Giữa tháng Mười, Hà Nội thường mưa. Những cơn mưa dai dẳng, lúc thưa lúc nhặt do áp thấp nhiệt đới, đem lại cảm giác lo lắng cho người vượt gần 2.000 cây số ra để được ngắm “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ” trong thu Hà Nội là tôi. Lo lắng vì không chỉ Hà Nội thu ướt át, mà còn vì, với thời tiết mưa dầm sùi sụt như thế, liệu chuyến đi Tây Bắc đã dự trù vài tháng trước của tôi có bị phá hỏng không? Bạn tôi, một họa sỹ Hà Nội, trả lời chắc nịch: “Không. Cứ đi”.
MỘT THẾ GIỚI XA XANH TRONG TẦM MẮT
Trong cơn mưa tinh sương, Hà Nội nửa thức nửa ngủ. Không gian se lạnh, bàng bạc một chút sương thu phả đầy trên mặt hồ Gươm khi chúng tôi lên đường. Tôi ngồi gọn lỏn trong lòng “một con xe 4.7” theo cách gọi của các “anh hùng đường đèo” bạn tôi, ngụ ý chỉ loại xe “hàng đầu” này mới xông pha mọi con đường hiểm trở vùng Tây Bắc một cách dễ dàng. Đầu óc còn rất “tinh khiết”, lại đang háo hức nếm mùi núi non và hoàn toàn mù tịt về xe cộ, tôi không quan tâm đến lời bạn nói mà chỉ dán mũi vào cửa kính xe, xuýt xoa ngắm nhìn, bên ngoài là những chiếc xe đạp chở hoa đang trôi ngược về phía sau.
Tôi luôn yêu những chiếc xe đạp chở hoa trên phố phường Hà Nội, chúng có một vẻ đẹp đặc trưng không nơi nào có được. Nhưng cảnh đẹp tuyệt vời ấy tồn tại không lâu, ra khỏi khu vực Hà Nội, mưa bắt đầu nặng hạt và bên ngoài cửa kính xe chỉ còn một không gian màu xám xịt hết sức rầu rĩ. Con đường cao tốc ngập trong màn mưa trắng xóa. Tôi lấy cái mũi ra khỏi kính xe, dựa vào lưng ghế, không biết phải nói gì với bạn đồng hành. Như thấu hiểu nỗi thất vọng ngấm ngầm lẫn ủ ê của tôi về một chuyến đi có thể chỉ ngồi trong xe nhìn ra, người bạn họa sỹ của tôi tủm tỉm cười: “Yên tâm. Tí nữa hết mưa ngay cho xem”.
Từ từ, luồng suy nghĩ có vẻ bi quan của tôi dần tuột xuống theo không gian bên ngoài cửa kính. Trong làn mưa lúc thưa lúc nhặt, những cung đường đèo ngoằn ngoèo, những con dốc cheo leo xuất hiện liên tục. Càng lên cao, màu xanh càng tràn ngập. Màu xanh của mây trời hòa với sắc rừng xanh thẳm thật vô cùng khó tả. Có những vạt rừng cây cao đều tăm tắp khiến tôi bật kêu lên xuýt xoa. Bạn tôi cười ầm trước cảm xúc có phần ngốc nghếch ấy. Vì đó không phải cây rừng mà là bạt ngàn nương chè, nơi có những gốc chè (trà) cổ thụ danh tiếng, tuổi thọ mấy trăm năm.
Chúng tôi đã đi gần 200km từ Hà Nội, qua khỏi huyện Văn Chấn, Nghĩa Lộ và ngày càng gần thị xã Suối Giàng Nằm ở độ cao 1.300–1.400m, Suối Giàng như một thế giới ẩn hiện trong mây, với các bản H’ Mông cheo leo bên sườn núi. Thật tuyệt khi chúng tôi đến ngã ba rẽ vào thị trấn, mưa đột ngột tạnh. Và nắng lên. Cả bọn hớn hở xuống xe hít thở khí trời, nhân tiện cho tôi cơ hội xóa mù hiểu biết. Nơi chúng tôi dừng chân là lối đi vào bản văn hóa Pang Cáng, có 100% người H’Mông sinh sống, là nơi được xem là điểm khám phá du lịch của dân “phượt”. Chúng tôi không vào bản mà tạt vào một căn nhà trên dốc cao để xin vài ly chè nóng. Hóa ra đó là nhà của phó công an xã. Anh đang đi học nghiệp vụ dưới Hà Nội. Người vợ H’Mông xinh đẹp của anh đon đả pha nước chè mời chúng tôi, không quên “chào hàng” món đặc sản chè Suối Giàng nhà làm. Tôi không uống được nước chè nên thơ thẩn ra ngoài sân và vui sướng ngồi dưới một gốc chè “khủng”.
Nếu không được cho biết trước đó, tôi không thể nghĩ ra đây là cây chè. Thân cây cao hơn hai mét, gốc xù xì khoảng một vòng ôm, tỏa bóng mát rượi trong tiết nắng hanh ngột ngạt của núi đồi. Suối Giàng với những đồi chè xanh ngút mắt, những ngôi nhà thấp thoáng trên sườn núi, dưới lũng sâu, những người đàn bà dân tộc trong trang phục rực rỡ giữ chân cả bọn hết vài giờ vnđồng hồ. Cho đến khi bên kia núi, mây đen lại kéo đến và trời lại lác đác mưa, chúng tôi rời Suối Giàng để quay về thị trấn Nghĩa Lộ tìm chỗ nghỉ đêm.
TÔI MUỐN KÊU LÊN MÀ QUÁ NGẠT…
Bảy giờ sáng, Nghĩa Lộ vẫn mưa. Chúng tôi ngồi trong một quán phở ở thị trấn, vừa ăn vừa đoán thời tiết ở Mù Cang Chải. Bạn họa sỹ giả vờ vân vê râu để che nụ cười khi nghe tôi than thở: “Trời ơi, tạnh mưa giùm đi. Con sắp xếp cả năm mới đi chơi được chuyến này đấy trời”. Anh Cường tài xế ngước mắt nhìn bầu trời xám xịt, bảo: “Mưa kiểu này thì đến Mù Cang Chải cũng khó mà lên núi được. Đường sình lầy lắm”. Tôi cạn hết mọi hưng phấn, ngồi ỉu xìu trong xe, nghĩ chả lẽ mình vô duyên đến thế với ruộng bậc thang? Lòng đầy âu sầu, tôi cứ dán mũi nhìn qua cửa kính xe. Rồi bất chợt mưa lui dần và nắng lên nhanh, cứ thế lập đi lập lại trước mắt tôi. Bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc cứ biến chuyển hoài trong mưa nắng khiến lòng tôi phấn chấn trở lại.
Suốt con đường đèo dốc quanh co hơn 40km từ Nghĩa Lộ, chúng tôi đi qua Văn Chấn và rồi Tú Lệ. Những thửa ruộng xanh rờn rồi vàng óng, trĩu nặng lúa thơm nối tiếp nhau trải dài trước mắt. Thế rồi, đèo Khau Phạ trứ danh xuất hiện. Con đường đèo hiểm trở dài hơn 30km, một bên là thung lũng, một bên là núi cao, những khúc quanh giật cánh khuỷu đem lại cho tôi cảm giác vừa hào hứng vừa lo sợ. Giữa đèo có một khoảng rộng dôi ra, hình như người địa phương cố tình làm để các xe qua lại có chỗ nghỉ xả hơi. Một đàn dê đang lững thững gặm những bụi hoa mắc cỡ đầy gai góc. Trông chúng chẳng có vẻ gì là sợ con người, mặc kệ cho chúng tôi tới lui ngắm cảnh và chụp ảnh, chúng cứ lững thững đi. Phía dưới kia là cánh đồng Lìm Mông và thung lũng Cao Phạ, nơi tôi nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang như kéo lên tận cổng trời.
Vô số mảng xanh đậm nhạt khác nhau chen với những ô vàng cũng đậm nhạt khác nhau, màu của lúa non, lúa đến thì, lúa chín làm tôi mê mải, không nỡ dời chân. Cho đến khi bạn tôi giục: “Đi thôi. Mù Cang Chải trước mặt rồi”. Nắng rực rỡ, nắng hoàn hảo và hớn hở như tâm trạng của tôi khi xe đến cầu Ba Nhà, thuộc xã La Pán Tẩn, một trong ba xã có ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải. Ôi, quả là trời chiều lòng người. Cả khu vực khô ráo, tươi xanh mơn mởn. Rất nhiều xe honda ôm đang túc trực ở khu vực này, chờ chở khách “lên núi”. Tôi háo hức đến nỗi trèo ngay lên lưng một con ngựa sắt mà chủ của nó chỉ khoảng hai mươi tuổi. Phía trước là con đường đất đỏ, vô số đá gan gà. Cậu trai bảo: “Cô ngồi sát vào lưng cháu nhé”. Đến lúc ấy, tôi mới nhìn lên con dốc cheo leo, ngoằn ngoèo, thẳng đứng phía xa xa…
Đó là một “hành trình vượt dốc” sợ chết khiếp trên chiếc Honda ôm với vị trí kẻ ngồi phía sau khi phi lên dốc. Chỉ cần một giây yếu tay lái là chắc chắn “lộn cổ xuống đèo” ngay lập tức. Nhiều xe trước mặt tôi đã khuỵu ngã hoặc ngã lăn kềnh, lăn lông dốc xuống dốc theo hiệu ứng domino. Mặc dù tay lái của cậu bé tài xế khá vững như cậu khoe: “Cháu chở Tây to đùng vẫn chạy ngon, cô ạ”, tôi vẫn van xin lẫn quát tháo để cậu thả tôi xuống, leo bộ. Leo bộ tuy mệt nhưng máy ảnh của tôi thu tóm được rất nhiều khuôn hình lạ và đẹp. Tôi lò dò vào nhà của người dân tộc H’Mông lẫn Mường để trò chuyện và phơi phới chui cả vào những gian nuôi gia súc của họ tham quan “xem con lợn Mường khác con lợn Mán ở chỗ nào”, như lời bạn tôi trêu. Cảm giác vui sướng giống như một đứa trẻ được đi chơi hội lần đầu.
Thế rồi, trên đỉnh dốc, tôi đứng lặng trong vô vàn cảm xúc. Choáng ngợp. Hạnh phúc. Muốn dang tay giữa trời mà hét. Muốn khóc… Cuối cùng thì tôi đã ở đây, đã thỏa mãn ước mong bao năm tháng của mình. Và chiếc máy ảnh trong tay tôi như kẻ đói ăn, cố ghi nhận vào đó những hình ảnh tuyệt vời của bức tranh thiên nhiên đẹp vô cùng tận. Không một ngôn ngữ nào có thể lột tả được cảnh sắc ở nơi này. Chỉ có thể kêu lên câu nói của Pierre Emmanual: “Vì sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?”.
THÔNG TIN CHO BẠN
– Bạn có thể tìm thấy Tour Mù Cang Chải ở bất cứ đơn vị du lịch nào trong nước.
– Nên phối hợp tour ít nhất 4 ngày để ghé các địa danh Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Tú Lệ và Mộc Châu.
– Tại các nơi này đều có đặc sản vùng miền, bạn chớ bỏ qua.
Bài: PHẠM THỊ NGỌC LIÊN
Ảnh: PHẠM THỊ NGỌC LIÊN, LÊ MINH HÒA
Her World Việt Nam