Đầu tháng Tư vừa qua, Bảo tàng Nghệ thuật và Thiết kế Victoria và Albert, Anh, đón khách vào tham quan triển lãm The Glamour of Italian Fashion 1945–2014 (tạm dịch là Sự quyến rũ của thời trang Ý). Những người tổ chức triển lãm muốn mang đến cho giới thời trang cái nhìn toàn diện về ngành công nghiệp thời trang Ý từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay thông qua những nhân vật và tổ chức đã có đóng góp nổi bật đưa thời trang Ý thành thương hiệu của kỹ thuật, vật liệu cũng như chuyên môn nổi tiếng thế giới.
Made in Italy, bằng chứng của chất lượng
Tấm ảnh chụp nữ diễn viên Elizabeth Taylor mặc áo khoác màu trắng, cầm túi xách đen, nắm tay chồng là Richard Burton trong bộ vest đen đang băng ngang qua đường ở thành phố Florence vào ngày 14–3–1966 được trưng bày trong triển lãm lần này là một trong những minh chứng của thời kỳ hoàng kim của thời trang Ý.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Ý kiệt quệ về vật chất lẫn tinh thần. Chính phủ nước này phải cầu cứu đến sự viện trợ của Mỹ để khôi phục lại các nhà máy, công xưởng. Nhiều doanh nhân, đặc biệt là những người làm thời trang đã nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh khi thần tốc xây dựng và phát triển lại ngành thời trang. Năm 1951, Giovanni Battista Giorgini đã lần đầu tiên tổ chức trình diễn thời trang và nhận được sự ghi nhận của quốc tế. Những năm sau đó, ông tiếp tục sử dụng Sala Bianca hay White Hall để giới thiệu các bộ sưu tập thời trang. Bằng kỹ thuật may lành nghề và sáng tạo, ngành dệt may cũng như các thiết kế thời trang cao cấp của Ý nhanh chóng được những người yêu thời trang lúc bấy giờ đón nhận, thỏa mãn sự khát khao của mọi người sau nhiều năm sống trong thời chiến. Cụm từ “Made in Italy” trở thành một điều gì đó rất đặc biệt trong thời trang.
Vào những năm thuộc thập niên 1950 và 1960, nhiều đạo diễn Hollywood chọn Ý làm phim trường. Điều này cũng tác động rất lớn đến ngành thời trang Ý. Sự xuất hiện của các ngôi sao Hollywood ở Rome và Florence trong những bộ trang phục tuyệt đẹp đã giúp quảng bá thêm ngành thời trang nước này. Các ngôi sao đến Ý để đóng phim, nghỉ dưỡng và còn để sắm sang những bộ cánh tuyệt đẹp hay những đôi giày chất lượng hàng đầu. Các tay săn ảnh không khó khăn để tìm Audrey Hepburn, cô chẳng ở đâu xa những cửa hàng giày. Các diễn viên đến đất nước Địa Trung Hải này để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật thì ít mà tới các cửa hàng và xưởng làm việc của Gucci, Roberto Cappucci thì nhiều. Những cái tên như Audrey Hepburn và Elizabeth Taylor đã trở thành đại sứ cho phong cách thời trang Ý, thúc đẩy sự thèm khát của những người quan tâm đến thời trang cao cấp sản xuất tại Ý.
Tấm ảnh chụp nhà thiết kế giày huyền thoại Salvatore Ferragamo ngồi trước bộ sưu tập khuôn giày bằng gỗ của các ngôi sao như Rita Hayworth, Sophia Loren, Greta Garbo hay nữ công tước xứ Windsor là minh chứng cho thấy thời trang Ý là sự lựa chọn của các nhân vật nổi tiếng. Mặc những bất ổn về chính trị, thời trang Ý vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Những cửa hiệu nhỏ nhanh chóng phát triển, đầu tư máy móc để công nghiệp hóa thời trang. Các thương hiệu phát triển theo mô hình gia đình trở nên phổ biến. Những cái tên như Simonetta, Pucci, Sorelle Fontana, Valentino, Gucci, Missoni, Giorgio Armani, Dolce & Gabbana, Marni, Fendi, Prada và Versace trở thành tên tuổi quen thuộc của những người giàu có.
Đến thập niên 1970, với chiến dịch Made in Italy, cả nước Ý lao vào chứng minh cho thế giới thấy tất cả những gì làm tại Ý đều trở thành dấu hiệu của phong cách. Lúc đó, thời trang thủ công cũng bắt đầu nhường chỗ cho thời trang sản xuất hàng loạt. Milan cũng trỗi dậy trở thành thủ đô thời trang mới của Ý.
Sự trỗi dậy của những thánh địa thời trang mới
Sau nhiều thập kỷ thống trị thời trang thế giới, những năm gần đây, thời trang Ý đang có dấu hiệu chững lại. Giới thời trang nhận định dường như thời trang Ý đang bước vào thời kỳ đi xuống. Ngoài Paris, London và New York đang ngày càng chứng minh sự năng động của mình.
Trong khi London đang mang đến những nhà thời trang tài năng, trẻ tuổi, Milan lại bị hạ đo ván khi vẫn chỉ có những cái tên quen thuộc. Giorgio Armani năm nay đã bước qua tuổi 79, Roberto Cavalli đã 73 cái xuân xanh, show diễn đầu tiên của Dolce & Gabbana đã cách đây 30 năm. Miuccia Prada có thể là ngoại lệ, nhưng năm nay bà cũng đã bước qua tuổi 64 và bộ sưu tập của Miu Miu được trình diễn ở Paris chứ không phải ở Milan. Những người làm trong ngành thời trang Ý không khỏi lo ngại Milan sẽ không còn là kinh đô thời trang như trước. Đầu năm nay, Miu Miu đã đưa đội ngũ sáng tạo cũng như marketing và truyền thông của hãng chuyển qua Paris để hoạt động lâu dài. Cũng đầu năm nay, như là bằng chứng của cuộc khủng hoảng thế hệ này, Viện Thời trang Ý – Camera Nazionale della Moda Italiana, lần đầu tiên phá bỏ tiền lệ khi bổ nhiệm Jane Reeve, một phụ nữ Anh, về làm CEO. Một trong những lý do khác khiến thời trang Ý bị chững lại chính là quan điểm về thời trang của người Ý. Họ thích những ý tưởng chắc chắn và thường làm theo những gì ban đầu đã định sẵn chứ không muốn thay đổi mọi thứ.
Với người Ý, thời trang phải đúng theo mọi thứ vốn có, màu sắc lẫn chất liệu vải phải hòa hợp với nhau để đặt tất cả các yếu tố trong một tổng thể. Áo sơ-mi với cổ áo nhọn phải được kết hợp với một áo dệt kim chất lượng, đồng hồ lấp lánh nhưng không đắt tiền thì không xứng đáng để kết hợp với một ống tay áo đắt tiền, một đôi giày sáng bóng và mắt kính sáng phải được diện cùng nhau… Những nguyên tắc mang tính chuẩn mực đó đối với người Ý mới gọi là thời trang.
Erika Ghilardi, người giữ hình ảnh tại Foto Locchi archive, nơi lưu trữ ảnh của thành phố Florence, đưa ra giả thuyết: “Văn hóa của người Ý bắt nguồn từ những năm 1930, khi thế hệ ông bà họ luôn phán xét người khác ngay khi người ta bước qua cửa. Người đó giàu hay nghèo không quan trọng mà phải lịch thiệp. Trang phục không cần sang trọng nhưng phải đúng mực”. Những nguyên tắc này đã ăn sâu vào tâm thức người Ý, đặc biệt là thời trang.
Giờ đây, đối với người Ý, phong cách thời trang hàng ngày là một cái gì mang tính luật lệ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy những cô gái Paris mua quần áo, phụ kiện trên phố rồi kết hợp chúng với nhau. Còn ở Ý, mọi người mặc quần áo theo những gì đã định sẵn. Nhiều thế kỷ qua, phong cách thời trang Ý vẫn bị thống trị bởi những phương thức ăn mặc có sẵn. Trong khi đó, nguyên tắc này đã bị phá vỡ từ lâu bởi sự phát triển không ngừng của thời trang và nó không còn hợp thời nữa.
Không thể phủ nhận Ý đã sản sinh ra những tài năng thời trang và hình thức kinh doanh gia đình đã mang đến những đế chế thời trang theo đúng tinh thần Ý. Tuy nhiên, giờ đây những thứ này đã không còn hợp mốt.
Tương lai của thời trang Ý
Không nói ra nhưng những người làm việc trong ngành thời trang Ý hiểu rất rõ khó khăn mà họ đang đối mặt. Điều này được thể hiện rõ khi tỷ lệ sản phẩm Made in Italy xuất hiện ngày càng ít trên thảm đỏ và việc tổ chức triển lãm lần này cũng là một bước để họ nhìn lại mình.
Với sự xuất hiện đầy xông xáo của Jane Reeve, CEO mới của Viện Thời trang Ý, giới chức thời trang Ý đang muốn có sự thay đổi trong phương thức điều hành của cơ quan đứng đầu trong lĩnh vực thời trang, lôi kéo sự chú ý của giới thời trang cũng như người mua khắp thế giới quay lại với họ. Cuối năm ngoái, Giorgio Armani quyết định gia nhập vào Viện Quốc gia Thời trang Ý sau nhiều thập kỷ từ chối với lý do: Khi nào tất cả các nhà thiết kế người Ý có show diễn ở Ý thì ông mới gia nhập. Nhà thiết kế 80 tuổi thừa nhận: “Đã đến lúc phải sắp xếp lại và đây là biểu hiện của sự tận tâm và tin tưởng vào việc hỗ trợ thời trang Ý sau nhiều năm chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của London và New York”.
Tại Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2014 vào tháng Hai vừa qua, Viện Thời trang Ý tổ chức chương trình The New Upcoming Designers, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những nhà thiết kế trẻ của Ý. Jane Reeve cho biết, Ý là lò đào tạo ra rất nhiều nhà thiết kế trẻ. Chúng tôi chỉ cần đưa họ đến giới thiệu với các nhà thời trang và những nhà thiết kế trẻ này sẽ thể hiện hết sức có thể”.
Nhiều năm qua, thời trang Ý hoạt động dưới bóng của các tên tuổi khổng lồ. Tuy nhiên, đã có những trường hợp ngoại lệ như Frida Giannini, nhà thiết kế trẻ của Gucci, Maria Grazia Chiuri và Pierpaolo Piccioli, hai nhà thiết kế của Valentino. Tháng 3 vừa qua, nhà Versace đã thông báo sự góp mặt của nhà thiết kế trẻ người Bỉ, Anthony Vaccarello trong bộ sưu tập cho Versus Versace sắp tới. Trước đó, nhà Versace đã hợp tác với nhà thiết kế Christopher Kane cho dòng sản phẩm này. Còn Moschino lại bổ nhiệm nhà thiết kế người Mỹ, Jeremy Scott, về làm giám đốc sáng tạo vào tháng Mười Hai năm ngoái và Scott đã không phụ lòng nhà Moschino khi ra mắt ấn tượng với bộ sưu tập Thu Đông 2014 vào hồi tháng Hai. Giorgio Armani cho các nhà thiết kế trẻ như Stella Jean được sử dụng miễn phí địa điểm trình diễn thời trang. Stella Jean thừa nhận để phá bỏ được suy nghĩ của mọi người về thời trang Ý cũ, cô phải mang đến thứ gì đó thật độc đáo và đối với cô đó chính là nền tảng văn hóa. Bộ sưu tập của Jean được đánh giá là vượt ra những khuôn khổ vốn có của thời trang Ý khi kết hợp họa tiết bắt mắt cho trang phục mang phong cách nam tính. Đây được xem như sự sắp xếp lại những yếu tố cũ để mang đến một cái nhìn mới.
Còn cả một chặng đường dài phía trước để người Ý một lần nữa chinh phục cả thế giới. Phong cách thời trang Ý đang thay đổi nhưng vẫn chỉ là những thay đổi nhỏ. Những nhà thiết kế trẻ của Ý đang nỗ lực như thế hệ Ferragamo và Gucci đã từng làm cách đây vài chục năm để giành lại vị thế số một trong ngành thời trang. Tuy đã cũ nhưng với nền tảng thời trang đồ sộ mà thế hệ đi trước đã tạo dựng, giới thời trang không chỉ được hưởng thụ các sản phẩm chất lượng cao mà còn hợp mốt và đầy tính sáng tạo hơn nữa bởi người Ý.
Giới thời trang đang chờ đợi sự chuyển mình của thời trang Ý để có những sản phẩm đẹp hơn.
BÀI: THƯ NGUYỄN – ẢNH: AFP, REUTERS, TƯ LIỆU