuyến có giá từ 900.000 đồng đến 1,3 triệu đồng không quy định số lượng khách. Ngay trước cổng vào, nếu hỏi thuê phòng, bạn sẽ chỉ nhận được câu trả lời: “Chúng tôi là chỗ duy nhất có phòng khách sạn ở đây”. Tuy nhiên, nhiều biệt thự khác đã được tu sửa nhưng chưa có nhiều người biết. Tốt nhất bạn đi thẳng lên núi để xem xét tất cả các biệt thự, hài lòng với chỗ nào bạn chọn chỗ đó.
Mang theo gì lên Bạch Mã?
– Thức ăn: Trên Bạch Mã có nhà hàng của công ty du lịch khai thác dịch vụ nhưng những món ăn vẫn khá đơn giản. Bạn nên chủ động mua thức ăn để mang theo. Một số biệt thự cho phép khách sử dụng bếp nấu nướng theo ý thích.
– Thuốc chống vắt: Dù mùa hè vắt không còn nhưng nếu muốn đi sâu vào rừng, bạn vẫn nên mang theo thuốc chống vắt.
– Áo khoác: chất liệu nhẹ, giữ ấm giúp bạn tránh cái lạnh vào ban đêm
– Giày: Thời tiết đẹp, không có vắt, bạn chỉ cần mang theo một đôi giày thể thao.
Bài: THOA ĐẬU – Ảnh: NÀNG THƠM