Cẩm nang khi đi du lịch nước ngoài

Her World đã lên hẳn một danh sách những việc cần làm trước khi đi du lịch nước ngoài giúp bạn hạn chế những phiền toái không đáng có

Hãy tưởng tượng sau chuyến bay dài, bạn nhận phòng khách sạn, tắm rửa. Bạn lôi máy sấy tóc ra thì phát hiện ổ cắm điện ở đây hoàn toàn khác với dây cắm máy sấy tóc. Chưa kể điện thoại đã hết pin trong khi bạn cần check-in trên mạng xã hội và nhắn tin về nhà.

Bạn vô cùng xấu hổ khi nhận ra thẻ tín dụng bị từ chối vì bạn quên báo cho ngân hàng biết trước khi đi nên không thể mua sắm. Vì lý do bảo mật, ngân hàng đã quyết định khóa thẻ của bạn.

Đây chỉ là những chuyện nhỏ nhặt khi bạn ra nước ngoài mà chúng ta có thể tránh được. Vấn đề là bạn cần biết cách chuẩn bị trước. Her World đã lên hẳn một danh sách những việc cần làm trước khi đi du lịch nước ngoài giúp bạn hạn chế những khó chịu không đáng có.

VÀI TUẦN TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG

1. Kiểm tra hạn sử dụng của hộ chiếu: Đa số các quốc gia đều yêu cầu hộ chiếu của khách du lịch phải còn thời hạn ít nhất là 6 tháng sau ngày bạn đi về. Bạn hãy kiểm tra ngày cấp và ngày hết hạn của hộ chiếu để đảm bảo hộ chiếu không bị hết hạn trước khi bạn lên đường về nước.

vi dung giay to khi di du lich

Hộ chiếu du lịch phải còn thời hạn 6 tháng trở lên

2. Kiểm tra y tế và tiêm vaccin nếu cần: Cho bác sĩ biết quốc gia mà bạn đến và hỏi bác sĩ có nên tiêm loại vaccin nào trước khi đi.

3. Tìm hiểu và mua bảo hiểm: Nếu bạn đã mua bảo hiểm, bạn nên kiểm tra xem bảo hiểm đó có bao gồm bảo hiểm sức khỏe khi bạn đến quốc gia đó không. Nếu không, bạn nên tìm hiểu và mua một gói bảo hiểm dành cho chuyến đi. Nó sẽ giúp bảo vệ bản thân bạn trong trường hợp bạn ốm hoặc bị bất cứ thứ gì.

VÀI NGÀY TRƯỚC KHI LÊN ĐƯỜNG

1. Kiểm tra thời tiết: Hãy dành vài phút để kiểm tra tình hình thời tiết nơi bạn đến khi bạn có mặt ở đó. Hãy nhớ kiểm tra theo đúng địa điểm bạn muốn đến vì có thể thời tiết ở cùng một đất nước nhưng sẽ có sự khác nhau. Chẳng hạn thời tiết Hà Nội và TP. HCM khác nhau hoàn toàn vào mùa đông.

2. Chuẩn bị sức khỏe cho cơ thể: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen ăn uống, tập luyện thể thao và đi ngủ đúng giờ sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng say tàu xe, thay đổi thời tiết đột ngột. Vì vậy càng trước ngày đi, bạn càng phải giữ đúng lịch trình ăn uống và tập luyện của mình.

3. Viết danh sách những đồ vật cần chuẩn bị: Bạn tự nhủ đến ngày đi sẽ mang theo cái này hay cái kia nhưng không ghi ra giấy và nguy cơ rất cao là sẽ quên. Hãy lên một danh sách bằng note trên điện thoại hoặc viết ra giấy.

checklist du lich

Bạn nên lên danh sách những vật dụng cần mang theo để tránh bỏ quên

4. Lướt qua tin tức để đảm bảo khách du lịch sẽ được an toàn hay phải lưu ý điều gì nếu bạn du lịch đến những quốc gia đang có rắc rối chính trị.

5. Kiểm tra hạn sử dụng của các loại thẻ ngân hàng: Một cuộc gọi đến ngân hàng để thông báo quốc gia mà bạn sắp đến, thời gian bạn đi du lịch để ngân hàng không lo lắng khi bạn quẹt thẻ.

NHỮNG ĐỒ VẬT KHÔNG THỂ QUÊN

1. Ổ cắm điện, bộ chuyển điện: Rất nhiều quốc gia chỉ sử dụng điện 100V thay vì 220V , ổ cắm điện 3 chấu thay vì hai chấu vì vậy đây là những thứ bạn phải đảm bảo những vật này nằm trong hành lý của mình.

Bo chuyen dien cua mot so quoc gia

Mỗi quốc gia có một dạng ổ cắm điện khác nhau

2. Photo những giấy tờ quan trọng như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bảo hiểm và để một bản ở nhà, một bản mang theo trong người.

3. Túi đựng tiền để trong người. Bạn đừng cho rằng việc lận tiền chỉ dành cho người già. Hãy cất tiền và các giấy tờ thật cẩn thận cho những hành trình dài khi đến những đất nước xa lạ. Chẳng ai biết được điều gì sẽ xảy ra.

Tui dung tien va giay to khi di du lich

Túi đựng tiền quấn bụng rất hữu dụng khi đi xa

4. Quần áo: Tất, đồ lót, áo khoác nhẹ, áo jacket, một đôi giày mặc váy, một đôi giày đi bộ, một bộ quần áo nghiêm túc, quần jeans, áo sơ-mi, đồ bơi: Đây là những trang phục tối thiểu cho một chuyến đi.

5. Dụng cụ cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, dầu gội, dầu xả, dầu tắm, dao cạo, kem chống nắng, dưỡng da, kem chống muỗi.

6. Cho hành trình di chuyển: Để giết thời gian cho những lúc chờ đợi bạn hãy để vào ba lô hay túi xách mang bên mình: headphone nghe nhạc, sách báo, gối chữ U, nước uống, kẹo cao su, nước rửa tay khô.

7. Cho điểm đến: Ba lô, điện thoại, máy ảnh, thẻ nhở mang thêm, sách sử dụng những câu đơn giản của người địa phương, bản đồ, sách hướng dẫn.

8. Tài chính/tài liệu: Ví, thẻ ngân hàng, hộ chiếu, chứng minh nhân dân.

9. Một số thứ khác: thuốc đau bụng, túi ziplock cỡ thường, thẻ gọi điện thoại quốc tế.

BÀI: THOA ĐẬU. ẢNH: TƯ LIỆU

Đừng bỏ qua