Bài học từ “biểu tượng thời trang” RIHANNA

Cô ca sỹ đã thay đổi định nghĩa “trang phục thảm đỏ”, chỉ ba năm sau khi được vinh danh “biểu tượng thời trang” bởi Hội đồng thiết kế thời trang Hoa Kỳ

Hiện tại, thật khó để gọi Rihanna là ca sỹ, biểu tượng thời trang hay nhà thiết kế. Từng là một giọng ca cá tính chuộng lối phục trang avant-garde, thì bây giờ đây, cô là ai trong thế giới thời trang rộng lớn này?

Trong đêm tiệc một ngày cuối tháng 5, có một người phụ nữ tỏa sáng trên sân khấu Trường Thiết kế Parsons. Trong bộ suit khaki quá khổ, cô hùng hồn tuyên bố về tương lai của các nhà thiết kế trẻ, về những thử thách đang chờ đợi họ phía trước, và cả tinh thần dũng cảm không khoan nhượng mà họ cần có được. Xuyên suốt bài nói chuyện ấy, người ta nghe thấy không ngớt lời thì thầm đầy ngưỡng mộ: “Quả là con người gợi cảm hứng”; “Phong cách của cô thật tuyệt vời”, hay “Thương hiệu của cô thật đáng ngưỡng mộ”.

Quá nhiều lời khen được thốt ra, tỷ lệ thuận với số cái nhìn hâm mộ hướng về. Ai là người đảm nhận trọng trách đó, để trở thành hình mẫu cho thế hệ nhà thiết kế trẻ tuổi noi theo? Không phải một cựu sinh viên đã tốt nghiệp và thành danh trong nền công nghiệp này. Càng không phải doanh nhân
đã tạo dựng và phát triển thành công một thương hiệu thời trang. Mà đó chính là Rihanna.

Vâng, đó chính là cô ca sỹ/nhà khởi nghiệp đến từ Barbados – người đã tái định nghĩa “trang phục thảm đỏ” chỉ ba năm sau khi được vinh danh “biểu tượng thời trang” bởi Hội đồng thiết kế thời trang Hoa Kỳ. Cô đã ở đó, ngay tại vị trí mà các cựu sinh viên thiết kế như Marc Jacobs, Donna Karan và Jason Wu từng phát biểu. Sự xuất hiện ấy khiến không ít người thầm cảm phục, nhưng cũng đồng thời làm bật lên câu hỏi: Liệu việc biến cô, từ một người nổi tiếng ăn mặc đẹp, sang vị trí của một nhà sáng tạo, người truyền cảm hứng đích thực, có quá nghịch lý? Và chính xác thì bài học thời trang mà Rihanna đã mang lại là gì?

Rihanna nổi bật tại Met Gala 2017

Rihanna nổi bật tại Met Gala 2017

KỶ NGUYÊN THỜI TRANG RIHANNA

Câu chuyện bắt đầu từ 2008, khi Rihanna diện chiếc đầm màu xanh lục bảo trình diễn gây quỹ cho chương trình Raising Malawi. Sáu năm sau, cô tiếp tục làm chao đảo cả sân khấu khi bước lên nhận giải thưởng CFDA. Trong bộ đầm trong suốt của Adam Selman, người phụ nữ nổi loạn có nước da rám nắng ngày nào, giờ đã thu hút hàng nghìn ánh đèn flash. Không chỉ đốt mắt người đối diện, chiếm lĩnh hàng loạt tờ báo, bộ đầm nổi tiếng (và tai tiếng) ấy, như báo trước một thời đại mới: Kỷ nguyên thời trang Rihanna.

Rihanna tại CFDA Awards 2014

Rihanna tại CFDA Awards 2014

Tầm ảnh hưởng thời trang mang tên Rihanna không chỉ dừng lại ở đó. Không lâu sau, cô ký hợp đồng với Puma để trở thành giám đốc sáng tạo của nhãn hàng, đồng thời thiết kế nên dòng sản phẩm riêng của mình (Fenty x Puma). Với sức ảnh hưởng của một trong những ngôi sao ca nhạc hàng đầu thế giới, Fenty x Puma công phá sàn diễn Tuần lễ thời trang New York, và tiếp tục chinh phục những tín đồ khó tính tại Paris. Bước lên mọi dèm pha, gạt bỏ mọi định kiến, Rihanna tiếp tục trở thành giám đốc sáng tạo của Stance Socks, được tôn vinh với giải Footwear News Achievement Awards, và ký hợp đồng với hàng loạt nhãn hàng đẳng cấp thế giới: kính mát với Dior, giày với Manolo Blahnik, cùng trang sức cao cấp với Chopard.

RIHANNA – BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG THẾ HỆ MỚI

Nói đến Rihanna, Burak Cakmak, Hiệu trưởng thời trang tại Parsons không giấu nổi niềm tự hào và cảm phục: “Cô ấy có khả năng rất độc đáo để làm tất cả mọi việc cùng lúc”. Đó không chỉ đơn thuần là sự sáng tạo, mà còn là khả năng làm việc bền bỉ, để thâu tóm hàng loạt thương hiệu toàn cầu, và ký hợp đồng với những con người nổi tiếng khắt khe nhất thế giới thời trang, cùng những điều khoản rất linh hoạt.
Để một người nổi tiếng trở thành nhà thiết kế, từ trước đến nay chỉ có ba công thức:

Thứ nhất: đưa thương hiệu cá nhân thành một khoản lợi nhuận và thu lời, mà Victoria Beckham đã thành công.

Thứ hai: có chiến lược “âm thầm lặng lẽ đứng trước máy may để thu lại sự thành công sau này”.

Và thứ ba: phiên bản mới nhất, là bộ sưu tập pop-up, như Justin Bieber, Lady Gaga và Weeknd vừa mới thực hiện. Trên thực tế, đây chính là phiên bản được nâng cấp, nâng tầm phong cách từ cái gọi là “tour merch” trước đây.
Rihanna không nằm trong bất cứ trường hợp nào tương tự. Cô thực sự nghiêm túc và tỏ ra có tiềm năng, ngay trong chính phong cách của mình.

Rihanna chính là người đã xem danh tiếng như một món đầu tư mạo hiểm, khi quyết định không đi theo đường thẳng. Cô chọn một ngõ khúc khác, quanh co hơn, nhiều rủi ro hơn, để được làm bất cứ thứ gì mình muốn: có chất nhạc, có tính thời trang, và có cả sự chuyên nghiệp. Ở đó, sự nghiệp thời trang của cô phản ánh chất nhạc, và giữa chúng có sự gắn kết với nhau chặt chẽ. Đặc biệt là khi cô thuộc tuýp người rất dễ lấy niềm vui thú từ chính chuyện ăn mặc.

Rihanna tại buổi ra mắt bộ sưu tập Fenty x Puma 2017

Rihanna tại buổi ra mắt bộ sưu tập Fenty x Puma 2017

Nhưng, nhìn từ góc độ khách quan khác, có thể cô chỉ đơn giản thụ hưởng thành quả từ trận chiến được khơi dậy đầu tiên bởi Victoria Beckham – người đã thách thức mọi khó khăn ban đầu – khi là nhân vật nổi tiếng đầu tiên dám nghĩ rằng “bởi vì tôi mặc đẹp, nên tôi cũng có khả năng tạo ra những trang phục đẹp”.

RIHANNA: CUỘC CHƠI THỜI TRANG MỚI CHỈ BẮT ĐẦU

Đối với quan niệm cho rằng cô không được đào tạo bài bản, nhưng ngay lập tức được xem như nhân tố chủ chốt của ngành công nghiệp thời trang hiện hành, ông Cakmak cho biết: “Trong thế giới ngày nay, có cả một studio đằng sau mỗi người bán sản phẩm”. Và bạn cần có cả hai mới có thể thành công.

Trong trường hợp của Rihanna, đó là stylist Mel Ottenberg. Và đối với Puma, lại là tập đoàn Kering, nơi sở hữu cả Gucci và YSL (bên cạnh nhiều nhãn hiệu khác). Sở hữu một cái tên đảm bảo số lượng đông đảo khách hàng, và một cá tính hứa hẹn gây ra nhiều sóng gió, Rihanna là sự lựa chọn hàng đầu để thu hút những yếu tố hậu thuẫn. Các yếu tố ấy tương đương với khối lượng công việc mà cô ca sỹ tài năng được các thương hiệu lớn để mắt và mời hợp tác.

Rihanna quyền lực trong bộ suit trắng tại Billboard Music Awards 2011

Rihanna quyền lực trong bộ suit trắng tại Billboard Music Awards 2011

Rihanna có thể được xem là ví dụ điển hình nhất trong cách mà nền công nghiệp thời trang hiện nay đang vận hành. Nhất là trong khoảnh khắc cô bước lên sân khấu Parsons trong bộ suit khaki quá khổ, do cựu sinh viên trường này thiết kế. Cô chắc chắn đã thành công. Nhưng chặng đường mà cô ghi tên mình vào, sẽ thăng hoa hay bế tắc, hoặc chỉ đơn thuần là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

BÀI: HẢI YẾN.

ẢNH: TƯ LIỆU.

Bài trích đăng từ tạp chí Her World số tháng 7/2017.

Đừng bỏ qua