” Trông bạn sang trọng… hoặc ít ra bộ vest của bạn làm được điều đó”.
Sau khi bộ phim The Man From U.N.C.L.E ra mắt khán giả, điều được mọi người quan tâm nhiều nhất không phải là cốt truyện điệp viên đấu với điệp viên thời Chiến tranh lạnh hay những pha rượt đuổi ngoạn mục bằng xe hơi thường thấy trong phim hành động mà là trang phục quá bắt mắt của dàn diễn viên.
Không chỉ hai nhân vật nữ trong phim là Alicia Vikander và Elizabeth Debicki mà ngay cả diễn viên nam như Henry Cavill hay Armie Hammer đều thể hiện đẳng cấp trong những bộ cánh chỉn chu, sang trọng và tinh tế đến từng chi tiết. Tất cả là nhờ bàn tay tài hoa của nhà thiết kế phục trang Joanna Johnston, người từng được đề cử giải Oscar cho phim Love Actually và War Horse.
Trước đó, bộ phim The Hunger Games: Catching Fire không chỉ khiến các tín đồ điện ảnh phát sốt mà còn lôi kéo sự chú ý của giới mộ điệu thời trang. Nhà thiết kế Trish Summerville cùng ê-kíp đã làm nên những bộ trang phục tuyệt vời cho nhân vật Katniss, Effie và các cư dân của Panem.
Cô cũng là người đứng sau hình tượng của Lisbeth Salander trong The Girl with the Dragon Tatoo và tủ đồ cho bộ phim Gone Girl.
Sau The Great Gatsby, có lẽ chỉ có The Hunger Games 2 mới gây được hiệu ứng mạnh mẽ như thế. Không cường điệu khi nói phục trang đã góp một phần đẩy doanh thu phòng vé của các bộ phim này lên cao hơn.
Cũng nhờ phục trang mà một bộ phim được nhắc tên nhiều hơn. Breakfast at Tiffany’s là trường hợp điển hình không phải bàn cãi.
Thế giới của người làm trang phục phim
Diễn viên Meryl Streep thừa nhận: “Trong mỗi bộ phim, trang phục là một nửa của cuộc chiến tạo ra nhân vật”, còn đạo diễn Tim Burton khẳng định: “Điều tuyệt vời của phục trang nằm ở chỗ, nó là sự thể hiện bằng hình ảnh của nội tâm con người”. Vậy cũng đã đủ thấy vai trò mấu chốt của công việc tưởng chừng đơn giản này.
Bộ phận thiết kế phục trang phải làm việc từ thời kỳ đầu của quá trình sản xuất một bộ phim. Nhiệm vụ của họ là thiết kế, cắt may, mua, mượn hoặc thuê tất cả trang phục cho các diễn viên chính lẫn phụ. Thử thách nữa là họ phải làm được toàn bộ việc đó trong ngân sách giới hạn và thời gian biểu chặt chẽ.
Họ không những đọc kỹ kịch bản để nắm bắt tính cách từng nhân vật nhằm tạo ra được phục trang phù hợp với từng người mà còn phải đảm bảo màu sắc và phong cách của các nhân vật không bị đối chọi nhau khi xuất hiện trong cùng một cảnh quay cũng như thể hiện được diễn biến tâm trạng của vai diễn. Họ không chỉ làm việc với kịch bản mà còn phải trao đổi với diễn viên, đạo diễn, thiết kế bối cảnh, bộ phận ánh sáng, người quay phim, hóa trang… để trang phục hài hòa với tất cả mọi thứ thuộc về bộ phim.
Trang phục phim bước vào bảo tàng
Khi thời trang dần bước vào bảo tàng như những tác phẩm trưng bày, trang phục phim là một trong những thứ đáng được ở vị trí đó nhất bởi nó gợi về những khoảnh khắc vàng của lịch sử điện ảnh. Người xem có thể nhìn tận mắt, thậm chí là sờ tận tay những món đồ đã làm nên hình tượng nhân vật yêu thích của mình. Với họ, việc xem đi xem lại nhiều lần một bộ phim vẫn chưa đủ để cảm nhận hết về nó.
Không có gì khoa trương khi Bảo tàng Victoria & Albert (London, Anh) nhận định rằng những nhà thiết kế phục trang là người kể chuyện, nhà sử học, nhà bình luận xã hội và nhà nhân loại học. Phim chính là nói về con người và thiết kế phục trang tất nhiên đóng một vai trò trọng yếu trong việc mang những con người này vào cuộc sống.
Họ vinh danh đóng góp của những người làm công việc thầm lặng ở hậu trường tại triển lãm Hollywood Costume hồi cuối năm 2012, đầu 2013. Sự kiện này khắc họa lại quá trình làm việc của các nhà thiết kế phục trang để tạo ra nhân vật từ kịch bản cho tới cảnh phim trong bối cảnh thay đổi về xã hội và công nghệ suốt từ dạng phim câm, phim đen trắng đến phim màu.
Triển lãm cũng mang đến hơn 100 nhân vật đã trở thành biểu tượng của một thế kỷ làm phim ở Hollywood (1912–2012) từ Mademoiselle Amy Jolly (Marlene Dietrich) trong Morocco đến Holly Golightly (Audrey Hepburn) trong Breakfast at Tiffany’s và những nhân vật trong phim giả tưởng, anh hùng trong Harry Potter, Twilight: New Moon đến Spiderman…
Nhà thiết kế sở hữu 8 giải Oscar trang phục phim
Trong số những nhà thiết kế phục trang phim được vinh danh qua các kỳ Oscar, nổi tiếng nhất mọi thời đại không ai khác ngoài Edith Head. Trong sự nghiệp hơn 50 năm của mình, Head đã làm việc với 1.000 phim, chủ yếu là phim của đạo diễn Alfred Hitchcock và nhận được đến 8 giải Oscar cho phục trang phim xuất sắc nhất, con số nhiều hơn thành tích của bất cứ người phụ nữ nào trong lịch sử giải Oscar.
Bà cũng nắm giữ kỷ lục được đề cử với 35 lần trong suốt các năm từ 1949 đến 1978. Mái tóc ngang trán, búi cao, kính mát đồi mồi và những bộ suit hai món (váy/quần và jacket), bà đã trở thành một biểu tượng không thể nhầm lẫn của màn bạc Hollywood thời bấy giờ. Để vinh danh những cống hiến của Edith Head, nhân ngày sinh lần thứ 116 (28–10–2013) của bà, Google đã đổi các doodle theo hình những mẫu sketch nổi tiếng Edith đã vẽ.
Her World Việt Nam
BÀI: TRINH PAK. ẢNH: GETTY IMAGES, REUTERS.