COCO CHANEL & RITZ – Nhà thiết kế huyền thoại và nơi gọi là “Tổ ấm”

Tại khách sạn Ritz Paris, câu chuyện cuộc đời của Coco Chanel người phụ nữ quyền năng của làng thời trang đã tồn tại và vẫn sẽ tiếp diễn mãi về sau.

Đó là ngày Chủ Nhật, 10 tháng 1 năm 1971, khi Gabrielle Chanel trút hơi thở cuối cùng bên trong căn phòng đôi ở khách sạn Ritz Paris. Từ cửa sổ căn phòng số 304 và 305 trông ra, mảnh vườn nhỏ thuộc khách sạn phía đường Rue Cambon trở nên trầm lắng hơn hẳn. Kể từ giây phút lịch sử ấy cho đến ngày nay, những năm tháng Mademoiselle Chanel trải qua ở Ritz Paris như những thước phim chiếu chậm dần dần được hé lộ.

1. MỐI DUYÊN CỦA COCO CHANEL VỚI KHÁCH SẠN RITZ PARIS

Năm 1910, Gabrielle mở cửa hàng bán mũ đầu tiên của nàng ở số 21 Rue Cambon. Khi ấy, cung điện César Ritz tọa lạc ở Quảng trường Vendôme, xây dựng từ năm 1889, được xem là tòa nhà đẹp nhất thế giới. Khách sạn Ritz Paris – cái tên mang ý nghĩa là sự thanh lịch và xa xỉ, vốn đã chiến thắng mọi trái tim và cái đầu làm nghệ thuật ở châu Âu, tất cả những người yêu cái đẹp thuộc trào lưu “Cafe Society” lúc bấy giờ. Hẳn nhiên, Coco Chanel cũng không là ngoại lệ khi Ritz Paris nằm ngay bên cạnh Rue Cambon, nơi nàng kinh doanh cửa hàng mũ của mình. Đến năm 1918, nhà thiết kế khai trương cửa hàng couture ở số 31 Rue Cambon, đánh dấu sự hiện diện như là một công dân chính thức tại quận 1, giữa nhà thờ La Madeleine, vườn Tuileries và Quảng trường Vendôme.

Coco Chanel tại khách sạn Ritz Paris, nơi đã ghi dấu những khoảnh khắccủa nữ thiết kế tài hoa bậc nhất trong những bộ trang phục kinh điển.

Coco Chanel tại khách sạn Ritz Paris, nơi đã ghi dấu những khoảnh khắc của nữ thiết kế tài hoa bậc nhất trong những bộ trang phục kinh điển.

2. CHỐN ẨN NÁU BÍ MẬT CỦA NHÀ THIẾT KẾ COCO CHANEL

Kể cả khi dọn về số 29 Faubourg Saint-Honoré, Coco Chanel vẫn thường lui tới khách sạn Ritz sau những buổi tiệc thâu đêm, vốn để tránh những phiền nhiễu vào sáng sớm. Tâm tình với phóng viên Marcel Haedrich, nàng bảo: “Mấy người giúp việc đều mệt cả rồi. Cái nhà trông như đống đổ nát và cần phải được dọn dẹp lại. Cho nên tôi trốn đến đây chừng 3 ngày.” Không lâu sau đó, nàng dọn hẳn về làm cư dân thường trú tại khách sạn. Đó là ngày 12 tháng 7 năm 1935.

Gabrielle tự mình trang trí “căn hộ” của mình với những tấm bình phong Coromandel tráng men. Nàng tạm thời dán lên những tấm bình phong mấy  bức vẽ của Jean Cocteau hay Christian Bérard. Ngoài ra, căn hộ còn có một chiếc sofa da lộn màu beige, đèn pha lê, tượng Chúa hành hình và những chiếc hộp quý giá – món quà của Công tước xứ Westminster. Tất cả nhằm tạo nên không gian của “buổi cắm trại xa xỉ” mà nàng ưa thích.

Thần thái của Coco Chanel từ thuở ấy vẫn còn giữ nguyên vẹn qua những bộ sưu tập mới nhất

Thần thái của Coco Chanel từ thuở ấy vẫn còn giữ nguyên vẹn qua những bộ sưu tập mới nhất

Chất vải quen thuộc, những khóa cài mang thương hiệu Coco Chanel vẫn tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch của phái nữ đương đại.

Chất vải quen thuộc, những khóa cài mang thương hiệu Coco Chanel vẫn tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch của phái nữ đương đại.

3. NƠI COCO CHANEL GỌI LÀ “TỔ ẤM”

Chiến tranh nổ ra vào tháng 9 năm 1939. Lúc này, Coco Chanel quyết định đóng cửa cửa hàng couture của mình và lui về phía sau khách sạn ở ẩn khi Ritz Paris bị quân đội Đức chiếm đóng. Giai đoạn này, nàng phân chia thời gian của mình để di chuyển giữa Ritz Paris, căn villa La Pausa ở Riviera và ngôi nhà ở Lausanne, Thụy Sĩ.

Mademoiselle Chanel mở lại cửa hiệu couture vào năm 1954. Nàng trở lại sống tại hai phòng suite nhỏ của khách sạn Ritz – phòng số 247 và 248 (hoặc 287 và 288) trước khi chọn phòng 304 và 305 làm nơi cư ngụ.

Nói về hai căn phòng nhỏ nhưng thoải mái và giản đơn, Gabrielle dí dỏm: “Tôi lẽ ra có thể chọn bất cứ căn phòng đẹp đẽ nào của Ritz. Nhưng tôi lại chọn sống dưới “mái hiên”. Ba “mái hiên” đó, một là để ngủ, một để tán gẫu và một để tắm táp.” Germaine, người hầu hạ nàng sống ở phòng bên cạnh.

Chính nơi này, tại khách sạn Ritz huyền thoại, nơi từng món đồ nhỏ trong phòng đều gợi nhớ đến Coco Chanel, đã được Karl Lagerfeld chọn làm địa điểm trình diễn bộ sưu tập Chanel Thu Đông 1996, Xuân Hè 1997 và bộ sưu tập Métiers d’Art 2016/17

Chính nơi này, tại khách sạn Ritz huyền thoại, nơi từng món đồ nhỏ trong phòng đều gợi nhớ đến Coco Chanel, đã được Karl Lagerfeld chọn làm địa điểm trình diễn bộ sưu tập Chanel Thu Đông 1996, Xuân Hè 1997 và bộ sưu tập Métiers d’Art 2016/17

Chỉ có hai nhiếp ảnh gia, Mark Shaw (vào năm 1957) và Shahrokh Hatami (vào năm 1965) mới có dịp ghi lại những hình ảnh của Chanel trong không khí thân mật ở căn hộ của nàng tại Ritz.

Chính nơi này, những món đồ dù là nhỏ nhất trong căn phòng suite mang tên “Coco Chanel” này, đều gợi nhớ hình ảnh của nhà thiết kế huyền thoại. Để từ đó, Giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld đã chọn Ritz Paris làm địa điểm trình diễn bộ sưu tập Chanel Thu Đông 1996 và Xuân Hè 1997. Tháng 12 năm 2016, Chanel một lần nữa biến khách sạn Ritz thành không gian dành riêng cho bộ sưu tập Métiers d’Art 2016/17 Paris Cosmopolite, làm nức lòng giới mộ điệu

Bộ sưu tập Métiers d’Art 2016/17 Paris Cosmopolite, làm nức lòng giới mộ điệu.

Bộ sưu tập Métiers d’Art 2016/17 Paris Cosmopolite, làm nức lòng giới mộ điệu.

BÀI: QUYÊN BÙI.

ẢNH: COCO CHANEL.

Bài trích đăng từ tạp chí Her World số tháng 6/2017.

 

Đừng bỏ qua