Nận giấy mời thôi nôi con trai cô bạn thân, tôi diện chiếc váy mới, sắm một lô một lốc quà cho thằng bé, chờ đúng giờ… đi ăn tiệc. Đó là một chiều tháng Mười năm ngoái.
Bước vào phòng tiệc, đám bạn gái thời học phổ thông đã có mặt đầy đủ. Hai mươi năm sau khi ra trường, nhiều người trong số họ giờ đã được gọi là đại gia. Xe hơi, nhà lầu, những chuyến đi nước ngoài liên miên với đủ mục đích: làm việc, thăm con học nước ngoài hay đơn giản là đi du lịch, thư giãn xả stress.
Sau các thủ tục chào hỏi, đùa giỡn “ra mắt” như lệ thường, câu chuyện xoay quanh một chủ đề rất quen thuộc lúc bấy giờ: chứng khoán. Một cô bạn cho biết: “Tớ nghỉ việc từ hồi đầu năm”. Hóa ra công việc làm trưởng phòng nhân sự một công ty lớn không còn hấp dẫn với cô nữa. Công việc của cô từ khi nghỉ là sáng sáng cắp cặp lên… sàn chứng khoán.
Với hai tỷ đồng gom góp từ nhiều nguồn khác nhau, cô đổ tất cả vào chứng khoán. Mà lợi nhuận cô làm ra từ chứng khoán nghe cũng hấp dẫn thật. Từ tháng Ba cho đến tháng Mười năm 2007, khoản đầu tư ban đầu của cô đã tăng từ hai tỷ đồng lên tới hơn ba tỷ rưỡi.
Chúng tôi tấm tắc khen cô mát tay. Làm gì cho ra số tiền một tỷ rưỡi trong thời gian ngắn như thế. Cô bảo: “Mà khỏe lắm các cậu ạ. Sáng ra nhàn nhã lo ăn uống cho lũ trẻ và ông chồng. Tám giờ rưỡi sáng mới túc tắc lên sàn. Chín giờ sàn mở cửa”.
Câu chuyện với đám bạn gái cứ thế tiếp diễn. Tôi phát hiện nhiều người trong số họ đã tham gia thị trường chứng khoán từ lâu và làm ra khối lợi nhuận.
Trở về sau cuộc gặp mặt đó, tôi phân vân hoài. Vợ chồng tôi đang có ba tỷ gửi tiết kiệm ngân hàng. Đã vài lần chúng tôi nghĩ đến việc đầu tư số tiền này vào một công việc làm ăn gì đó.
Nghe tôi bàn đến đầu tư vào chứng khoán, chồng tôi phân vân. Anh bảo: “Mình không có kinh nghiệm, sợ bỏ vào rồi mất hết…”. Tôi trấn an anh: “Đám bạn em cũng có kinh nghiệm gì đâu, nhưng tụi nó đã thu được khối lợi nhuận từ sàn rồi đấy”. Để thuyết phục anh thêm, tôi bảo: “Mình chỉ bỏ một nửa số tiền tiết kiệm vào thị trường thôi, còn nửa kia cứ giữ trong sổ tiết kiệm”. Cuối cùng, anh gật đầu.
Hy vọng làm giàu nhờ lướt sóng
Cuối tháng Mười năm 2007, tôi hăm hở lên mở tài khoản đầu tư tại công ty chứng khoán Phương Đông.
Tôi mở đầu một cách hoành tráng với 9.000 cổ phiếu BHS – đường Biên Hòa, giá 54.000 đồng. Một anh bạn, cố vấn không chính thức của tôi, bảo: “Anh mua BHS. Đến tháng Ba năm sau, dứt khoát lên ít nhất 63.000 đồng/cổ phiếu. Có khi còn hơn nữa ấy chứ…”.
Đêm đầu tiên sau khi sở hữu số cổ phiếu, tôi mơ màng nghĩ đến viễn cảnh số tiền ấy nhanh chóng sinh sôi nảy nở.
Những ngày sau đó, tôi tiếp tục mua vào thêm cổ phiếu blue-chip KDC, giá tới 203.000 đồng, sau khi nghe được “tin mật”: Các nhà đầu tư nước ngoài vừa sang tay nhau một số lớn cổ phiếu này. Vài ngày tới, giá sẽ lên dữ lắm.
Cứ thế, tôi mua vào, với niềm tin chắc chắn rằng mình sẽ giàu to chỉ trong vòng vài ngày.
Thế rồi, thị trường chứng khoán bắt đầu suy giảm. Những ngày đầu tháng Mười Một, chỉ số VN-Index bắt đầu tụt dốc không phanh. Từ hơn 1.000 điểm, con số này rớt xuống dưới 1.000, rồi nhanh chóng dưới 900. Mọi người bắt đầu nhốn nháo. Anh chàng cố vấn và tôi bàn nhau: “Vài ngày nữa lại đổi chiều ngay ấy mà!”.
Anh đoán chắc: Năm nào cũng thế, cứ đến tháng Ba sau Tết là chỉ số lại tăng vùn vụt.
Những nạn nhân của sự thiếu hiểu biết
Cho đến mấy ngày trước khi nghỉ Tết, thị trường đã giảm đến mốc quanh 700 điểm. Số tiền một tỷ rưỡi của tôi đầu tư vào thị trường đã mất đến một phần ba. Tôi chặc lưỡi: “Thế nào sau Tết cũng lên”.
Tôi còn thuyết phục ông chồng yêu quý: “Anh, chỉ số đã đến mức thấp nhất rồi, không thể tụt hơn được nữa”. Thế là chúng tôi bỏ thêm một tỷ mua cổ phiếu PET, 63.000 đồng, DPM, 79.000 đồng, và SSI, 265.000 đồng.
Trong những thương vụ mua bán đó, tôi chưa một lần đọc bản phân tích tài sản cố định, chi phí, lợi nhuận của các công ty, cũng chưa một lần hiểu chỉ số P/E, EPS là cái gì. Nghe mọi người thì thào “có tin tốt lắm” là mua. Cũng chẳng biết “tin tốt” ấy là cái gì nữa.
Ra Tết, chỉ số VN-Index tiếp tục tụt dốc. Chẳng hề có cái gọi là “sau Tết thế nào cũng lên” như các “chuyên gia” đã dự đoán. Tôi vội vàng bán hết số cổ phiếu KDC với giá 146.000, mất 57.000 đồng và DPM với giá 53.000 đồng, mất 26.000 đồng một cổ phiếu.
Gặp lại hồi tháng Sáu, cô bạn “tấm gương chứng khoán” của tôi, than vãn: “Tớ hết tiền rồi”. Số tiền tỷ rưỡi cô thu được từ lợi nhuận chứng khoán năm trước đã bay xa cùng với sự tụt giảm của thị trường. Tệ hơn nữa, do thấy làm ra tiền nhanh quá, cô vay ngân hàng thêm một tỷ mua chứng khoán. Lợi nhuận đã chẳng thấy đâu, chỉ lãi trả ngân hàng đủ làm cô méo mặt.
Với vợ chồng tôi, số tiền hai tỷ rưỡi mua chứng khoán giờ giá trị chỉ còn một tỷ. Thấy vợ đau khổ, chồng tôi an ủi: “Thôi, cứ chịu khó chờ, em ạ. Mình còn may vì không vay nợ ngân hàng. Không có số “lướt sóng” thành công như người ta, em hãy coi như mình đầu tư dài hạn đi”.
Tôi đổi chiến lược sang đầu tư dài hạn
Tôi đã hiểu nếu cứ đầu tư kiểu Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy, không có kiến thức, như nhiều nạn nhân khác trên thị trường, tôi sẽ trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ chuyên đi rỉ tai “tin tốt lắm”. Tôi đi học một khóa đào tạo về chứng khoán. Tôi bắt đầu phân tích thị trường một cách nghiêm túc. Bảng cân đối tài sản của các công ty giờ không còn là mật mã trước mắt tôi nữa.
Khi thị trường xuống đến mức dưới 400 điểm vào cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy vừa qua, tôi tự tin mua vào 20.000 cổ phiếu PET với giá 16.300 đồng và DPM với giá 46.600 đồng, khi thấy chỉ số P/E của các cổ phiếu này chỉ còn trên dưới 10.
Khoản tiền đầu tư vào các cổ phiếu này bắt đầu mang lại lợi nhuận cho tôi khi VN-Index liên tục tăng điểm trong thời gian qua. “Không có kiến thức mà cứ đầu tư lan man, bạn chẳng khác gì một con bạc. Càng thua càng say…”
Nhưng tôi không còn ý định “lướt sóng”. Tôi sẽ là một nhà đầu tư lâu dài, nghiêm túc, bởi tôi hiểu tiềm năng của các công ty năng lượng – dầu khí này.
Thị trường chứng khoán đang dần hồi phục. Cùng với nhiều nhà đầu tư khác, chúng tôi trông chờ những tín hiệu xanh mỗi ngày.
Cuộc sống là thế. Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai.
Theo Thế Giới Thanh Nữ – Her World