Câu chuyện đằng sau những thiết kế được gắn tag organic của thế giới thời trang

Càng ngày hai chữ Eco Fashion, sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường, càng trở nên quen thuộc. Vậy ý nghĩa thực sự của chúng là gì?

Ngày nay, trong thế giới thời trang, những thuật ngữ như thân thiện với môi trường, hữu cơ và bền vững đang là tuyệt chiêu marketing hiệu quả và dễ lấy được thiện cảm của người tiêu dùng. Thế nhưng để gắn được những dòng chữ này lên sản phẩm, các thương hiệu cao cấp cho đến các nhà mốt bình dân phải trải qua cả một chặng đường dài.

100% COTTON (BÔNG) # ORGANIC

Kể từ năm 2004, ông lớn thời trang H&M đã bắt đầu sử dụng nhãn hữu cơ để gắn lên một số sản phẩm của mình. Thế nhưng đến đầu năm 2010, một số blog chuyên về thời trang eco đã lên tiếng cho rằng những trang phục 100% cotton của H&M không thể dán nhãn là organic. Ngay cả website chuyên về thời trang eco nổi tiếng, Ecouterre cũng xác nhận thông tin này. Thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển sau đó đã thừa nhận một số sản phẩm trong bộ sưu tập được dán nhãn hữu cơ có chứa thành phần làm từ cây bông sử dụng công nghệ biến đổi gen. Câu chuyện của H&M đã biến thương hiệu thời trang này trở thành cái tên được giới truyền thông nhắc đi nhắc lại trong suốt năm 2010 và kéo dài sang tận năm 2011. Có thể nói H&M chính là thương hiệu đi đầu trong phong trào sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường nhưng lùm xùm này đã đặt ra cho người tiêu dùng câu hỏi: “Thế nào mới là thời trang organic?”.

cau chuyen dang sau chiec tag organic2

Thiết kế tartan thanh lịch trong BST Fall 2016 của Calvin Klein

Theo Hiệp hội Thương mại Hữu cơ, cotton là sản phẩm trồng trọt gây hại cho môi trường bậc nhất thế giới. Để trồng được cotton, người nông dân phải sử dụng một lượng thuốc trừ sâu cực lớn và hầu hết các loại thuốc này đều gây hại tới sức khỏe của động vật lẫn con người. Cotton đang chiếm 2.5% diện tích đất trồng trọt nhưng lại tiêu thụ lên đến 25% lượng thuốc trừ sâu đang được sử dụng trên toàn thế giới. Lượng thuốc trừ sâu sử dụng cho các cánh đồng bông nhiều hơn so với bất kỳ với loại hình trồng trọt nào khác.

Hiệp hội này còn cho biết aldicarb, parathion và methamidophos là ba trong số những loại thuốc trừ sâu nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Ba loại thuốc này được xếp trong top 10 sản phẩm thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực trồng bông. Aldicarb, thuốc trừ sâu bán chạy thứ hai cho những cánh đồng bông là chất độc cực nguy hiểm cho con người. Nó có thể giết một người chỉ bằng một giọt thấm qua da. Hiện nay aldicarb vẫn đang được sử dụng tại 25 quốc gia. Tại Mỹ, có 16 bang được báo cáo là có aldicarb trong hệ thống nước ngầm.

Như vậy việc một sản phẩm thời trang có thể tự tin gắn nhãn 100% cotton nhưng không có nghĩa đó là sản phẩm organic. Loại bông được trồng tràn lan với giống bông biến đổi gen hay sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu được xếp vào loại cotton phi hữu cơ. Để đạt được tiêu chí hữu cơ, những cây bông khi trồng phải là giống bông tự nhiên, không bị lai tạp, biến đổi gen và phải tuân thủ một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, không dùng thuốc trừ sâu có hại cho môi trường cũng như các nhân công phải được huấn luyện chặt chẽ. Tiếp đó, quá trình sản xuất cũng có những tiêu chí nhất định như môi trường làm việc cho công nhân may mặc, mức lương và vô vàn những mục tiêu ngặt nghèo khác mà không phải thương hiệu nào cũng có thể đáp ứng ngay lập tức.

cau chuyen dang sau chiec tag organic

Một thiết kế khác trong BST Fall 2016 của Calvin Klein trình diễn tại tuần lễ thời trang New York

LÀM QUEN VỚI THỜI TRANG BỀN VỮNG

Nếu như cụm từ organic fashion chỉ đề cập đến nguồn gốc, xuất xứ của chất liệu thì cao hơn nó là thuật ngữ thời trang bền vững hay thời trang thân thiện với môi trường. Đây là một phần trong sự phát triển của ngành thiết kế và là xu hướng bền vững đang được áp dụng trong nhiều ngành nghề.

Mục tiêu của thời trang bền vững là tạo ra một hệ thống có thể hỗ trợ cho những thuật ngữ như tác động của con người lên môi trường và trách nhiệm xã hội. Nó cũng được xem như xu hướng đối lập hoàn toàn với thời trang nhanh (những món hàng thời trang cao cấp được bán nhanh với giá rẻ, nhưng bù lại chúng sẽ nhanh chóng lỗi mốt) đang phổ biến hiện nay. Theo Earth Pledge, tổ chức phi lợi nhuận cam kết thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển bền vững, hiện nay đang có khoảng 8.000 loại hóa chất được sử dụng trong việc sản xuất những nguyên liệu dệt may mặc và 25% lượng thuốc trừ sâu trên thế giới được sử dụng trong việc trồng bông phi hữu cơ. Điều này không chỉ gây ra những thiệt hại cho con người và môi trường mà còn tạo ra 2/3 lượng khí thải của một sản phẩm may mặc sau khi được mua về. Hiện nay, ngành công nghiệp thời trang là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên toàn thế giới.

cau chuyen dang sau chiec tag organic3

Người mẫu Lily Cole đang ướm thử bộ đầm dạ hội làm từ chai nhựa tái chế – một ý tưởng của Suzy Amis Cameron

Ngược lại với thời trang nhanh, những sản phẩm của thời trang chậm phải đảm bảo chất lượng để kéo dài được tuổi thọ của món đồ. Phát triển ngành may mặc phải đi song hành cùng văn hóa và cảm xúc cũng là mục đích đằng sau của thời trang chậm. Những tín đồ thời trang sẽ giữ chiếc đầm hay chiếc áo hoặc bất cứ sản phẩm thời trang nào lại dùng lâu hơn trong tủ của mình dù qua vài mùa chứ không vứt đi sau khi mùa thời trang kết thúc. Dù cụm từ thời trang bền vững được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng để có thể đáp ứng được những yếu tố này, ngay cả các nhà mốt lớn cũng dè chừng. Chỉ đơn giản đề cập đến tính bền vững của chất liệu may mặc cũng đã là vấn đề lớn. Một vật liệu may mặc được xem là bền vững phải có xuất xứ rõ ràng (loại cây trồng, phương pháp trồng) và khả năng tái sử dụng, quá trình chế biến sợi thô như thế nào để biến thành vải, điều kiện làm việc của người sản xuất ra các loại nguyên liệu đó và tổng lượng khí nhà kính mà vật liệu này sẽ thải ra.

cau chuyen dang sau chiec tag organic5

Cặp vợ chồng James và Suzy Amis Cameron

NỖ LỰC CỦA CÁC ÔNG LỚN THỜI TRANG

Năm 1991, Nike, thương hiệu sản xuất đồ thể thao của Mỹ đã bị đã bị sụt giảm uy tín nặng nề khi bị phanh phui việc để công nhân của nhà máy giày tại Indonesia làm việc trong điều kiện nghèo nàn và trả lương thấp. Không những bị phản đối trên mặt báo, đã có những cuộc biểu tình chỉ trích và nhiều người tiêu dùng tẩy chay những sản phẩm của Nike. Bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, giờ đây thương hiệu đa quốc gia chuyên về đồ thể thao này đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang bền vững. Dù đứng trước những cạnh tranh khốc liệt của thị trường để giảm chi phí và tăng lợi nhuận, Nike vẫn chứng tỏ mình là người tôn trọng môi trường để giành được sự yêu mến của khách hàng không chỉ bởi mẫu mã, chất lượng sản phẩm mà cả cách họ bảo vệ môi trường. Chiến dịch kinh tế có trách nhiệm Patagonia là ví dụ điển hình của một thương hiệu luôn chứng minh cho người tiêu dùng hiểu thế nào là bền vững.

Rất nhiều các thương hiệu thời trang khác cũng đã và đang ý thức được trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Họ bắt đầu có những thay đổi trong quá trình sản xuất cũng như chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường đến khách hàng. Có thể kể đến Levi’s với chiến dịch Care Tag for Our Planet và bộ sưu tập Wellthread. Thậm chí những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Calvin Klein cũng nhập cuộc. Stella McCartney và Puma cũng đang tái xây dựng hình ảnh để trở thành những thương hiệu thời trang bền vững.

cau chuyen dang sau chiec tag organic4

Cuối năm 2014, Stella McCartney, G-Star RAW, Loomstate, Bionic Yarn và nhà máy Saitex đã cùng nhau tham gia Viện đổi mới sản phẩm Cradle to Cradle thuộc chiến dịch Green is the New Black do tạp chí Forbes kêu gọi. Tổ chức này ra đời với hy vọng mang đến một “cuộc cách mạng” thời trang tích cực. Họ đưa ra những sáng kiến, phát minh mới để thúc đẩy, nâng cao chất lượng vật liệu, sản phẩm và quá trình để sản xuất quần áo trong ngành công nghiệp may mặc. Chương trình giúp các doanh nghiệp thời trang đảm bảo năm yếu tố bền vững gồm: nguyên liệu đảm bảo sức khỏe, sử dụng nguyên liệu tái chế, tái tạo năng lượng, quản lý nguồn nước và đảm bảo công bằng xã hội.

Bên cạnh đó cũng có nhiều tổ chức và cá nhân nổi tiếng đang có đóng góp tích cực đến thời trang bền vững. Hiệp hội quốc gia các nhà thiết kế thời trang bền vững là một trong những tổ chức đi đầu trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp thời trang nhằm tạo ra những thay đổi cho xã hội và bảo vệ môi trường. Các nhà thiết kế thời trang bền vững sẽ được cung cấp những điều kiện thuận lợi như giáo dục, huấn luyện và sử dụng các công cụ và nguồn lực để làm việc. Bên cạnh đó bạn hẳn đã từng nghe đến Red Carpet Green Dress, một sáng kiến của Suzy Amis Cameron trưng bày những bộ trang phục bền vững, thân thiện với môi trường được các ngôi sao diện ở lễ trao giải Oscar hàng năm.

VÀ… CHỜ ĐỢI NHỮNG CỐ GẮNG CỦA NGƯỜI YÊU THỜI TRANG

Thật khó để khước từ những chiếc quần jeans chỉ được bán với giá vài trăm ngàn đồng, những món phụ kiện thời trang giá rẻ được bán ở những thương hiệu trung bình. Với một người tiêu dùng thông thường, yếu tố đẹp và rẻ vẫn là hai tiêu chí cơ bản khi chọn một món đồ. Với những ràng buộc khắt khe từ khâu sản xuất vật liệu cho đến việc bán ra cho người dùng, các món đồ thời trang được gắn nhãn organic không chỉ hiếm mà vẫn đang nằm xa tầm với của đa số người tiêu dùng bởi giá thành cao. Ai cũng có cơ hội để chạy theo một mốt nào đó trong thời trang nhưng rất khó để có thể chạy theo xu hướng mặc đồ mà còn phải nghĩ đến yếu tố bảo vệ môi trường hay bền vững. Các thương hiệu thời trang, các nhà thiết kế đã có những nỗ lực riêng dù những nỗ lực này vẫn còn vô cùng ít ỏi trong ngành công nghiệp thời trang. Điều còn lại là chờ đợi những cố gắng của chính các tín đồ thời trang.

Với các nhà thiết kế và người tiêu dùng có trách nhiệm tại Việt Nam, việc muốn gắn nhãn organic lên sản phẩm do mình thiết kế hay mua những sản phẩm sử dụng chất liệu bền vững vẫn là một điều xa xỉ. Vậy nếu chúng ta chưa đủ điều kiện hay không đủ sức để sở hữu những món đồ organic hay sustainable thì hãy bắt đầu từ những việc nhỏ hơn nhưng vẫn được xếp vào việc tiếp cận với cụm từ thời trang bền vững bằng những cách sau: – Giặt quần áo bằng nước lạnh, sau đó phơi khô tự nhiên. – Tái sử dụng quần áo nhiều lần. Đừng mua đồ chỉ để mặc một lần. Bạn cũng có thể quyên góp hoặc bán lại cho các cửa hàng đồ cũ. – Ưu tiên mua quần áo có chất lượng tốt và kiểu thiết kế đơn giản để sử dụng được lâu dài, kết hợp được nhiều loại trang phục. – Sửa lại trang phục để dùng nếu chúng vẫn tốt. – Khi mua quần áo nhớ dành chút thời gian để kiểm tra xuất xứ. Ưu tiên mua những món có xuất xứ tại chỗ vì bạn đã giúp giảm được lượng khí thải xăng dầu khi sản phẩm không phải di chuyển quá xa.

Bài THOA ĐẬU

Her World Việt Nam

Đừng bỏ qua