Thời trang thế giới ngày càng có nhiều chỗ đứng cho người mẫu châu Á. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nền kinh tế ở các nước châu Á đang ngày càng phát triển. Từ Selfridges (Luân Đôn) đến Fifth Avenue (New York), cảnh người mua sắm Trung Quốc đổ xô đến những cửa hàng thời trang xa xỉ đã trở nên quen thuộc với nhiều người phương Tây. Theo các nhà phân tích thị trường như McKinsey & Company, trọng tâm của thị trường thời trang toàn cầu từ lâu đã chuyển về châu Á, nơi có khả năng tăng trưởng kinh tế vô cùng mạnh mẽ.
Cùng với sự tăng trưởng này là sự gia tăng chi tiêu thời trang đáng kinh ngạc của tầng lớp siêu giàu. Nhờ đó, châu Á – Thái Bình Dương trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất trong ngành kinh doanh thời trang trên thế giới. McKinsey Fashion-Scope dự đoán, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 40% doanh thu hàng may mặc và giày dép toàn cầu vào năm 2018, riêng thị trường online ở châu Á ước tính đạt 1,4 nghìn tỷ đô-la Mỹ vào năm 2020. Đối với Trung Quốc – quốc gia chiếm 1/5 dân số trên thế giới, gần đây đã chiếm hơn ¼ thị trường thời trang cao cấp thế giới, và con số đó vẫn tiếp tục tăng lên. Với sự bùng nổ kinh tế ấy, Trung Quốc là “nguồn thu” chính cho lợi nhuận toàn cầu trong ngành công nghiệp các mặt hàng xa xỉ. Ảnh hưởng của cộng đồng dân cư này lớn đến nỗi, giá cổ phiếu Burberry sụt giảm đầu tháng 2–2017 sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế và cấm quảng cáo các thương hiệu lớn.
Với những người không tin vào con số khổng lồ đó, hãy xem qua The First Monday in May (bộ phim nói về quá trình hình thành nên sự kiện Met Gala mang chủ đề China: Through the Looking Glass). Qua đó, họ có thể thấy toàn cảnh nền kinh tế-văn hóa Á Đông hiện đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền thời trang khủng khiếp tới mức nào. Một lẽ tất nhiên, ngày càng nhiều thương hiệu lớn nhắm đến người mẫu châu Á chỉ để tiếp cận tốt hơn lượng khách hàng tiềm năng. Diễn viên Trung Quốc Lý Băng Băng và ngôi sao Hàn Quốc Gianna Jun lần lượt xuất hiện trong chiến dịch phụ kiện đặc biệt của Gucci năm 2012 và 2015. 2015 cũng là năm L’Oréal Paris sử dụng người đại diện gốc Á đầu tiên, siêu mẫu Park Soo Joo. Thậm chí, Giuseppe Zanotti còn tung ra bộ sưu tập giày đặc biệt hợp tác cùng biểu tượng thời trang G-Dragon.
NGƯỜI MẪU CHÂU Á: THÀNH CÔNG LỚN, TỶ LỆ NHỎ
Có thể thấy, nhờ sự tăng trưởng ồ ạt từ sức mua hàng thời trang cao cấp, người mẫu châu Á dần đạt được chỗ đứng vững chắc trên sàn diễn quốc tế. Nhưng liệu điều ấy có đồng nghĩa rằng: Cán cân sắc đẹp của người mẫu quốc tế đang nghiêng về châu Á, hay người mẫu châu Á ngày càng đạt đến điểm tiệm cận vẻ đẹp tiêu chuẩn của phương Tây? Câu trả lời có lẽ là không. Theo models.com, trong số 100 người mẫu được đánh giá cao nhất trên thế giới, 79% là người da trắng, trong khi chỉ có 14% người da màu và 7% người châu Á hoặc lai. Đó là chưa kể đến vô số vụ “whitewashing” (tẩy trắng) ầm ĩ, sử dụng hình ảnh người da trắng thay thế cho nhân vật hoặc hình ảnh đại diện của người da màu và da vàng. Điển hình như bộ ảnh Karlie Kloss với cách ăn mặc, trang điểm tương tự một geisha trên trang bìa tạp chí, hay những người mẫu da trắng mặc hijab và abaya của Dolce & Gabbana.
Mười mùa mốt vừa qua, các người mẫu da trắng chưa bao giờ chiếm ít hơn 79,4%. Sự chênh lệch lớn này chỉ có thể là kết quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống của ngành công nghiệp thời trang – điều bất lợi cho tất cả các người mẫu không cùng màu da. Năm 2014, Rick Owens từng tạo nên một hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử thời trang, khi sử dụng hầu hết các vũ công người Mỹ gốc Phi để giới thiệu bộ sưu tập Xuân Hè 2014. Các phương tiện truyền thông đã ca ngợi show diễn như một động thái “mạnh mẽ” của Rick Owens, để lật đổ trật tự sắc tộc thống trị của ngành công nghiệp lâu năm. Thế nhưng, thay vì bình thường hóa các khác biệt sắc tộc, ông tô đậm thêm điều ấy bằng các lớp trình diễn theo thứ tự màu sắc từ đen, vàng tới trắng. Quan trọng hơn cả, ông dùng chính người mẫu ngoại cỡ có làn da tối màu và sắc mặt khiêu khích để trình diễn những điệu nhảy hoang dã cho khán giả (hầu hết là phương Tây) thưởng lãm như một chương trình giải trí.
Khách quan mà nói, sự phân biệt chủng tộc trong thời trang không hẳn được thể hiện ở số người mẫu da trắng vượt quá số người mẫu thuộc các chủng tộc khác trên tạp chí hay sàn runway. Vấn đề nằm ở khía cạnh khác, mang tính hệ thống và sâu xa hơn rất nhiều: sự kiểm soát gần như độc quyền của người phương Tây về quan điểm định hình nên cái đẹp. Điều đó thể hiện rõ qua các hình ảnh và sự kiện thời trang. Trong đó, phần lớn các người mẫu da màu thực hiện chức năng như phông nền đa văn hóa, mang đến sự tương phản và khác biệt giữa họ với người mẫu da trắng.
CÁI ĐẸP TRONG THỜI TRANG: THÀNH TRÌ KHÔNG DỄ BỊ ĐÁNH ĐỔ
Mặt khác, người phương Tây không hoàn toàn có lỗi hay chịu trách nhiệm chính về định kiến cái đẹp này. Điều đáng buồn, nhưng rất cần được xem xét nghiêm túc: chính người phương Đông cũng luôn hướng đến tiêu chuẩn về vẻ đẹp Tây phương. Sự ám ảnh của dân chúng Nhật Bản với Miranda Kerr, loạt mỹ phẩm Fair & Lovely bán chạy hàng đầu ở Ấn Độ, hoặc các loại thuốc làm trắng da của Thái Lan. Đó là chưa kể đến hàng loạt cuộc phẫu thuật cắt mí, nâng mũi và thu gọn cằm để sở hữu gương mặt trông Tây hơn, phổ biến đến mức hóa thông thường ở Hàn Quốc.
Tuy vậy, một bộ phận beauty guru và fashionista đến từ châu Á vẫn tạo nên những mảng màu rất riêng mà ngành công nghiệp thời trang, mỹ phẩm luôn cần đến. Chúng ta dễ dàng nhận ra hình ảnh street style của Susie Lau, Aimee Song, Yoyo Cao… trên các trang tin, tạp chí hàng đầu về thời trang; hay Michelle Phan đã chính thức trở thành nghệ sỹ trang điểm trực tuyến đầu tiên của Lancôme và còn hợp tác cùng L’Oréal Paris cho dòng mỹ phẩm EM Cosmetics của riêng mình. Tất cả những nỗ lực của chúng ta ít nhiều đều đạt được tín hiệu khả quan, dẫu biết rằng, sẽ cần rất nhiều thời gian cũng như công sức để thay đổi, hay chí ít là mở rộng tiêu chuẩn ấy nghiêng về người châu Á.
Her World Vietnam (trích đăng trên tạp chí số tháng 2/2018)