Đông Timor – Đất nước bị lãng quên

Là quốc gia sinh sau đẻ muộn ở khu vực Đông Nam Á, Đông Timor đang nỗ lực từng ngày để chứng minh cho thế giới thấy họ đang cố gắng vươn lên. Cùng Her World trải nghiệm cảnh đẹp và con người ở đây

 

Cái tên Đông Timor xuất hiện khi hầu như cả thế giới đã kịp ghi nhớ khu vực Đông Nam Á chỉ gồm 10 quốc gia. Dù tôi và bạn bè đều có cơ hội được đi du lịch nhiều nơi nhưng vẫn không thể lường trước được những khó khăn và trải nghiệm đáng nhớ đang chờ mình khi đến đất nước thứ 11 của Đông Nam Á này.

Với số lượng thông tin ít ỏi trên mạng, trước chuyến đi cả tháng, hôm nào tôi cũng mò mẫm để mua vé máy bay, đặt khách sạn, lên lịch trình, di chuyển, ăn uống… nhưng cũng chẳng được bao nhiêu. Tôi quyết định chỉ dằn túi một vài địa chỉ, còn lại tùy cơ ứng biến.

duong-chinh

Con đường chính ở thủ đô Dili được trang trí rất đơn giản

CHUYỆN Ở SÂN BAY VÀ ĐẶC SẢN NẮNG NÓNG

Nằm ở phía đông của Đông Nam Á, nhìn từ trên máy bay, Đông Timor lọt thỏm trong vùng biển Thái Bình Dương, là cầu nối về đường biển cho Đông Nam Á với châu Úc. Đông Timor chào đón chúng tôi bằng cái nóng thiêu đốt. Thế nhưng, chuyện buồn cười nhất phải kể đến là khi bước xuống sân bay Đông Timor, nhân viên hải quan yêu cầu mỗi người phải có đủ 500 đô-la Mỹ tiền mặt mới được cấp visa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đông Timor đã có dịch vụ thẻ thanh toán quốc tế nên ai cũng chỉ dằn túi một ít tiền. Rất may đoàn có sáu người nên người này có thể cho người kia mượn tạm tiền để qua được cửa hải quan. Sau đó, tiền ai lại trở về túi người đó.

Kể từ khi giành độc lập, Đông Timor đón thêm nhiều khách du lịch hơn, phần lớn đều là những du khách thích khám phá những điểm đến mới, đam mê mạo hiểm và có khả năng chịu đựng những dịch vụ du lịch thô sơ. Ngoài các bãi biển xanh trải dài, nắng và nóng chắc chắn là đặc sản đầu tiên mà bạn được nếm khi đến đây.

dong-timor

Hòn đảo cách thành phố Darwin, Australia khoảng 640km này là một trong số các nước cận xích đạo nhất, nắng nóng là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, nắng nóng ở đây gần như vô địch trong các quốc gia tôi từng đến. Tôi đoán Sài Gòn vào những ngày nắng đổ lửa nhất cũng chỉ ngang lúc 8h sáng ở đây. Cái nóng khiến mọi người thấy khó thở, gió biển cũng không thể làm dịu được chút nào. Mỗi khi bước ra khỏi khách sạn, đi vài trăm mét, cả nhóm lại mong kiếm được tán cây nào đó để nghỉ ngơi lấy sức. Nắng dường như chỉ có một tác dụng, làm bầu trời và biển ở đây trong xanh hơn.

vong-xoay

Vòng xoay (bùng binh) độc đáo ở thủ đô Dili, Đông Timor

Biển ở Đông Timor hầu như chưa có bàn tay con người chạm vào. Cách thủ đô Dili không xa là vô số bờ vịnh nhỏ rất yên tĩnh. Nước biển ở đâu cũng trong vắt. Ngay cả ở bến cảng, nơi tập trung nhiều tàu thuyền và con người, nước vẫn trong veo đến mức bạn có thể nhìn thấy những đàn cá thoải mái bơi lội dưới nước.

nguoi-dan

Người dân Đông Timor tận hưởng một buổi chiều bình yên. Quốc gia này có diện tích vỏn vẹn 15.410km2

NGẮM HOÀNG HÔN DƯỚI CHÂN CRISTO REI

Cristo Rei là bức tượng mà người dân Đông Timor rất tự hào với bạn bè quốc tế. Bức tượng Chúa Jesus đứng trên quả địa cầu được đặt trên một ngọn núi, mặt hướng ra biển là một trong những bức tôn giáo lớn nhất thế giới. Theo một số tài liệu trên mạng, đây là bức tượng Chúa Jesus cao thứ hai và cao hơn cả bức tượng Chúa Jesus dang tay nổi tiếng thế giới ở thành phố Rio De Janero, Brazil.

tuong-Cristo

Bức tượng Cristo Rei cao 28m, nằm trên núi cao hơn 133m so với mặt nước biển

Đợi đến chiều muộn chúng tôi mới bắt đầu hành trình chinh phục 500 bậc thang để lên đến nơi này, vừa để tránh cái nắng như thiêu đốt, vừa để ngắm hoàng hôn. Sau khoảng 30 phút, cả nhóm đã có mặt ở chân tượng. Phía dưới, Dili rực rỡ trong nắng chiều tà. Ở Đông Timor, hoàng hôn xuống rất muộn, khoảng 7h tối mặt trời mới bắt đầu chịu đi ngủ. Hoàng hôn bao trùm cả hòn đảo với màu đỏ pha vàng. Cả nhóm vốn ồn ào nhưng trước cảnh đẹp bỗng im lặng tuyệt đối. Ai cũng muốn dành thời gian để tận hưởng từng góc đẹp khi mặt trời xuống biển.

nha-tho

Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Bồ Đào Nha ở thủ đô Dili

LẶN BIỂN Ở ATAURO VÀ CÁC TOUR KHÁM PHÁ

Đến Đông Timor, hầu hết du khách đều thử qua tour lặn biển ở đảo Atauro, cách cảng Dili 25km. Đường đi ra đảo là cơ hội để nhìn thấy những đàn cá heo, chúng bơi theo những chiếc xe taxi nước với sự tò mò, lạ lẫm. Đông Timor sở hữu vô số rạn san hô và nhiều loài cá đẹp nhưng theo khuyến cáo của các nhà tour, du khách không nên thử vì các rạn san hô này khá nguy hiểm.

lan-bien

Tour lặn biển ở xung quanh đảo để nhìn ngắm các loài cá

Để lặn biển, khách thường phải mua tour từ các khách sạn. Quyết định xong giá cả, chúng tôi được nhân viên đưa xuống một bể bơi sâu khoảng 3m để tập luyện. Mất khoảng ba giờ mới học xong một khóa cơ bản. Sau đó, cả nhóm được đưa ra biển thả mình trong dòng nước ấm áp, tận mắt ngắm nhìn cuộc sống đa dạng dưới đại dương ở vùng cận nhiệt đới. Đàn cá mập, cá ngừ, rùa nhỏ, cá thu, cá nhồng nhỏ dường như chẳng thèm quan tâm đến những du khách đến tham quan thành phố, chúng cứ làm việc của mình mà cũng chẳng cần tránh né.

Còn rất nhiều tour nhỏ đi khoảng hai hoặc ba ngày dành cho du khách thích mạo hiểm như leo núi Ramelau, đạp xe đạp khám phá các cảnh đẹp hoặc đơn giản nhất là nằm dài trên những bãi biển cát trắng mịn, nước trong vắt ở đảo Baucau.

SĂN LÙNG TAIS

Tais là một dạng vải thêu tay hoặc dệt đặc trưng của người dân Đông Timor. Trước đây, tais chủ yếu được dùng làm khăn quấn vai cho các chức sắc, tù trưởng, những nhân vật có vị trí đặc biệt trong xã hội. Mất vài tháng mới làm được một chiếc khăn tais. Trên quần áo của người dân thường có một chút mẫu hoa văn tais, dù rất nhỏ nhưng là niềm tự hào của họ.

san-pham-thu-cong

Tais, sản phẩm thủ công truyền thống của người Đông Timor

Sản phẩm tais thủ công rất quý và hiếm, có giá trị ngang ngửa với tiền tệ. Người dân trên đảo có thể đổi khăn tais để lấy gia súc hoặc đồ vật có giá trị khác. Suốt những ngày ở Đông Timor, tôi luôn ngó nghiêng để tìm mua một chiếc khăn tais nhưng không thể thấy bất cứ chỗ nào bán.

Nhờ một người dân bản xứ hướng dẫn, chúng tôi thuê xe máy chạy đến thị trấn Manatuto, cách Dili 150km để mua bằng được một cái khăn tais. Thật may mắn, chúng tôi tìm được một gia đình vẫn làm tais để dùng trong gia đình và năn nỉ họ bán lại. Nhận thấy sự thiết tha của những người lạ, họ đành để lại một chiếc khăn với giá phải chăng.

Bữa tối cuối cùng ở Đông Timor, chúng tôi thưởng thức món kebap, món ăn đậm chất thuộc địa có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha. Tôi không thể hứa chắc sẽ trở lại đất nước này nhưng có lẽ còn rất lâu nữa ngành du lịch của Đông Timor mới có thể đáp ứng những dịch vụ cơ bản giúp những ai yêu chủ nghĩa xê dịch dễ dàng đến với đất nước bị lãng quên này.

nu-cuoi

Nụ cười của thế hệ tương lai. Đông Timor có khoảng hơn một triệu dân

THÔNG TIN

Đến Đông Timor như thế nào?
>> Bay nối chuyến ở Singapore hoặc từ Bali, Indonesia.
>> Đông Timor vẫn yêu cầu thị thực, kể cả người Đông Nam Á. Bạn có thể xin visa ngay tại sân bay. Chi phí: khoảng 630.000 đồng khi nhập cảnh và 210.000 đồng khi xuất cảnh.

Phương tiện di chuyển
>> Taxi không mở máy lạnh và trả giá rất mệt. Nếu đi nhóm, bạn nên nhờ khách sạn đặt thuê xe 7 chỗ, giá khoảng 2.100.000 đồng/ngày, gồm tài xế. Không gồm tiền xăng. Bạn cũng nhờ khách sạn đặt tàu thuyền nếu muốn đi ra đảo. Đừng quên trả giá.
>> Có 2 địa điểm cho thuê xe máy: Tiger fuel, giá khoảng 735.000 đồng/xe tay côn. Packbacker hostel, giá khoảng 520.000 đồng/xe tay ga.

Khách sạn
>> Các khách sạn lớn đều nằm ven biển. Giá phòng từ 1.700.000 đồng trở lên/ngày/phòng đôi.
>> Resort từ 5.000.000 đồng /ngày.

Dịch vụ, mua sắm
Hoàn toàn không có bất cứ một hướng dẫn nào cho khách du lịch. Nơi có thể mua sắm duy nhất là Timor Plaza. Tại đây bạn cũng có thể gặp người Việt Nam đang làm việc ở Đông Timor.

BÀI: SƠN TRỊNH. ẢNH: SƠN TRỊNH.

Đừng bỏ qua