Xem đua ngựa Palio di Siena

Hàng năm, cứ đến tháng 7, người dân ở Siena, thành phố thuộc xứ Tuscany, Ý lại đổ về quảng trường Piazza del Campo để theo dõi cuộc đua ngựa không yên đã tồn tại nhiều thế kỷ

Nói về thể thao của nước Ý, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến giải bóng đá Serie A đầy kịch tính với những cầu thủ nổi tiếng đẹp trai như Roberto Baggio, Paolo Maldini, Ricardo Kaká… và những tifosi (người hâm mộ) cuồng nhiệt theo đúng nghĩa “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Ít ai biết rằng ở một thành phố nhỏ thanh bình của xứ Tuscany, người dân còn mê mẩn với một môn thể thao khác có từ thời Trung cổ, thu hút hàng nghìn lượt du khách đến theo dõi mỗi năm, reo hò cổ vũ đến rũ người và lạc giọng ở quảng trường Piazza del Campo – “cái rốn méo” của nước Ý. Sức hút mãnh liệt ấy từ Palio di Siena, cuộc thi đua ngựa không dùng yên nổi tiếng của Siena.

CHUẨN BỊ CHO CUỘC ĐUA LỚN NHẤT TRONG NĂM

Palio di Siena vốn là một cuộc thi đua bò (bufalate), sau đó đổi thành đua lừa (asinate) và cuối cùng là đua ngựa không dùng yên. Cuộc đua đầu tiên được tổ chức vào năm 1656 ở quảng trường Piazza del Campo. Hàng năm, cuộc đua ngựa rầm rộ này được tổ chức hai lần, lần thứ nhất vào ngày 2 tháng Bảy và lần thứ hai vào ngày 16 tháng Tám. Khi đến Siena vào tháng Bảy, tôi quyết định nán lại đây hai ngày để hòa vào không khí hào hứng của người dân, khi họ chuẩn bị cho cuộc đua.

truong-dua

Người dân và du khách đổ về đây từ sáng sớm để giành chỗ đứng đẹp

Thành phố Siena được chia làm 17 khu vực, tạm gọi là phường. Mỗi phường mang một cái tên rất ngộ nghĩnh như phường Con Ó, phường Con Sâu, phường Con Cú Nhỏ, phường Ốc Sên, phường Con Ngỗng, phường Cái Tháp, phường Ngọn Sóng…

Mỗi năm, 17 phường sẽ tiến hành chọn ra 10 phường thi đấu palio chính thức. Cách thức phân chia cũng khá đơn giản: 7 phường được chọn sẽ là 7 phường chưa tham gia mùa giải palio của năm trước, 3 phường còn lại được chọn bằng cách bốc thăm. Phường nào được chọn sẽ bắt đầu luyện tập ngày đêm, những con ngựa đua tốt nhất và các tay nài cự phách nhất được luyện tập và ăn uống tẩm bổ theo một chế độ đặc biệt, thậm chí ngựa và nài còn được đức cha ban phép thánh trước mỗi cuộc đua. Có lẽ chỉ có ở Ý người ta mới có sự kết hợp lạ thường giữa đức tin vào Thiên Chúa và sức mạnh của thể thao như thế.

ban-phep-lanh-cho-ngua

Những chú ngựa được các đức cha ban phép thánh trước giờ tham gia cuộc đua

MỌI CON ĐƯỜNG ĐỀU HƯỚNG VỀ PIAZZA DEL CAMPO

Không giống với đại đa số những quảng trường nổi tiếng khác trên thế giới, Piazza del Campo không vuông vức hay tròn mà lại mang hình vỏ sò và hơi dốc theo thế đất. Toàn bộ quảng trường được lát gạch đỏ, xếp theo hình xương cá. Phía “đuôi” của vỏ sò là Fonte Gaia, nghĩa là “suối nguồn hạnh phúc”, một tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc bậc thầy thời Phục hưng, Jacopo della Quercia. Hiện nay, Fonte Gaia được thay thế bằng một bản sao gần như hoàn chỉnh của tác phẩm gốc. Đến ngày đua chính thức, có khoảng 200.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ tụ tập và chen lấn nhau, giành chỗ đứng tốt nhất để xem đua ngựa.

quang-truong

Quảng trường Piazza del Campo nhìn từ trên cao

Chúng tôi đến Siena vào khoảng 10h ngày 1 tháng Bảy, ai cũng mệt nhoài và buồn ngủ khi phải đi từ sáng sớm. Từ bãi đậu xe ở rìa thành phố, tôi đã có thể đoán được độ “nóng” của cuộc đua này thông qua số lượng xe khách khổng lồ cùng vô vàn xe hơi, xe rơ-moóc du lịch và một hàng dài những tài xế người Ý thiếu kiên nhẫn đang bấm kèn inh ỏi phía sau lưng mình.

Từ đây, chúng tôi bắt đầu đi bộ vào trung tâm thành phố. Khắp các cửa hàng lưu niệm, cờ phướn, khăn choàng, băng-rôn của 10 phường tham gia cuộc đua được bày bán la liệt. Các công ty cá cược nhân cơ hội này bày ra đủ trò để dụ dỗ những ai có máu đỏ đen. Tôi có ý muốn mua một chiếc khăn choàng cổ của phường đua để kỷ niệm, nhưng phân vân mãi vì không biết phường nào sẽ giành chiến thắng và cũng không biết cổ động viên của các phường sẽ đứng ở khu vực nào trong quảng trường. Sẽ thật không phải phép nếu tôi chọn cho mình chiếc khăn choàng của phường Con Ngỗng mà lại đứng reo hò cổ động ở khu vực của phường Con Sâu và ngược lại. Mà tôi cũng không thể mua hết 10 chiếc khăn quàng cổ. Sau một hồi đứng ở loay hoay cửa hàng bán đồ lưu niệm, tôi chỉ mua cho mình quả cầu thủy tinh có hình quảng trường Piazza del Campo.

co-cac-nuoc

Cờ của các phường đua treo khắp nơi trong thành phố

CUỘC ĐUA BẮT ĐẦU VÀ ĂN MỪNG CHIẾN THẮNG KIỂU Ý

Ngày 2 tháng Bảy, ngày của cuộc đua đã đến. Từ sáng tinh mơ, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng người cười nói, tiếng reo hò ca hát của tifosi đua ngựa lẫn trong tiếng còi xe liên hồi. 8h sáng, phố phường đã ngập người. Người Ý thì nói về cuộc đua vào chiều tối nay, những món cá cược. Du khách châu Á thì thi nhau chụp ảnh ở một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới. Khách châu Âu lịch thiệp nói chuyện nhỏ nhẹ nhưng nội dung cũng xoay quanh Palio di Siena và các trò đỏ đen. Piazza del Campo hôm ấy như thỏi nam châm, hút 200.000 con người đủ mọi quốc tịch, màu da.

Mùa hè ở châu Âu trời còn sáng rõ đến 21h. Từ 17h–18h, khi cuộc đua sắp bắt đầu, dòng người ùn ùn đổ về quảng trường. Họ bắt đầu tranh giành, cãi cọ, thậm chí là xô xát, họ kèn cựa từng cen-ti-mét cốt để có được chỗ xem đua ngựa tốt nhất. Những tòa nhà có ban-công nhìn ra quảng trường tha hồ hốt bạc nhờ việc bán chỗ ngồi. Tôi nghe loáng thoáng rằng giá một chỗ ngồi đẹp từ ban-công của một khách sạn hạng xoàng vào thời điểm này khoảng 500–1.000 euro (khoảng 14–28 triệu đồng). Gần 19h, trời bắt đầu mưa nhẹ khiến những người đứng trong quảng trường đều lo lắng. May mắn thay, cơn mưa hè chỉ kéo dài trong 5 phút.

le-dieu-hanh-tren-quang-truong

Lễ diễu hành đầy màu sắc trên quảng trường Piazza del Campo

19h30, nghi thức đầu tiên của Palio di Siena bắt đầu. Chiếc xe bò chở cha xứ, các vị chức sắc tôn giáo, thị trưởng cùng những nhân vật quan trọng bắt đầu tiến vào trung tâm quảng trường. Tiếp đó là 10 chú ngựa và 10 nài ngựa, đại diện cho 10 phường đua của năm lần lượt phi nước kiệu đến vạch xuất phát. Quảng trường được quây lại bằng hàng rào thành một vòng tròn rộng. Xung quanh vòng tròn, đội cổ vũ và ban giám khảo ngồi quan sát từ trên cao. Cuộc đua gồm ba vòng chạy quanh quảng trường, ngựa của phường nào về đích trước sẽ chiến thắng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đây là cuộc đua rất nguy hiểm. Vì không dùng yên ngựa để cố định thế ngồi của nài nên khả năng xảy ra chấn thương rất cao. Ở những khúc cua gắt, nếu non tay, nài sẽ làm ngựa bị ngã, kéo theo một loạt ngựa của các phường khác cũng bị vấp. Có khi nài còn bị ngựa đè lên người hoặc nghiêm trọng hơn là kéo lê một quãng đường dài. Tôi nghe kể có trường hợp nài đã được kéo ra khỏi vòng đua an toàn nhưng ngựa vẫn cắm đầu chạy. Những lúc ấy, khách được một phen thót tim vì không ai dám chắc chú ngựa không được cầm cương ấy sẽ không đâm sầm vào hàng rào, gây thương tích cho khán giả.

le-dieu-hanh-truoc-cuoc-dua

Lễ diễu hành trước khi cuộc đua chính thức bắt đầu

Cuộc đua năm ấy, tôi chen chúc ở phường Con Ngỗng. Kỳ diệu thay, phường của chúng tôi chiến thắng. Người dân phường Con Ngỗng ôm chầm lấy nhau, trao nhau những nụ hôn nồng thắm. Những ai đã đặt cược vào chú ngựa của phường này thì vui mừng khôn xiết. Họ bắt tay nhau, phát khóc vì sung sướng. Dù không phải là người dân của phường Con Ngỗng nhưng vì tập trung ở khu vực này nên cũng được nhận rất nhiều baci (nụ hôn trong tiếng Ý) từ những anh chàng Địa Trung Hải. Tôi cảm thấy như mình là một phần của họ. Tôi vui mừng vì chiến thắng của “đội nhà”, hò reo đến lạc giọng và hát bài hát truyền thống của phường Con Ngỗng vừa được học. Có lẽ tôi không phải nói nhiều về cách người Ý ăn mừng chiến thắng. Cứ nhìn vào cách họ ăn mừng trong bóng đá thì biết. 22h ở Siena, tôi theo dòng người đi qua phường Con Ngỗng và tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc. Cả khu phố như vỡ ra trong chiến thắng, trong tiếng cười nói không ngớt, những tiếng ca hát vang trời, trong hương men của vang Ý và cả trong tim của những người đã đến, đã thấy, đã cùng chiến thắng với Palio.

sau-cuoc-dua

Sau cuộc đua, du khách và người dân địa phương cùng ngồi lại ăn tối

tac-gia-bai-viet

Tác giả bài viết (thứ hai từ trái qua) hòa vào bữa tiệc mừng chiến thắng

BÀI: QUINN QUINN. ẢNH: QUINN QUINN, AFP, GETTY IMAGES.

Đừng bỏ qua