Theo chồng định cư nước ngoài, thời gian đầu, bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn sau:
KHÓ HÒA NHẬP VÌ BẤT ĐỒNG NGÔN NGỮ
Trước khi bắt đầu cuộc sống mới ở nước bạn, bạn phải mất khá nhiều thời gian và công sức cho việc học tiếng. Nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý… đòi hỏi bằng cấp, chứng nhận bạn thông thạo ngoại ngữ nước họ thì mới cấp visa.
Nếu may mắn đủ điểm để vượt qua rào cản ngôn ngữ, bạn sẽ đối mặt với tình trạng khó khăn không kém: khó hòa nhập với người bản xứ vì không thông thạo tiếng của họ. “Học” là một chuyện, “hành” lại là chuyện khác. Trừ các nước nói tiếng Anh, đối với những ngôn ngữ khác, thật khó để thuần thục chỉ trong một sớm một chiều. Khó khăn trong giao tiếp ở xứ người là điều không tránh khỏi.
PHẢI CHẤP NHẬN VIỄN CẢNH KHÔNG CÓ VIỆC LÀM ƯNG Ý
Từ bỏ công việc đáng mơ ước để theo chồng định cư nước ngoài, bạn đừng nghĩ ở bên kia mình cũng tìm được việc làm tốt như thế. Bằng cấp ở Việt Nam không được các nước khác công nhận. Khả năng bạn trúng tuyển vào các công ty lớn gần như bằng 0. Vì không muốn ở nhà chồng nuôi và sợ bị tụt hậu, bạn đành chấp nhận những công việc lao động chân tay như bán hàng, nhân viên nhà hàng, quán cà-phê…
Rất nhiều cô gái đã sốc, cảm giác “rơi từ thiên đàng xuống vực thẳm” khi trải qua những tháng ngày làm việc trên đất khách. Lúc ấy, họ mới nhớ công việc và đồng nghiệp cũ – những thứ “bói không ra” trên xứ người.
PHẢI TỰ XOAY XỞ VIỆC CHĂM SÓC GIA ĐÌNH, CON CÁI
Xa gia đình, người thân, đồng nghĩa với bạn mất đi chỗ dựa tinh thần. Có bố mẹ ở bên, bạn tha hồ chia sẻ với họ về những vui – buồn của cuộc sống vợ chồng, cũng như chạy về nhà bất cứ lúc nào chỉ để khóc một trận cho đã. Còn khi bố mẹ cách xa cả ngàn dặm, bạn chỉ biết nuốt nước mắt vào trong chứ không muốn ông bà buồn lòng.
Chồng bạn là người đàn ông tâm lý, yêu và hiểu vợ thì không sao. Anh ấy sẽ nhường nhịn, động viên bạn vượt qua nỗi buồn xa quê hương. Ngược lại, nhiều ông chồng căng thẳng với 8 tiếng ở công sở, về nhà dễ bực bội và xảy ra tranh cãi với vợ. Vì không có chỗ “xả”, lâu dần, bạn phải học cách chịu đựng và giải tỏa một mình. Nếu tinh thần không vững, bạn rất dễ rơi vào trạng thái cô đơn, tủi thân, thậm chí trầm cảm.
Một vấn đề nữa, nan giải hơn cả khi không ở gần người thân, đó là sau khi có em bé, một mình bạn phải chống chọi với việc thu vén nhà cửa, chăm sóc con. Ở Việt Nam, nếu thấy sức mình làm không xuể, bạn thoải mái thuê người giúp việc. Sang đây, điều đó là không tưởng vì chi phí thuê một người cao vời vợi, chưa kể đủ loại thuế và bảo hiểm. Chỉ những cặp vợ chồng có mức lương cao ngất ngưởng mới nghĩ tới việc đó. Thế là ngày ngày, bạn phải một mình chăm con và làm việc nhà.
Tuy vậy, vẫn có không ít lý do chính đáng khiến các cô gái quyết định theo chồng định cư nước ngoài:
CON CÁI TRỞ THÀNH NHỮNG ĐỨA TRẺ TỰ LẬP VÀ SÁNG TẠO
Đây là cái lợi đầu tiên mà cô gái nào cũng nghĩ đến khi quen bạn trai là người nước ngoài. Điều kiện học tập ở
các nước phương Tây như Mỹ, Đức, Úc, Anh… rất lý tưởng. Chẳng phải tự nhiên mà hàng năm, có đến cả ngàn học sinh Việt Nam túa đi du học. Môi trường học ở trời Tây tạo cho những đứa trẻ tính cách tự lập và cách học chủ động, ưa tìm tòi, sáng tạo. Hòa thổ lộ: “Không chỉ mình đâu, hầu hết ai theo chồng sang đây đều đưa ra lý do hàng đầu: “Ráng cố gắng vì tương lai con cái”. Trẻ em được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt sẽ trở nên bản lĩnh và tự tin”.
BẠN SẼ LỘT XÁC THÀNH CÔ GÁI NĂNG ĐỘNG VÀ CỞI MỞ
Sống giữa nền văn hóa hoàn toàn mới, bạn sẽ phải làm quen với những tư duy, hành động mới mẻ. Chẳng hạn, người dân phương Tây chủ yếu dùng thẻ tín dụng khi mua sắm, sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm… thay vì xe máy. Chính vì vậy, bạn dần quen với nếp sống này, hiện đại và văn minh.
Nhịp sống ở các thành phố lớn khiến bạn phải thay đổi lối sống trước đây để theo kịp những người xung quanh. Ngoài ra, xa người thân, không bạn bè, bạn cần bắt đầu lại với việc kết giao nhiều mối quan hệ mới. Bạn phải mở lòng, giao lưu với hàng xóm, đồng nghiệp… từ đó trở nên năng động và cởi mở hơn.
KHÔNG PHẢI LO NGHĨ VỀ TƯƠNG LAI
Nếu có công việc ổn định, mỗi tháng, bạn phải trích một phần lương không nhỏ để đóng thuế cá nhân. Đến khi nghỉ hưu, bạn sẽ nhận được tiền trợ cấp hàng tháng. Đó là lý do phần đông người dân phương Tây không phải lo tích lũy tài chính phòng khi ốm đau lúc về già, bởi đã có nhà nước lo.
Chẳng may không tìm được việc làm, bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khoản tiền kha khá này vừa đủ cho một người chi tiêu dư dả. Bên cạnh đó, một số nước còn có chế độ nuôi trẻ em đến năm 18 tuổi, bố mẹ không phải băn khoăn về tài chính khi quyết định có em bé. Đến khi con bạn vào đại học, chúng thể hiện tính tự lập bằng cách vay tiền của nhà nước để đóng học phí. Điều này khác hẳn với Việt Nam, khi chi phí nuôi một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi tốt nghiệp đại học là rất lớn.
Khoảng cách giữa hạnh phúc và đau khổ không hề xa như bạn tưởng tượng. Tất cả là do bạn có biết cách làm chủ cuộc sống của mình hay không. Chúc bạn luôn có những quyết định sáng suốt.
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí tháng 9/2017)