Khi làm sếp, bạn luôn có ao ước có được nhiều nhân viên giỏi giang, nhanh nhẹn, có nhiều ý tưởng mới và tinh thần đồng đội để công việc trôi chảy hơn. Thế nhưng, mọi thứ không như ao ước. Ngoài những khó khăn khi làm việc với các đối tác, bạn còn phải chèo chống trước một số nhân viên thuộc hàng “khủng”. Gọi là nhân viên nhưng đôi khi bạn không thể kiểm soát, giao việc hay quản lý họ. Bạn cũng không thể chuyển họ sang phòng ban khác hoặc thậm chí đuổi việc. Có một nhân viên bất trị còn khiến người làm sếp bị stress hơn so với gặp tình huống bất trắc trong công việc. Vậy làm thế nào để đối phó với những nhân viên kiểu này?
LỚN TUỔI, NHIỀU KINH NGHIỆM
Trong số những nhân viên mới, có vài người khá lớn tuổi. Đây chính là những nhân viên khiến bạn e dè vì họ sở hữu rất nhiều kinh nghiệm, các mối quan hệ và biết rõ cách thức làm việc.
Để tận dụng được tất cả những kỹ năng làm việc của nhân viên nhiều kinh nghiệm, mẫn cán này là điều không dễ. Tâm lý nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sẽ khiến họ rất khó chịu khi phải làm cấp dưới một người đáng tuổi em mình. Một số người thậm chí còn tin rằng vị trí của bạn lẽ ra phải thuộc về họ. Tình huống bạn có thể gặp là người đó sẽ tìm cách chứng minh cho mọi người thấy kinh nghiệm của họ hơn hẳn sếp, điều này khiến uy tín của bạn bị suy giảm trong mắt các nhân viên khác.
Giải pháp:
Ngay trong cuộc họp đầu tiên với nhóm của mình, bạn hãy đề cao kinh nghiệm và sự từng trải của nhân viên lớn tuổi. Đừng quên thêm câu: “Cả nhóm chắc chắn sẽ cần đến kinh nghiệm của anh/chị”. Ngoài ra, bạn nên cố gắng hạ thấp giọng khi nói chuyện với những người này để họ không có cảm giác bị ra lệnh. Đừng quá xuống giọng như nhờ vả để vẫn giữ được “uy” của mình. Trong các cuộc vui của cả phòng, bạn có thể lùi về sau để nhường những người này làm chỉ huy. Điều này giúp họ cảm thấy mình có vị trí quan trọng trong nhóm và được sếp đánh giá cao.
SẾP LỚN TUYỂN DỤNG, SẾP NHỎ QUẢN LÝ
Bạn là sếp và trên bạn còn có sếp lớn hơn. Vấn đề là nhân viên của bạn do đích thân sếp lớn tuyển dụng và người đó cho rằng ai tuyển dụng mới là người có quyền lực. Bạn giao cho nhân viên ấy làm việc với một khách hàng và yêu cầu làm theo đúng ý bạn vạch sẵn nhưng đến một ngày bạn phát hiện ra nhân viên này không làm mọi việc như ý ban đầu của bạn. Khi được hỏi người đó trả lời: “Em đã hỏi ý kiến của sếp lớn”. Bạn có cảm giác bất lực, không có giá trị, bị coi thường, tức giận vì bị qua mặt, còn nhân viên kia thì âm thầm sung sướng vì đã qua được mặt sếp, tin rằng mình vừa thể hiện được tài năng, ghi điểm với sếp lớn.
Giải pháp:
Có những vấn đề bạn nên giải quyết tận gốc chứ không phải ở ngọn. Nếu tức giận và yêu cầu nhân viên không được qua mặt bạn, bạn có thể gặp rắc rối vì người kia sẽ lái câu chuyện sang hướng khác khi gặp sếp lớn và chuyện có thể không đi đến đâu. Thay vào đó, hãy tìm cách để sếp lớn nói câu: “Hãy về trao đổi trực tiếp với sếp em”, khi người đó muốn vượt mặt bạn lần nữa. Tạm thời, bạn hãy gác cơn giận dữ qua một bên, chọn thời điểm sếp đang thoải mái để nói chuyện. Nhẹ nhàng cho sếp biết nếu đã tín nhiệm giao công việc thì hãy để bạn xử lý, kể cả các công việc liên quan đến cấp dưới. Nếu sếp thoải mái, bạn có thể cho sếp biết cảm giác của mình khi không biết nhân viên đang làm gì, như thế nào. Chắc chắn sếp sẽ hiểu, thông cảm với những chia sẻ của bạn.
CON ÔNG CHÁU CHA
Bạn nhận được lệnh nhận thêm nhân viên mới. Đó là một cô gái 22 tuổi, xinh đẹp và là con gái của một chủ doanh nghiệp, là bạn của sếp. Ngay ngày đầu tiên xuất hiện, cô gái đã tuyên bố: “Mình đi làm cho vui chứ không cần việc hay cần lương”. Dĩ nhiên, cô gái làm đúng những gì mình nói với phương châm sáng vác ô đi tối vác về.
Giải pháp:
Kiểu nhân viên này nghe có vẻ không có hại nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến bạn. Một khi trong phòng có người không quan tâm đến công việc, vai trò của sếp thì những nhân viên khác cũng có khả năng bị lây, uy tín của bạn rất dễ lung lay.
Bạn hãy cố gắng tìm hiểu bố mẹ của “cậu ấm cô chiêu” này gửi con đi làm với mục đích gì. Nếu sếp bật đèn xanh để bạn yêu cầu cô gái ấy làm việc như tất cả những người khác, không có ngoại lệ, chuyện sẽ đơn giản. Nếu đúng như những gì cô gái nói, bạn có thể từ chối tiếp nhận nhân viên này hoặc xin sếp vạch rõ những công việc cô gái này đảm nhận, công khai trước tất cả nhân viên khác để tránh sự đố kỵ.
DU HỌC NGHĨA LÀ THÔNG MINH HƠN
Tấm bằng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài là lợi thế lớn của người trẻ nhưng có bạn lại xem đó là chứng chỉ của sự thông minh hơn người, hơn hẳn vị sếp chỉ tốt nghiệp đại học trong nước. Kiểu nhân viên này thường làm bạn ngứa mắt với sự ngông nghênh, tỏ vẻ hiểu biết tất cả, đưa ra những vấn đề vĩ mô để chứng tỏ mình hơn hẳn mọi người. Họ cũng đòi hỏi điều kiện làm việc đặc biệt và có những hành động xem thường các nhân viên khác, kể cả sếp.
Giải pháp:
Nhiều công ty hiện nay có chính sách ưu đãi cho những người từng học ở nước ngoài về, điều này khiến họ tự xếp mình vào danh sách nhân sự đặc biệt. Không thể phủ nhận những kiến thức và kỹ năng của những nhân viên này khi họ được đào tạo trong môi trường học tập chuyên nghiệp. Điều quan trọng là bạn phải cầm cương được những “con ngựa bất kham” này để tận dụng kiến thức của họ. Bạn nên có một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn để giúp những người này biết vị trí của họ. Cho họ biết bạn đánh giá cao những kiến thức mà họ có và bạn sẽ hỗ trợ họ hết mình trong công việc để giúp họ phát huy tài năng. Thông thường, người này thường không được lòng những thành viên trong nhóm, bạn hãy cho họ biết ai cũng cần đồng đội nếu muốn bản thân tiến lên phía trước.
NHẤT QUYẾT KHÔNG LÀM THÊM GIỜ
5h chiều, bạn nhận được yêu cầu phải thay đổi một số chi tiết trong hợp đồng ngay lập tức để gửi cho khách hàng vào tối hôm đó. Thế nhưng, nhân viên của bạn thẳng thắn từ chối vì đã hết giờ làm. Về mặt nguyên tắc, từ chối làm việc khi đã hết giờ làm hoàn toàn không sai nếu trong hợp đồng không ghi rõ. Tuy nhiên, nhân viên kiểu này thì khá hiếm và đặc biệt.
Giải pháp:
Chắc chắn nhân viên của bạn đã nắm được lỗ hổng nào đó mới đủ bản lĩnh từ chối việc nán lại làm thêm giờ. Hãy đặt câu hỏi xem liệu bạn có quá dễ tính đến mức nhân viên dễ dàng phản ứng như vậy hay đã từng có tiền lệ như thế mà bạn không xử lý. Sự cứng cỏi, nhiệt tình và gương mẫu của bạn chính là điều nhân viên phải học hỏi. Ngay lúc đó, tạm thời không nên đôi co với nhân viên mà hãy tìm cách xử lý công việc. Ngày mai, khi quay trở lại, bạn cần có một cuộc nói chuyện hoặc nhờ tư vấn của phòng nhân sự, xem xét lại các điều khoản hợp đồng để xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng của công việc.
TRẦN KIM SIÊU, Phó giám đốc VTC, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh:
Tình huống tương tác vượt cấp đôi khi vẫn diễn ra. Tuy nhiên, mỗi khi có chuyện gì, việc đầu tiên tôi làm là tự hỏi tại sao lại có sự vượt cấp này, do khả năng xử lý vấn đề của tôi chưa tốt hay do tôi chưa truyền đạt hết ý cho nhân viên. Tôi thường chọn giải pháp đối thoại trực tiếp để chia sẻ cùng nhân viên đó với mong muốn cho cả hai cơ hội hiểu tại sao lại có cách xử lý như vậy. Tôi cũng sẽ phân tích cho người đó thấy việc vượt cấp sẽ gây ra hậu quả gì. Tất nhiên, tôi sẽ lưu ý với nhân viên đó rằng, tôi không mong chuyện này xảy ra thêm lần nữa, nếu lặp lại, thay vì nói chuyện, tôi sẽ giải quyết bằng các quy định của công ty.