Maximalism – Vẻ đẹp của sự “dư thừa” đã quay trở lại và càng lợi hại hơn

Trang phục với họa tiết sặc sỡ, to bản, hình vẽ đầy màu sắc, nhiều lớp layer đã quay trở lại, tạo nên nhiều bứt phá sau những tháng ngày bị minimalism “chiếm đóng” 

Tháng Giêng năm 2014, chuyên mục thời trang của tờ The Guardian, Anh đưa ra dự báo: “Thời trang tối giản đã chết, maximalism là vạn tuế”. Kể từ năm 2008, khi nền kinh tế thế giới đi xuống, ngành công nghiệp thời trang đã chứng kiến sự lên ngôi của phong cách minimalism. Giờ đây, những tên tuổi đi theo trường phái thời trang tối giản như Céline, Jil Sander cũng bắt đầu rục rịch chuyển hướng. Thay vì những bộ cánh trơn với ba màu cơ bản trắng đen xám, các nhà mốt đã bắt đầu có những thay đổi nhỏ như thêm họa tiết, màu sắc cho bộ trang phục. Rồi chính thức từ mùa xuân hè vừa qua, giới mộ điệu thời trang đã có thể thốt lên: “Maximalism đã chính thức trở lại”.

lv

Louis Vuitton

MAXIMALISM LÀ GÌ?

Bao lâu nay chúng ta đều quen với thông điệp less is more, càng đơn giản càng đẹp. Chủ nghĩa tối giản tìm mọi cách để tiết chế họa tiết, chi tiết, chú trọng tới đường cắt, các cách dựng form dáng trên bộ trang phục. Với hiệu quả ứng dụng cao, mang lại vẻ thanh lịch, không khó để hiểu vì sao trào lưu minimalism lại thu hút được nhiều nhà thiết kế. Đối lập với minimalism – chủ nghĩa tối giản là maximalism – chủ nghĩa tối đa. Mang thông điệp more is more, maximalism trong thời trang chính là “cuộc diễu hành” của sắc màu tươi sáng, những họa tiết lớn và thêm thắt nhiều chi tiết trên bộ trang phục. Moschino, Kenzo, Prada, Dolce & Gabbana hay thậm chí cả Balmain được ví như chốn thiên đường, nơi maximalism tự do tung hoành.

dolce

Dolce & Gabbana

Gucci Fall 2016_004

Gucci

Trên thực tế, maximalism không phải là một khái niệm mới. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra vào năm 2008, sàn diễn thời trang đã tràn ngập những bộ cánh theo phong cách này. Với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, các nhà mốt đã “khôn ngoan” chọn những thiết kế tối giản với suy nghĩ ca ngợi sự tiết kiệm và bớt thể hiện độ phù phiếm cho hợp thời. Dĩ nhiên maximalism không chết, nó chỉ nằm đâu đó trong hàng trăm show diễn, hàng triệu bộ trang phục vẫn được trình diễn mỗi năm và cũng có không ít các tín đồ thời trang vẫn trung thành với phong cách này. Điển hình có thể kể đến blogger thời trang Susie Lau hay Alessandro Michele, giám đốc sáng tạo của Gucci.

street style2

Fahionista Susie Lau

VẺ ĐẸP CỦA SỰ “DƯ THỪA”

Với một nền kinh tế ảm đạm, chưa có dấu hiệu hồi phục, các nhà thiết thời trang dường như đã chán ngán với minimalism. Như bất cứ người làm nghệ thuật nào, chỉ khi được vùng vẫy trong màu sắc, chất liệu, họa tiết…, họ mới thỏa sức sáng tạo. Năm 2013, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, nhà thiết kế Tom Ford đã thừa nhận: “Tôi đã chán ngấy với tối giản”. Tại sao lại cứ phải tối giản trong khi chúng ta đang chán nản với các giá trị kinh tế.

Thời trang từ bao lâu nay vẫn mang một nhiệm vụ cao cả là phản ánh tâm trạng hoặc chí ít cũng tác động đến tâm trạng người mặc và cả người nhìn. Khi chúng ta đang chán, hãy mặc những trang phục có họa tiết vui tươi để “đẩy” tâm trạng. Chính yếu tố sắc màu, rực rỡ, bắt mắt đã mang đến cho maximalism một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của sự tươi vui và truyền cảm hứng.

prada

Prada

Vào mùa xuân hè 2014, giới mộ điệu thời trang đã bắt đầu hạ dần tấm màn của minimalism. Sàn diễn của Céline, nhà thời trang Pháp có Phoebe Philo, người tiên phong trong phong cách minimalism đã bắt đầu có những biến chuyển. Ngay khi bộ trang phục đầu tiên bước ra sàn diễn, cả khán phòng đã ồ lên ngạc nhiên. Khác với những bộ cánh đơn giản từng có, Phoebe Philo đã mang đến mẫu váy xếp pli màu sắc tươi sáng, áo tunic in họa tiết… Những bộ đầm với đường cắt cơ bản đã được thay thế bằng nhiều mẫu kiểu cách hơn cùng họa tiết to bản. Phụ kiện đi kèm là các loại túi xách cỡ lớn với màu sắc tươi sáng. Cũng mùa xuân hè 2014, Prada cũng mang đến bộ sưu tập chứa đựng nhiều màu sắc rực rỡ. Giám đốc sáng tạo của Céline, Phoebe Philo, cho biết cô đã được truyền cảm hứng từ những bức graffiti của Brassaï. Còn Prada thì dường như lấy cảm hứng từ những bức tranh tường trên các con phố. Tiếp đó tại Paris, Karl Lagerfeld lại mang đến cho nhà Chanel một trải nghiệm đầy màu sắc khi ông tạo trình diễn bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc của Wassily Kandinsky.

dolce gabbana

Dolce & Gabbana

Có thể nói, nếu phong cách tối giản đến như một cơn bão với sự tác động của nhiều yếu tố thì sự trở lại của maximalism lại cho chúng ta cảm nhận được sự bứt phá khỏi những giới hạn của những người làm sáng tạo. Jane Shepherdson, giám đốc điều hành của Whistles, cũng từng thừa nhận thời trang thế giới chắc chắn sẽ vui nhộn hơn, trẻ trung và màu sắc hơn để phù hợp với tâm trạng. Khi chúng ta đã quen với những khó khăn kinh tế, chẳng có lý do gì nói rằng chúng ảm đạm.

MAXIMALISM CHỈ DÀNH CHO NHỮNG TÍN ĐỒ SÀNH ĐIỆU

Khi diện một thiết kế mang phong cách tối giản, bạn dễ dàng nhận được sự đánh giá cao. Tuy nhiên với maximalism thì lại khác. Để trở thành tín đồ của phong cách thời trang này thực sự không hề dễ dàng. Blogger Susie Lau của trang Style Bubble đồng ý với quan điểm này khi cho rằng những thiết kế maximalism bắt buộc phải lựa chọn loại chất liệu đắt tiền và rất khó để các nhà thiết kế làm mới. Chưa kể rất nhiều người vẫn sợ khi đụng tay đến những thiết kế maximalism bởi nếu phối không chuẩn, trông bạn sẽ rất buồn cười, thậm chí là lập dị.

thythu va miu

Fashionista Thythu và Miu sành điệu với set đồ được phối theo xu hướng maximalism

Để có được một bộ sưu tập theo đúng phong cách maximalism, các nhà thiết kế buộc phải sử dụng nhiều chất liệu, màu sắc và họa tiết. Thêu, đính, vẽ hoặc in là những phương pháp chủ yếu để tạo nên các họa tiết, khiến cho giá thành của món đồ bị đội lên thêm nhiều lần. Chưa kể với sự sáng tạo vô bờ của của các nhà thiết kế đã cho ra mắt những bộ sưu tập không thể độc đáo hơn. Đó là những chiếc đầm họa tiết 3D của Mary Katrantzou, sandal hiking đính đá của Prada, trang phục họa tiết graffiti của Céline… Tất cả đều có giá thành “bỏng tay” khi chạm đến. Dù maximalism đã quay trở lại nhưng dường như những nhà bán lẻ lẫn các tín đồ thời trang vẫn còn e dè với nó.

chiara ferragni1

Chiara Ferragni đến dự show Fendi Thu Đông tại tuần lễ thời trang Milan

Bạn có thể nhìn vào trang phục trên website bán hàng thời trang nổi tiếng Net-a-Porter, các thiết kế tối giản vẫn chiếm chỗ đứng mạnh mẽ. Phong cách maximalism kén người dùng bởi không chỉ chúng đắt hơn so với thông thường mà trên thực tế, không phải tín đồ thời trang nào cũng đủ bản lĩnh để diện “nguyên cây” maximalism. Việc phối các họa tiết, màu sắc rực rỡ với nhau không chỉ đòi hỏi người mặc phải am hiểu, phải có kiến thức không chỉ về thời trang mà còn về hội họa. Từ đó, họ sẽ biết cách làm bộ trang phục trở nên đẹp hơn trong mắt người nhìn. Chính điều này là yếu tố khó nhất khi theo xu hướng tối đa hóa – maximalism.

fendi

Thiết kế giày bắt mắt của Fendi

Thật khó có thể nhận xét tối giản hay tối đa tốt hơn, khi mà mỗi phong cách đều xác lập được những xu hướng mới trong thiết kế. Tuy nhiên, có thể nói maximalism là xu hướng giúp thể hiện cá tính bản thân rõ rệt nhất. Tối đa không có nghĩa là lộn xộn mà ngược lại, nó là nhiều nhưng tinh tế. Đừng để những rào cản thẩm mỹ hay kinh tế khiến bạn bị bó buộc trong những bộ trang phục tẻ nhạt. Mùa này, maximalism mới chính là thời trang.

Bài: THOA ĐẬU

Her World Việt Nam 

Đừng bỏ qua